Việt Nam, quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới rơi vào tâm bão COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng may mặc của thế giới.
Quý 3.2021, công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư và Thương mại Thành Công nhận tin tốt từ đối tác: các cửa hiệu thời trang ở Mỹ gỡ bỏ phong tỏa do COVID-19 và đang ráo riết nhập hàng cho mùa tiêu thụ nhộn nhịp nhất trong năm là tựu trường và Giáng sinh. Nhưng cách Mỹ nửa vòng trái đất, sau cánh cổng kiểm soát ra vào chặt chẽ của nhà máy Thành Công tại quận Tân Phú, lãnh đạo công ty như ngồi trên đống lửa vì chỉ có 1.800 lao động trong tổng số 4.400 lao động có thể làm việc giãn cách “ba tại chỗ” theo quy định phòng chống dịch của chính phủ. Dù hoạt động hai ca trong ngày, họ vẫn không thể đáp ứng nổi các đơn hàng đã ký.
Thành Công dù sao vẫn còn may mắn vì nằm trong số một phần ba doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể duy trì hoạt động, theo khảo sát của trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động. Hai phần ba còn lại buộc phải ngừng hoạt động do đợt dịch thứ tư bùng phát tấn công vào các khu công nghiệp miền Nam, nơi tập trung nhiều nhà máy dệt may nhất cả nước. Đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), hơn 36% cũng ngừng hoạt động. Dưới tác động của đợt dịch này, các mắt xích trong chuỗi cung ứng dệt may bị đứt gãy, từ nguồn cung nguyên phụ liệu đến lao động sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Tình hình đứt gãy tại Việt Nam, quốc gia sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới đã tác động tiêu cực lên chuỗi cung toàn cầu, phản ứng dây chuyền lên các hãng thời trang thế giới. Tháng 8.2021, trong một cuộc họp với cổ đông công ty, CEO của Adidas, ông Kasper Rorsted dành thời gian chia sẻ về tình hình hoạt động của các nhà máy sản xuất cho Adidas.
CEO hãng thời trang lớn thứ hai thế giới đề cập COVID-19 bùng phát tại Đông Nam Á đã làm gián đoạn chuỗi cung hàng hóa của họ. Trong đó, Việt Nam cung ứng một phần năm tổng lượng quần áo cho Adidas bị ảnh hưởng nặng nề nhất khiến hàng hóa của Adidas từ Việt Nam tới các kho hàng toàn cầu bị đứt gãy từ giữa tháng bảy, thời điểm chính phủ Việt Nam yêu cầu đóng cửa các nhà máy quy mô lớn để chống dịch.
Trong khi đó, đối thủ của Adidas, hãng trang phục thể thao lớn nhất thế giới Nike cũng gặp tình trạng tương tự. CEO hãng Nike, ông John Donahoe chia sẻ, từ giữa tháng 7.2021, một nửa số nhà máy cung ứng hàng may mặc cho Nike tại Việt Nam đóng cửa.
“Chúng tôi đã mất 10 tuần sản xuất và còn tiếp tục mất nữa cho tới khi các nhà máy có thể trở lại công suất bình thường,” ông nói. Việt Nam chiếm số lượng hàng may mặc lớn nhất cho Nike với tỉ trọng 30% trong năm 2021, buộc Nike phải hạ kế hoạch tăng trưởng doanh thu trong năm tới từ hai con số xuống còn một con số. “Điều này tạo ra một lượng hàng tồn kho đã được đặt để giao từ giữa tháng mười,” ông nói thêm.
Không phải ngẫu nhiên mà trong ba tháng liên tiếp từ tháng bảy đến tháng chín, từ các lãnh đạo cấp cao của Gap, New Balance, Nike, Under Armour, Adidas, ASICS đến nhà bán lẻ như Amazon đều lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ đẩy mạnh cung cấp vaccine cho Việt Nam.
Trong email mới nhất hồi tháng chín gửi lên tổng thống Joe Biden, hiệp hội Kinh doanh đồ thể thao của Mỹ (SFIA) đại diện cho hơn ngàn thương hiệu, nhà bán lẻ, nhà sản xuất đồ thể thao bày tỏ lo ngại nếu không có vaccine tiêm cho công nhân Việt Nam thì các nhà máy của họ khó thể trở lại sản xuất. Kết quả, các công ty thời trang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền.
“Ngành công nghiệp của chúng tôi chưa bao giờ trải qua sự gián đoạn toàn cầu và sự chênh lệch giá cả ở mức độ như thế này,” ông Tom Cove, chủ tịch SFIA nói.
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng dệt may diễn ra trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam là “ngôi sao đang lên” đối với các nhà mua hàng toàn cầu. Sau gần 15 năm gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007, ngành dệt may Việt Nam dần trở thành công xưởng sản xuất của thế giới với lợi thế về chi phí nhân công và trình độ tay nghề cao.
