Doanh nghiệp

Tài sản các tỉ phú công nghệ Trung Quốc thâm hụt do chiến dịch tăng cường giám sát

Share
this:

Những tỉ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc mất tổng cộng 73 tỉ USD khi quốc gia tỉ dân tăng cường giám sát.

Khối tài sản của những tỉ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc đang bị tác động tiêu cực, khi 4 nhà tài phiệt nổi tiếng nhất nước này – Colin Huang, Jack Ma (Mã Vân), Pony Ma (Mã Hóa Đằng) và Wang Xing mất hơn 73 tỉ USD trong tổng tài sản ròng cộng gộp kể từ tháng 4.2021, khi Forbes công bố danh sách tỉ phú thế giới năm 2021.

Những vị tỉ phú này đối mặt với rủi ro ngày càng cao từ cơ quan quản lý của Trung Quốc. Vào ngày 3.12, doanh nghiệp khổng lồ lĩnh vực gọi xe, Didi Global, thông báo hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York theo yêu cầu các cơ quan chính phủ như cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC). Đây có thể là dấu hiệu cho những đợt hủy niêm yết tương tự trong tương lai.

Nếu công ty này vẫn tiếp tục niêm yết tại Mỹ, có thể dẫn tới sự thay đổi về cấu trúc quyền sở hữu dài hạn, còn được gọi là sở hữu đặc biệt (VIE), gây thêm rủi ro cho các cổ đông.

Áp lực từ đợt tăng cường giám sát của Trung Quốc đang phủ mờ trên triển vọng kinh doanh. Từ doanh nghiệp khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cho đến nền tảng giao đồ ăn Meituan, tất cả phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc. Triển vọng kinh doanh sẽ không tích cực cho đến năm 2022, theo những nhà phân tích.

Nhà sáng lập của Pinduoduo, Colin Huang. Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg, © 2017 Bloomberg Finance LP

“Hiện nay, các nhà đầu tư đang xem xét những chỉ số cơ bản, tuy vậy, triển vọng kinh doanh ngắn hạn là không khả quan,” Shi Jialong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Truyền thông và Internet Trung Quốc của Nomura Securities đặt tại Hong Kong cho biết.

Shi Jialong đang nhắc tới đến thu nhập thấp hơn kỳ vọng được công bố trong quý 3.2021. Trong đó, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ giảm 5,5% vào năm 2022, trong bối cảnh những đợt bùng phát COVID-19 vẫn diễn ra và bất động sản đang chững lại.

Hiện nay, Trung Quốc có hơn 1 tỉ người dùng internet, đồng nghĩa phần lớn dân số đã truy cập trực tuyến và sẽ khó để có thêm người dùng mới.

Trong bối cảnh đầy thách thức này, nhà đồng sáng lập của Alibaba, tỉ phú Jack Ma đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm tài chính 2022, từ mức 29,5% vào tháng 5.2022 xuống còn 20-23%, khiến giá cổ phiếu niêm yết tại New York bốc hơi 11%.

Meituan của tỉ phú Wang Xing đã hạ triển vọng cho mảng kinh doanh cốt lõi giao đồ ăn và báo cáo khoản lỗ ngày càng lớn, sau án phạt 3,44 tỉ nhân dân tệ (532 triệu USD) vì vi phạm luật chống độc quyền vào tháng 10.2021.

Tencent của tỉ phú Mã Hóa Đằng (hiện là người giàu thứ ba Trung Quốc) báo cáo mức tăng trưởng doanh thu hàng quý chậm nhất kể từ khi công ty phát hành cổ phiếu tại Hong Kong vào năm 2004.

Công ty này đã cảnh báo về sự sụt giảm trong lĩnh vực quảng cáo cho đến năm 2022, khi Bắc Kinh tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt lên các công ty giáo dục và bất động sản để ngăn lãng phí ngân sách quảng cáo.

Người chịu nhiều ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt càn quét là tỉ phú Colin Huang của Pinduoduo. Vị tỉ phú 41 tuổi mất gần 35 tỉ USD trong 8 tháng kể từ tháng 4.2021, khi giá trị cổ phiếu của nền tảng thương mại điện tử này được niêm yết tại sàn giao dịch Nasdaq đã giảm hơn một nửa.

Trước đó, những nhà đầu tư sẵn sàng định giá rất lớn cho công ty, tuy chưa thể sinh lời nhưng lại có tốc độ tăng trưởng cao dựa trên sự gia tăng nhanh chóng từ lượng người dùng, mà có thể vượt qua cả Alibaba. Giờ đây, các nhà đầu tư đang định giá lại công ty, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt và tăng trưởng đi ngang.

Doanh thu của Pinduoduo trong quý 3.2021 không đạt được như kỳ vọng và lượng người dùng được cho là đã chạm đỉnh.

“Những đối thủ cạnh tranh như Taobao Deals cũng đang vươn mình mạnh mẽ. Trước đó, những nhà đầu tư có thể bỏ qua rất nhiều vấn đề khi công ty có mức tăng trưởng cao, nhưng hiện tại lại không còn được như vậy” giám đốc quản lý của công ty nghiên cứu Blue Lotus Capital Advisors đặt tại Thâm Quyến, Shawn Yang cho biết.

Pinduoduo đã không phản hồi email yêu cầu bình luận của Forbes. Công ty có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ nông nghiệp, với cam kết đóng góp toàn bộ lợi nhuận trong tương lai đến 10 tỉ nhân dân tệ để hỗ trợ trong việc đổi mới nông nghiệp và vùng nông thôn ở Trung Quốc. Thúc đẩy doanh thu trong những lĩnh vực này là ưu tiên trong chiến dịch thịnh vương chung của chủ tịch Tập Cận Bình.

Những tỉ phú công nghệ khác cũng thực hiện theo yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc, khi quốc gia này đang tăng cường khả năng tự chủ trong công nghệ. Vào tháng 10.2021, Alibaba ra mắt vi xử lý “được xây dựng dựa trên công nghệ xử lý 5nm tiên tiến”, có thể sử dụng được trong các trung tâm dữ liệu.

Doanh nghiệp khổng lồ thương mại điện tử này cũng đang tích cực mở rộng đến lĩnh vực được gọi là cộng đồng mua hàng tập thể, áp dụng mức chiết khấu cao trong hàng hóa và vật phẩm hằng ngày để thu hút người mua sắm.

Theo Shawn Yang của Blue Lotus, những nhà đầu tư cũng không nghĩ đến việc đổ tiền vào cổ phiếu của các công ty công nghệ do những tiến bộ trong vi xử lý, mặc dù Tencent và công cụ tìm kiếm Baidu đã công bố bước tiến trong lĩnh vực này.

“Những mục tiêu dễ dàng đạt được trong lĩnh vực Internet của Trung Quốc đã được phân chia và sẽ mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp mới đóng góp vào tăng trưởng doanh thu” ông cho biết.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tai-san-cac-ti-phu-cong-nghe-trung-quoc-tham-hut-do-chien-dich-tang-cuong-giam-sat)