multi-media / Megastory

Thách thức của Nhựa Tái chế Duy Tân

Rác thải nhựa là vấn đề gây nhức nhối tại Việt Nam nhưng ở góc khác đó là cơ hội cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực tái chế vật liệu.

Người công nhân trẻ lái chiếc xe nâng từ từ tiến về phía chiếc xe tải, điều chỉnh cần gạt, nhẹ nhàng bốc từng kiện hàng đưa lên bàn cân. Mỗi kiện hàng nặng khoảng 200kg là những khối chai nhựa đã qua sử dụng được ép dẹp, buộc gọn gàng đến nhà máy từ các trạm thu mua. Mỗi ngày, gần 500 kiện rác nhựa như vậy được tập kết tại bãi nguyên liệu chờ vào xưởng sản xuất của công ty cổ phần Nhựa Tái chế Duy Tân (DTR), công ty tiên phong tái chế rác thải nhựa.

Bên trong xưởng, những kiện nhựa được đưa lên băng chuyền, vài công nhân thoăn thoắt nhặt bỏ những vỏ chai dính tạp chất… “Dù tại trạm thu mua đã phân loại nhưng tỉ lệ phế vẫn cao. Những chai không đạt chất lượng phải loại ra để làm sản phẩm thấp cấp hơn, bán với giá rẻ hơn cả giá nguyên liệu,” ông Trần Nhựt Hiện, giám đốc Hệ thống thu mua nói với Forbes Việt Nam tại nhà máy ở cụm công nghiệp Nhựa Đức Hòa Hạ (Long An).

Báo cáo phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam do ngân hàng Thế giới (WB) và quỹ Problue công bố năm 2022 đã chỉ ra tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh cũng như sự thay đổi lối sống đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam.

Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn rác nhựa thải ra trên đất liền hằng năm và ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt đã ra sông, biển, khiến Việt Nam trở thành một trong năm nước hàng đầu trên thế giới gây ô nhiễm nhựa trên đại dương. Rác thải nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% tổng lượng rác thải và 71% trọng lượng. Hơn 60% các loại rác thải nhựa là nhựa dùng một lần.

Trong khi đó, bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá trung bình mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có hơn 30 tỉ túi ni lông và hơn 80% số này bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới, với khoảng 0,28–0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển.

Báo cáo “Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam – Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” do IFC công bố cho biết mỗi năm có khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được tái chế, phần còn lại bị thải bỏ, dẫn đến lãng phí từ 2,2–2,9 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Tỉ lệ tái chế đối với từng loại nhựa, định dạng bao bì hiện rất khác nhau, tùy thuộc vào giá nhựa nguyên sinh, mục đích sử dụng cuối cùng của nhựa tái chế và các yếu tố thị trường. Trong đó, bao bì PET có tỉ lệ thu gom tái chế cao nhất, khoảng 50%, một phần do công nghệ tái chế hiện có và công suất xử lý bao bì PET tương đối cao. Hoạt động thu gom hiện chủ yếu của khu vực phi chính thức, không đạt hiệu quả khiến chi phí đắt hơn so với phế liệu nhựa nhập khẩu.

Mỗi ngày, DTR thu mua 100 tấn chai nhựa đã qua sử dụng. Ảnh: DTR

Hoạt động tái chế nhựa đã có từ lâu ở Việt Nam nhưng được đánh giá còn nhiều hạn chế về kỹ thuật và công nghệ. Công nghệ tái chế hiện phần lớn chỉ tạo ra sản phẩm hạt nhựa giá trị thấp, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng của bao bì tái sinh. Nhiều cơ sở tái chế chưa đảm bảo vệ sinh, nguy cơ phát thải chất độc hại ra không khí và nguồn nước.

Nhà máy xử lý nhựa tái chế Duy Tân được ông Trần Duy Hy, một trong những doanh nhân hàng đầu của ngành nhựa bắt đầu xây dựng từ năm 2019. Đến tháng 3.2021, DTR có sản phẩm thương mại, chậm hơn so với kế hoạch do đại dịch COVID-19 bùng phát.

Áp dụng công nghệ tái chế “Bottles to Bottles” – xử lý chai nhựa đã qua sử dụng thành hạt nhựa làm nguyên liệu sản xuất chai mới – đạt tiêu chuẩn dùng cho thực phẩm, DTR là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực tái chế nhựa công nghệ cao tại Việt Nam hiện nay.

Năm 2022, DTR thu gom 1,3 tỉ chai nhựa, tái sinh 30 ngàn tấn hạt nhựa rPET, rHDPE và rPP dùng sản xuất vỏ chai nước, lọ đựng hóa mỹ phẩm hay pallet. Năm 2023, sản lượng dự kiến đạt 40 ngàn tấn, với dây chuyền sản xuất đang được triển khai mở rộng. Mục tiêu tới năm 2026, nhà máy DTR sẽ đạt sản lượng 100 ngàn tấn/năm.

