multi-media / Megastory

Thợ rừng thời 2.0: Kodama Systems đốn cây để giảm CO2

Bill Gates và các nhà đầu tư khác đang đặt cược rằng Kodama Systems có thể giảm lượng khí carbon dioxide (CO2) trong không khí bằng cách đốn hạ và chôn cây. Hiện giờ, chỉ cần chờ chính phủ cùng tham gia công cuộc này với các khoản tín dụng thuế.

Những người khai thác gỗ sử dụng những chiếc máy như vậy, được gọi là xe kéo gỗ, để lấy hàng tấn cây bị chặt và những mảnh vụn rồi kéo chúng ra khỏi rừng.

Phiên bản xe kéo gỗ của Kodama được thiết kế để thực hiện công việc này ngay cả vào ban đêm, với ít nhân công hơn, sử dụng camera kết nối vệ tinh và ứng dụng công nghệ lidar tiên tiến (phát hiện và đo phạm vi ánh sáng), cùng loại được sử dụng trên ô tô tự lái, để giám sát công việc từ xa.

Việc này không dễ dàng. “Các cây có nhiều kết cấu vỏ khác nhau,” Jenkins, 35 tuổi, cho biết. “Cứ kéo đi tầm 3m lại có một chút khác biệt.”

Tuy vậy, vận hành khi đêm xuống không phải là phần hấp dẫn nhất trong kế hoạch của Kodama, công ty đã huy động được 6,6 triệu đô la Mỹ tài trợ ban đầu từ Breakthrough Energy của Bill Gates và những nhà đầu tư khác. Sau khi đốn cây, Jenkins dự định chôn chúng – để giúp làm chậm biến đổi khí hậu và thu được tín chỉ bù đắp carbon để đem bán (và có thể, một ngày nào đó, họ cũng giành được các khoản tín dụng thuế nữa).

Ý tưởng thông thường sẽ là trồng cây để hấp thụ carbon dioxide từ không khí và sau đó bán tín chỉ carbon cho các tập đoàn, chủ sở hữu máy bay tư nhân và những người khác cần hoặc muốn bù đắp lượng khí thải của họ. Nhưng các nhà khoa học cho biết việc chôn cây cũng có thể làm giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu, đặc biệt nếu những cây đó bị đốt cháy hoặc mục nát, thải lượng carbon dự trữ vào không khí.

Các trận cháy rừng lớn năm 2020 ở California khiến mọi người nhận thấy rõ những nguy cơ đối với không khí, tài sản và tính mạng người dân do những khu rừng mọc um tùm gây ra. “Bầu trời màu cam ở San Francisco là hình ảnh mang tính cảnh tỉnh.

Giờ đây, câu chuyện đó đã khiến mọi người chú ý,” Jimmy Voorhis, giám sát mảng chính sách và sử dụng sinh khối tại Kodama cho biết. Chuông báo động còn vang lớn hơn trong năm nay khi các vụ cháy rừng ở Canada đã khiến tình trạng không khí nguy hiểm lan đến New York, Washington D.C. và Chicago.

Để giải quyết vấn đề này, cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ đặt mục tiêu tỉa thưa bớt hơn 28 triệu héc ta rừng phía Tây (chủ yếu ở California) trong thập niên tới, để khai thác được hơn một tỉ tấn sinh khối khô từ tro gỗ. Theo thông lệ, sau khi tỉa thưa rừng như vậy, những khúc gỗ có kích thước phù hợp để bán sẽ được chuyển đến xưởng cưa, phần lớn số còn lại được chất thành đống và sau đó được đốt trong sự kiểm soát.

Thay vì làm thế, Kodama muốn chôn gỗ còn sót lại trong những hầm đất được thiết kế để duy trì điều kiện khô ráo và thiếu khí oxy, đồng thời bảo vệ gỗ khỏi bị mục nát hoặc cháy.

Cùng với số tiền đầu tư mạo hiểm ban đầu, Kodama đã nhận được tài trợ 1,1 triệu đô la Mỹ từ cơ quan cứu hỏa California và các cơ quan khác, cũng như cam kết mua tín chỉ carbon gắn liền với 400 tấn cây đầu tiên mà công ty chôn lấp. Trên thị trường tự do, những tín chỉ đó sẽ có giá 200 đô la Mỹ/tấn. Kodama muốn sẽ chặt và chôn hơn năm ngàn tấn cây mỗi năm.

