Trong khi khoảng 80% nhân viên coi trọng sức khỏe tâm thần thì gần 33% doanh nghiệp không đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào về khía cạnh này.
Theo báo cáo khảo sát với tiêu đề “Mô hình làm việc kết hợp, đào tạo lại và sức khỏe tâm thần: Góc nhìn từ mỗi thế hệ” ra mắt tháng 8.2021 của Adecco, hơn 53,7% người tham gia chia sẻ họ cảm thấy “căng thẳng hơn” trong đợt bùng phát dịch gần đây nhất so với năm 2020.
Cụ thể, 43% thế hệ Z căng thẳng “gần như luôn luôn” và “hầu hết thời gian”, cao hơn so với các thế hệ Y (27,6%), thế hệ X (18,5%) và Baby Boomer (37%). Trong khi đó, 30% thế hệ Z cũng “thỉnh thoảng” rơi vào tình trạng căng thẳng. Con số này ở thế hệ Y và thế hệ X lần lượt là 46,5% và 55,7%. Báo cáo của iPrice cũng chỉ ra rằng tần suất tìm kiếm các từ khoá liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trên Google đã tăng 61% trong mùa đại dịch.
Kết quả khảo sát của Adecco cho thấy năm yếu tố gây căng thẳng hàng đầu là sự an toàn trong mùa dịch, khả năng tài chính dài hạn, đảm bảo công việc và triển vọng nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần và thể chất, và tình trạng tiếp nhận quá nhiều thông tin.
Theo tổng giám đốc Adecco Việt Nam Andree Mangels, việc bị giới hạn đi lại, gián đoạn trong sinh hoạt hàng ngày, lo sợ nguy cơ lây nhiễm, cũng như bất an về tài chính và công việc có thể làm xấu đi sức khỏe tâm thần và sức khỏe nói chung, sẽ dần dẫn đến tinh thần làm việc và năng suất thấp. “Các nhà lãnh đạo nên lắng nghe nhu cầu và mối quan tâm của nhân viên để hỗ trợ kịp thời thông qua các khảo sát định kỳ, buổi gặp mặt riêng 1-1, họp hàng tháng hoặc các kênh phản hồi ẩn danh,” ông đưa ra lời khuyên.
Theo quan sát của Giám đốc Y tế Khu vực của International SOS Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay vẫn đang ưu tiên các vấn đề sức khỏe tổng thể liên quan đến công việc, đánh giá sức khỏe đầu vào cũng như xác định và quản lý các bệnh truyền nhiễm. Trong khi khoảng 80% nhân viên coi trọng sức khỏe tâm thần thì gần 33% doanh nghiệp không đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào về khía cạnh này.
International SOS Việt Nam cũng cho rằng các nhân viên đang gặp phải nhiều rào cản khi thảo luận về các vấn đề tâm thần. Trở ngại đầu tiên là sự kỳ thị thường thấy ở châu Á, ngăn cản mọi người cởi mở về các vấn đề của mình. Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo vẫn chưa hiểu rằng bộ kỹ năng sơ cứu sức khỏe tâm thần cũng quan trọng như các kỹ năng sơ cứu sức khỏe thể chất. Sự thiếu hiểu biết này của đội ngũ quản lý khiến nhân viên e ngại hơn khi nói về sức khỏe tâm thần của họ.
Khi được hỏi về những hỗ trợ tinh thần kỳ vọng, người lao động cho biết việc doanh nghiệp đưa ra chính sách làm việc linh hoạt hơn và thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh giữa công việc là hai cách thức được yêu thích nhất. Bên cạnh đó họ cũng ủng hộ công ty tổ chức các hoạt động chánh niệm hoặc các buổi trị liệu (37,9%), đào tạo đội ngũ quản lý để nhận biết các triệu chứng về sức khỏe tâm thần (34,7%), kiểm tra sức khỏe định kỳ (33,4%) và cho phép truy cập vào các ứng dụng/chương trình/tài nguyên về sức khỏe tâm thần (30,6%).
Tuy vậy International SOS Việt Nam khuyến nghị trước khi xây dựng kế hoạch cụ thể, doanh nghiệp nên thực hiện khảo sát nội bộ để xác định sức khỏe tâm thần có đang là vấn đề nhức nhối hay không. Dựa trên phản hồi, công ty có thể phát triển một chương trình cụ thể giúp phục hồi sức khỏe tâm thần kéo dài 8-12 tuần, đồng thời mở rộng các hỗ trợ tập luyện thể thao, dinh dưỡng, nghỉ ngơi và giao tiếp xã hội cho nhân viên.
“Bằng việc đầu tư vào con người, người sử dụng lao động có thể đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang môi trường làm việc mới hậu COVID-19. Việc này sẽ cải thiện tương tác và hiệu suất làm việc, giữ chân nhân tài, xây dựng nên thương hiệu nhà tuyển dụng tiềm năng. Sau cùng, những điều này sẽ đảm bảo kết quả kinh doanh ổn định và lâu dài,” ông Andree Mangels nhận định.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/suc-khoe-tam-than-chua-duoc-quan-tam-dung-muc-trong-mua-dich)
3 năm trước
Làm cách nào để cân bằng tâm – thân – trí?3 năm trước
Các sáng kiến công nghệ đáng chú ý mùa đại dịch1 năm trước
Làm việc từ xa, nên hay không?