multi-media / Megastory

Danh sách thường niên thứ 17: Chân dung doanh nhân từ thiện châu Á

Danh sách thường niên lần thứ 17 của Forbes Asia tôn vinh 15 nhà hảo tâm trong năm qua đã thể hiện quyết tâm và quyên góp hào phóng cho những mục tiêu từ thiện bác ái.

Hằng năm, Forbes Asia sàng lọc hàng chục cái tên – từ những nhà hảo tâm lâu năm cho đến những người mới – để biên soạn danh sách chọn lọc về những “anh hùng từ thiện” trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một số tỉ phú tiếp tục tài trợ số tiền đáng kể để các quỹ từ thiện của họ thực hiện sứ mệnh của mình. Tỉ phú Takemitsu Takizaki của Nhật Bản đã trao 7,45 triệu cổ phiếu Keyence trị giá gần 390 tỉ yen (hơn 2,67 tỉ đô la Mỹ) cho quỹ của mình.

Andrew và Nicola Forrest của Úc đã trao số cổ phiếu của Fortescue Metals Group trị giá ước tính năm tỉ đô la Úc (hơn 3,3 tỉ đô la Mỹ) cho tổ chức từ thiện Minderoo Foundation của họ.

Một số người trong danh sách đã chọn quyên góp để thúc đẩy giáo dục và nghiên cứu đại học, đặc biệt là trong lĩnh vực AI. Người sáng lập tập đoàn Midea, tỉ phú He Xiangjian, cam kết quyên góp ba tỉ nhân dân tệ (khoảng 422 triệu đô la Mỹ) để thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học – bao gồm cả nghiên cứu về AI và biến đổi khí hậu – ở Trung Quốc.

Nhà từ thiện kỳ cựu Lý Gia Thành quyên góp 60 triệu đô la Hong Kong (khoảng 7,67 triệu đô la Mỹ) để hỗ trợ áp dụng AI trong đào tạo và nghiên cứu y tế tại hai trường đại học ở Hong Kong.

Thể hiện quyết tâm hỗ trợ giáo dục, tỉ phú Indonesia Low Tuck Kwong đã trao 101 triệu đô la Singapore (hơn 75,7 triệu đô la Mỹ) cho trường Chính sách công Lý Quang Diệu thông qua quỹ cùng tên của ông. Số tiền này tài trợ cho các chương trình lãnh đạo về hoạch định chính sách và dịch vụ công.

Sức khỏe tâm thần là một trọng tâm khác. Tại Hong Kong, Adrian Cheng của New World Development đã thành lập quỹ hỗ trợ sức khỏe tinh thần của trẻ em, trong khi tỉ phú người Úc James Packer, người từng phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần, tài trợ cho nghiên cứu trong lĩnh vực này tại đại học New South Wales. Những người mới gia nhập danh sách bao gồm tỉ phú trẻ nhất Ấn Độ Nikhil Kamath, người mới nhất của đất nước này ký vào cam kết Giving Pledge.

Danh sách này không được xếp hạng, xem xét những người đang cung cấp nguồn tài trợ từ thiện từ tiền túi của họ – không phải tiền từ công ty họ, trừ trường hợp họ là cổ đông lớn trong công ty tư nhân – và thể hiện sự quyết tâm với những mục tiêu từ thiện họ đã chọn.

Takemitsu Takizaki
Sáng lập và chủ tịch danh dự, Keyence
Tuổi: 78 • Nhật Bản

Takemitsu Takizaki, người sáng lập kín tiếng trước truyền thông của công ty sản xuất cảm biến Keyence, đã trao 7,45 triệu cổ phiếu trị giá gần 390 tỉ yen (hơn 2,67 tỉ đô la Mỹ) cho quỹ Keyence của mình vào năm ngoái để tài trợ học bổng giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

Đây là phần tiếp nối khoản quyên góp 3,65 triệu cổ phiếu có giá trị thị trường khoảng 164 tỉ yen (hơn 1,12 tỉ đô la Mỹ) của tỉ phú này vào năm 2020.

Được thành lập vào năm 2018, tổ chức này cung cấp cho sinh viên đại học Nhật Bản và quốc tế bắt đầu học đại học ở Nhật Bản khoản tiền 100 ngàn yen (khoảng 685,5 đô la Mỹ) mỗi tháng trong bốn năm. Quỹ chọn khoảng 600 người nhận hằng năm dựa trên thành tích học tập, nhu cầu tài chính và bài luận của họ. Một học bổng khác dành cho sinh viên đang theo học, cấp 300 ngàn yen (khoảng 2.056 đô la Mỹ) cho hai ngàn sinh viên hằng năm bất kể nhu cầu tài chính.

