Các tập đoàn thịt lớn đang đầu tư vào startup và các doanh nghiệp mới để phát triển thịt nhân tạo, dẫn đến lo ngại về tính độc quyền trong ngành mới này.
Nhận thức về tổng lượng phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp thịt được nâng cao, thúc đẩy nhu cầu đối với thực phẩm có lượng khí thải phát ra thấp trong quá trình sản xuất. Nhưng trong báo cáo mới được công bố trong ngày 7.4, chuyên gia cảnh báo những người hưởng lợi từ sự phát triển thị trường protein thay thế chủ yếu vẫn sẽ là các tập đoàn thịt lớn.
Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) được công bố vào đầu tuần trước dự kiến lượng thịt tiêu thụ sẽ tăng 14% vào năm 2029, đồng thời kêu gọi hành động giúp tăng cường tính bền vững của hệ thống lương thực hiện tại. Ấn phẩm mới nhất của ủy ban đề cập đến sự phát triển các sản phẩm thay thế protein bền vững, bao gồm thịt và cá nhân tạo.
Nhưng trong báo cáo The Politics of Protein, nhóm chuyên gia độc lập quốc tế về hệ thống thực phẩm bền vững của International Panel of Experts on Sustainable Food Systems (IPES-Food) tin công nghệ để phát triển thịt nhân tạo, thực phẩm thay thế có nguồn gốc từ thực vật và nuôi cá sẽ không góp phần lớn giúp giảm mức tác động tiêu cực lên khí hậu, ngược lại các tập đoàn lớn vẫn duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường.
Hệ thống lương thực đóng góp 25% lượng phát thải khí nhà kính, 70% lượng khí thải ra do sản xuất nước ngọt và thói quen sử dụng đất tạo nên 50% lượng phát thải khí, trong đó chăn nuôi gia súc là nguyên nhân chính tạo nên kết quả trên. Sản xuất thịt không chỉ ảnh hưởng đến môi trường: xung đột về đất đai đang gia tăng, một phần là do sản xuất thịt công nghiệp.
Hiện đang có nhiều mối quan tâm về tìm kiếm các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện tại cũng như tương lai theo cách bền vững, đạo đức hơn. Thế hệ doanh nhân mới bắt đầu tận dụng khoa học, công nghệ lẫn đổi mới sáng tạo áp dụng vào lĩnh vực thực phẩm, nhằm hướng tới tương lai thực phẩm bền vững và lành mạnh hơn.
Mặc dù thịt nhân tạo chưa thể được thương mại hóa do các hạn chế pháp lý nhưng tiềm năng phát triển ‘thịt sạch’ sẽ thu hút khoản đầu tư lớn. Theo báo cáo, các startup và công ty mới trong lĩnh vực sản xuất protein thay thế thu hút đầu tư từ những công ty thịt khổng lồ như Cargill, Tyson và JBS, cũng như các công ty kinh doanh nông nghiệp khác như nhà sản xuất sữa Nestlé và công ty hóa chất nông nghiệp Sumitomo.
Chuyên gia của IPES-Food gợi ý khoản đầu tư và thương vụ mua lại sẽ giúp các tập đoàn tiếp tục thống trị hệ thống thực phẩm, tác động đến tương lai phát triển protein thay thế, chứ không phải thực phẩm.
Các nhóm chuyên gia cũng thắc mắc về tuyên bố của các công ty sẽ giảm tác động đến khí hậu. Nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm ít tốn tài nguyên hơn như sử dụng nước hoặc đất. Các phương pháp sản xuất thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể giúp kiểm soát sản xuất thực phẩm dễ dàng hơn, do đó giảm lãng phí thực phẩm.
Nhưng do hiện tại thị trường thịt nhân tạo vẫn chỉ phát triển ở giai đoạn đầu nên con số về tác động khí hậu do ngành công nghiệp thịt gây ra vẫn chưa phản ánh hết tình trạng thực tế.
Các tác động môi trường khác như cường độ sử dụng năng lượng thường không được những người trong ngành đề cập đến: “Trong nhiều trường hợp, chuyển sang sử dụng thịt giả sẽ khiến các vấn đề liên quan đến hệ thống thực phẩm công nghiệp trở nên tệ hơn vì phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, độc canh công nghiệp, ô nhiễm, điều kiện làm việc kém, chế độ ăn không lành mạnh và sự kiểm soát từ các tập đoàn lớn,” Philip Howard, tác giả chính của báo cáo cho biết.
Điều này trước đó được đề cập trong nghiên cứu tương tự do tổ chức môi trường Friends of The Earth thực hiện vào năm 2021, cảnh báo về những phát triển như vậy: “Thay vì mong đợi giải pháp từ những người gây ô nhiễm vì lợi nhuận, chúng ta cần phân phối lại sức mạnh trong chuỗi thức ăn, giảm số lượng động vật nuôi công nghiệp trên thế giới, đẩy mạnh thị trường nội địa cũng như khuyến khích chuyển đổi chủ quyền lương thực,” Annelies Schorpion, chuyên gia nông nghiệp và thực phẩm tại Friends of The Earth Europe, cho biết.
Nhìn chung, các tổ chức tin ngành công nghiệp này sẽ không làm cho hệ thống trở nên công bằng hơn. Ngược lại, họ yêu cầu các nhà hoạch định chính sách áp dụng chính sách lương thực toàn diện hơn để có thể chuyển hướng các nguồn lực công lẫn tư từ các doanh nghiệp lớn đến lợi ích công cộng, đồng thời tính đến các chỉ số bền vững rộng rãi hơn.
Viện Good Food Institute (GFI), tổ chức phi lợi nhuận khuyến khích sử dụng protein thay thế không hoàn toàn đồng ý với đánh giá của các chuyên gia về thịt nhân tạo và thực phẩm có nguồn gốc thực vật, nhưng có chung mối quan tâm về các vấn đề chính sách: “Báo cáo khuyến nghị đúng khi yêu cầu các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện cách tiếp cận toàn diện để chuyển đổi hệ thống lương thực.
Để đảm bảo đầy đủ lợi ích tiềm năng của những loại thực phẩm này, chính phủ phải tài trợ cho nghiên cứu được tiếp cận rộng rãi để dân chủ hóa kiến thức và mở cửa thị trường cho các nhà sản xuất ở mọi cấp độ – giống như họ đã xây dựng chính sách cho năng lượng tái tạo,” Alex Holst, nhà quản lý chính sách cấp cao của GFI cho biết.
Biên dịch: Gia Nhi
5 tháng trước