Sau 20 năm “chinh chiến” ở thị trường nước ngoài, thực thi chiến lược toàn cầu hóa nhiều tham vọng của FPT, ông Hoàng Việt Anh về nước lãnh đạo tầm nhìn tỉ đô cho sứ mệnh chuyển đổi số.
Ngày 25.4.2023, phó tổng giám đốc FPT Hoàng Việt Anh được bổ nhiệm vào vai trò chủ tịch FPT Telecom (FOX) – công ty thành viên quản lý mảng viễn thông, sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng giám đốc FOX năm năm.
48 tuổi, ông Việt Anh có 30 năm làm việc tại FPT – tập đoàn công nghệ 35 tuổi có quy mô hàng đầu Việt Nam. Ông cũng đồng thời là chủ tịch công ty dịch vụ tư vấn chuyển đổi số FPT Digital – thành viên trẻ nhất được FPT thành lập năm 2021.
Điểm nhấn trong chiến lược của FPT những năm gần đây là thúc đẩy dịch vụ chuyển đổi số tại cả thị trường trong và ngoài nước, nhờ đó doanh thu từ mảng này bứt phá, đạt 7.349 tỉ đồng năm 2022, tăng 33% so với năm trước. FPT Digital ra đời nhằm hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ chuyển đổi số mà FPT cung cấp cho khách hàng. Đơn vị trẻ nhất, ít người nhất này tiền thân là ban tư vấn chuyển đổi số thuộc tập đoàn, đóng vai trò lên chiến lược và lộ trình, tạo bệ phóng cho mảng dịch vụ tư vấn công nghệ FPT bứt phá trong tương lai.
Năm 2023 khởi đầu Chiến lược FPT 2023-2035 mang tên “DC5-135” (Digital Conglomerate 5.0), trong đó FPT đặt mục tiêu trở thành tổ hợp số “kiến tạo hạnh phúc cho mỗi con người”. Trọng trách chuyển đổi số lẫn nền tảng hạ tầng đang đặt trên vai phó tổng giám đốc Hoàng Việt Anh.
FPT Digital là mảnh ghép cho hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng, với tham vọng mang tên “Mục tiêu 135”, nghĩa là trong 13 năm nữa, đến 2035, FPT sẽ có một triệu nhân viên chuyển đổi số trên toàn cầu. Trong khi đó mảng viễn thông đặt mục tiêu đẩy mạnh các dịch vụ trải nghiệm mới để đạt doanh thu tỉ đô vào năm 2025.
Từ 1997-2018 ông Việt Anh tác chiến ở các thị trường nước ngoài. Năm 2018, khi đang là CEO FPT Software, ông được điều về nước vào vị trí phó tổng giám đốc tập đoàn. Đồng hành từ khi FPT mới hơn trăm người đến hơn 60 ngàn nhân viên như hiện tại, ông Việt Anh nói không phải ai cũng có cơ duyên may mắn như mình: “Năm năm qua là nền tảng mới giúp tôi thoát khỏi vùng an toàn bản thân, tiếp cận và học hỏi môi trường kinh doanh mới, chứng kiến sự phát triển toàn diện hơn của cả tổ chức, sự thay đổi công nghệ và con đường lãnh đạo.”
Quá trình luân chuyển nhân sự lãnh đạo của FPT thường đi qua các công ty thành viên giúp họ hiểu các mô hình kinh doanh FPT đang có để có thể dẫn dắt tập đoàn. Ông Việt Anh là trường hợp hiếm hoi chuyển từ toàn cầu về thị trường trong nước; từ mảng phần mềm sang viễn thông và dịch vụ số; từ mô hình dịch vụ phần mềm toàn cầu B2B sang dịch vụ viễn thông nội địa mô hình B2C. Ông cho biết trọng trách của mình gắn với việc tìm hướng ứng dụng những công nghệ mới đã lĩnh hội được suốt 20 năm ở ngành phần mềm để đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu các ứng dụng, sản phẩm công nghệ mới trong nước.
