Startup Gradiant có hàng trăm bằng sáng chế cho 6 công nghệ lọc nước khác nhau được sử dụng tại các nhà máy của nhiều tập đoàn lớn bao gồm TSMC, Coca-Cola và Pfizer.
Một nhà máy bán dẫn điển hình sử dụng hơn 37 triệu lít nước mỗi ngày, và quá trình sản xuất chip làm ô nhiễm nguồn nước đó bằng hóa chất cùng với các vật liệu độc hại khác. Đây là một chi phí lớn cho nhà máy và cũng là một vấn đề môi trường.
Nhờ công nghệ xử lý nước thải công nghiệp, đồng thời cho phép tái chế để sử dụng, Gradiant có trụ sở tại Boston nhanh chóng phát triển hoạt động kinh doanh.
Ngày 17.5, Gradiant cho biết công ty được định giá 1 tỉ USD – startup công nghệ nước đầu tiên đạt mức đó – với 225 triệu USD trong vòng gọi vốn do Centaurus Capital của tỉ phú John Arnold và công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân BoltRock Holdings ở New York dẫn đầu. Khoản vốn mới này nâng tổng số tiền đầu tư vào công ty lên hơn 400 triệu USD.
Quan trọng hơn, doanh thu của công ty đạt 100 triệu USD vào năm ngoái và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm nay, gần 200 triệu USD. Trong số các khách hàng của công ty có gã khổng lồ bán dẫn TSMC và Micron, những hãng dược phẩm Pfizer và GSK, Coca-Cola và công ty khai thác mỏ Rio Tinto.
“Bất kỳ một nhà máy nào cũng đều cần nước để đáp ứng khả năng sản xuất nên đây là một trong những vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia,”Anurag Bajpayee, đồng sáng lập kiêm CEO của Gradiant, nói với Forbes. “Chúng tôi không chỉ giảm thiểu, mà trong một vài trường hợp có thể tái chế nước bị ô nhiễm để giảm tác động đối với xã hội.”
Một thập niên trước, Bajpayee, 38 tuổi, cùng với người đồng sáng lập kiêm giám đốc vận hành Prakash Govindan, 39 tuổi, học tiến sĩ tại MIT nghiên cứu về lọc nước. Cả hai đều lớn lên ở Ấn Độ, và thấy được mức độ ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm nước đến con người và cộng đồng.
Nghiên cứu của Govindan tập trung vào quá trình khử muối dựa vào chu trình làm ẩm và hút ẩm được mô phỏng theo chu kỳ mưa trong tự nhiên. Bajpayee có ý tưởng áp dụng quá trình này tại mỏ dầu. Sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ vào năm 2012, cả hai đã biến ý tưởng này thành mô hình kinh doanh.
Vì chi phí để ứng dụng công nghệ của Gradiant thấp – chỉ bằng một nửa chi phí của các công nghệ hiện hữu, Bajpayee nói – nên khách hàng sẵn sàng thử công nghệ này. Chẳng mấy chốc, công ty có thêm nhiều khách hàng đồng thời ra mắt thêm các công nghệ xử lý nước.
Hiện tại, Gradiant có khoảng 600 cơ sở xử lý nước cũng như cung cấp 6 công nghệ lọc nước khác nhau cho các hoạt động công nghiệp phức tạp. Công ty nắm giữ hàng trăm bằng sáng chế về những công nghệ đó.
Trong một số trường hợp, Gradiant có thể tái chế 98% lượng nước bị ô nhiễm của khách hàng, và làm đi làm lại nhiều lần. Đối với nhà máy sản xuất chip, với công suất hơn 37 triệu lít nước mỗi ngày hoặc nhà máy sản xuất dược phẩm cần nước siêu tinh khiết, đó là một nguồn rất lớn, giữ cho nhà máy hoạt động bất kể trong khí hậu nào và có khả năng giảm cả chi phí sản xuất lẫn tác động môi trường của nhà máy.
Ví dụ, thay vì cung cấp 37 triệu lít nước ngọt mỗi ngày để vận hành một nhà máy, nước thải đã được Gradiant tái chế có thể giảm nhu cầu về nguồn nước sạch xuống chỉ còn 757 ngàn lít nước mỗi ngày.
