Justin Kim đã thành lập Ami,một startup cung cấp dịch vụ về sức khỏe tâm thần trực tuyến cho người lao động tại Châu Á.
Từng làm việc tại những startup có tốc độ tăng trưởng nhanh, Justin Kim – thành viên trong danh sách Under 30 châu Á của Forbes đã thành lập startup cho riêng mình, Ami với mục tiêu giúp chăm sóc sức khỏe tâm thần dễ tiếp cận hơn với người lao động Châu Á gặp căng thẳng do làm việc quá sức.
Vào đầu tháng 1.2022, Justin Kim đã cùng với nhà đồng sáng lập Beknazar Abdikamalov triển khai phiên bản beta của Ami. Kim, giữ vị trí CEO, từng là quản lý sản phẩm tại Viva Republica của tỉ phú Hàn Quốc Lee Seung-gung, vận hành siêu ứng dụng tài chính Toss. Còn Abdikamalov, CTO (giám đốc công nghệ) từng làm kỹ sư phần mềm tại Amazon.
Trước đó, cả hai từng là đồng nghiệp tại Miso, nền tảng về dịch vụ bán nhà đặt tại Seoul và được hậu thuẫn bởi một vườn ươm khởi nghiệp từ thung lũng Silicon, Y Combinator (cũng ươm mầm những startup như Airbnb, Coinbase và DoorDash) và nằm trong danh sách Asia 100 to Watch của Forbes năm 2021.
Ami đã huy động 1 triệu USD trong vòng tiền hạt giống từ công ty vốn đầu tư mạo hiểm Goodwater Capital (đầu tư vào Kakao, Coupang và Viva Republica), Strong Ventures (Miso và sàn giao dịch tiền mã hóa đầu tiên của Hàn Quốc, Korbit), January Capital và Collaborative Fund.
Một số nhà đầu tư thiên thần nổi bật, gồm CEO của Khosla Ventures, Irene Au và chồng Bradley Horowitz, phó chủ tịch sản phẩm của Google cũng tham gia vào vòng gọi vốn trên.
Startup này vận hành nền tảng trực tuyến kết nối người lao động với chuyên viên sức khỏe tâm thần. “Người lao động có thể mở điện thoại, nhấn vào ứng dụng, không cần phải đặt lịch trước nhiều tuần và trò chuyện với chuyên viên sức khỏe tâm thần đã qua đào tạo về căng thẳng trong ngày. Mục tiêu của chúng tôi là giúp chăm sóc sức khỏe tâm thần dễ dàng như kiểm tra thời tiết và thoải mái như nói chuyện với một người bạn,” Justin Kim cho biết trong video phỏng vấn.
Việc Ami đặt trụ sở tại Singapore do phần lớn nhu cầu dành cho dịch vụ của công ty hiện nay đến từ đảo quốc sư tử, cũng như Jakarta, Indonesia. Đây là hai trong số những “thủ phủ” dành cho startup sôi động nhất châu Á. “Chúng tôi muốn tập trung vào những startup có tốc độ tăng trưởng nhanh từ nguồn nhân lực trẻ và cởi mở hơn về sức khỏe tinh thần và thể chất,” Kim cho biết. Làm việc tại một startup có thể cảm thấy căng thẳng hơn, do tính chất phát triển nhanh chóng và giữ chân những nhân sự tài năng là ưu tiên hàng đầu, anh cho biết thêm.
Justin Kim thành lập Ami trong bối cảnh nhu cầu dành cho chăm sóc sức khỏe trực tuyến tăng cao, với lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội phòng COVID-19 tác động lên sức khỏe của mọi người. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa Lancet vào tháng 10.2021, đã có 76,2 triệu người trên toàn thế giới mắc phải hội chứng rối loạn lo âu trong năm 2020.
Trong vòng 12 tháng tới, Kim đặt mục tiêu mở rộng quy mô của Ami hơn nữa tại châu Á, gồm Hong Kong và Hàn Quốc. “Chúng tôi khởi đầu Ami với một mục tiêu rõ ràng xây dựng công ty cho toàn châu Á,” anh cho biết.
Châu Á là “quê nhà” của một vài trong số những quốc gia có số giờ làm việc cao nhất thế giới. Ví dụ, trong năm 2020, trung bình một người Hàn Quốc làm việc trong 1.908 giờ, đứng thứ tư trong nhóm các quốc gia phát triển, theo dữ liệu tổng hợp bởi tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). So sánh với trung bình một người làm việc tại Mỹ trong cùng một năm là 1.767 giờ đồng hồ.
Tại Nhật Bản, giờ làm việc dài lan rộng đến mức, tình trạng chết do làm việc quá sức hay “karoshi” theo tiếng địa phương đã được nhìn nhận như nguyên nhân gây ra tử vong kể từ những năm 1980. Còn ở Trung Quốc, thế hệ trẻ cảm thấy mệt mỏi với văn hóa làm việc khắc nghiệt trong nhiều giờ đồng hồ, như văn hóa “996” (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần) đã lựa chọn “phó mặc” hay “tang ping” trong tiếng Trung Quốc và không tham gia vào “cuộc đua vô nghĩa” (rat race).
Cũng từng làm việc tại bộ phận phát triển kinh doanh của Bloomberg ở Hong Kong, nên Justin Kim hiểu rất rõ về nguy cơ từ làm việc quá sức. Vào năm 2019, anh được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn lo âu, tức là lo lắng quá mức và dai dẳng.
“Justin Kim là một ví dụ tiêu biểu về người dùng của dịch chăm sóc sức khỏe tâm thần như Ami. Việc anh ấy thực sự nắm rõ về thị trường đang tham gia có sức thuyết phục rất lớn đối với tôi.” Jin Oh, giám đốc của Goodwater Capital và dẫn dắt vòng gọi vốn cho Ami cho biết.
Trong khi chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn đang nổi lên tại phần lớn châu Á, nhà đồng sáng lập và giám đốc quản lý của Strong Ventures John Nahm tin rằng, lĩnh vực này có thể nhanh chóng trở thành điều phổ biến. “Châu Á có rất nhiều nền văn hóa mang nét tương đồng. Nếu một người có sức ảnh hưởng làm điều gì đó, những người khác sẽ làm theo.” John Nahm, người dẫn dắt vòng gọi vốn của Strong Ventures cho Ami nhận xét.
John Nahm chỉ ra lĩnh vực sức khỏe tâm thần như thiền trong Phật giáo, với cội nguồn từ châu Á và được đón nhận tại phương Tây. “Tôi cho rằng châu Á sẽ sớm bắt kịp với phương Tây về xu hướng chăm sóc sức khỏe tâm thần.” ông cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thanh-vien-under-30-chau-a-thanh-lap-startup-ve-suc-khoe-tam-than)
1 năm trước
2 năm trước
Dự đoán kỳ lân kế tiếp