Antje Von Dewitz, chủ điều hành Vaude, chứng minh được doanh nghiệp sẽ tăng trưởng bền vững khi phát triển gắn liền với hệ sinh thái.
“Khi tôi còn trẻ, tôi muốn làm việc cho tổ chức Hòa bình Xanh hoặc quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới,” doanh nhân tiến sĩ Antje von Dewitz nói. Thay vào đó, từ năm 2009, bà trở thành giám đốc điều hành của Vaude, công ty quần áo và phụ kiện thể thao ngoài trời do cha bà thành lập vào năm 1974.
Vẫn đặt tại vùng nông thôn nước Đức, gần biên giới với Thụy Sĩ và Áo, Vaude bắt đầu sản xuất ba lô cỡ lớn, cũng như hiện giờ đang bán các sản phẩm đi bộ đường dài, đi xe đạp lẫn leo núi trên toàn thế giới.
Trụ sở chính của nhà máy Tettnang đạt được mức trung hòa carbon từ năm 2012, nằm trong mục tiêu phát triển xanh von Dewitz đặt ra không chỉ cho công ty mà còn cả chuỗi cung ứng của công ty ở châu Á, vốn đã đạt được mức trung hòa carbon hồi năm ngoái.
(Khoảng 5% sản phẩm của Vaude được sản xuất tại nhà máy chính Tettnang, 35% sản phẩm được sản xuất tại nhà máy thuộc sở hữu của công ty ở Việt Nam, và các nhà cung cấp độc lập sản xuất phần còn lại ở châu Âu lẫn châu Á.)
Von Dewitz học kinh tế tại trường đại học, thực tập trong các tổ chức môi trường và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đồng thời làm việc cho tờ báo Süddeutsche cũng như đài truyền hình NDR ở Đức.
Sau đó, bà cũng thực tập tại Vaude nhưng không có kế hoạch ở lại làm việc tại công ty của cha mình, vì nghĩ rằng sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ, bà sẽ bắt đầu làm việc cho tổ chức phi chính phủ có trách nhiệm với xã hội.
Thay vào đó, bà quay trở lại Vaude vào năm 2005 làm giám đốc phát triển sản phẩm, nhận ra rằng bà có thể tạo ra tác động thân thiện với môi trường thông qua những cải tiến sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn sinh thái cũng như chứng minh—cho cha bà thấy—việc làm đó có thể mang lại lợi nhuận cho công ty.
Vaude—được phát âm là “Faudi” từ các chữ cái đầu tiên của von Dewitz—hiện được để ý đến nhờ các tiêu chuẩn môi trường và chính sách trách nhiệm xã hội mạnh mẽ.
“Tôi muốn có trách nhiệm giữ cho hành tinh này có thể sống được,” von Dewitz nói trong cuộc gọi phỏng vấn qua Zoom.
Von Dewitz phát triển công ty trở nên xanh hơn so với các công ty EU khác.
“Chúng tôi có trách nhiệm không chỉ tạo ra sản phẩm đúng cách mà còn quan tâm đến điều kiện làm việc tại nhà máy chính và trên toàn thế giới,” bà nói.
Von Dewitz là đại sứ cho Economy for the Common Good, đo lường sự thành công của doanh nghiệp về lợi nhuận tài chính và đóng góp cho lợi ích chung. Bà cũng là phó chủ tịch ủy thác của German Federal Environmental Foundation. Bà đoạt được một số giải thưởng ghi nhận cam kết về kinh tế, xã hội và sinh thái, bao gồm EY Entrepreneur of the Year Award (giải thưởng Doanh nhân của năm EY- 2021), Chief Marketing Officer Award (giải thưởng Giám đốc marketing-2021) và Vanity Fair’s Changing Your Mind Award (giải thưởng Thay đổi suy nghĩ của bạn do Vanity Fair tổ chức- 2020).
Bà không ngại lên tiếng và là người tin tưởng vào quyền lực chính trị các doanh nghiệp có thể sử dụng. Chẳng hạn, bà đã vận động hành lang để siết chặt đạo luật Chuỗi cung ứng mới của Đức. Đạo luật có hiệu lực từ tháng 1, yêu cầu các công ty Đức phải tuân thủ chặt tiêu chuẩn xã hội lẫn môi trường.
