multi-media / Megastory

6 năm, Sợi Thế Kỷ biến 3 tỉ chai PET thành 300 triệu bộ đồ thể thao bán khắp nơi trên thế giới

Sáu năm qua, Sợi Thế Kỷ gián tiếp tái sinh khoảng 3,04 tỉ chai nhựa PET thành sợi nguyên liệu, đủ để sản xuất hơn 300 triệu chiếc áo thể thao bán trên toàn cầu.

Bảy năm trước, ông Đặng Triệu Hòa, CEO Sợi Thế Kỷ ghé thăm một nhà máy của Unifi, tập đoàn Hoa Kỳ chuyên về các sản phẩm may mặc. Nhà sáng lập Sợi Thế Kỷ tận mắt chứng kiến việc những chai làm bằng nhựa nguyên sinh (PET) đã qua sử dụng được cắt nhỏ, vo lại thành từng viên, nấu chảy, se thành sợi, và trở thành chất liệu cho ngành may mặc. Điều này thôi thúc ông tìm hiểu sâu hơn về mô hình sản xuất sợi với nguyên liệu từ chai nhựa đã qua sử dụng.

Càng tìm hiểu, ông Hòa càng nhận thấy mối tương đồng trong triết lý kinh doanh của Sợi Thế Kỷ và Unifi: hướng đến phát triển bền vững. Triết lý kinh doanh chung này đã đưa tập đoàn Hoa Kỳ trở thành nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất sợi cho một công ty có quy mô trung bình trong ngành dệt may Việt Nam.

“Trên toàn cầu, Unifi chỉ cung cấp hạt nhựa cho chúng tôi để sản xuất sợi tái chế mang thương hiệu Century. Nếu không thực hành phát triển bền vững từ khi thành lập, chúng tôi không có năng lực và không đủ tự tin để đón nhận cơ hội này,” ông Đặng Triệu Hòa nói với Forbes Việt Nam tại văn phòng làm việc trong khuôn viên nhà máy ở tỉnh Tây Ninh.

Sợi Thế Kỷ là trường hợp ngoại lệ trong chuỗi sản xuất của Unifi khi có thể sản xuất sợi tái chế mang thương hiệu của mình thay vì vào vai đối tác gia công như nhiều doanh nghiệp khác. Sáu năm qua, doanh nghiệp này gián tiếp tái sinh 3,04 tỉ chai nhựa PET thành sợi tái chế được sử dụng để may thành 304 triệu chiếc áo thể thao phân phối khắp nơi trên thế giới, thực hiện một mắt xích nhỏ trong nền kinh tế tuần hoàn góp phần giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành F&B.

Ra đời năm 2000, Sợi Thế Kỷ có hai nhà máy chuyên sản xuất và kinh doanh các loại sợi xơ dài chất lượng cao như sợi POY (sợi nguyên liệu), DTY (sợi xơ dài) và FDY (sợi kéo duỗi hoàn toàn), với tổng công suất 63 ngàn tấn/năm. Bước ngoặt đến với công ty vào năm 2016 khi chuyển hướng, mở rộng kinh doanh sang sản xuất các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường.

Với quy mô doanh thu 2.042 tỉ đồng và 278 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm ngoái, Sợi Thế Kỷ là công ty quy mô trung bình trong ngành dệt may Việt Nam. Công ty vừa vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2022 của Forbes Việt Nam này được đánh giá là đối thủ cạnh tranh trực diện với công ty có quy mô lớn như Formosa trong lĩnh vực sản xuất sợi khi cả hai cùng sản xuất sợi chất lượng cao, cung cấp đến các đối tác dệt vải, may cho các tên tuổi đình đám Nike, Adidas, H&M, Inditex, Uniqlo, Decathlon… cũng như cùng tham gia sản xuất sợi tái chế từ chai nhựa PET.

Ông Đặng Triệu Hòa, CEO Sợi Thế Kỷ.

Hiện tại, bình quân mỗi tháng, Sợi Thế Kỷ sử dụng khoảng 1.200 -1.500 tấn nguyên liệu hạt nhựa do Unifi cung cấp để sản xuất thành những sản phẩm thân thiện với môi trường, thực hiện những cam kết mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường của ngành thời trang thế giới. Trong năm 2021, công ty triển khai hai dự án điện mặt trời áp mái tại nhà máy Củ Chi (TP.HCM) và Trảng Bàng (Tây Ninh), với công suất phát điện khoảng 13,9 triệu kWh/năm, góp phần giảm khí thải carbon tương ứng 530 ngàn tấn CO2 trong suốt vòng đời dự án.

Chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Hongjun Ning, chủ tịch Unifi khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết mối hợp tác với Sợi Thế Kỷ, đối tác độc quyền của Unifi tại Việt Nam trong việc sản xuất và kinh doanh sợi dài từ polyester (filament) từ năm 2017. Unifi cung cấp nguyên liệu thô cho Sợi Thế Kỷ, qua công nghệ FiberPrint của Unifi để truy xuất nguồn gốc. “Sợi Thế Kỷ có thiết bị và công nghệ hiện đại trong sản xuất sợi filament, có năng lực đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao,” ông Ning đánh giá.

Để hiểu hướng đi riêng của Sợi Thế Kỷ trước hết cần nhìn rộng hơn vào ngành thời trang thế giới. Theo ước tính của ủy ban châu Âu (EU), ngành công nghiệp thời trang tạo ra khoảng 40 triệu tấn chất thải về dệt nhuộm mỗi năm. Hiện chưa đến 10% sản phẩm dệt may trên toàn cầu được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc tái chế. Riêng tại châu Âu, khoảng 5,8 triệu tấn hàng dệt may bị thải bỏ hằng năm, tương đương 11kg/ người và cứ mỗi giây trên thế giới, có một xe tải chở quần áo bị đốt hoặc chôn ở bãi rác.

Theo hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), ngành công nghiệp thời trang trên toàn cầu dùng khoảng 93 tỉ m3 nước mỗi năm. Cotton và polyester là hai nguyên liệu được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất hàng dệt may. Theo National Geographic, cần khoảng 2.700 lít nước để sản xuất một chiếc áo thun cotton không có cổ, từ việc trồng bông, tưới tiêu, thu hoạch, xe sợi, nhuộm, dệt, cắt may. Lượng nước này đủ để đáp ứng nhu cầu uống của một người trong 900 ngày. Hoặc theo số liệu của Liên hiệp quốc, để sản xuất một chiếc quần jean cần đến 8.000 lít nước ngọt, đủ để một người uống trong bảy năm.

Các nhãn hàng nổi tiếng đang chạy đua trước áp lực thực hiện cam kết bảo vệ môi trường nhằm giảm tác động của ngành công nghiệp sinh ra khoảng 2,1 tỉ tấn phát thải CO2 mỗi năm, tương đương 4% lượng khí thải toàn cầu. Vào cuối năm 2021, có 132 thương hiệu tham gia Hiến chương Ngành thời trang về Hành động vì khí hậu (Fashion Industry Charter for Climate Action) của Liên hiệp quốc. Đây cũng là cách giành lấy thiện cảm của người tiêu dùng khi 2/3 số người mua sắm hàng may mặc đề cao tính bền vững trong sản phẩm (theo Báo cáo thời trang năm 2021 của McKinsey.)

Không chỉ tìm cách sắp xếp lại chuỗi cung ứng, các thương hiệu còn phải giảm lượng phát thải khí nhà kính, tăng sử dụng nguyên liệu tái chế cho các nhà sản xuất, nhằm đạt tiêu chuẩn của các thị trường tiêu thụ. Cuối tháng 3.2022, EU đưa ra yêu cầu đến năm 2030, các sản phẩm dệt may khi đưa vào thị trường này phải đạt hàng loạt tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững. 

Để nằm trong chuỗi giá trị của các thương hiệu toàn cầu, những nhà sản xuất nguyên liệu đầu vào cho dệt vải buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh. Sản xuất sản phẩm thời trang từ nhựa dường như là câu chuyện khá mới mẻ với đa số người dùng phổ thông.

Quá trình đó diễn ra như thế nào? Sau quá trình thu gom chai nhựa đã qua sử dụng, chúng được phân loại, khử trùng, sấy khô… rồi nung thành hạt nhựa nguyên liệu. Ông Đặng Triệu Hòa ước tính khoảng 55 chai nhựa sau quy trình tái chế sẽ đủ nguyên liệu để sản xuất thành một kilogram sợi, tương đương đủ dùng cho năm chiếc áo. Chỉ cần sản xuất 10 chai nhựa cũng đủ để làm nguyên liệu kéo thành 200 gam sợi cho một chiếc áo đồng phục hiện nay tại công ty này.

Để sản xuất ra sợi filament, Sợi Thế Kỷ sử dụng công nghệ kéo sợi từ hạt nhựa PET. Dàn máy móc hiện có vừa có thể sản xuất sợi nguyên sinh và sợi tái chế. Tuy nhiên, nhà sản xuất sợi phải có kinh nghiệm để xử lý các vấn đề kỹ thuật liên quan đến chất lượng nguyên liệu đầu vào (độ tinh khiết thấp hơn nguyên vật liệu nguyên sinh) và chất lượng sản phẩm đầu ra (tỉ lệ đứt sợi cao hơn, sợi dễ bị vàng nếu không có kỹ thuật xử lý phù hợp.)

