Cuộc chiến do Hoa Kỳ dẫn dắt tại Afghanistan có thể là động lực lớn nhất thúc đẩy bước tiến mới của loại hình chiến tranh bằng máy bay không người lái (drone)
Xét về mặt lịch sử, cuộc chiến do Hoa Kỳ dẫn dắt tại Afghanistan có thể là động lực lớn nhất thúc đẩy bước tiến mới của loại hình chiến tranh bằng máy bay không người lái (drone).
Năm 2000, Không quân Hoa Kỳ và CIA không có máy bay vũ trang không người lái. Cuối năm 2001, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trở thành phương án tác chiến quan trọng chống lại al-Qaeda tại Afghanistan. Kể từ đó, các hoạt động bay không người lái phát triển bùng nổ và được quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong nhiều cuộc chiến khác. Máy bay không người lái cỡ lớn bắt đầu được chuyển sang hình thức chiến đấu truyền thống hơn, và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh trên bộ. Điều này sẽ không xảy ra nếu không có Afghanistan.
Vấn đề không chỉ là về công nghệ. Những chiếc máy bay không người lái thô sơ từng xuất hiện trong Thế chiến thứ nhất. Trong Thế chiến thứ hai, Hải quân Hoa Kỳ chỉ huy đơn vị máy bay không người lái tấn công STAG-1 ném bom thành công một số mục tiêu của Nhật Bản. Máy bay không người lái cũng đã xuất hiện ở Hàn Quốc và Việt Nam, nhưng nhiều lần bị gạt sang một bên và loại bỏ nhằm ưu tiên cho máy bay có người lái.
Thập niên 1970, máy bay không người lái được trang bị các loại vũ khí dẫn đường mới và cho thấy khả năng chống lại các mục tiêu mặt đất, nhưng vẫn không ai quan tâm. Chỉ trong những điều kiện cụ thể tại Afghanistan, máy bay không người lái mới bắt đầu được chú ý.
Khuyết điểm của máy bay không người lái là không có khả năng nhận định tình huống như máy bay có người lái vì người điều khiển từ xa không thể quan sát xung quanh để nhận biết những gì đang diễn ra. Vì thế, chúng trở nên vụng về, thiếu cơ động và dễ gặp sự cố khi hạ cánh. Các sĩ quan cấp cao – nhiều người trong số họ từng là phi công chiến đấu – có xu hướng tập trung vào những thiếu sót của máy bay không người lái hơn là tiềm năng của chúng.
Cuộc chiến ở Afghanistan đã thay đổi điều đó. Máy bay không người lái Predator xuất hiện từ cuộc xung đột ở Nam Tư cũ vào thập niên 1990. Về cơ bản, đây là chiếc tàu lượn không người lái có trang bị động cơ. Predator có thể bay lượn trên một khu vực trong 20 giờ, liên tục cung cấp hình ảnh khu vực bên dưới với các cảm biến ngày và đêm có độ phân giải cao, cực kỳ hữu dụng khi quan sát các ngôi làng và trại huấn luyện, theo dõi các đoàn xe và phát hiện các cuộc tụ tập của quân nổi dậy. Kết hợp với thông tin tình báo mặt đất, máy bay không người lái đã giúp xác định và định vị ‘các mục tiêu cực kỳ đáng giá’ – thủ lĩnh của quân nổi dậy.
Tuy nhiên, sau khi mất ít nhất nửa giờ để điều động máy bay chiến đấu tiếp cận mục tiêu, có thể người đó đã biến mất. Vì thế, trang bị vũ khí cho Predator là bước tiến hiển nhiên, dù việc lắp đặt một tên lửa lớn vào chiếc máy bay không người lái nhỏ, mỏng manh là một thách thức. Cánh máy bay được gia cố và nhiều cuộc thử nghiệm chứng minh được cánh bằng vật liệu composite có thể chịu được sức nóng dữ dội tại thời điểm phóng tên lửa.
Lần phóng tên lửa Hellfire đầu tiên từ Predator vào tháng 10.2001 thất bại hoàn toàn. Sau cuộc tấn công tiêu diệt được chỉ huy quân sự Mohammed Atef của al-Qaida, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái càng ngày càng hiệu quả hơn. Phi đội ban đầu gồm 16 Predator trinh sát của Không quân nhanh chóng được mở rộng, và một số Predator vừa tấn công vừa trinh sát với góc nhìn 360 độ đã được chế tạo, trước khi Không quân Hoa Kỳ ngừng sử dụng chúng vào tháng 3.2018.
Vai trò này hiện do Predator 2 đảm nhận, hay còn được gọi là MQ-9 Reaper, một loại máy bay lớn hơn, nhanh hơn và trang bị vũ khí mạnh hơn. Reaper có thể mang theo tám quả bom dẫn đường bằng laser nặng hơn 226 kg, trong khi đó, Predator chỉ mang được hai tên lửa Hellfire.