Hằng năm, mảng viễn thông đóng góp 25-40% doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn. Năm 2022, FOX lập kỷ lục doanh thu 14.729 tỉ đồng và lợi nhuận 2.258 tỉ đồng, giữ vững đà tăng liên tục hơn một thập niên. Ông Việt Anh nói mình có 25 năm chứng kiến sự vươn lên thay đổi của ngành công nghệ phần mềm Việt Nam, nhưng khi chuyển sang lãnh đạo mảng viễn thông là sự khác biệt hoàn toàn.
“Phải học lại từ khái niệm cơ bản cho đến cả mạng lưới kỹ thuật đồ sộ vì công nghệ viễn thông mênh mông, lâu đời, lượng kiến thức phải học không thua kém 25 năm miệt mài làm phần mềm.” ông nói.
Viễn thông là lĩnh vựchoạt động đặc thù. Thời điểm FOX ra đời năm 1997, các nhà cung cấp khác đều là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100%, FPT là đơn vị tư nhân đầu tiên được cấp phép ở lĩnh vực này. Sau nhiều lần thoái vốn, hiện tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) còn nắm giữ 6,05%.
Từ năm 2002, FOX vươn lên thành nhà cung cấp dịch vụ dial-up lớn thứ hai với mốc 1 tỉ phút truy cập Internet. Năm 2005, họ nhận giấy phép thiết lập hạ tầng, chấm dứt việc phải thuê đường truyền của các hãng viễn thông khác. Năm 2017, FOX đạt mốc kết nối mạng đến 1 triệu hộ gia đình. “Công nghệ hiện nay đã khác biệt rất nhiều, 25 năm tới sứ mệnh của Intenet là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia,” ông Việt Anh nói.
Vị thế của FOX từng bước được khẳng định với 8.000 km trục cáp Bắc – Nam và các tuyến quốc tế. Dung lượng kết nối quốc tế hiện đạt 3TB, tăng gấp đôi ba năm trước và lộ trình tăng gấp đôi trong ba năm tới.
Tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập FOX hồi năm 2022, TS Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông, người có công lớn trong lĩnh vực viễn thông Việt Nam, chia sẻ: “Lần đầu tiên một doanh nghiệp viễn thông không phải do nhà nước sở hữu hoàn toàn vẫn có thể phát triển tốt, FPT đã mở ra câu chuyện về ‘thị trường viễn thông mở’ tại Việt Nam.”
Năm 2022, tập đoàn công bố dành ra 2.300 tỉ đồng đầu tư trọng tâm cho cáp quang biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu. Ông Việt Anh nói thị trường băng rộng cố định Việt Nam đang bão hòa, khó thể tăng đột phá nếu không tập trung tạo ra các dịch vụ có giá trị mới cho khách hàng.
Mảng trung tâm dữ liệu tăng trưởng chậm lại trong hai năm đại dịch hiện đặt mục tiêu tăng gấp đôi trong năm tới. Định vị mảng AI và Cloud ứng dụng AI của FPT cùng với năng lực hạ tầng truyền dẫn, tính toán về dữ liệu lớn để phát triển, được cam kết tại đại hội đồng cổ đông 2023: “không nghi ngờ tốc độ tăng trưởng ba con số.”
So với các công ty viễn thông nhà nước như Viettel hay VNPT, FPT nhỏ hơn nhiều bởi không sở hữu hạ tầng di động. Ông Việt Anh cho rằng chính sức ép này khiến họ phải luôn sáng tạo, tìm cách đi riêng để “không thể mãi đi sau, lặp lại đường cũ”. Chiến lược ngay từ đầu đã xác lập là cung cấp tất cả các dịch vụ trên cùng một đường truyền Internet vẫn nhất quán cho đến hiện tại.
Họ tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới làm chìa khóa quan trọng để phát triển, những dự án sáng tạo ra đời khá sớm như VnExpress, trang báo điện tử đầu tiên có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường từ năm 2001. Nhiều dịch vụ tích hợp dẫn dắt thị trường như truyền hình Internet IPTV, FPT Play, dịch vụ Cloud, trung tâm dữ liệu… FOX cũng gia tăng chi phí mua bản quyền truyền hình, một trong những “phi vụ khủng” trong ngành thể thao Việt Nam là gói bản quyền V-League giai đoạn 2023-2027, chi khoảng 2,5 triệu đô la Mỹ cho mỗi mùa giải.
