Nhân vật

Cựu công tố viên Yoon Suk-yeol đắc cử tổng thống Hàn Quốc

Sau cuộc bầu cử sít sao nhất lịch sử Hàn Quốc, ứng viên Yoon Suk-yeol đã đắc cử tổng thống.

Share
this:

Sau cuộc bầu cử gay cấn, ứng viên đối lập Yoon Suk-yeol đã đắc cử thành tân tổng thống Hàn Quốc, dấy lên những câu hỏi về tương lai của nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á trong bối cảnh đại dịch toàn cầu và căng thẳng Mỹ-Trung.

Ông Yoon Suk-yeol, cựu công tố viên thành chính trị gia của đảng đối lập Sức mạnh Quốc dân (PPP) sẽ kế vị tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in (đảng Dân chủ), người sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vào tháng 5.2022. Ông Yoon đã vượt qua ứng viên đảng cầm quyền Lee Jae-myung với chênh lệch chỉ 1% phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm 9.3. Đây là cuộc cạnh tranh sít sao nhất lịch sử Hàn Quốc kể từ khi nước này khôi phục bầu trực tiếp tổng thống vào năm 1987.

“Thành quả hôm nay là những gì mà chúng ta đã cùng với đảng Sức mạnh Quốc dân đạt được. Hơn hết, đây là chiến thắng của người dân Hàn Quốc vĩ đại.” Yoon Suk-yeol, 61 tuổi, phát biểu trước những người ủng hộ.

Ông Yoon sinh năm 1960 trong gia đình tri thức và tốt nghiệp đại học Quốc gia Seoul danh tiếng. Vào năm 1994, ông trở thành công tố viên sau 10 lần tham dự kỳ thi luật. Ông là cựu công tố viên đầu tiên và người đầu tiên không làm việc trong cơ quan lập pháp trở thành tổng thống Hàn Quốc.

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol chia vui cùng với những người ủng hộ ông tại trụ sở của đảng Sức mạnh Nhân dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES Chung Sung-Jun/Getty Images

Ông từng phụ trách cục điều tra quốc gia và vạch trần những vụ tham nhũng, dẫn đến việc kết án hai cựu tổng thống là bà Park Geun-hye và người tiền nhiệm Lee Myung-bak, cùng với “thái tử” Samsung – Lee Jae Yong.

Vào năm 2021, ông Yoon, người từng giữ chức Tổng Công tố Hàn Quốc dưới thời tổng thống Moon Jea-in từ chức, sau khi các công tố viên theo chỉ đạo của ông tiến hành điều tra bằng chứng về hành vi phạm pháp liên quan đến thành viên trực thuộc chính quyền tổng thống Moon, bao gồm cả cựu bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ông Yoon đã thẳng thắn chỉ trích chính quyền đương nhiệm và gia nhập đảng PPP sau đó một tháng.

Cuộc bầu cử giữa ông Yoon và ông Lee tập trung vào các vấn đề trọng điểm về chính sách ngoại giao của Hàn Quốc, gồm quan hệ với đồng minh quan trọng nhất là Mỹ, quan hệ với Triều Tiên và căng thẳng leo thang giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất. Những vấn đề quan trọng khác dưới thời tổng thống Moon Jae-in gồm giá nhà ở tăng chót vót gần như gấp đôi tại Seoul, thất nghiệp, bất bình đẳng kinh tế tăng cao và làn sóng bài xích nữ quyền.

Lập trường của ông Yoon về kinh doanh thể hiện mối quan hệ đồng minh với Mỹ, gia tăng lo ngại về tầm ảnh hưởng và ý định của Trung Quốc và niềm tự hào trong đóng góp quốc tế của Hàn Quốc tạo ra những lo lắng về các chính sách trong nước và đầu tư nước ngoài.

“Một điều chắc chắn là ông Yoon Suk-yeol sẽ áp dụng các chính sách thân thiện với môi trường kinh doanh và doanh nghiệp hơn nữa,” Shin Dong-cheon, giáo sư danh dự khoa Kinh tế tại đại học Yonsei và cựu hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Kinh tế nói với Forbes.