Takizaki cho biết trong một tuyên bố trên trang web của tổ chức: “Hỗ trợ cho những người trẻ theo học đại học là chưa đủ, mặc dù chính phủ đã mở rộng viện trợ không hoàn lại. Sau khi khởi động chương trình học bổng này, một lần nữa tôi thấy có vô số sinh viên đang nỗ lực làm việc chăm chỉ để đạt được ước mơ và mục tiêu vững chắc của mình.”

Takizaki bắt đầu sản xuất cảm biến tự động hóa dùng trong nhà máy vào năm 1972 ở tuổi 26, là một trong số ít người sáng lập một công ty lớn của Nhật Bản mà không học đại học. Ông vẫn ngồi trong hội đồng quản trị và là chủ tịch danh dự sau khi thôi giữ chức chủ tịch công ty vào năm 2015.

Andrew Forrest
Sáng lập kiêm chủ tịch điều hành, Fortescue Metals Group
Tuổi: 62 • Úc
Nicola Forrest
Đồng sáng lập & đồng chủ tịch, Minderoo Foundation
Tuổi: 62 • Úc

Vào tháng 6.2023, Andrew và Nicola Forrest đã tặng gần 20% cổ phần của họ trong Fortescue Metals Group, trị giá ước tính khoảng năm tỉ đô la Úc (hơn 3,3 tỉ đô la Mỹ), cho tổ chức từ thiện Minderoo Foundation của họ.

Việc chuyển nhượng 220 triệu cổ phiếu của công ty khai thác quặng sắt Úc được thực hiện một tháng trước khi cặp đôi tuyên bố ly thân. Đây là khoản tài trợ lớn nhất trong lịch sử nước Úc và nâng số tiền tài trợ cho Minderoo lên 7,6 tỉ đô la Úc (hơn 5,05 tỉ đô la Mỹ).

Quỹ này hỗ trợ giáo dục trẻ em, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, đạt được sự bình đẳng về việc làm cho người Úc bản địa và bảo vệ các đại dương trên thế giới, cùng nhiều sáng kiến khác.

Nicola cho biết trong tuyên bố từ Minderoo: “Tất cả chúng ta cần phải làm những gì có thể với những gì mình có, vì vậy tôi rất vui vì việc chuyển nhượng số cổ phần này sẽ giúp chúng tôi đẩy mạnh nỗ lực giúp đỡ những người cần chúng nhất.”

Lưu ý rằng những đóng góp cho gia đình và xã hội quan trọng hơn việc tích lũy tài sản, Andrew nói thêm: “Đây là lý do tại sao chúng tôi sẽ tiếp tục quyên góp tài sản của mình cho những mục đích mà chúng tôi có thể tạo ra sự khác biệt bền vững.”

Vào tháng 10.2023, Minderoo cam kết viện trợ nhân đạo 10 triệu đô la Úc (hơn 6,6 triệu đô la Mỹ) cho dân thường bị ảnh hưởng vì cuộc xung đột ở Gaza và kể từ tháng 2.2022, đã quyên góp 14 triệu đô la Úc (hơn 9,3 triệu đô la Mỹ) cho Ukraine để đảm bảo việc lưu trữ ngũ cốc và máy phát điện, cùng các chương trình hỗ trợ khác.

Hai vợ chồng Forrest khẳng định rằng việc chia tay sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích và nền tảng kinh doanh chung của họ. Họ là những người Úc đầu tiên ký Giving Pledge vào năm 2013.

He Xiangjian
Sáng lập, Midea Group
Tuổi: 81 • Trung Quốc

He Xiangjian, người sáng lập công ty sản xuất thiết bị gia dụng Midea Group niêm yết ở Thâm Quyến, tuyên bố tại diễn đàn chính phủ vào tháng 5.2023 rằng ông sẽ quyên góp ba tỉ nhân dân tệ (khoảng 422 triệu đô la Mỹ) để thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc.

Do giám đốc điều hành Fang Hongbo của tập đoàn Midea giám sát, quỹ He Science Foundation sẽ hỗ trợ các nhà khoa học làm việc trong các lĩnh vực bao gồm AI, biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù tỉ phú này chưa công bố thêm thông tin chi tiết, nhưng khi phát biểu hồi tháng 5.2023, ông hi vọng sẽ có nhiều người trẻ hơn được khuyến khích theo đuổi sự đổi mới và nghiên cứu về công nghệ tiên tiến – những lĩnh vực quan trọng mà chính phủ Trung Quốc đang tìm cách biến thành động lực tăng trưởng để bù đắp cho nền kinh tế đang chậm lại.

Vị tỉ phú 80 tuổi này có tài sản ròng ước tính khoảng 21,7 tỉ đô la Mỹ và là nhà hoạt động từ thiện lâu năm. Năm 2013, ông thành lập quỹ tư nhân hỗ trợ giáo dục, chăm sóc người già và xóa đói giảm nghèo.