“Người đi đầu bao giờ cũng khó khăn,” ông Hiện nói. Trong đó, thu mua được nguyên liệu đạt chuẩn, đảm bảo đầu ra đạt yêu cầu khắt khe của bên mua và có giá cạnh tranh được với nhựa nguyên sinh vốn rẻ hơn là thách thức lớn nhất. Thị trường phế liệu tại Việt Nam phát triển tự phát, hoạt động phi chính thức với hàng ngàn vựa ve chai gia đình.

Ở vựa, các loại nhựa trộn chung, lẫn nhiều tạp chất, trong khi DTR cần mua số lượng lớn chai nhựa đã được phân loại theo màu sắc, không lẫn tạp chất và có hóa đơn bán hàng. “Chúng tôi phải đào tạo và hỗ trợ tất cả các đại lý chuyển đổi,” ông Hiện cho biết. Mỗi nhân sự bộ phận thu mua phải hiểu quy định thuế, máy móc kỹ thuật, đánh giá chất lượng để tư vấn cho các trạm thu mua. Lợi ích các trạm thu lại là đầu ra ổn định, có giá bán tốt và thanh toán đúng hẹn.

Chai nhựa PET đã qua sử dụng còn được tái chế thành sợi vải polyester sản xuất quần áo. Khi các nhà sản xuất này hút hàng, giá nguyên liệu lập tức tăng. “Chúng tôi đã gặp trường hợp đại lý đưa hàng đến không đạt chất lượng cam kết nên giảm giá mua 500 đồng/kg. Họ cho xe chở về chứ không chịu mức giá mới.

Hoặc có lần, chúng tôi tăng giá 200 đồng/kg cho một đại lý có sản lượng lớn. Ngay hôm sau tin nhắn trách giận tới tấp đổ về,” ông Hiện dẫn chứng về thị trường phế liệu “thông nhau” và cực kỳ nhạy cảm về giá. DTR hiện áp dụng chính sách thu mua đồng giá cho hơn 100 đại lý từ Đà Nẵng đến Cà Mau với sản lượng khoảng 3.000 tấn mỗi tháng.

“Phân loại chưa tốt khiến tỉ lệ hao hụt trong sản xuất sau nhiều bước xử lý lên tới 40–45% chính là nguyên nhân khiến chi phí tái chế vẫn cao,” ông Lê Anh, giám đốc Phát triển bền vững của DTR chia sẻ. Giá hạt nhựa tái chế của DTR cao hơn nhựa nguyên sinh khoảng 20–25% là rào cản trong tiếp cận khách hàng.

Nhà máy DTR sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến để sản xuất nhựa tái sinh có thể dùng cho thực phẩm. Ảnh: DTR

Năm 2022, DTR tiêu thụ được 12 ngàn tấn hạt nhựa thành phẩm, trong đó một nửa xuất khẩu sang Mỹ (thổi chai tại nhà máy của Duy Tân Group), còn lại bán cho các khách hàng trong nước là các công ty đa quốc gia như Lavie, Unilever, gần đây có thêm khách hàng Coca-Cola Việt Nam và chuẩn bị bán cho một số thương hiệu khác.

Năm nay DTR cũng bắt đầu xuất đi châu Âu nhưng theo ông Lê Anh, “vẫn chưa có đối tác Việt Nam.” Các doanh nghiệp nước ngoài đang tích cực hơn trong việc chuyển sang sử dụng bao bì tái chế vì tuân theo cam kết của tập đoàn mẹ trên toàn cầu.

Hạt nhựa tái chế của DTR đã được nhiều tổ chức, trong đó có cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA)… chứng nhận an toàn cho thực phẩm. Tại Việt Nam, nhựa chính phẩm đã có tiêu chí an toàn nhưng nhựa tái chế lại chưa. Nhiều người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại, thậm chí chưa chấp nhận nhựa tái chế.

Thực tế này buộc các khách hàng đều mất từ 18-24 tháng thử nghiệm, đo lường… trước khi quyết định sử dụng. Thời gian đầu sản xuất, DTR chỉ có dòng tiền duy nhất đến từ xuất khẩu nhưng hiện tại nhu cầu nội địa và xuất khẩu đều tăng, giúp giảm áp lực về dòng tiền. “Theo kế hoạch, đến năm 2026 khi sản lượng đạt công suất thiết kế thì DTR mới có thể đạt điểm hòa vốn,” ông Lê Anh nói.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, giám đốc Truyền thông – Đối ngoại và Phát triển bền vững công ty Unilever Việt Nam, đơn vị vừa ký kết hợp tác cùng DTR hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 30 ngàn tấn rác thải nhựa trong năm năm tới, đánh giá DTR có chuyên môn cao và áp dụng công nghệ đảm bảo chất lượng đầu ra. Tuy nhiên, những doanh nghiệp tái chế như DTR đang có những thách thức lớn.

Thứ nhất là tỉ lệ tái chế nhựa tại Việt Nam chỉ đạt 33%, nguyên nhân chính là do nhu cầu nhựa tái sinh (PCR) chưa cao khi việc sử dụng nhựa nguyên sinh luôn dễ dàng và chi phí thấp hơn. Thứ hai, khâu phân loại rác nhựa tại nguồn và thu gom bị hạn chế do hoạt động nhỏ lẻ, tự phát. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa hai khối công – tư cũng như giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm giải pháp hữu hiệu.