Bên cạnh giảm lãi suất và thuế thu nhập bất động sản, ông Yoon cho biết sẽ ban hành dự luật thuế mới đi vào hiệu lực trong năm 2023 cho những người có thu nhập 50 triệu won từ đầu tư cổ phiếu. Ông cũng cam kết xây dựng ít nhất 2,5 triệu căn nhà trong vòng 5 năm tới để giúp giá nhà ở hợp lý hơn.

Ông Yoon cũng muốn bổ sung hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (Thaad) của Mỹ để phòng vệ trước Triều Tiên, nguy cơ với đòn trả đũa kinh tế từ Trung Quốc. Các cố vấn chính sách đối ngoại của ông cho biết Yoon dự định sẽ tái khởi động các mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc bằng cách thúc đẩy đối thoại an ninh thường xuyên hơn. Năm 2017, tổng thống Moon từng triển khai hệ thống Thaad tại Hàn Quốc, mà Trung Quốc xem đó như mối đe dọa.

Tuy vậy, Shin lưu ý ông Yoon sẽ không đưa ra lập trường cực đoan với Trung Quốc, dù ông mong muốn triển khai thêm hệ thống Thaad. “Xét đến quy mô thị trường, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu và mối quan hệ thương mại của Hàn Quốc. Do vậy, thật khó để nghĩ đến việc phía Hàn Quốc thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc,” Shin cho biết.

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol trong buổi họp báo tại Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 10.3.2022. Ảnh: Kim hong-Ji-Pool/Getty Images

Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của nhiều công ty Hàn Quốc. Vào thời điểm đại dịch bùng phát, Trung Quốc chiếm 24% tỉ trọng xuất khẩu của Hàn Quốc, theo báo cáo từ tổ chức vận động hành lang kinh tế – Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc (FKI).

Về bình diện quốc tế, vốn đầu tư trong và ngoài nước của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong năm 2021 chạm ngưỡng cao lịch sử 29,51 tỉ USD, theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc. Con số này cao hơn 20,7 tỉ USD của năm 2020, theo báo cáo từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.

Chia sẻ với Forbes, trưởng Cố vấn Kinh tế của ông Yoon Suk-yeol và giáo sư ngành kinh tế tại đại học Quốc gia Seoul, Kim So-young cho biết tổng thống đắc cử sẽ thu hút thêm vốn đầu tư từ việc khuyến khích hoạt động cải cách tại quốc gia này.

“Chính phủ có vai trò khuyến khích người dân khởi nghiệp trong khu vực cải cách có nhu cầu cao và triển vọng tốt hơn cho lợi nhuận của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe điện tử, văn hóa Hàn Quốc và giáo dục số,” Kim cho biết.

Một phần trong đợt cải cách này là về tiền mã hóa. Trong chiến dịch tranh cử, ông Yoon cũng công bố kế hoạch nới lỏng quy định cho ngành công nghiệp tiền mã hóa. Trong thông báo tại một hội nghị vào tháng 1.2022, ông cho biết sẽ cải tổ những quy định “không thực tế và bất hợp lý” nhằm hiện thực hóa tiềm năng của tiền mã hóa.

Cựu công tố viên cũng đề xuất nâng thuế thu nhập ban đầu cho đầu tư tiền mã hóa từ 2,5 triệu USD hiện nay lên 50 triệu USD, tương đương với vốn sở hữu. Lập trường thân thiện với tiền mã hóa của ông khác biệt so với thái độ thận trọng hơn từ đối thủ Lee Jae-myung, đưa ra dự báo khả quan cho đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong quá trình phục hồi từ đại dịch, nền kinh tế của Hàn Quốc tăng trưởng lên mức trước đại dịch, theo tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy vậy, OECD dự báo chỉ số GPD của Hàn Quốc trong năm 2022 sẽ giảm 3%, dấy lên câu hỏi về khả năng khôi phục kinh tế dưới thời tổng thống Yoon Suk-yeol trong tương lai.

Biên dịch: Minh Tuấn