Lối sống

Châu Bùi, H’Hen Niê, Hana Giang Anh kể chuyện trở thành người ảnh hưởng trên mạng xã hội

Tiếp thị thông qua người ảnh hưởng ngày càng được các nhãn hàng lựa chọn, với quy mô thị trường khoảng 100 triệu USD và được dự báo tiếp tục tăng bình quân ít nhất 15% mỗi năm.

Share
this:

Để tìm kiếm câu trả lời về cách thức trở nên khác biệt trong lĩnh vực người ảnh hưởng, Forbes Việt Nam đã trò chuyện cùng H’Hen Niê – hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017; người mẫu Châu Bùi – một trong 30 người trẻ dưới 30 tuổi tại châu Á năm 2021 (30 Under 30 Asia 2021) và Hana Giang Anh – huấn luyện viên có tầm ảnh hưởng về thể hình và phong cách sống có hơn hai triệu tài khoản theo dõi trên Facebook và YouTube.

Forbes Việt Nam: Các bạn định vị bản thân gắn với một chức danh nào hay muốn được gọi chung là người tạo ảnh hưởng?

Châu Bùi là một trong 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật châu Á năm 2021 do Forbes Asia bình chọn (Ảnh: NVCC)

H’Hen Niê: Khi nói đến hoa hậu, mọi người thường nghĩ đến người đẹp, tham dự các sự kiện lộng lẫy. Nhưng tôi đã tách từ “hoa” và “hậu” ra làm hai. Đã là hoa thì phải tỏa hương, nghĩa là những việc mình làm cần để lại cái hậu tốt cho đời. Tôi định vị bản thân là một hoa hậu luôn song song với các dự án xã hội.

Châu Bùi: Tôi không định vị bản thân theo một danh xưng cụ thể nào mà sẽ luôn nhắc mình là “một người tạo ảnh hưởng”. Mọi lời nói của mình trên mạng xã hội đều có thể tạo ảnh hưởng theo một cách nào đó đến người khác nên nếu đã là người tạo ảnh hưởng, đó nên là những ảnh hưởng tích cực.

Hana Giang Anh: Khi bắt đầu quay video đăng lên YouTube năm 2010, tôi chỉ làm vì sở thích muốn chia sẻ với mọi người và không nghĩ sẽ trở huấn luyện viên, người có tầm ảnh hưởng về thể hình và phong cách sống như hiện nay. Hoạt ngôn, có thể truyền tải tốt điều mình muốn và yêu thích thể thao là lợi thế của tôi nhưng để trở một nghề chuyên nghiệp, cần có kỷ luật thay vì chỉ làm theo sở thích.

Forbes Việt Nam: Quá trình làm việc với các nhãn hàng thường diễn ra như thế nào để đó là mối quan hệ “môn đăng hộ đối”?

Châu Bùi: Với khán giả, những bức hình thời trang mà tôi đăng tải trên mạng xã hội có khi chỉ là một tấm hình nhưng với Châu và đội ngũ, đó là cả một quá trình mình làm việc với nhãn hàng. Trước khi lên kế hoạch chụp hình, cần nắm thật chắc tinh thần thương hiệu, đặc tính sản phẩm, đối tượng sử dụng sản phẩm và tất nhiên là cần hiểu cả nhu cầu của khán giả mình nữa.

Vì vậy mà tôi sẽ tham gia cùng đội ngũ ngay từ thời điểm nhận kế hoạch. Khi có được ý tưởng, sẽ lên trang phục, đạo cụ… để làm nổi bật được sản phẩm của nhãn hàng và truyền tải câu chuyện. Một buổi chụp hình thông thường diễn ra từ 6-8 tiếng có khi đến mấy ngày. Các khâu hậu kì tôi cũng trực tiếp tham gia cùng đội ngũ để đánh giá, xem xét nên chia sẻ ra sao, dùng kênh nào hiệu quả.

Hana Giang Anh, huấn luyện viên có tầm ảnh hưởng về thể hình và phong cách sống (Ảnh: FBNV).

Hana Giang Anh: Có thể lấy ví dụ cụ thể với một nhãn hàng giày thể thao mà Hana đã làm việc cùng năm năm. Ban đầu, tôi không có ekip, nhãn hàng liên hệ hợp tác vì thấy hình ảnh phù hợp với định hướng sản phẩm của họ. Thay vì chỉ qua email, tôi thích được làm việc trực tiếp, nghe nói chuyện, nghe ý tưởng, định hướng xem mục tiêu hai bên giống nhau ra sao trước khi quyết định hợp tác theo năm.