Trong bức tranh tổng thể, chiến lược FPT đến 2035 là trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực về chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ số. FOX, nơi nắm tập khách hàng hộ gia đình, tiếp tục đóng vai trò then chốt cho nền tảng này. Tích hợp hệ thống, hội tụ các giải pháp là trọng tâm chiến lược 13 năm tới, hoàn thiện hệ sinh thái xoay quanh tất cả các tập khách hàng gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp và cơ quan ban ngành, nhắm tới tất cả dịch vụ “một chạm” trên hệ sinh thái FPT. Theo ông Việt Anh, hệ sinh thái này phải kết nối được tất cả khách hàng trên các dịch vụ tiện ích tối thiểu từ ăn uống, sức khỏe, giáo dục, tới việc làm, giải trí trong tháp nhu cầu hộ gia đình.
Năm 1993, chàng sinh viên ngành công nghệ phần mềm tại đại học Bách khoa Hà Nội theo chân thầy Bùi Quang Ngọc vào thực tập tại FPT. Ông Ngọc lúc đó là phó khoa IT và là phó tổng giám đốc FPT. Hoàng Việt Anh bắt đầu tại nhóm phát triển phần mềm cho ngân hàng.
Sáu năm sau, FPT Software được thành lập với sứ mệnh toàn cầu hóa, Việt Anh nằm trong nhóm 13 thành viên đầu tiên thử sức vì “làm xuất khẩu phần mềm để được đi đây đi đó”. Cột mốc đó bắt đầu hành trình 20 năm đằng đẵng chinh chiến ở nước ngoài, từ Mỹ đến Nhật Bản, châu Á – Thái Bình Dương…
Năm 2006, kỹ sư trẻ Việt Anh lập kỳ tích không chỉ cho FPT mà cho ngành phần mềm Việt Nam: dẫn đầu nhóm thắng thầu dự án cho Petronas của Malaysia với giá trị kỷ lục lúc đó là 6,5 triệu USD. Dự án với hàng trăm kỹ sư trong gần hai năm chuyển đổi toàn bộ hệ thống quản trị của Petronas sang nền tảng Microsoft.
“Ban đầu ra nước ngoài nghĩ là đi làm thuê nhưng dự án này đã mở ra hướng mới cho FPT về khả năng nhận ủy thác của khách hàng để vươn lên vị trí tổng thầu tư vấn triển khai,” ông Việt Anh nói với Forbes Việt Nam trong cuộc phỏng vấn trực tuyến từ Hà Nội.
Năm 2008, FPT thành lập đơn vị tại Úc, ông Việt Anh đảm nhậm vai trò giám đốc FPT Software châu Á – Thái Bình Dương. Bốn năm sau ông phụ trách FSU1 – đơn vị phần mềm chiến lược số 1, lớn nhất của FPT Software, phụ trách các thị trường nói tiếng Anh và một phần Nhật Bản. Chỉ trong năm đầu tiên, ông đưa FSU1 đạt tốc độ tăng trưởng hơn 50% về doanh thu và lợi nhuận, đóng góp lớn nhất cho tổng doanh thu của toàn FPT Software với 38%.
Ông Việt Anh nhớ lại, năm 1999 khi FPT phất cờ phát triển phần mềm, ông Trương Gia Bình lên truyền hình kêu gọi phải bằng mọi cách đưa phần mềm Việt Nam ra nước ngoài, đã gây tranh cãi, phần đông cho rằng vĩ cuồng viển vông. “Trong những năm đầu rất vất vả, chúng tôi có lúc đối mặt với câu hỏi ‘tồn tại hay không tồn tại’, nhưng sự kiên trì đã giúp FPT Software thành công.”
Đến năm 2015, khi nhận trọng trách tổng giám đốc FPT Software, “Cảm xúc dâng trào khó tả khi chứng kiến hành trình 13 người đầu tiên tiên phong chiến lược toàn cầu hóa đến lúc nhận nhiệm vụ lãnh đạo công ty với 14 ngàn nhân viên,” ông Việt Anh nhớ lại.
