Doanh nghiệp

Vriko Yu xây nhà cho san hô bằng công nghệ in 3D

Vriko Yu là CEO của Archireef, công ty phát triển công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu áp dụng công nghệ in 3D và một vài kỹ thuật nung đất để khôi phục hệ sinh thái biển.

Share
this:

Rạn san hô, nơi sinh vật biển cư ngụ và sinh sản, thường mất một khoảng thời gian rất dài để phát triển hoàn chỉnh. Và đó là lý do để Vriko Yu cảm thấy lo lắng, khi cô từng chứng kiến quần thể rạn san hô tại Hong Kong bị tàn phá nghiêm trọng chỉ trong hai tháng vào năm 2014.

“Tôi biết rõ về tác động từ biến đổi khí hậu, nhưng không nghĩ rằng điều này lại tàn phá các quần thể rạn sạn hô trong một khoảng thời gian ngắn đến như vậy. Điều đó thật đáng sợ,” Vriko Yu (30 tuổi), nghiên cứu sinh ngành khoa học sinh học tại đại học Hong Kong, cho biết.

Vì lẽ đó, cô và David Baker, giáo sư ngành sinh học biển cùng với ba nhà nghiên cứu khác tại đại học Hong Kong đã thử nhiều cách khác nhau để phục hồi hệ sinh thái biển, như nuôi cấy nhánh san hô vào các giá thể làm từ khung kim loại và gạch không nung. Tuy vậy, kết quả cho ra các nhánh con của san hô thường rơi ra và không thể duy trì sự sống.

Nhà đồng sáng lập của Archireef, Vriko Yu. Ảnh: Zinnia Lee/Forbes Asia.

Tưởng chừng như rơi vào bế tắc, cả nhóm đã nghĩ ra được giải pháp là viên gạch được in 3D bằng đất sét sau đó nung thành đất nung, chế tác cẩn thận với những nếp uốn và kẽ hở giúp các nhánh san hô bám chặt vào đáy đại dương, từ đó sinh trưởng tốt. Theo Vriko Yu, san hô được nuôi cấy trong những “ngôi nhà” này có khả năng sinh tồn đến 98%.

Phát triển thành công nguyên mẫu với động lực thúc đẩy từ mong muốn huy động tài chính để mở rộng quy mô, Vriko Yu và David Baker đã tách ra hoạt động độc lập từ đại học Hong Kong, thành lập Acrchireef vào năm 2020 cung cấp các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đó, Yu đảm nhiệm vai trò giám đốc điều hành (CEO). Được vinh danh trong danh sách Forbes Asia 100 to Watch năm 2022, Archireef nỗ lực khôi phục hệ sinh thái biển đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng dưới tác động của biến đổi khí hậu, đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của Archireef nằm trong công viên Khoa học Hong Kong, Vriko Yu chia sẻ “Khi đề cập đến công nghệ đối phó với biến đổi khí hậu, phần lớn mọi người đều tập trung vào cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng không chỉ giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, có giải pháp chủ động trong việc khôi phục hệ sinh thái biển cũng là điều cấp thiết. Đó là vì môi trường thiên niên mất nhiều thời gian để tự khôi phục và không thể theo kịp với diễn biến của biến đổi khí hậu.”

Tuy chỉ bao phủ 0,2% đáy đại dương, rạn san hô mang lại lợi ích to lớn cho môi trường, là nơi trú ngụ và cung cấp thức ăn cho 25% loài cá biển vào một số thời điểm trong vòng đời của chúng. Rạn san hô còn là nguồn thức ăn và tạo sinh kế cho hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Theo ước tính, rạn san hô mang lại giá trị kinh tế 2.700 tỉ đô la Mỹ từ hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả 36 tỉ đô la Mỹ từ ngành du lịch.

Tuy vậy, rạn san hô rất nhạy cảm trong điều kiện nhiệt độ đại dương ấm lên. Khi nhiệt độ đại dương tăng lên quá cao, điều này có thể làm san hô mất đi lớp tảo đầy màu sắc sống trong mô của chúng và gây ra hiện tượng “tẩy trắng san hô”.

Theo một báo cáo của Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu (GCRMN) năm 2022, 14% rạn san hô trên toàn thế giới đã bị xóa sổ từ năm 2009 đến 2018. Báo cáo khác được Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) công bố năm 2018 cho thấy, gần như toàn bộ rạn san hô (hơn 99%) trên trái đất sẽ biến mất nếu nhiệt độ ấm lên 2°C.

Archireef hoạt động theo mô hình dịch vụ đăng ký, với khách hàng doanh nghiệp và cơ quan chính phủ trả một khoản phí hằng tháng để công ty duy trì và giám sát các dự án phục hồi san hô trong ít nhất ba năm. Đổi lại, Archireef sẽ cung cấp chi tiết tác động sinh thái từ việc đầu tư có thể đưa vào các báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) và dùng làm chất liệu marketing.