Nhà máy DTR nằm trên diện tích 65 ngàn m2 đã xây dựng xong với tổng vốn đầu tư đến hết giai đoạn 1 là 1.000 tỉ đồng. Có gần 250 công nhân làm việc ở sáu xưởng sản xuất, các kho nguyên liệu, thành phẩm với công việc chính là vận hành máy móc, xe cộ và công nhân làm việc tại các trạm thu mua thực hiện nhiệm vụ phân loại.

Ở xưởng sản xuất nhựa cho thực phẩm, nơi phóng viên Forbes Việt Nam có mặt, chỉ nghe mùi nhựa thoáng qua. Sát bên có một hồ cá koi nuôi bằng nguồn nước thải đã được xử lý. Toàn bộ nước dùng trong sản xuất để rửa vây nhựa (sau băm) và chất thải lỏng còn tồn trong chai nguyên liệu được thu gom và xử lý bằng hệ thống có công suất 900 ngàn m3/ngày đêm.

80% nước sau xử lý này quay lại quy trình sản xuất, 20% dùng cho cảnh quan và không có nước thải ra hệ thống xử lý chung của cụm công nghiệp. Khí thải sản xuất cũng được lọc tại máy theo hệ thống xử lý đi kèm. Đồng thời, các loại phế phẩm như nhãn nhựa, nắp nhựa… cũng được thu gom, phân loại và tái chế thành hạt nhựa HDPE để sản xuất pallet sử dụng tại nhà máy. Nhiều sản phẩm có thể tái chế đến 20 lần, kéo dài dòng đời của nhựa.

“Anh Hy tốn rất nhiều tiền cho nhà máy này vì từ dây chuyền máy móc đến hệ thống xử lý nước thải đều ứng dụng công nghệ cao nhất,” tiến sĩ Đoàn Hùng Dũng, một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp và cũng là người bạn lâu năm của ông Trần Duy Hy nhận xét.

Ông Dũng đánh giá nhà đầu tư của DTR có kinh nghiệm dạn dày trong ngành nhựa, am hiểu kỹ thuật, có tâm huyết và đặc biệt có nguồn vốn tốt nên mới “chịu chơi” như vậy. “Nếu không phải anh Hy thì không làm được”, ông Dũng đồng tình với nhận định mà ông Lê Anh nhiều lần nói với Forbes Việt Nam trong cuộc phỏng vấn trước đó.

Năm 2021, ông Hy bán 70% cổ phần hai mảng bao bì và nhựa gia dụng Duy Tân cho SCGP, công ty con của tập đoàn Thái Lan SCG thu về gần 6.400 tỉ đồng. Duy Tân do vợ chồng ông Hy sáng lập từ năm 1987, đã trở thành thương hiệu nhựa gia dụng có tiếng tại Việt Nam.

Ngoài mảng nhựa, ông Hy còn đầu tư kinh doanh ở một số lĩnh vực khác bao gồm cả mảng nông nghiệp. Trang trại canh tác theo hướng hữu cơ tại Củ Chi, TP.HCM cung cấp rau cho các suất ăn của công nhân làm việc tại nhà máy Nhựa Duy Tân trước đây và DTR hiện nay.

Theo ông Lê Anh, ở thời điểm hiện tại, các chính sách hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp tái chế vẫn chưa thực sự có ý nghĩa. Lãi suất của những khoản tín dụng xanh từ ngân hàng vẫn cao, muốn nhận vốn từ các “quỹ xanh” phải trải qua rất nhiều thủ tục. “Chúng tôi xác định chặng đường còn rất dài và rất nhiều việc phải làm,” ông Lê Anh nói.

Theo ông, trước mắt phải phát triển mạng lưới thu mua để tăng sản lượng lên gấp ba lần hiện tại. Muốn vậy cần truyền thông để người tiêu dùng thực hành phân loại rác tại nhà (theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020) mới có thể có được nguồn nguyên liệu dồi dào và chất lượng cao. Đây cũng là cách giảm tỉ lệ hao hụt xuống mức kỳ vọng 30%, qua đó giảm giá thành sản xuất hạt nhựa tái chế để thu hút các doanh nghiệp sử dụng bao bì.

“Chúng tôi đang cố gắng tác động đến các nhà sản xuất để họ thay đổi ý tưởng bao bì, vì để tái chế đạt hiệu quả thì bao bì sản phẩm cũng cần được thiết kế, sản xuất theo hướng dễ tái chế nhất, từ dùng loại keo dễ tan trong nước, mực in nhãn đảm bảo an toàn cho đến màu sắc nhựa dùng cho vỏ chai…,” ông Hiện nói. “Đây là việc liên quan đến rất nhiều bộ phận, giống như hoạt động tái chế rác thải nhựa, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp còn cần sự chung tay của nhiều bên.”

Bản in đăng trên Forbes Việt Nam số 119 với chủ đề “Nền kinh tế tuần hoàn”.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thach-thuc-cua-nhua-tai-che-duy-tan)