Thay vì tham gia việc kinh doanh của gia đình trong tập đoàn Hyundai, Chung Kyungsun quyết định trở thành nhà đầu tư tạo tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
Có thể dễ dàng gia nhập vào một trong những tập đoàn gia đình (Chaebol) lớn nhất Hàn Quốc như những người họ hàng khác khi tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại đại học Columbia, nhưng Chung Kyungsun – cháu nội của cố nhà sáng lập Hyundai Chung Ju-yung quyết định trở thành một nhà đầu tư tạo tác động sau khi tìm hiểu về biến đổi khí hậu.
Cuối tháng 9.2022, siêu bão Ian đổ bộ vào khu vực phía tây nam bang Florida khiến hơn 100 người thiệt mạng và làm sập khoảng 18.000 căn nhà. Theo ước tính từ công ty phân tích thiên tai Karen Clark & Co., Ian là cơn bão “gây tốn kém” nhất lịch sử bang Florida với thiệt hại kinh tế gần 63 tỉ USD.
Những trận thiên tai như vậy là lý do để thành viên gia tộc Hyundai, Chung Kyungsun tập trung vào biến đổi khí hậu, yếu tố khiến sức tàn phá của các cơn bão cũng như thảm họa khác ngày càng dữ dội, và bước trên con đường trở thành nhà đầu tư tạo tác động.
Trong phiên phỏng vấn bên lề hội nghị Forbes Global CEO diễn ra tại Singapore, Chung Kyungsun, 36 tuổi, chia sẻ: “Khoảng thời gian theo học tại trường kinh doanh là lần đầu tiên tôi nhìn thấy rất nhiều dữ liệu ghi nhận về biến đổi khí hậu. Khi nhìn vào những dữ liệu này, tôi cảm thấy lo lắng vì điều đó trước hết sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi và bảo hiểm có thể trở thành lĩnh vực đầu tiên bị xóa sổ do biến đổi khí hậu.” Tại hội nghị, Chung nói về các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và tính bền vững.
Chung lấy ví dụ từ thảm họa cháy rừng năm 2018 ở California, sự cố hỏa hoạn tàn phá nặng nề nhất lịch sử tiểu bang này khiến công ty bảo hiểm địa phương Merced Property & Casualty phá sản do phải chi trả các khoản bồi thường liên quan đến sự kiện này.
Do vậy, ngành bảo hiểm sụp đổ cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của Chung, khi người cha của anh Chung Mong-yoon, 67 tuổi, là chủ tịch công ty bảo hiểm Hyundai Marine & Fire Insurance. Ông Chung Mong-yoon là con thứ trong gia đình có 8 người con trai của nhà sáng lập tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung.
“Đó là tín hiệu cho thấy tôi cần phải chủ động hơn nữa trong việc đầu tư tạo tác động,” Chung Kyungsun nhắc lại sự kiện Merced Property & Casualty phá sản.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh (M.B.A.) tại đại học Columbia, năm 2019, Chung cùng người bạn Scott Jeun đồng sáng lập Sylvan Group – công ty vốn sở hữu tư nhân đặt tại Singapore tập trung vào các khoản đầu tư tạo ra tác động tích cực về mặt xã hội và môi trường, cũng như mang lại lợi nhuận.
Sylvan Group đã nhận khoản đầu tư 200 triệu USD từ gia đình của Chung Kyungsun, gia tộc Rockefeller, United Overseas Bank (UBO) của tỉ phú Singapore Wee Cho Yaw và Hanwha Life Insurance, bên cạnh những cái tên khác. Nay, Chung tập trung đầu tư vào các công ty có thể đưa ra sáng kiến chống biến đổi khí hậu.
Thương vụ đầu tư đầu tiên của Chung Kyungsun diễn ra vào tháng 2.2022, mặc dù đây không hoàn toàn về biến đổi khí hậu. Khi đó, Sylvan Group đã đầu tư tổng cộng 140,5 triệu USD để trở thành cổ đông đa số của bốn công ty tại Singapore hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, gồm Artemis Health Ventures, DX Imaging, Juniper Biologics và Juniper Therapeutics.
“Toàn bộ mọi thứ như đan xen vào nhau, khi bạn không thể thúc đẩy hành động vì biến đổi khí hậu nếu không có sự đồng thuận từ mọi người. Bạn không thể đạt được bước tiến gì khi họ không cảm thấy hạnh phúc về học vấn, chăm sóc sức khỏe, nhà cửa và mọi thứ,” Chung chia sẻ.
Chung có nhiều năm hoạt động trong các tổ chức phi lợi nhuận. Năm 2012, anh thành lập tổ chức phi lợi nhuận Root Impact tại Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nhân xã hội, những người hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội, như cung cấp văn phòng làm việc. Anh cũng tham gia ban lãnh đạo của Rockefeller Philanthropy Advisors, một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới.
Chung Kyungsun cho biết mình được truyền cảm hứng từ ông nội, người đã dạy anh rằng những người giàu có cần phải đóng góp cho xã hội. Vào năm 1977, nhà sáng lập Hyundai Chung Ju-yung, sinh ra tại tỉnh Tongchon (nay thuộc Triều Tiên), thành lập Asan Foundation tập trung vào xây dựng bệnh viện và trung tâm nghiên cứu y khoa, trao tặng học bổng và hỗ trợ các tổ chức từ thiện địa phương.
Năm 1998, ông Chung Ju-yung đã dùng 50 chiếc xe tải để vận chuyển 500 con bò làm quà tặng cho người dân Triều Tiên khi ấy đang chịu cảnh thiếu lương thực.