San hô được nuôi cấy trong những viên gạch được in 3D từ kỹ thuật nung đất có khả năng sinh tồn đến 98%. Ảnh: Archireef/Raymond.

Vriko Yu cho biết Archireef đã tạo ra lợi nhuận và có các khách hàng gồm những công ty Hong Kong, như chuỗi bán lẻ trang sức thời trang Chow Sang Sang và tập đoàn bất động sản Sino Group do tỉ phú Singapore Robert Ng điều hành.

“Chúng tôi rất quan tâm đến phát triển bền vững và có vai trò bảo vệ đại dương,” Melanie Kwok, trợ lý giám đốc bộ phận về phát triển bền vững của Sino Group, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại The Fullerton Ocean Park Hotel Hong Kong.

The Fullerton Ocean Park Hotel là một trong sáu khách sạn của tập đoàn bất động sản Sino Land (niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong). Đi vào hoạt động từ tháng 7.2022, toàn bộ 425 phòng lưu trú thông thường và cao cấp tại đây đều hướng tầm nhìn ra biển.



Theo ước tính, rạn san hô mang lại giá trị kinh tế 2.700 tỉ đô la Mỹ từ hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả 36 tỉ đô la Mỹ từ ngành du lịch.



“Toàn bộ phòng lưu trú của Fullerton Ocean Park Hotel đều có tầm nhìn hướng biển. Đó là vai trò của chúng tôi khi chia sẻ đến các khách hàng và cổ đông về tầm quan trọng trong việc gìn giữ đại dương xanh, để mọi người có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp này,” Kwok cho biết.

Đến nay, Archireef đã đặt 100m2 viên gạch in 3D nuôi san hô dưới bề mặt nước biển tại Hong Kong. Khi đã có nền tảng phát triển vững chắc tại Hong Kong, Yu giờ đây hướng tầm nhìn ra thị trường quốc tế. Hành trình của cô bắt đầu tại Abu Dhabi, “thủ đô dầu mỏ” của U.A.E đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế trước khi thế giới ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Melanie Kwok, trợ lý giám đốc bộ phận về phát triển bền vững của tập đoàn bất động sản Sino Group. Ảnh: Shanshan Group/Forbes Asia.

Archireef cho biết đang hợp tác với ADQ – quỹ Đầu tư quốc gia của Abu Dhabi để khôi phục 40m2 diện tích nước gần Abu Dhabi. Sau khi hoàn tất, khu vực này sẽ trở thành nơi nuôi cấy khoảng 1.200 nhánh san hô. Trong năm 2022, Archireef cũng thành lập cơ sở có diện tích rộng 400m2 tại Abu Dhabi với khoản đầu tư không tiết lộ giá trị từ ADQ. Cơ sở này sẽ thúc đẩy quá trình mở rộng quy mô của công ty từ việc sản xuất hàng loạt sản phẩm viên gạch in 3D cho san hô.

Năm 2021, chính phủ Adu Dhabi thông báo U.A.E đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trở thành nước đầu tiên ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi đề ra lộ trình này. Cam kết phát triển bền vững của Abu Dhabi đã thuyết phục Vriko Yu quyết định đặt cơ sở hoạt động ở nước ngoài đầu tiên tại U.A.E, quốc gia sẽ đăng cai hội nghị về biến đổi khí hậu COP28 trong năm 2023.

“Khi chúng tôi suy nghĩ về việc mở rộng quy mô bên ngoài Hong Kong, U.A.E là điểm đến tốt nhất, không chỉ mang đến nguồn tài chính, mà còn thúc đẩy phát triển bền vững,” Yu cho biết.

Archireef sẽ duy trì và giám sát các dự án khôi phục san hô cho khách hàng với thời hạn ba năm. Ảnh: Archireef/Raymond Man.

Nhưng tham vọng của Archireef không chỉ dừng lại ở việc khôi phục rạn san hô. Vriko Yu cho biết, công ty đang tất bật nhân rộng sản phẩm để có thể khôi phục các loài góp phần hình thành hệ sinh thái tự nhiên cho những loài khác, gồm rừng ngập mặn và con hàu.

Lúc này, Vriko Yu đang nhanh chóng mở rộng quy mô của Archireef và nhân rộng sản phẩm viên gạch in 3D để nuôi san hô ra toàn thế giới, bao gồm Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nữ doanh nhân trẻ tuổi này đang chạy đua với thời gian để bảo vệ sự sống của các rạn san hô.

“50% rạn san hô trên thế giới đã biến mất kể từ năm 1950, và con số này có thể lên đến 90% vào năm 2050 nếu chúng ta không làm gì đó. Do vậy, tôi muốn truyền đi thông điệp rằng ‘Hãy nắm bắt cơ hội cuối cùng để đảo ngược biến đổi khí hậu’,” Yu chia sẻ.

Biên dịch: Minh Tuấn