Năm 2020 chứng kiến bước thăng hạng đáng chú ý của Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp dệt may thế giới, Việt Nam vượt Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai, sau Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 4,5 lần so với thời điểm gia nhập WTO, đạt 35 tỉ đô la Mỹ, dệt may cũng là mặt hàng mang về ngoại tệ nhiều thứ ba cho đất nước.
Năm ngoái, Việt Nam lần đầu chiếm trên 20% thị phần hàng may mặc vào Hoa Kỳ nhờ các hãng chuyển đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng của cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung. Tỉ trọng hàng từ Việt Nam tiếp tục tăng lên nhờ thuế suất hấp dẫn từ hàng loạt hiệp định thương mại mới Việt Nam ký kết.
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư tác động mạnh nhất vào các khu công nghiệp ở miền Nam, trở thành cơn bão chặn đà tiến của ngành dệt may Việt Nam, nhất là trước mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm của châu Âu và Mỹ. CNBC dự báo nhu cầu hàng may mặc mùa Giáng sinh ở Mỹ sẽ tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Quý 2.2021, sau khi gỡ bỏ phong tỏa, Adidas đã tăng nhập khẩu hàng lên 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, EU cũng tăng thêm 6,7%, theo McKinsey.
Ngược lại, trong tâm dịch, quý 3.2021, các nhà máy dệt may miền Nam chỉ duy trì được khoảng 10-30% số lao động làm việc, theo hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Miền Bắc và miền Trung dù khả quan hơn nhưng cũng chỉ có 70-80% lao động làm việc vì một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Ông Cao Hữu Hiếu, tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), doanh nghiệp dệt may trong nước có quy mô lớn nhất chia sẻ, trong ba tháng đình trệ sản xuất, 30% lao động, tương ứng 45 ngàn người thuộc công ty phải nghỉ việc. Tháng 8.2021 kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước giảm gần 16% so với tháng bảy và tháng chín tiếp tục giảm 9,2% so với tháng tám, theo VITAS.
Trong quý 3.2021, để duy trì sản xuất, Thành Công thực hiện phương án “ba tại chỗ”, bố trí các tòa văn phòng và xưởng may không sản xuất làm chỗ ngủ qua đêm cho công nhân. Công ty chuẩn bị phòng khám đa khoa với khoảng 60 y bác sĩ để giúp phòng dịch và xét nghiệm COVID-19. Họ dành chi phí xét nghiệm cho công nhân hai lần/tuần, thành lập tổ COVID-19 để ứng phó các tình huống.
Mô hình “ba tại chỗ” làm phát sinh chi phí lớn với doanh nghiệp. Theo ước tính của VITAS, chi phí vận hành mô hình này gồm phụ cấp, ăn ở và xét nghiệm cho công nhân đội lên trung bình 2,2 triệu đồng/công nhân/tuần – gần bằng mức lương của mỗi công nhân.
Bà Đỗ Quỳnh Chi, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động tính toán, chi phí phát sinh này tại doanh nghiệp có khoảng ngàn công nhân đã lên đến 2,2 tỉ đồng mỗi tuần. “Mức chi phí vô cùng cao, chiếm hơn 20% chi phí vận hành của doanh nghiệp,” bà Chi nhận xét.
Chi phí nhiều nhưng năng suất giảm khiến kết quả kinh doanh của Thành Công chịu lỗ trong hai tháng 8 và 9.2021 dù đơn hàng đã ký đến hết quý 1.2022. Thành Công từng là câu chuyện thoát bão COVID-19 thành công hồi năm ngoái khi linh hoạt chuyển sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế, nhưng họ không thoát được cơn bão COVID-19 năm 2021.
Trong khi đó tại tổng công ty May Nhà Bè, khó khăn không chỉ dừng ở việc thiếu hụt lao động mà còn nguồn cung nguyên phụ liệu do các đối tác thêu, dệt, nhuộm, giặt cũng ngưng hoạt động. Ngoài ra, công ty còn bị gián đoạn hoạt động xuất khẩu khi cước phí vận tải biển tăng cao, nguồn container rỗng khan hiếm.
Khảo sát của trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động, do đứt gãy sản xuất, 21% nhãn hàng chủ động hủy và không buộc doanh nghiệp đền vi phạm hợp đồng nhưng có 12,2% nhãn hàng hủy đơn hàng và doanh nghiệp phải đền bù, 68,1% nhà mua hàng phạt doanh nghiệp giao hàng chậm.
Theo báo cáo xuất khẩu Việt Nam 2020, xuất khẩu của khối FDI đạt 20,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm xấp xỉ 59% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước. Nhưng thách thức cũng đang bủa vây các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Ankiti Bose, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Zilingo, nhà cung cấp thời trang cho các thương hiệu lớn bán trên Amazon và Shopify, chia sẻ với CNBC rằng quý 3.2021, ngành dệt may Việt Nam “sụp đổ” trước cơn bão COVID-19. Số ca nhiễm tăng và tỉ lệ tiêm chủng thấp khiến một số nhà máy sản xuất quần áo và giày dép phải đóng cửa.
