Theo nguồn tin ẩn danh nói với Wall Street Journal, WeWork, công ty từng dẫn đầu trong phong trào không gian làm việc chung, lên kế hoạch nộp đơn xin phá sản theo chương 11 vào đầu tuần tới.
Điều này đánh dấu sự sụp đổ lớn đối với một công ty từng được định giá 47 tỉ USD. Ngày 2.10, WeWork không thể trả lãi cho trái chủ nên gia hạn thêm 30 ngày.
Công ty sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu vẫn mất khả năng thanh toán trái phiếu đến hạn. Tuy nhiên vào ngày 31.10, các trái chủ đồng ý cho WeWork thêm 7 ngày nữa để thương lượng trước khi tình trạng vỡ nợ xảy ra.
Công ty có trụ sở chính tại New York nhưng đang xem xét nộp đơn xin phá sản ở New Jersey. WeWork từ chối bình luận.
Trong thông cáo báo chí phát đi hồi tháng 8, WeWork thừa nhận công ty “nghi ngờ” khả năng duy trì hoạt động kinh doanh do “số lượng thành viên giảm nhẹ” và “cạnh tranh ngày càng khốc liệt.”
Công ty đưa ra lý do nguồn cung bất động sản thương mại ngày càng dồi dào nên khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Vào thời điểm đó, công ty báo cáo khoản lỗ ròng 696 triệu USD trong sáu tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, khoản lỗ trên ít hơn so với cùng kỳ năm 2022, khi đó công ty lỗ 1,14 tỉ USD.
Theo hồ sơ gửi đến ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ, vào tháng 8, ba giám đốc trong hội đồng quản trị của công ty đã từ chức sau những bất đồng về quản trị cũng như định hướng chiến lược.
Tình trạng tài chính khó khăn xảy ra suốt nhiều năm sau khi WeWork trở thành một trong những công ty hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư phố Wall. Theo Business Insider, WeWork trở thành startup có giá trị lớn thứ 6 trên thế giới vào năm 2017 nhờ sớm kiếm được khoản lợi nhuận từ xu hướng làm việc từ xa.
Chỉ trong khoảng thời gian ba tháng từ tháng 7 đến tháng 9.2017, công ty huy động 4,4 tỉ USD và đến tháng 1.2019, công ty được định giá ở mức đáng kinh ngạc 47 tỉ USD. Tuy nhiên, những thách thức trong đại dịch COVID-19 khiến văn phòng cho thuê bỏ trống vào mùa xuân năm 2020 và thị trường bất động sản khó khăn tác động mạnh đến mức tăng trưởng của công ty.
Tính đến tháng 6, WeWork vận hành 777 địa điểm trên toàn hệ thống tại 39 quốc gia với tổng số khoảng 906.000 văn phòng và 653.000 thành viên. Tỉ lệ lấp đầy đạt 72%, giảm 1% so với năm 2022. Mỗi thành viên mang về cho công ty trung bình 502 USD.
Biên dịch: Gia Nhi
———————–
Xem thêm:
WeWork có khả năng ngừng hoạt động kinh doanh
Tầm nhìn kép từ nhà quản lý tài sản tư nhân rót vốn cho cựu CEO WeWork
WeWork ra mắt tòa nhà văn phòng mới tại Singapore
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/wework-co-the-tuyen-bo-pha-san-trong-tuan-toi)
2 năm trước
Hồ sơ: ESR – đối thủ mới của ngành bất động sản