Tòa nhà trụ sở công ty Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O) tại TP.HCM hôm 10.11 đã được Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (U.S. Green Building Council – USGBC) trao chứng chỉ LEED cấp độ Silver.
Tính đến nay tòa nhà trụ sở N.H.O tại TP.HCM là một trong hơn 230 toà nhà được cấp chứng chỉ công trình xanh.
Hiện tại Việt Nam có ba hệ thống chứng nhận công trình xanh hàng đầu, bao gồm: LEED do hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ đánh giá; chứng chỉ EDGE do tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cấp và LOTUS do hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) chứng nhận.
LEED là bộ tiêu chuẩn do USGBC phát triển từ năm 1995, chứng nhận những công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, trở thành một tiêu chuẩn hàng đầu được áp dụng cho các công trình xanh lớn trên toàn cầu. Tiêu chuẩn LEED có 4 cấp độ: Được công nhận đạt chuẩn (40-49 điểm), Bạc (50-59 điểm), Vàng (60-79 điểm) và Bạch Kim (từ 80 điểm).
Để đạt được chứng chỉ LEED cấp độ Silver, tòa nhà N.H.O đáp ứng được 7 tiêu chí khắt khe về đổi mới thiết kế, chất lượng không khí, vật liệu và tài nguyên, vị trí và kết nối giao thông, vị trí bền vững, năng lượng và khí quyển, hiệu quả sử dụng nguồn nước.
Công ty TNHH ADU là đơn vị thiết kế kiến trúc trong khi Handong E&C là nhà thầu chính xây trụ sở N.H.O với tổng diện tích sàn 450m2, được thiết kế cho khả năng tiết kiệm 27,9% tổng năng lượng và 40,15% tổng lượng nước tiêu thụ hàng năm so với mức cơ bản.
Đảm bảo phân loại, thu gom và lưu trữ 5 loại vật liệu có thể tái chế (giấy trộn, bìa cứng, thủy tinh, nhựa và kim loại) cũng như phân chia khu vực chất thải nguy hại và khu vực chất thải hữu cơ. Đồng thời diện tích cây xanh trong nhà chiếm 20% tổng diện tích.
Từ năm 2010, Việt Nam có tòa nhà xanh đầu tiên được chứng nhận, đến tháng 9.2022 có 233 công trình đạt chuẩn như các nhà máy ATAD Đồng Nai, Đồng Phú Cường, Genesis School, Ngôi nhà Xanh Liên Hợp Quốc, tòa nhà tòa nhà Ruby Tower (Savills), khu nghỉ dưỡng The Coastal Hill…
Theo báo cáo của Bộ Xây Dựng tại Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2022, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình 9%/năm, tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt 40,5%, kéo theo áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong xây dựng.
Trong khi số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt hơn 230 công trình so với hàng triệu tòa nhà với tổng diện tích hơn 6 triệu m2 sàn xây dựng. Đây là con số còn rất khiêm tốn so với số lượng công trình xây dựng và đưa vào hoạt động trong thập niên qua.
Savills Việt Nam nhận định, doanh nghiệp ngày càng chịu sức ép lớn về phát triển bền vững với những cam kết cụ thể về Môi trường – Xã hội và Quản trị (ESG). Trước xu hướng chủ đạo của bất động sản toàn cầu là chú trọng yếu tố xanh, bền vững, thị trường Việt Nam cần chủ động hơn trong phát triển công trình xanh để giữ sức hút và đạt mục tiêu trong cuộc đua giảm phát thải toàn cầu.
Theo ông Neil MacGregor, tổng giám đốc Savills Việt Nam, các báo cáo ESG đang thâm nhập thị trường châu Á và trở thành yếu tố bắt buộc của các công ty niêm yết ở nhiều nơi, trong thời gian không xa các công ty tại Việt Nam cũng sẽ theo định hướng này.
11 tháng trước
2 tháng trước