“Bạn không thể thúc đẩy hành động vì biến đổi khí hậu nếu không có sự đồng thuận từ mọi người,”
Chung Kyungsun, nhà đồng sáng lập và giám đốc quản lý của Sylvan Group
Chung Kyungsun cũng tập trung vào xu hướng tạo lợi nhuận từ quá trình từ bỏ toàn cầu hóa đã được định hình trong hơn 3 thập kỷ qua. “Từ COVID-19, tách rời tương quan và các nền kinh tế đảo ngược toàn cầu hóa đến cuộc chiến quân sự tại Ukraine cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không còn giữ sự ổn định. Do vậy, một vài thứ sẽ trở nên đắt đỏ hơn và nằm trong số đó là những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm” Chung cho biết.
Đơn cử như đầu tháng 2.2022, người dân Hong Kong đã trải qua tình trạng cạn kiện nguồn rau xanh khi Trung Quốc ban hành các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt phòng COVID-19, làm đứt gãy nghiêm trọng nguồn cung thực phẩm tươi sống. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu dành cho các công ty về nông nghiệp công nghệ cao như Farm66, đơn vị triển khai mô hình canh tác theo chiều dọc và phát triển nông sản với kỹ thuật trồng rau thủy canh.
Chia sẻ với Forbes Asia vào đầu năm nay, Gordon Tam – nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành (CEO) của Farm66 – cho biết “Khi đại dịch diễn ra, chúng tôi nhận ra rằng Hong Kong có năng suất rau trồng rất thấp. Tác động xã hội là rất lớn.”
Tại Singapore, giá gà, loại thịt phổ biến nhất đảo quốc sư tử, tăng cao sau khi quốc gia láng giềng Malaysia ban hành lệnh tạm ngừng xuất khẩu gà từ ngày 1.6 để ổn định nguồn cung trong nước vốn bị gián đoạn từ đại dịch COVID-19, các sự kiện thời tiết cực đoan gây ra bởi biến đổi khí hậu và cuộc chiến quân sự tại Ukraine – nhà sản xuất lớn của thế giới về ngô và lúa mạch dùng làm thức ăn cho gà.
“Chúng ta cần phải chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng về giá khác sau gà,” thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ với các đơn vị truyền thông trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5.2022.
“Tôi tin rằng ngành nông nghiệp sẽ sớm bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn,” Chung cho biết và bổ sung thêm là anh đang đầu tư vào nguồn đạm thực vật, nông nghiệp bền vững và công nghệ canh tác nông nghiệp.
Chung Kyungsun không phải người duy nhất.
Mặc cho tình hình lạm phát tăng cao và ngân hàng trung ương nâng lãi suất, những nhà đầu khác đã rót hàng triệu đô la Mỹ vào các công ty khởi nghiệp về thực phẩm. Chẳng hạn như Avant Meats, startup có trụ sở tại Hong Kong sử dụng công nghệ tế bào trong chế biến phi lê cá và bong bóng cá (một món cao lương mỹ vị của ẩm thực Trung Hoa), đã huy động thành công 10,8 triệu USD trong vòng gọi vốn diễn ra vào tháng 6.2022.
Vòng gọi vốn trên do S2G Ventures, công ty chuyên về thực phẩm và nông nghiệp có trụ sở tại Chicago, Mỹ nhận hậu thuẫn từ Lukas Walton (cháu nội của nhà sáng lập tập đoàn bán lẻ Walmart Sam Walton) dẫn dắt. Avant Meats, nằm trong số 16 startup từ Hong Kong được vinh danh trong danh sách Forbes Asia 100 to Watch, sẽ dùng khoản đầu tư trên để xây dựng nhà máy thử nghiệm tại Singapore.
Vào tháng 2.2022, Next Gen Foods, công ty chuyên sản xuất thịt gà nhân tạo làm từ thực vật có trụ sở tại Singapore, đã huy động 100 triệu USD cho kế hoạch mở rộng quy mô ra thị trường quốc tế, bao gồm cả Mỹ. Các nhà đầu tư của Next Gen Foods bao gồm quỹ đầu tư Đông Nam Á Alpha JWC Ventures, quỹ đầu tư về công nghệ thực phẩm từ Trung Quốc Bits x Bites, cầu thủ bóng đá Anh Dele Alli, quỹ đầu tư toàn cầu EDBI (Singapore), giám đốc quản lý của GGV Capital Jenny Lee, K3 Ventures của Kuok Meng Xiong (cháu trai của tỉ phú giàu nhất Malaysia Robert Kuok), quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek và công ty F&B Yeo Hiap Seng do con trưởng của tỉ phú Robert Ng, Daryl Ng quản lý.
“Khi có vốn mạo hiểm lớn như vậy, chúng tôi sẽ đầu tư vào toàn bộ công ty công nghệ thực phẩm. Hiện nay, những công ty này đã có bước tiến vững chắc hơn và sẵn sàng mở rộng quy mô kinh doanh. Đó có thể là mục tiêu mà các công ty vốn sở hữu tư nhân như chúng tôi hướng tới. Chúng tôi đang đầu tư vào lĩnh vực này một cách nghiêm túc,” Chung cho biết.
Xem thêm: Cách nông dân ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau ở Hong Kong
Thành viên gia tộc Hyundai, Chung Kyungsun, đầu tư tạo tác động
1 năm trước
Hyundai đầu tư gần 20 tỉ USD vào mảng xe điện