Theo thông tin trên trang web của tổ chức này, với khoản quyên góp bằng tiền mặt và 100 triệu cổ phiếu Midea được chuyển nhượng vào năm 2017 – khi đó có giá trị thị trường  4,3 tỉ nhân dân tệ (gần 605 triệu đô la Mỹ) – He Foundation đã quyên góp 2,2 tỉ nhân dân tệ (gần 309,5 triệu đô la Mỹ) cho nhiều mục đích khác nhau.

Trong số đó có Trung tâm người cao tuổi Hetai, năm ngoái đã bắt đầu cung cấp dịch vụ chăm sóc và phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại quê hương Thuận Đức của He. —Yue Wang

Vikrom Kromadit
Sáng lập kiêm chủ tịch, Amata Corp.
Tuổi: 70 • Thái Lan

Người sáng lập và chủ tịch của công ty điều hành bất động sản công nghiệp Amata Corp., niêm yết ở Bangkok, cho biết ông kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của mình vào tháng 3.2023 bằng cách ký di chúc nêu rõ ông sẽ quyên góp 99% tài sản cá nhân – ước tính lên tới hàng tỉ baht, bao gồm cả 7,5 tỉ baht (khoảng 214,5 triệu đô la Mỹ) cổ phiếu Amata – cho quỹ Amata, sau khi ông qua đời.

Trước đó, ông đã tặng hơn hai tỉ baht (gần 57,2 triệu đô la Mỹ) tài sản cho quỹ do ông thành lập năm 1996.

Quỹ này cấp học bổng dựa trên thành tích học tập trong các chương trình trung học và đại học cho sinh viên học sinh từ các gia đình có thu nhập thấp. Quỹ cũng cung cấp các khoản tài trợ để quảng bá nghệ thuật và văn học Thái Lan.

Trong lâu đài Vikrom được xây dựng ở khu công nghiệp phía đông nam Bangkok, quỹ này đang xây dựng một bảo tàng và phòng triển lãm nghệ thuật, dự kiến sẽ hoàn thành sau ba năm.

Vikrom cho biết qua email: “Nguồn cảm hứng của tôi là những trải nghiệm khó khăn từ thời thơ ấu của tôi. Chúng ta sinh ra từ tay trắng và sẽ rời cuộc đời trắng tay. Ở khoảng giữa đó, chúng ta nên tạo ra những thứ hữu ích và có giá trị để sẻ chia với xã hội, là những điều sẽ tồn tại lâu dài.”

Vikrom nắm giữ hơn 1/4 Amata Corp., công ty sở hữu các khu công nghiệp rộng hơn 6.000 héc ta ở Thái Lan và Việt Nam. 

K.P. Singh
Chủ tịch danh dự, DLF
Tuổi: 92 • Ấn Độ

Theo công ty DLF, vào tháng 8.2023, chủ tịch danh dự K.P. Singh đã bán số cổ phần trực tiếp còn lại của mình trong công ty phát triển bất động sản có trụ sở tại Delhi để tài trợ cho các hoạt động từ thiện. Ông đã thu được 7,3 tỉ rupee (gần 88,1 triệu đô la Mỹ) từ việc bán 0,59% cổ phần của mình trong DLF.

Sau khi thành lập K.P. Singh Foundation Trust và K.P. Singh Charitable Foundation Trust, Singh đã thành lập quỹ KP Singh vào năm 2020.

Quỹ này tuyên bố trong hồ sơ trên mạng xã hội của mình rằng quỹ “là hiện thân cho cam kết không ngừng của ông Singh nhằm tạo ra sự thay đổi mang tính bền vững, chuyển đổi ở Ấn Độ.”

Vị tỉ phú hiện sống ở cả London lẫn Dubai, đã từ chức chủ tịch DLF vào năm 2020. Ông làm việc cho DLF từ năm 1961, thời điểm ông gia nhập công ty do người cha vợ quá cố của mình thành lập vào năm 1946.

Singh có khối tài sản ước tính trị giá 14 tỉ đô la Mỹ, đã làm chủ tịch DLF trong nhiều thập niên, thúc đẩy doanh nghiệp này thành công ty khổng lồ về bất động sản.

Ông nổi tiếng với việc biến Gurgaon (nay gọi là Gurugram), ngôi làng ở ngoại ô Delhi, thành một thành phố công nghệ cao với các tòa nhà văn phòng đẳng cấp thế giới, nơi đặt trụ sở của các tập đoàn công nghệ, viễn thông, tiêu dùng và tài chính lớn. 

Low Tuck Kwong
Sáng lập kiêm tổng giám đốc, Bayan Resources
Tuổi: 75 • Indonesia

Hồi tháng 2.2023, Low Tuck Kwong tặng 101 triệu đô la Singapore (hơn 75,7 triệu đô la Mỹ) cho trường Chính sách công Lý Quang Diệu của đại học Quốc gia Singapore, món quà lớn nhất từ trước đến nay dành cho học viện này.