Quản trị
Nhiều quốc gia đưa ra, hoặc chuẩn bị đưa ra các tiêu chuẩn cũng như quy định tương tự về phát triển bền vững của công ty, giám sát công ty thực hiện chính sách về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để khuyến khích—và đôi khi buộc—công ty hành động có trách nhiệm.
Ở châu Âu, Chỉ thị về báo cáo phi tài chính (NFRD) bắt buộc công ty lớn có lợi ích công (những công ty có hơn 500 nhân viên) phải công bố thông tin liên quan đến các vấn đề môi trường.
Chỉ thị này sẽ sớm được mở rộng thành Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững (CSRD) buộc doanh nghiệp báo cáo chi tiết hơn về các vấn đề ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đồng thời có nghĩa vụ giải trình.
CSRD nhắm đến “thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững và có trách nhiệm, đồng thời gắn liền với những cân nhắc về quyền con người lẫn môi trường trong hoạt động cũng như quản trị doanh nghiệp của công ty.”
Chỉ thị sẽ yêu cầu các công ty xác định đồng thời thực hiện các hoạt động ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác động môi trường tại công ty con cũng như trong chuỗi giá trị.
Điều đáng ngưỡng mộ
Vaude đã đạt các chỉ ESG, đồng thời von Dewitz cho cha bà thấy rằng hoạt động tuân thủ trách nhiệm với môi trường này giúp công ty thu về lợi nhuận cao.
Công ty đạt doanh thu 158 triệu USD vào năm ngoái. Các sản phẩm được sản xuất theo quy trình tuân thủ tiêu chí thân thiện với môi trường đóng góp 45% cho tổng doanh doanh thu này.
“Nhân viên của chúng tôi yêu thích hoạt động ngoài trời cũng như đi xe đạp,” von Dewitz cho biết.
Bên cạnh đó, họ thường quan tâm nhiều đến các vấn đề môi trường, điều này giúp von Dewitz dễ dàng xanh hóa công ty hơn.
“Chúng tôi thực hiện toàn công ty,” bà cho biết.
“Chúng tôi bắt đầu tại trụ sở chính ở miền nam nước Đức, nhưng sau đó mở rộng ra trong toàn bộ chu kỳ sản xuất sản phẩm. Khi chúng tôi bắt đầu vào năm 2009, lúc đó ý thức về tính bền vững chưa cao lắm, cả những khách hàng của chúng tôi.”
Thật ra quá trình thực hiện tại công ty mẹ không thuận lợi một chút nào.
“Ban đầu nhân viên của chúng tôi rất hoài nghi,” von Dewitz nhớ lại, “bởi vì họ nhìn thấy bộ máy quan liêu trong quá trình thực hiện hoạt động chuyển đổi để trở nên bền vững hơn; họ không chắc liệu đây có phải chỉ là một mánh lới marketing hay không.”
Những thay đổi đầu tiên rất nhỏ, chẳng hạn như thay đổi hạt cà phê tại trụ sở chính sang hạt cà phê của Fairtrade, và từ đó mở rộng, bao gồm hoạt động đo lường tất cả lượng khí thải tại trụ sở chính trong hơn một năm.
“Chúng tôi bắt đầu các chương trình cắt giảm khí thải. Chúng tôi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, lắp pin mặt trời trên mái nhà. Chúng tôi cắt bỏ danh mục giấy—vào thời điểm đó, công cụ marketing quan trọng nhất chúng tôi có— vì chúng tôi tính toán rằng sau khi sản xuất, đây là nguồn phát thải lớn thứ hai.”
Hoạt động di chuyển tạo ra nguồn phát thải lớn thứ ba trong công ty.
“Chúng tôi tạo ra một chương trình di chuyển xanh, trong đó những chỗ đậu xe tốt nhất tại trụ sở chính không còn nữa mà thay vào đó nhân viên sử dụng dịch vụ đi chung xe. Chúng tôi cũng mua xe đạp cho nhân viên để có thể sử dụng cho di chuyển.”
Đối với những lượng khí thải không thể cắt giảm, Vaude trả tiền bù đắp thông qua tổ chức phi lợi nhuận Myclimate.
Xanh hóa chuỗi cung ứng là một điều khó thực hiện hơn.
“Điều cần thiết là phải có cả chuỗi hỗ trợ thực hiện ý tưởng,” von Dewitz nói.