“Bạn không thể loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn nước, nhưng bạn có thể giảm lượng nước đó để tăng tính bền vững trong thời gian rất dài,” Bajpayee nói.
Đối với GSK, Gradiant thực hiện chương trình xử lý nước thải cho nhà máy sản xuất thuốc amoxicillin lớn ở Singapore bắt đầu từ tháng 1.2020. Nước thải từ thuốc kháng sinh penicillin — thành phần chính trong thuốc Augmentin của GSK — đặc biệt nguy hiểm và khó quản lý. Gradiant chiết xuất khoảng năm tấn chất thải mỗi ngày từ nước thải của nhà máy.
“Thật sự rất khó để xử lý bùn chúng tôi nhận được,” Colin McKee, giám đốc quản lý và chiến lược vốn của GSK cho biết.
Do ngày càng có nhiều mối quan tâm về các khoáng chất quan trọng nên Gradiant đang tìm ra nhiều cách mới để thực hiện quá trình xử lý nước. Công ty cung cấp dịch vụ cho mỏ dầu Schlumberger, vừa là nhà đầu tư vừa là khách hàng, sẽ sớm bắt đầu sử dụng công nghệ của Gradiant để chiết xuất lithium cần thiết cho pin cung cấp năng lượng cho xe điện từ nước muối thay vì từ đá tại một cơ sở ở Nevada.
“Theo như những gì chúng tôi quan tâm, đó là quá trình khử muối hoặc xử lý nước,” Bajpayee nói. “Chúng tôi lấy nước ra khỏi dung dịch đó để… cô đặc nước muối lithium nhằm dễ dàng chiết xuất lithium. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta thu hồi nước và nước muối là sản phẩm phụ; còn ở đây nước muối là sản phẩm chính.”
Anh nói, quá trình xử lý của Gradiant sẽ cho phép chiết xuất lithium từ nước muối theo cách tiết kiệm chi phí, đồng thời khả thi về mặt sinh thái. Năm ngoái, Gavin Rennick, chủ tịch phụ trách mảng năng lượng mới của SLB, nói với Forbes Ấn Độ rằng công nghệ Gradiant là “giải pháp” để giúp đạt được mục tiêu cải thiện tính bền vững của sản xuất lithium tại thời điểm nhu cầu về khoáng sản tăng chưa từng thấy.
Với nguồn vốn mới, Bajpayee cho biết công ty lên kế hoạch mở rộng thêm hoạt động ở các thị trường hiện hữu, bao gồm chất bán dẫn (lĩnh vực lớn nhất hiện tại), dược phẩm, thực phẩm và đồ uống cũng như khoáng sản quan trọng. Công ty cũng dự định thâm nhập nhiều thị trường mới ở Trung Đông và châu Âu.
Arnold, từng là một nhà giao dịch thành công tại Enron. Sau khi Enron phá sản, ông thành lập Centaurus, chuyên đầu tư vào các ngành công nghiệp, năng lượng, tài chính và năng lượng tái tạo. Ông sở hữu khối tài sản trị giá 3,3 tỉ USD. BoltRock là công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân của Craig Huff, đối tác cũ của Ziff Brothers và đồng sáng lập của Reservoir Capital Group.
Biên dịch: Gia Nhi
———————
Xem thêm:
Nhà sản xuất bán dẫn TSMC sẽ tăng gấp ba khoản đầu tư vào Arizona, lên 40 tỉ USD
Kỳ lân công nghệ sinh học Ginko đạt giá trị 15 tỉ USD sau thoả thuận SPAC
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/startup-gradiant-duoc-dinh-gia-1-ti-usd-nho-cong-nghe-xu-ly-nuoc-thai)
1 năm trước
TuSimple có thể bán chi nhánh hoạt động ở Hoa Kỳ1 tháng trước
Qualcomm di động cùng “make in Việt Nam”11 tháng trước
Tái sinh niềm lạc quan3 năm trước
Bên trong phòng thử đồ công nghệ của Amazon