Tiêu điểm

Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát mục tiêu 4% năm 2022

2 năm trước
Tác giả Minh Tâm

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành phân tích những yếu tố cho thấy Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát bình quân 4% như mục tiêu, làm tiền đề để các chính sách tiền tệ vẫn linh hoạt.

Share
this:

Ở bài trình bày thứ hai với chủ đề Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Xua tan mây mù lạm phát tại Diễn đàn kinh doanh 2022 của Forbes Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành – giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright khẳng định Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát mục tiêu 4% như Quốc hội đề ra từ đầu năm.

Ông Thành phân tích tình hình lạm phát ở các nước trên thế giới theo bảng màu phân chia khu vực tương tự phân chia theo vùng dịch của năm 2021 tại Việt Nam. Cụ thể, màu đỏ có mức lạm phát 8,6-9,6% gồm Mỹ và châu Âu; màu nâu từ 7-7,7% gồm Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ; màu vàng từ 5,6 -6,1% gồm Hàn Quốc, Singapore và Philippines và màu xanh từ 2,4-4,4%.

Việt Nam trong vùng xanh với mức lạm phát 3,4%, là điểm tích cực, kể cả may mắn. Điều này, có thể gây nghi ngờ với người dân và doanh nghiệp khi hàng ngày đi chợ hay mua nguyên vật liệu đều tăng từ 12-18%. “Tuy nhiên, nếu nhìn vào rổ hàng hóa có thể giải thích được khi lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng hơn 30% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thời gian qua giá gạo và thịt heo không tăng mạnh, trong khi giá năng lượng đã tăng hơn 50% nhưng lại chỉ chiếm 8% trọng số,” ông Thành lý giải.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành – giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright,chia sẻ chủ đề Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Xua tan mây mù lạm phát tại Diễn đàn kinh doanh 2022 của Forbes Việt Nam.

“Các nền kinh tế ở vùng đỏ, với mức lạm phát cao bởi chịu tác động của việc đã bơm tiền quá nhiều trong giai đoạn COVID-19 và phụ thuộc nhập khẩu năng lượng; các nước vùng cam thì nhập khẩu năng lượng và lương thực cao. Các nước vùng xanh, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, chịu tác động của giá năng lượng cao nhưng chính sách tiền tệ trung tính, chưa thắt chặt,” ông Thành phân tích.

Ông Thành cho rằng, nếu giá dầu không vượt ngưỡng 120 USD/thùng thì tình hình kiểm soát lạm phát của Việt Nam khả quan, nếu vượt lên đỉnh mức tháng 4 sẽ là thách thức. Trong nửa năm đầu 2022, Việt Nam giữ mức lạm phát 3,4% nhưng từ nay đến cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục gia tăng.

CPI tháng 7 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước nhờ xăng dầu bán lẻ trong nước giảm khi giá dầu thô đi xuống và thuế phí được cắt giảm nhưng theo ông Thành “cũng cần nhớ rằng, cùng kỳ năm ngoái Việt Nam đang sống trong giai đoạn giãn cách xã hội khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát”.

Trong những tháng tới, CPI sẽ tăng khi ảnh hưởng của giá dầu không còn nhiều và các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng theo độ trễ của xăng dầu. Ông Thành dự báo mức tăng 0,4-0,7% so với tháng trước và lúc đó lạm phát Việt Nam sẽ đạt đỉnh, thậm chí CPI tháng 11 và 12 có thể tăng tới 7% so với cùng kỳ.

“Nhưng Việt Nam khác biệt là cách tính lạm phát bình quân, không phải lấy tháng này so với tháng trước như các nước, mức lạm phát 12 tháng chia đều nên ngay cả khi lạm phát cuối năm tăng mỗi tháng 0,7% thì lạm phát bình quân của Việt Nam vẫn ở mức 3,8%, tức vẫn dưới 4% theo chỉ tiêu cứng Quốc hội đề ra từ đầu năm,” ông Thành nói.

Kiểm soát được lạm phát sẽ giúp Chính phủ tự tin để có chính sách điều hành vĩ mô uyển chuyển, không phải thắt chặt tiền tệ như nhiều nước. Tăng trưởng của Việt Nam, vốn được ưu tiên cùng với ổn định vĩ mô, theo ông Thành, sẽ tăng 7,3-7,6% vì quý 3 năm nay sẽ tăng mạnh, đặt trong nền so sánh với quý 3 năm ngoái tăng trưởng -6%.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát bình quân 4% như mục tiêu ban đầu chính phủ đề ra cho năm 2022. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Tuy nhiên, bối cảnh năm 2023-2024 có thể không khả quan. “Đánh giá của tôi là nên chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn cho năm sau, sẽ có vài quý tăng trưởng thấp, thậm chí suy thoái,” ông Thành nhấn mạnh và cho rằng cần chuẩn bị dư địa chính sách để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo ông nhà điều hành chính sách trong giai đoạn này đang khá thận trọng khi có những lo ngại lịch sử lặp lại như năm 2011, khi tín dụng tăng mạnh khiến lạm phát tăng vọt. “Nền kinh tế phục hồi đòi hỏi tín dụng cho công nghiệp và dịch vụ nhưng nhà điều hành đang dò đường để các mục tiêu tăng trưởng, lạm phát đạt được và tự tin trong thời gian tới,” ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đến kịch bản có thể xấu hơn nếu giá dầu lên trên 120 USD/thùng sẽ khiến việc kiểm soát lạm phát khó khăn hơn. Nếu giá dầu tăng lại, Chính phủ sẽ phải dùng đến các biện pháp như giảm thuế phí, tạo kỳ vọng cho nền kinh tế Việt Nam không quay lại thời lạm phát cao, tạo động lực tăng trưởng cho trung hạn.

Nhìn vào trung hạn, muốn tăng trưởng tốt thì phải đảm bảo kiềng 3 chân: tiêu dùng trong người dân, giải ngân đầu tư mạnh mẽ, gồm công hoặc tư và xuất khẩu tốt.

“Với năm 2023, nền kinh tế thế giới khó khăn, Việt Nam mất đi kiềng xuất khẩu nhưng tiêu dùng trong nước, thu hút FDI và giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng 6,8%, duy trì được trong 3-5 tới,” ông Thành nhận định.

Xem thêm:
Triển vọng nào đưa Việt Nam trở thành “con hổ mới” của kinh tế châu Á?

Forbes Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh doanh lần thứ 10
Giá xăng giảm nhưng CPI vẫn tăng
Nhiều rủi ro tiềm ẩn với tăng trưởng GDP
Kinh tế vĩ mô Việt Nam trong bối cảnh mới

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/viet-nam-se-kiem-soat-duoc-lam-phat-muc-tieu-4-nam-2022)