Khoản quyên góp do quỹ Low Tuck Kwong thực hiện sẽ được sử dụng để tài trợ cho các chương trình lãnh đạo trong hoạch định chính sách và dịch vụ công.

Elaine Low, con gái của Low và chủ tịch của tổ chức, cho biết mục đích là để giáo dục các quan chức nhà nước trong khu vực và học sinh tại trường “xây dựng sự hợp tác có ý nghĩa giữa Singapore, Indonesia và phần còn lại của châu Á.” Cô tốt nghiệp trường này năm 2014 với bằng thạc sĩ chính sách công.

“Chúng tôi hi vọng điều này sẽ đưa đến những giải pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề tồn đọng và cải thiện cuộc sống của người dân Singapore và các nước láng giềng của chúng tôi.” Quỹ này được thành lập vào năm ngoái và tập trung vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu y tế cũng như phúc lợi cộng đồng và xã hội.

Low, người sáng lập công ty khai thác than Bayan Resources niêm yết tại Indonesia, có tài sản ròng trị giá 27,2 tỉ đô la Mỹ. Năm 2021, ông quyên góp 50 tỉ rupiah (hơn 3,2 triệu đô la Mỹ) làm quỹ học bổng cho đại học Indonesia. Low cũng điều hành vườn thú tư nhân ở Đông Kalimantan để chăm sóc các động vật hoang dã bị bắt gần các mỏ của công ty.

Kwek Leng Beng
Chủ tịch điều hành, City Developments
Tuổi: 82 • Singapore

Kwek Leng Beng và công ty bất động sản City Developments của ông đã công bố khoản tài trợ chung trị giá 24 triệu đô la Singapore (gần 18 triệu đô la Mỹ) cho viện Công nghệ Singapore (SIT) vào tháng 11.2023, khi ra mắt cuốn tiểu sử của ông Strictly Business: The Kwek Leng Beng Story (tạm dịch: Kinh doanh nghiêm túc: Câu chuyện của Kwek Leng Beng).

Với khoản trợ cấp tương ứng từ chính phủ, tổng số tiền quyên góp đã đạt tới 60 triệu đô la Singapore (gần 45 triệu đô la Mỹ). Khoản tiền này sẽ giúp tài trợ cho việc xây dựng tòa nhà hành chính của trường đại học – dự kiến được đặt tên là Kwek Leng Beng University Tower – tại khuôn viên tương lai của trường ở thị trấn Punggol phía đông bắc Singapore.

Kwek, chủ tịch điều hành của City Developments đồng thời là cổ đông kiểm soát của công ty, cho biết trong phần công bố về món quà: “Thông qua khoản quyên góp SIT này, tôi vinh dự được góp phần xây dựng các thế hệ tài năng và chuyên gia tương lai cho Singapore, đặc biệt là trong lĩnh vực khách sạn.”

Tỉ phú này đã đóng góp riêng 720 ngàn đô la Singapore (gần 540 ngàn đô la Mỹ) vào đầu năm nay để cấp học bổng cho sinh viên đại học ngành kinh doanh khách sạn tại SIT.

Niềm đam mê khách sạn của Kwek bắt đầu từ năm thập niên trước, khi ông xây dựng khách sạn đầu tiên, King’s Hotel, sau này được đổi tên thành Copthorne King’s Hotel, gần sông Singapore trên phố Havelock.

Kể từ đó, City Developments đã phát triển thành một trong những nhà điều hành khách sạn lớn nhất châu Á với mạng lưới toàn cầu gồm hơn 155 khách sạn và sở hữu các tòa nhà văn phòng mang tính biểu tượng như tòa nhà chọc trời Republic Plaza ở khu thương mại trung tâm của Singapore. Họ cũng là nhà phát triển hàng đầu của thành phố tính theo doanh thu.

Ramon Ang
Phó chủ tịch và CEO, San Miguel Corp.
Tuổi: 69 • Philippines

Ramon Ang, cổ đông kiểm soát của San Miguel Corp. (SMC) và là tỉ phú tự thân, năm nay đã cam kết tài trợ 500 triệu peso (hơn 8,95 triệu đô la Mỹ) để xây trường học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Manila.

Ông Ang tuyên bố quyên góp vào tháng 9.2023 khi ông khánh thành một trường học gồm 39 lớp ở Tondo, một trong những quận nghèo nhất thành phố, nơi ông lớn lên.

“Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc trao quyền cho nhiều người Philippines bằng giáo dục và kỹ năng là chìa khóa để khai thác tiềm năng của đất nước,” phó chủ tịch cho biết qua tin nhắn. “Điều này không chỉ dành cho giới trẻ mà còn cho cả người lớn ở những khu vực ít đặc quyền hơn, những người đang tìm kiếm công việc tốt hơn hoặc muốn bắt đầu việc kinh doanh của riêng mình.”