Tốt nghiệp Dartmouth với bằng về kỹ thuật lẫn nghiên cứu môi trường, Jenkins bắt đầu bán thiết bị robot đã qua sử dụng trong khi lấy bằng thạc sĩ về robot tại Carnegie Mellon. Sau đó, anh đồng sáng lập công ty sử dụng máy học để giúp nông dân phân tích đất.

Nhưng vào năm 2019, khi lấy bằng MBA tại MIT, anh nhận thấy có nhiều cơ hội trong lĩnh vực lâm nghiệp hơn là lĩnh vực công nghệ nông nghiệp đông đúc. Anh rút lui khỏi công ty AI và dành nhiều tháng với những người khai thác gỗ để tìm hiểu cách họ sử dụng thiết bị.

Đến năm 2021, anh quyết định nghiên cứu về robot lâm nghiệp và tin rằng tình trạng thiếu lao động sẽ thúc đẩy nhu cầu. “Không có đủ lực lượng lao động,” anh nói. “Chúng tôi sẽ cần công tác đào tạo mới và công nghệ mới” để đáp ứng các mục tiêu phát quang rừng của sở Lâm nghiệp.

Anh cũng nhìn thấy “khoảng trống lớn” khác trong ngành: xử lý tất cả lượng sinh khối đó. Jenkins từng nghe nói về hầm sinh khối từ Phòng thí nghiệm ngăn chặn carbon của Yale.

NGƯỜI LÀM VIỆC CHÔN LẤP
Không có xưởng cưa có nghĩa là không có nhu cầu thương mại đối với gỗ từ rừng quốc gia Stanislaus của California. Theo CEO Merritt Jenkins của Kodama, điều đó khiến những cây này trở thành mục tiêu chôn lấp hàng đầu.


Sau đó, những người bạn chung đã giới thiệu anh với Voorhis, 33 tuổi, nhà leo núi và cũng là nhà địa chất kiêm kỹ sư khoa học trái đất (có bằng thạc sĩ từ Dartmouth), người bị ám ảnh với ý tưởng cải tạo các mỏ cũ làm bãi chôn lấp sinh khối. Họ hợp tác với nhau.

Ý tưởng chôn cây nghe có vẻ đơn giản và không cần công nghệ cao, đặc biệt là khi so sánh với công nghệ “thu giữ carbon” phức tạp hiện được phát triển để hút CO2 từ không khí. Nhờ Đạo luật giảm lạm phát mà đảng Dân chủ thông qua vào năm 2022, các công ty như Occidental Petroleum và ExxonMobil sẽ đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế trị giá 85 đô la Mỹ/tấn CO2 được cô lập, nếu họ có thể hoàn thiện các hệ thống hút khí trực tiếp từ không khí và vận chuyển bằng đường ống trước khi bơm vĩnh viễn vào lòng đất.

IRA cũng khuyến khích thêm một số dự án trong số này với khoản tín dụng thuế bằng 30% vốn đầu tư trả trước hoặc nhiều hơn.

Nếu bạn muốn chặt cây và ép chúng thành viên gỗ để đốt thay than, thì cũng có những khoản tín dụng thuế cho việc đó. Nhưng hiện tại không có tín dụng thuế để chôn chúng.

Lucas Joppa, cựu giám đốc môi trường của Microsoft, hiện làm việc tại Haveli Investments, cho biết: “Nếu muốn loại bỏ carbon trên quy mô lớn, bạn cần học hỏi từ thiên nhiên hoặc khai thác thiên nhiên. Thật điên rồ nếu không làm như thế. Hiện giờ là lúc chúng ta tiến gần đến việc loại bỏ carbon khỏi khí quyển hiệu quả hơn bao giờ hết trong suốt quá trình tiến hóa.”

Hiệu quả như thế nào? Giáo sư khoa học khí quyển Ning Zeng của đại học Maryland, được xem là người có ảnh hưởng lớn trong hoạt động chôn lấp sinh khối, giải thích cứ trung bình một tấn rừng mới khai thác chứa khoảng 50% carbon tính theo trọng lượng. Nếu để chúng mục nát hoặc đốt cháy chúng thì sẽ thải ra lượng carbon tương đương với một tấn CO2 vào khí quyển.

Ông cho biết, theo kinh nghiệm thì: “Một tấn sinh khối được chôn vào trái đất nghĩa là ngăn thải được một tấn CO2 trong bầu khí quyển.”