Đôi khi mọi người hay bị mệt mỏi, áp lực trong quá trình làm việc với công ty cung cấp dịch vụ tiếp thị qua người ảnh hưởng. Nhưng tôi nghĩ, họ không phải đối thủ để đôi bên tranh luận ai là người chiến thắng mà chúng ta đang chung một con thuyền, cùng mục tiêu cho dự án đạt hiệu quả cao.

H’Hen Niê: Trong gần 50 nhãn hàng mà tôi có dịp hợp tác, tôi từng nhận lời đề nghị làm đại sứ thương hiệu với giá trị 3 triệu USD. Ban đầu tôi sốc vì nghĩ mình đâu có giá trị gì lớn lao mà họ trả số tiền lớn như thế. Về sau, tôi thấy những thương hiệu muốn đồng hành cùng đều có điểm chung với mình là đi lên từ những khó khăn và tập trung vào nỗ lực của chính bản thân.

Tôi chọn “để lại giá trị cho cộng đồng” để định vị bản thân và cũng là mục tiêu tập trung thực hiện nên các thương hiệu mà tôi làm đại sứ thường đại chúng, ít liên quan đến thời trang, mỹ phẩm… Việc người tiêu dùng sử dụng một sản phẩm không chỉ vì họ thích chất lượng mà còn tin tưởng vào đại sứ thương hiệu. Với tôi việc của đại sứ không chỉ chụp hình, quay video quảng bá mà còn phải nghiên cứu và tìm hiểu chất lượng. Có thể tôi không nhớ vị chủ tịch nhãn hàng mình hợp tác là ai nhưng chắc chắn phải biết sản phẩm đó có thực sự tốt cho người dùng hay không.

Forbes Việt Nam: Thách thức trong quá trình làm việc để duy trì vị thế của một người tạo ảnh hưởng là gì?

Hana Giang Anh: Nghề này rất khó, khi vừa làm sáng tạo vừa phải chuyên nghiệp. Nghĩa là bạn phải có kỷ luật, sản xuất video đều đặn, giữ mối liên kết với người theo dõi mình chứ không chỉ làm theo cảm hứng. Thêm vào đó, mình không thể giả vờ sống lành mạnh mà mọi thứ được chia sẻ đều phải xuất phát từ thực tế. Những kiến thức cũng phải được cập nhật vì nó luôn thay đổi.

H’Hen Niê, hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 (Ảnh: NVCC).

Ngoài công việc của một người ảnh hưởng, tôi còn điều hành một doanh nghiệp 200 nhân sự nên phải dành thời gian học về quản trị, đọc báo cáo. Từng có thời điểm vì tham việc nên năng lượng bị rút cạn mà mình không biết. Kết quả là mình không thể sáng tạo nội dung nên bị ngắt quãng thời gian.

H’Hen Niê: Trong thời điểm dịch bệnh, khi tham gia các dự án cộng đồng, đôi lúc tôi còn cảm thấy bị tổn thương sau khi đọc được những đánh giá của mọi người. Hay với dự án làm thư viện ở các trường vùng cao, có người cho rằng thời này ít ai đọc sách nhưng tôi tin rằng, khi có thư viện, trẻ em sẽ có cơ hội tiếp cận với sách và dần hình thành thói quen. Khi đã có thói quen, dù là sách giấy hay sách điện tử, các bé vẫn có đam mê.

Khi tập trung vào mục tiêu tạo giá trị cho cộng đồng, mình có động lực, năng lượng để luôn cố gắng và không bị phân tâm. Mỗi khi áp lực hay buồn, tôi trở về nhà, về với buôn làng, nghe những ông bà lớn tuổi nói chuyện. Đó là năng lượng cho mình trở lại làm việc và giúp mình không bị xa rời thực tế.

Châu Bùi: Có những lúc chụp xong hình rồi gửi cho nhãn hàng và kết quả là phải chụp lại. Câu chuyện này cũng khá đau thương. Là một người làm sáng tạo, đôi khi tôi hơi bị “bay quá” và không phải lúc nào sự bay bổng  là thứ thương hiệu cần. Sau nhiều năm làm nghề, tôi rút ra được rất nhiều bài học, từ việc xây dựng quy trình làm việc với các nhãn hàng đến quy trình giữa các thành viên trong đội ngũ để giảm thiểu tối đa những hiểu lầm không đáng có cũng như cân bằng được tinh thần thương hiệu và phong cách cá nhân.

Nếu hỏi tôi làm gì để trở nên khác biệt thì đó là không ngừng cố gắng để thành phiên bản tốt hơn. Ngành nghề nào cũng có rất nhiều người ảnh hưởng và sự khác biệt nằm ở những trải nghiệm cũng như vốn kiến thức mà mỗi người tích lũy cho riêng mình.

Xem thêm: Mạng xã hội kéo xu hướng tiếp thị qua người ảnh hưởng lan rộng