Ang có tài sản ròng ước tính khoảng 3,4 tỉ đô la Mỹ, đã biến nhà sản xuất bia và thực phẩm lớn nhất đất nước thành một tập đoàn đa ngành hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, năng lượng, điện lực và đường thu phí.

Kể từ năm 2020, thông qua quỹ RSA của mình, ông đã đích thân đóng góp hơn 150 triệu peso (gần 2,7 triệu đô la Mỹ) cho các khoản trợ cấp học bổng và hỗ trợ y tế.

Ngoài ra, quỹ San Miguel của SMC đã chi hơn một tỉ peso (hơn 59,2 triệu đô la Mỹ) để xây dựng năm trường học ở khu vực Metro Manila, đồng thời quyên góp 14,8 tỉ peso (hơn 265 triệu đô la Mỹ) để hỗ trợ các biện pháp cứu trợ trong đại dịch COVID-19 và dành thêm ba tỉ peso (hơn 53,7 triệu đô la Mỹ) để giúp làm sạch các con sông trong thành phố.

Li Ka-shing
Cố vấn cao cấp, CK Asset Holdings & CK Hutchison Holdings
Tuổi: 95 • Hong Kong

Vào tháng 9.2023, Lý Gia Thành (Li Ka – shing), người giàu nhất Hong Kong, đã tặng 60 triệu đô la Hong Kong (gần 7,7 triệu đô la Mỹ) thông qua quỹ Lý Gia Thành của mình cho hai trường đại học để hỗ trợ sử dụng AI trong giáo dục y tế. Đại học Trung văn Hong Kong (CUHK) và đại học Hong Kong (HKU), nơi điều hành hai trường y của thành phố, mỗi trường nhận được 30 triệu đô la Hong Kong (hơn 3,8 triệu đô la Mỹ).

Các trường sẽ sử dụng nguồn tài trợ để đào tạo sinh viên về các công nghệ liên quan đến AI, phát triển công cụ giảng dạy và mở rộng ứng dụng AI trong hình ảnh y tế và phẫu thuật robot, cùng các lĩnh vực khác. “AI đang biến đổi thế giới,” ông Lý Gia Thành cho biết trong một tuyên bố do CUHK và HKU đưa ra. Ông kêu gọi sử dụng công nghệ này một cách có ý nghĩa để phát triển các liệu pháp và phương pháp điều trị mới.

Ông Lý Gia Thành, được mệnh danh là “siêu nhân” ở Hong Kong vì sự nhạy bén trong kinh doanh, đã kiếm bộn tiền từ bất động sản, bán lẻ, bến cảng, cơ sở hạ tầng và viễn thông. Ông cũng là nhà đầu tư sớm vào các công ty công nghệ như Facebook (Meta), Spotify và Zoom.

“Một người đầu tư vào công nghệ sẽ cảm thấy trẻ hơn,” ông nói với Forbes vào năm 2012. Ông cũng dự đoán rằng một trong những tác động lớn nhất từ AI sẽ là trong giáo dục, trong đó việc học tập tùy chỉnh “được kết hợp chặt chẽ” với các thiết bị cá nhân như máy tính xách tay và điện thoại thông minh.

Vị tỉ phú lớn tuổi này thành lập quỹ từ thiện vào năm 1980 và kể từ đó đã quyên góp hơn 30 tỉ đô la Hong Kong (hơn 3,8 tỉ đô la Mỹ), phần lớn số tiền này dành cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe. HKU đã đổi tên trường y của mình theo tên tỉ phú sau khoản tài trợ trị giá một tỉ đô la Hong Kong (gần 128 triệu đô la Mỹ) vào năm 2005. —John Kang

James Packer
Sáng lập, Packer Family Foundation
Tuổi: 56 • Úc

Tỉ phú người Úc James Packer và quỹ Packer Family đã trao bảy triệu đô la Úc (hơn 4,6 triệu đô la Mỹ) để hỗ trợ nghiên cứu sức khỏe tâm thần tại UNSW Sydney. Số tiền này sẽ được sử dụng để thành lập một nhóm nghiên cứu và tài trợ cho giáo sư để nghiên cứu các rối loạn sức khỏe tâm thần như bệnh rối loạn lưỡng cực.

Packer cho biết trong phần công bố khoản quyên góp vào tháng 5.2023: “Không có gì bí mật về chuyện tôi phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần trong quá khứ. Tôi là người ủng hộ nhiệt tình đối với nỗ lực cải thiện kết quả sức khỏe tâm thần và tôi hi vọng rằng đóng góp của tôi sẽ tạo ra kết quả tích cực trong lĩnh vực này và nhờ đó cải thiện đáng kể cuộc sống của những người đang chiến đấu với các vấn đề sức khỏe tâm thần ở Úc lẫn các khu vực khác trên thế giới.”