Zeng có công ty khởi nghiệp riêng, Carbon Lockdown. Công ty này hợp đồng với thành phố Baltimore để thu gom 5.000 tấn sinh khối, sau đó đem chôn lấp ở gần Potomac, Maryland, nơi nhiều cây xanh và trù phú. Ông đang bán lượng tín chỉ carbon được tạo ra từ quá trình chôn cất đó với giá 181 đô la Mỹ/tấn CO2 cô lập trên Puro.earth (một nền tảng được xây dựng với sự hỗ trợ từ chính phủ Phần Lan và được sàn Nasdaq mua cổ phần đa số vào năm 2021).

Công ty đầu tư Thụy Điển Kinnevik gần đây đã mua một ngàn tấn. Mikaela Kramer, người giám sát việc mua tín chỉ carbon cho Kinnevik cho biết: “Các công nghệ dựa vào thiên nhiên đã có mặt và có thể nhân rộng. Không cần phải đợi thêm 10 năm nữa.”

Tuy nhiên, rất khó để thu hút được sự đầu tư quy mô lớn của tư nhân hoặc chính phủ vào việc chôn lấp sinh khối, vì làm vậy không thể thay thế một hoạt động công nghiệp hủy hoại khí hậu cũng như không tạo ra sản phẩm hữu ích cho con người – ngoại trừ chính các khoản tín chỉ, trong khi cũng có thể khiến đất đai bị xáo trộn.

Tại Texas, luật sư Chris Knop, 43 tuổi, đã chôn hơn 4.000 tấn sinh khối vào 45 mẫu đất mà công ty Carbon Sequestration của ông sở hữu gần biên giới Louisiana. Ông cho biết vùng đất ở đó rất lý tưởng cho việc chôn lấp thiếu khí oxy nhằm ngăn chặn sinh khối bị phân hủy nhờ có lớp đất sét dày.

Gần đây, ông đã mua lại 15 ngàn tấn vụn cây từ các chủ đất phía bắc Beaumont để có thể bán tín chỉ carbon với giá 145 đô la Mỹ/ tấn trên Puro.earth. Nếu ông không mua thì những người đang phá rừng thông để phát triển bất động sản sẽ đốt chúng đi.

Knop nghĩ rằng ông có thể hòa vốn và đang trông cậy vào các khoản tín dụng thuế liên bang để kinh doanh có lãi. Nhưng Quốc hội đã không đưa việc chôn lấp sinh khối vào chương trình tín dụng thuế của mình một cách rõ ràng.

Giờ đây, Knop và các nhà vận động hành lang cho sinh khối đang hi vọng rằng khi chính phủ ban hành các quy định cuối cùng về tín chỉ cô lập carbon, mảng sinh khối cũng sẽ đủ điều kiện. “Tôi chỉ đang tìm kiếm một vài lời khẳng định,” ông nói.

Knop cũng có tầm nhìn xa hơn trong việc biến đất rừng của Mỹ thành “miếng bọt biển” hấp thu carbon bằng cách chặt cây thông, chôn chúng và sau đó trồng lại những loài cây “khát” carbon hơn như cây tre, cây kenaf hoặc cây dương. Theo ông, ở Mỹ, hàng trăm triệu héc ta đất được dành để chăn thả gia súc hoặc sản xuất gỗ. “Tại sao không chuyển sang canh tác carbon?”

Về phần Kodama, Jenkins hiện tập trung vào chôn lấp những cây cần phải tiêu hủy để bảo vệ sức khỏe rừng, trong khi Voorhis đang hướng tới điều chỉnh các mỏ dầu và mỏ đá không còn tồn tại – thay vì đào hố mới – để lưu trữ sinh khối. Voorhis nói: “Chúng tôi sẽ đo khí và nước rỉ từ rác cũng như ngăn chặn hoàn toàn dòng luân chuyển của carbon. Nếu bạn gặp ai có mỏ đá cũ, hãy nói tôi biết.”

NGƯỜI THỢ RỪNG THỜI 2.0:
Sau khi tỉa bớt những cây cao tới 18,3m, Kodama sẽ vùi chúng xuống vùng đất khô cằn hơn bên ngoài khu rừng.

——————————————

Biên dịch: Quỳnh Anh

Theo Forbes Việt Nam số 124, tháng 12.2023

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tho-rung-thoi-2-0-kodama-systems-don-cay-de-giam-co2)