“Việc chuyển đổi luôn luôn khó khăn. Năm 2009, chúng tôi chỉ đạt 52 triệu USD doanh thu và có một chuỗi cung ứng rất phức tạp. Chúng tôi làm việc với 65 địa điểm sản xuất ở châu Á; chúng tôi mua nguyên liệu từ 150 nhà cung cấp. Đội ngũ nhân viên chuyên trách của công ty chọn cách chuyển đổi tất cả chúng.”
Vaude khởi động Green Shape, chương trình chứng nhận nhãn hiệu riêng cho sản phẩm sinh thái, buộc các nhà cung cấp phải gửi kiểm toán sinh thái để nhận chứng nhận của chương trình.
“Mỗi đợt kiểm toán tốn 21.000 USD mỗi năm, và đây là một thương hiệu khá nhỏ đôi lúc yêu cầu các doanh nghiệp lớn hơn tuân thủ yêu cầu,” von Dewitz cho biết.
Một số nhà cung cấp được Vaude chi trả chi phí kiểm toán này.
Gần 90% sản phẩm của Vaude hiện đạt chứng nhận Green Shape, nghĩa là sản phẩm thân thiện môi trường và có thể dễ dàng sửa chữa cũng như tái chế. (Chương trình Green Shape của Vaude chặt chẽ hơn chương trình Green Button tương tự của chính phủ Đức.)
“Nhìn từ quan điểm kinh tế, rất đáng để đi theo con đường bền vững này,” von Dewitz nhấn mạnh.
“Vâng, bởi vì điều này rất tốt cho hình ảnh thương hiệu của chúng tôi,” von Dewitz đồng ý, mà còn “thuyết phục được nhân viên rằng những gì họ đang làm đều hướng đến một mục đích chung.”
Và, ngày càng nhiều, người tiêu dùng cũng đang lựa chọn các công ty tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn môi trường.
Phát triển xanh “giúp chúng tôi trở thành một thương hiệu và công ty ngày càng mạnh hơn,” von Dewitz cho biết.
Và đó là một vòng tròn phát triển, với sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn để có thêm nguồn đầu tư thực hiện ngày càng nhiều hoạt động chuyển đổi thân thiện môi trường.
Không di chuyển bằng máy bay
Vaude quan tâm hàng đầu đến những hoạt động di chuyển.
“Tám năm trước, chúng tôi đã loại bỏ 60 điểm đỗ xe và thay thế chúng bằng khu vực giải trí và tường leo núi,” von Dewitz nói.
Do trụ sở chính của công ty đặt ở vùng nông thôn nên cần thiết phải có ô tô để đi làm, nhưng công ty đã vận động thành công để có trạm xe buýt từ thành phố và một công ty xe buýt địa phương.
Để đi công tác, các giám đốc điều hành của Vaude bắt buộc phải đi phương tiện công cộng.
“Khi tôi đến Berlin, tôi không đi máy bay; Tôi đi tàu, hành trình kéo dài khoảng tám giờ,” von Dewitz nói.
“Chúng tôi tận dụng thời gian hiệu quả, làm việc trên máy tính xách tay hoặc họp ngay ở trên tàu.”
Taxi chỉ được sử dụng nếu một số nhân viên đi cùng nhau.
Nhân viên của Vaude không di chuyển bằng máy bay khi đi công tác trong nước Đức, Thụy Sĩ hoặc Áo.
Chính sách hạn chế sử dụng ô tô cũng như chỉ đi máy bay cho các chuyến đến châu Á là một cú sốc văn hóa đối với những nhân viên lớn tuổi trong công ty.
“Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc tại sao họ không nên đi máy bay, hoặc tại sao họ không nên đi taxi,” von Dewitz nói.
Gần đây, có nhiều nhân viên hưởng ứng các loại chính sách thân thiên môi trường này.
“Họ hưởng ứng do chúng tôi mang lại những giá trị họ đang ủng hộ,” von Dewitz nói.
Hiện Vaude có doanh số bán hàng cao hơn mức trung bình của ngành, von Dewitz đã chứng minh rằng phát triển xanh được đền đáp xứng đáng về mặt tài chính.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm: Dự án siêu lưới điện xanh Sun Cable tìm vốn mới do cổ đông bất đồng định hướng
Thêm một tòa nhà được cấp chứng chỉ công trình xanh
Xe buýt 2,2 USD và tàu lửa miễn phí khuyến khích du lịch xanh ở châu Âu