Hồi tháng 3.2018, Packer đã rời khỏi hội đồng quản trị của Crown Resorts có trụ sở tại Úc do các vấn đề về sức khỏe tâm thần và vài tháng sau đó đã từ chức khỏi hội đồng quản trị của công ty đầu tư của gia đình ông, Consolidated Press Holdings.

Ông vẫn là cổ đông kiểm soát đế chế sòng bạc mà ông tiếp quản từ người cha quá cố Kerry Packer cho đến năm ngoái, khi tập đoàn cổ phần tư nhân khổng lồ của Mỹ Blackstone Group mua lại Crown với giá 8,9 tỉ đô la Úc (hơn 5,9 tỉ đô la Mỹ).

Vào năm 2014, Packer và em gái của ông, Gretel, đã cam kết tặng 100 triệu đô la Úc (hơn 66,5 triệu đô la Mỹ) từ quỹ của gia đình và 100 triệu đô la Úc từ quỹ từ thiện của Crown trong 10 năm để hỗ trợ các tổ chức nghệ thuật, giáo dục bản địa và các sáng kiến cộng đồng khác. —Y. R.

Graeme Hart
Chủ sở hữu kiêm giám đốc, Rank Group
Tuổi: 68 • New Zealand

Người giàu nhất New Zealand, Graeme Hart, và vợ ông, Robyn, đã tài trợ 6,5 triệu đô la New Zealand (hơn bốn triệu đô la Mỹ) vào tháng 6.2023 để giúp mở rộng đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em của bệnh viện nhi Starship ở Auckland.

Starship, bệnh viện nhi lớn nhất cả nước, cho biết đây là một trong những khoản quyên góp tư nhân lớn nhất mà bệnh viện nhận được kể từ khi thành lập cách đây 32 năm. Số tiền này sẽ được sử dụng để chuẩn bị phòng chăm sóc tiên tiến và trang thiết bị hiện đại cho trẻ em bị bệnh nặng cũng như hỗ trợ giáo dục và đào tạo nhân viên.

Đó là món quà mới nhất từ gia đình ông, những người ủng hộ lâu năm của bệnh viện. Con gái của họ, Gretchen Hawkesby, đã ngồi trong hội đồng quản trị của Starship Foundation hơn 12 năm.

Năm 2018, Hart và vợ đã trao 10 triệu đô la New Zealand (gần 6,2 triệu đô la Mỹ) cho đại học Otago để giúp tài trợ cho một trường nha khoa mới trị giá 28,2 triệu đô la New Zealand (gần 17,5 triệu đô la Mỹ) ở Nam Auckland.

Đây là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc nha khoa dễ tiếp cận và giá cả phải chăng. Vào thời điểm ấy, trường đại học cho biết đó là khoản quyên góp quan trọng nhất trong lịch sử gần 150 năm của trường.

Hart, người đã bỏ học ở tuổi thiếu niên, sở hữu đế chế bao bì Rank Group chuyên sản xuất các sản phẩm như hộp sữa, chai nước, giấy và giấy nhôm. Nhà tài phiệt ít xuất hiện trên truyền thông này có tài sản ròng ước tính khoảng 8,8 tỉ đô la Mỹ. —Ardian Wibisono

Eddy Kusnadi Sariaatmadja
Đồng sáng lập và ủy viên chủ tịch, Elang Mahkota Teknologi (Emtek)
Tuổi: 70 • Indonesia

Suốt hơn một thập niên, ông lớn ngành truyền thông Eddy Kusnadi Sariaatmadja chủ yếu tập trung tài trợ từ thiện cho việc điều trị chứng suy giảm thị lực ở Indonesia, quốc gia có tỉ lệ mù lòa cao nhất thế giới. Quỹ Karya Alpha Omega của ông cung cấp dịch vụ phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí cho hàng ngàn người Indonesia mỗi năm, cũng như điều trị các bệnh thoát vị và sứt môi.

Năm nay, ông cam kết đầu tư 62 tỉ rupiah (gần 4 triệu đô la Mỹ) để xây dựng nhà máy sản xuất thấu kính nhân tạo có thể cấy ghép để phục hồi thị lực cho bệnh nhân đục thủy tinh thể. Cơ sở này sẽ sản xuất năm ngàn cặp thấu kính hằng năm để tặng cho các bệnh nhân đang được điều trị thông qua chương trình của quỹ Karya Alpha Omega.

Quỹ cũng thay thế thiết bị nhãn khoa trị giá gần 4,8 tỉ rupiah (hơn 308 ngàn đô la Mỹ) tại bệnh viện RSCM Kirana ở Jakarta. Theo Mutmainah, người đứng đầu trung tâm sức khỏe về mắt tại RSCM Kirana, khoản hỗ trợ đó bao gồm máy laser nhãn khoa và máy chụp ảnh võng mạc trẻ em được sử dụng để điều trị rối loạn thần kinh thị giác và khối u mắt ở trẻ em.