Tháng 1.2018, FPT quyết định điều ông Việt Anh về nước, bổ nhiệm vị trí phó tổng giám đốc tập đoàn nhằm bổ sung đội ngũ lãnh đạo trẻ vào ban điều hành. Việc thay đổi nằm trong chương trình quy hoạch và luân chuyển lãnh đạo để chuẩn bị đội ngũ kế thừa, am hiểu các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi nhằm bổ sung nguồn lực cấp cao cho tập đoàn.
Ông Việt Anh nói với Forbes Việt Nam, “đó là dấu mốc cá nhân lớn đã thay đổi hoàn toàn con đường tôi định sẵn là sẽ nghỉ hưu với ngành phần mềm.” Theo ông IT và viễn thông dù hội tụ nhưng bản chất vẫn là hai mảng khác nhau nên nhiều thứ phải học từ đầu.
Ông nói: “30 năm trước khi tôi bắt đầu ở FPT, mỗi chu kỳ công nghệ mới khoảng 2-3 năm, còn nay tốc độ thay đổi tính theo quý, nếu không sáng suốt biết cái gì có thể làm được, cái gì nên trao quyền cho lớp trẻ thì tương lai sẽ bị đe dọa, đó là nguyên lý phải chú tâm xây dựng.”
Chiến lược nội dung số từng được FPT tiên phong khá sớm, từ trào lưu web 2.0, nhưng cũng khai tử rất nhiều dịch vụ, hoặc chịu cạnh tranh khốc liệt không giành được vị thế lớn. Theo ông Việt Anh, có thể ở thời điểm đó nhìn thấy nhưng chưa hình dung hết lộ trình nên không đi đến cùng, khi thực sự thành xu hướng thì không còn cơ hội. Giai đoạn mới này tiếp tục xây dựng các kênh phù hợp với ưu điểm khác biệt cốt lõi là trong lộ trình mới có thể tận dụng AI để hiểu chính xác hơn về mong muốn của người dùng và đưa ra dự báo để phục vụ tốt hơn.
Thị trường viễn thông Việt Nam bão hòa, sức ép càng cao, việc duy trì tăng trưởng là một thách thức với FOX. Hạ tầng đòi hỏi liên tục nâng cấp về dung lượng, quy mô lẫn độ phủ là khoản đầu tư không nhỏ. 10 năm trước mỗi khách hàng sử dụng mức megabyte/tháng, nay đã lên đến gigabyte.
Sức ép lớn nữa là sự ra đời của các công nghệ mới có thể trở thành đối thủ khổng lồ. Chẳng hạn, về lý thuyết, Internet vệ tinh của Elon Musk có thể triển khai khắp thế giới, là đối thủ quá lớn của tất cả dịch vụ từ Internet băng rộng cho tới di động.
Hoàng Việt Anh cho rằng thế hệ mình may mắn hơn khi tiếp quản tập đoàn ở giai đoạn các thế hệ tiền nhiệm đã dành cả thập niên nỗ lực xoay quỹ đạo FPT tập trung vào phần cốt lõi là công nghệ. Hình ảnh công ty công nghệ FPT nay đã đạt thành quả lớn: năm 2023 lần đầu tiên cán mốc doanh thu hợp đồng ký mới một tỉ đô ở thị trường nước ngoài.
Tầm nhìn chuyển đổi số được ông nhận định “là bậc thang tiếp theo của ứng dụng IT trong mọi mặt đời sống xã hội nhưng có tính cách mạng cao hơn nhờ vào các công nghệ dữ liệu lớn và AI.” Thực chất của chuyển đổi số có tính sâu rộng, đòi hỏi ông hình dung về tổ chức dài hạn hơn trước các biến động để có lộ trình hoàn chỉnh.
30 năm với nhiều bước ngoặt cá nhân được ông Việt Anh ví “dài hơn cả thanh xuân của tôi”. Phó tổng FPT đúc rút sau chặng đường dài, “nếu bền chí và quyết tâm thì có những ước muốn tưởng chừng viển vông” vẫn thực hiện được. Đó là điều ông học được rất nhiều từ những lãnh đạo tiền nhiệm FPT – những con người lúc đặt những khát vọng bị cho là điên rồ “nhưng bằng cách nào đó phần lớn khát vọng trong 35 năm qua họ đều thực hiện được.” ông Việt Anh nói.