“Đó là thời điểm thực sự không tốt cho Việt Nam,” bà nói với CNBC.
“Chúng tôi đã không lường trước được,” CEO của Nike, John Donahoe nói về thời gian vận chuyển ngày càng tồi tệ và việc đóng cửa các nhà máy tại Việt Nam và Indonesia. Theo ông, trước đại dịch, mất 40 ngày để chuyển hàng từ châu Á sang các kho của Nike tại Bắc Mỹ. Hiện nay, do thiếu container, thiếu lao động, thời gian vận chuyển mất đến 80 ngày.
“Mất nhiều tuần sản xuất kết hợp với thời gian vận chuyển dài hơn dẫn đến tình trạng thiếu hàng tồn kho ngắn hạn trên thị trường trong vài quý tới,” CEO Nike cho biết. Để ứng phó tình thế, Nike thậm chí dùng đến máy bay để vận chuyển, đồng thời chuyển một phần đơn hàng sản xuất ra khỏi Việt Nam sang Indonesia và Trung Quốc.
Đầu tháng 10.2021, các biện pháp giãn cách xã hội nới lỏng, các nhà máy dệt may dần khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, tâm lý lo sợ lây nhiễm cùng đời sống khó khăn khiến hàng triệu người lao động rời bỏ TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai về quê.
“Chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung – cầu bên ngoài mà do chính trong nước,” ông Trương Văn Cẩm, tổng thư ký VITAS chia sẻ. Trong đó, khan hiếm lao động là nguyên nhân chính. Liệu các nhà mua hàng có quay lưng sau những gián đoạn vừa rồi?
Bất chấp các gãy đổ nói trên, CEO Kasper Rorsted của Adidas cho rằng, sự gián đoạn là tạm thời. Adidas đã chủ động giảm thiểu tác động từ việc các nhà máy ở Việt Nam ngừng hoạt động trong quý ba bằng cách phân bổ sản xuất sang các khu vực khác cho kịp mùa tiêu thụ cuối năm. Họ cũng tận dụng mối quan hệ tốt với các nhà cung ứng nguyên liệu để đảm bảo năng lực sản xuất thay cho Việt Nam.
“Chúng tôi thực hiện các giải pháp thận trọng, xác định đâu là biện pháp thích hợp nên làm bây giờ để không gây tác động đến năm sau. Dĩ nhiên, nó phụ thuộc vào dịch bệnh kéo dài bao lâu, chuyện gì xảy ra khi chuyển đơn hàng từ quốc gia A đến quốc gia B, nếu COVID-19 lại xuất hiện ở quốc gia B?,” ông phân tích.
Dù chưa đến 10% nhà cung cấp của Zilingo nằm tại Việt Nam, nhưng hãng cho rằng, Việt Nam chuyên về sợi tổng hợp, loại vật liệu khó tìm ở nơi khác, khiến dệt may trở thành một cơ sở quan trọng. Còn Nike cho rằng, Việt Nam có thể mất vài tháng để quay lại công suất cũ.
“Nếu phục hồi khoảng 90% lao động tại các đơn vị phía Nam thì năm 2022, Vinatex có khả năng đạt doanh thu ngang mức năm 2019,” ông Lê Tiến Trường, chủ tịch Vinatex chia sẻ trong hội thảo trực tuyến về Dự báo tình hình dệt may năm 2022 hồi đầu tháng 10.
Theo ông Trương Văn Cẩm, đại dịch cũng khiến các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn và quyết tâm giải quyết những vấn đề ngành dệt may đang gặp phải. Cụ thể, nếu chỉ phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu cũng như một số thị trường tiêu thụ, rủi ro sẽ rất lớn khi có biến động. Do đó, các doanh nghiệp tìm cách nâng tỉ lệ chủ động nguồn cung để tránh phụ thuộc và hưởng lợi từ các hiệp định thương mại.
Thứ hai, đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may sẽ phải có giải pháp căn cơ để giữ người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Đặc biệt, trong điều kiện lao động ngày càng khan hiếm, việc đầu tư đổi mới công nghệ và chuyển đổi số là tất yếu. Cuối cùng, theo ông Cẩm, các doanh nghiệp cần xây dựng lòng tin và đảm bảo hài hòa lợi ích với các đối tác, người lao động và các nhãn hàng là chìa khóa để chung tay vượt đại dịch.
Theo Forbes Việt Nam số 99, tháng 11.2021, chuyên đề “Đổi mới chuỗi cung ứng”
3 năm trước
Sản lượng thép của Hòa Phát tăng 70%2 năm trước
Số ca tử vong do COVID-19 ở Đài Loan cao kỷ lục