Cuộc chiến bằng máy bay không người lái gây nhiều tranh cãi, với rất nhiều tuyên bố về thương vong của dân thường và người vô tội bị xác định nhầm là quân nổi dậy. Bản chất “từ xa” của chiến tranh bằng máy bay không người lái, không ai trên mặt đất xác nhận tình huống thật, là vấn đề vẫn tồn tại thực sự và không có dấu hiệu cải thiện sau 20 năm tấn công bằng máy bay không người lái. Rủi ro thấp về chính trị của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có thể khiến chúng trở nên hấp dẫn – đặc biệt là sau thất bại rõ ràng của quyết định đưa binh lính tới Afghanistan – nhưng ngược lại, vẫn có những lo ngại nghiêm trọng về nhân quyền.
Cuộc chiến tại Afghanistan, và sau đó là Iraq và các nơi khác, thúc đẩy sự phát triển của loại hình chiến tranh bằng máy bay không người lái. Chúng là lựa chọn duy nhất khi cần quan sát từ bầu trời. Nếu cuộc xung đột kết thúc chỉ sau một vài năm, máy bay không người lái có thể lại bị gạt sang một bên. Nhưng nhu cầu vẫn tiếp diễn giúp công nghệ máy bay không người lái được phát triển và nâng cấp với các cảm biến mới và nhiều khả năng khác, ví dụ theo dõi và xác định thông tin liên lạc điện thoại di động, xác định thiết bị cầm tay. Xung đột giúp công nghệ máy bay không người lái phát triển hơn rất nhiều, đáng tin cậy hơn và đã chứng minh được hiệu quả hoạt động so với trước đây.
Máy bay không người lái cỡ lớn đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông, nhưng về lâu dài, các máy bay không người lái nhỏ hơn có thể có nhiều tác động hơn.
RQ-11 Raven là máy bay không người lái chạy bằng pin, được phóng bằng tay, nặng khoảng 1,8 kg, tương tự máy bay mô hình điều khiển bằng sóng vô tuyến. Ban đầu, lực lượng Đặc nhiệm sử dụng nó để hỗ trợ trinh sát trên không cho binh sĩ dưới mặt đất. Các binh sĩ nhanh chóng nhận ra giá trị của nó trong việc bảo vệ khu vực, hộ tống các đoàn xe và tuần tra, chỉ điểm cho pháo binh và trinh sát các vị trí có thể có quân địch. Hàng nghìn chiếc được cấp cho quân đội Hoa Kỳ, giúp Raven trở thành loại máy bay không người lái phổ biến nhất.
Những người điều khiển Raven cũng từng nhận diện được đối thủ nhưng không thể tấn công. Một giải pháp xuất hiện vào cuối thập niên 2000 dưới dạng SwitchBlade. AeroVironment là nhà sản xuất – hãng cũng sản xuất Raven và sử dụng nhiều công nghệ tương tự – đây là một máy bay không người lái cảm tử phóng bằng ống phóng với một đầu đạn nổ nhỏ. Các đơn vị đặc nhiệm vẫn là lực lượng đầu tiên sử dụng SwitchBlade, và khả năng tấn công âm thầm với độ chính xác cực cao từ cách xa hàng dặm đã đưa thiết bị lên một đẳng cấp khác.
Có lẽ những chiếc máy bay không người lái như vậy vẫn có thể được phát triển mà không cần sự thúc đẩy từ cuộc chiến ở Afghanistan. Tuy nhiên, cuộc chiến Afghanistan là chất xúc tác biến chúng thành hiện thực.
Đồng thời, quân nổi dậy cũng bắt đầu sử dụng máy bay không người lái của riêng họ, biến đổi máy bay không người lái dân dụng thành máy bay ném bom, thả lựu đạn. ISIS là tổ chức tiên phong sử dụng chiến thuật này ở Iraq năm 2016, và đến cuối năm 2020, Taliban cũng đã sử dụng các máy bay tấn công không người lái cải tiến; tờ New York Times mô tả đây là “sự thay đổi đáng lo ngại.” Một lần nữa, chiến thuật như thế này lại xuất hiện do cuộc chiến kéo dài.
Cuộc chiến Afghanistan có thể được ghi nhận trong lịch sử với vai trò thúc đẩy cuộc chiến máy bay không người lái thực sự đầu tiên. Mọi cuộc chiến trong tương lai đều có khả năng trở thành cuộc chiến bằng máy bay không người lái, với máy bay không người lái và các phương tiện mặt đất đóng vai trò ngày càng lớn trong các cuộc xung đột. Và trong các cuộc chiến tranh tương lai, thậm chí trong cả các cuộc nổi dậy, sẽ có máy bay không người lái của cả hai bên.
Biên dịch: Quỳnh Anh