“Tôi chứng kiến khoảnh khắc bệnh nhân mở mắt sau ca phẫu thuật đục thủy tinh thể tại bệnh viện RSCM, họ có thể được nhìn thấy cháu và chăm sóc chúng. Con cái của họ có thể đi làm trở lại và cải thiện cuộc sống. Tôi vô cùng cảm động,” Sariaatmadja cho biết qua email. “Hãy tưởng tượng mức sống của người dân ở Indonesia có thể được cải thiện đến mức nào nếu vấn đề mù lòa do đục thủy tinh thể được giải quyết.”

Kể từ khi thành lập vào năm 2010, quỹ Karya Alpha Omega đã phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí cho gần 20 ngàn bệnh nhân, phẫu thuật thoát vị cho hơn một ngàn bệnh nhân và gần 400 ca phẫu thuật sứt môi, cũng như điều trị y tế miễn phí cho khoảng 300 ngàn bệnh nhân trên khắp Indonesia.

Syumarti, bác sĩ nhãn khoa đã giúp tổ chức các ca phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí ở Tây Java, cho biết Sariaatmadja đóng góp đáng kể trong nỗ lực chống lại bệnh mù lòa. Syumarti chia sẻ: “Đối với các bác sĩ nhãn khoa, kinh phí là một trong những hạn chế khi thực hiện các ca phẫu thuật đục thủy tinh thể.”

Trong hai năm qua, quỹ Karya Alpha Omega cũng đã tặng hơn 10 tỉ rupiah (hơn 642,5 ngàn đô la Mỹ) cho các sáng kiến như phân phối thực phẩm thiết yếu, tư vấn sức khỏe trẻ em và đào tạo ứng phó thảm họa. Năm ngoái, họ đã trao thiết bị y tế trị giá 4,8 tỉ rupiah (hơn 308 ngàn đô la Mỹ) cho phòng khám Cicendo Eye Clinic Garut ở Tây Java.

Vào năm 1983, Sariaatmadja đồng sáng lập Emtek, nhà phân phối độc quyền máy tính Compaq ở Indonesia và hiện kiểm soát bốn kênh truyền hình Indonesia: SCTV, Indosiar, MOJI và Mentari TV.

Từ năm 2018 đến năm 2022, Sariaatmadja cũng đã quyên góp tổng cộng 10 tỉ rupiah (hơn 642,5 ngàn đô la Mỹ) cho quỹ tài trợ của viện Công nghệ Bandung – trước đây ông là thành viên danh dự trong ban quản trị của viện. Để đánh giá cao nghĩa cử của ông, viện đã đổi tên trung tâm nghiên cứu và dịch vụ cộng đồng thành tòa nhà Eddy Sariaatmadja.

Nikhil Kamath
Đồng sáng lập kiêm CFO, Zerodha
Tuổi: 37 • Ấn Độ

Tỉ phú trẻ nhất Ấn Độ, Nikhil Kamath, đã tham gia Giving Pledge vào tháng 6.2023, trở thành người ký kết thứ tư của đất nước này. Trong lá thư cam kết của mình, người đồng sáng lập 37 tuổi của công ty môi giới giảm giá trực tuyến Zerodha viết anh đặc biệt quan tâm đến biến đổi khí hậu, năng lượng, giáo dục và y tế, cũng như sứ mệnh của quỹ là tạo ra xã hội công bằng hơn.

“Bất bình đẳng là sản phẩm phụ của chủ nghĩa tư bản,” anh nói qua điện thoại. “Tôi không nói rằng chủ nghĩa tư bản là xấu hay bất bình đẳng sẽ không bao giờ tồn tại. Nhưng tôi muốn tạo cơ hội cho mọi người giải quyết tình trạng bất bình đẳng.”

Kamath có tài sản ròng ước tính 1,1 tỉ đô la Mỹ, đã tham gia Giving Pledge, cam kết hiến tặng phần lớn tài sản, theo sau người sáng lập Wipro của Ấn Độ là Azim Premji (2013), người sáng lập Biocon là Kiran Mazumdar-Shaw (2016) và người đồng sáng lập Infosys là Nandan Nilekani và vợ ông Rohini (2017).

Tại quê nhà, loạt podcast trên YouTube “WTF is” của Kamath đã trao tặng 10 triệu rupee (hơn 120 ngàn đô la Mỹ) – do Kamath và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp là khách mời trong chương trình của anh đóng góp – cho tổ chức từ thiện do khán giả lựa chọn.

Họ bắt đầu trao tặng tiền vào tháng 7.2023 và đến nay, những người nhận gồm hai tổ chức có trụ sở tại Bangalore, một tổ chức hỗ trợ giáo dục mầm non và tổ chức còn lại hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Kamath cho biết anh đang có kế hoạch tăng số tiền quyên góp cho các tập podcast lên tới 40 triệu rupee (hơn 482,7 triệu đô la Mỹ). —A. R.

Adrian Cheng
Phó chủ tịch điều hành kiêm CEO, New World Development
Tuổi: 44 • Hong Kong

Adrian Cheng, phó chủ tịch điều hành kiêm CEO của nhà phát triển bất động sản New World Development, đã thành lập quỹ WEMP Foundation vào năm 2021. Quỹ này tuyên bố là tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên của Hong Kong chuyên cải thiện sức khỏe tâm thần của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Theo tổ chức này, cho đến nay hơn 16 ngàn trẻ em đã được giúp đỡ. Người con trai cả của chủ tịch Henry Cheng cho biết qua email: “Sức khỏe tâm thần của trẻ em là vấn đề tôi vô cùng để tâm. Mọi người có xu hướng nói về lạm dụng thể chất, nhưng họ không nói về lạm dụng tinh thần, đặc biệt là ở trẻ em và việc này có thể dẫn đến các vấn đề ở tuổi trưởng thành như thế nào.”

WEMP, viết tắt của hạnh phúc, trí tuệ cảm xúc, sức khỏe tâm thần và nuôi dạy con cái, tài trợ cho các cuộc hội thảo nhằm giúp trẻ thể hiện cảm xúc tốt hơn cũng như dạy cho cha mẹ các kỹ năng nuôi dạy con tích cực. Cheng nói: “Mục tiêu của tôi là phá vỡ mô hình từ thiện truyền thống và tạo ra tác động trực tiếp đến cộng đồng.

Trẻ em hôm nay là lãnh đạo của ngày mai, vì vậy khi chúng ta tạo ra nền văn hóa và xã hội coi trọng sức khỏe tinh thần, nơi mọi người có thể học tập tốt hơn, làm việc tốt hơn, hình thành các mối quan hệ tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho xã hội, chúng ta có thể xây dựng nền tảng cộng đồng hài hòa.” 

Nandan Nilekani
Đồng sáng lập kiêm chủ tịch, Infosys
Tuổi: 68 • Ấn Độ

Tỉ phú Ấn Độ Nandan Nilekani, đồng sáng lập của gã khổng lồ công nghệ Infosys, đã quyên góp 3,2 tỉ rupee (hơn 38,6 triệu đô la Mỹ) cho trường cũ IIT Bombay của ông vào tháng 6.2023. Việc này đánh dấu 50 năm gắn bó của ông với viện công nghệ, nơi ông từng theo học ngành kỹ thuật điện. Món quà này sẽ được trao đi trong vòng năm năm và là khoản tài trợ cốt lõi để giúp thu hút nhiều khoản quyên góp hơn cho viện.

“Khoản tài trợ này không chỉ là phần đóng góp tài chính; đó là sự tri ân đối với nơi đã mang lại cho tôi rất nhiều điều và là sự cam kết đối với những sinh viên sẽ định hình thế giới của chúng ta vào ngày mai,” Nilekani nói khi ký biên bản ghi nhớ vào tháng 6.2023. Một tháng sau, IIT Bombay đặt tên cho tòa nhà dành cho nhân viên hành chính là Nandan Nilekani Main Building để tôn vinh sự đóng góp đó.

Nilekani, tài sản ròng ước tính khoảng 2,9 tỉ đô la Mỹ theo số cổ phần của ông trong Infosys, công ty dịch vụ CNTT mà ông đồng sáng lập năm 1981, đã trao tổng cộng bốn tỉ rupee (hơn 48,2 triệu đô la Mỹ) cho viện kể từ năm 1999. Năm qua, ông cũng quyên góp thêm 1,6 tỉ rupee (hơn 19,3 triệu đô la Mỹ) cho mục đích giáo dục.

Trong số này, 996 triệu rupee (khoảng 12 triệu đô la Mỹ) sẽ được chuyển đến EkStep Foundation, một tổ chức về sáng kiến giáo dục có trụ sở tại Bangalore do ông chủ trì. Khoản tài trợ này sẽ được chia đều trong ba năm.

Ngoài ra, 664 triệu rupee (khoảng tám triệu đô la Mỹ) khác đã được trao cho AI4Bharat, một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại IIT Madras đang phát triển các tài nguyên nguồn mở cho các ngôn ngữ Ấn Độ. Nilekani và vợ ông, Rohini, đã ký Giving Pledge vào năm 2017.

———————————————————–

Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo Forbes Việt Nam số 127, tháng 4.2024

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/chan-dung-doanh-nhan-tu-thien-chau-a)