Bà Nguyễn Phương Chi, giámđốc chiến lược Sợi Thế Kỷ cho biết độ đồng đều về tính chất giữa các sợi là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng thành phẩm. Mỗi cối sợi nặng khoảng 4kg, với độ dài vài trăm km, sợi tái chế dễ bị đứt hơn sợi nguyên sinh do sử dụng nguyên liệu là chai nhựa đã qua sử dụng.

Ông Hòa phân tích riêng quá trình sản xuất sợi polyester không gây ô nhiễm môi trường vì “khí thải gần như không có và lượng nước thải công nghiệp, liên quan tới việc nhuộm sản phẩm mẫu phục vụ công tác kiểm soát chất lượng rất ít”. Lượng nước thải mỗi năm của Sợi Thế Kỷ chỉ khoảng 1.980m3. Mỗi kilogram sợi doanh nghiệp này sản xuất cần 0,0025m3 nước và đến cuối năm nay sẽ giảm xuống 0,0023m3 (tương đương 2,3 lít.)

Giá bán sợi tái chế cao hơn sợi thường, giúp kết quả kinh doanh của Sợi Thế Kỷ tăng  trưởng. Năm 2017, trong tổng doanh thu của Sợi Thế Kỷ, mảng sợi tái chế đóng góp chỉ vỏn vẹn 6,6% thì đến năm ngoái, con số này đã tăng lên 50%. Lợi nhuận của công ty nhờ đó được cải thiện, với mức tăng bình quân 33%/năm giai đoạn 2017–2021, từ 92 tỉ đồng lên 286 tỉ đồng.

Năm ngoái, 62% trong tổng doanh thu của Sợi Thế Kỷ đến từ thị trường nội địa. Trong đó, khoảng 66% lượng sợi tái chế được sử dụng tại Việt Nam, bao gồm kênh xuất khẩu tại chỗ khi cung cấp đến các doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng của các thương hiệu như Adidas, Nike, Formosa Taffeta. “Sợi Thế Kỷ có thể cung cấp sản phẩm có chất lượng ổn định, hỗ trợ chúng tôi vận hành sản xuất trơn tru. Đặc biệt, họ liên kết với các thương hiệu nguyên liệu nổi tiếng của Mỹ và Nhật Bản. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho chuỗi nhà cung cấp dệt may từ sợi, dệt, nhuộm đến thành phẩm,” ông Johnny Chen nhận xét.

Mỗi cối sợi tái chế của Sợi Thế Kỷ nặng khoảng 4kg, với độ dài vài trăm km, sợi tái chế dễ bị đứt hơn sợi nguyên sinh.

Đến Việt Nam vào năm 2000, Formosa Taffeta Việt Nam tìm kiếm nhà cung cấp sợi địa phương ngay từ những ngày đầu thành lập và trở thành khách hàng truyền thống trong hơn 20 năm qua của Sợi Thế Kỷ. Chia sẻ với Forbes Việt Nam qua email, ông Johnny Chen, tổng giám đốc Formosa Taffeta tính toán trung bình mỗi năm, Sợi Thế Kỷ cung cấp cho doanh nghiệp này khoảng 1.000 tấn sợi tái chế, tương đương đủ để sản xuất năm triệu chiếc áo thể thao.

Trước sức ép từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, sẽ có nhiều công ty gia nhập sản xuất sợi tái chế khi nhu cầu của sản phẩm này ngày càng tăng. Nhưng ông Đặng Triệu Hòa tự tin rằng nhờ có cả phần cứng là máy móc và phần mềm là con người am hiểu quy trình kéo sợi đã trở thành lợi thế cạnh tranh cho Sợi Thế Kỷ so với các doanh nghiệp đang muốn bước vào lĩnh vực này. Còn với đối thủ duy nhất cùng phân khúc sản phẩm và phân khúc khách hàng là Formosa, họ vẫn tiếp tục “vừa cạnh tranh, vừa cùng nhau trưởng thành.”

Theo báo cáo về cơ hội và Rào cản đối với tuần hoàn nhựa tại Việt Nam của công ty Tài chính Quốc tế (IFC) công bố vào tháng 9.2021, chỉ 33% của 3,9 triệu tấn các loại nhựa sử dụng phổ biến thải ra hằng năm tại Việt Nam được thu hồi và tái chế. Sợi Thế Kỷ có kế hoạch thu gom và tự tái chế chai nhựa đã qua sử dụng làm nguyên liệu đầu vào nhằm giữ thế chủ động cho mục tiêu 100% doanh thu từ năm 2025 sẽ đến từ sợi tái chế như thế nào?

Ông Hòa cho biết, Unifi và Sợi Thế Kỷ từng định hợp tác sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam. Nhưng sau khi phân tích, họ nhận thấy thách thức đến từ hệ thống thu gom, phân loại chưa hiệu quả dẫn đến giá thành thu hồi chai nhựa cao so với các thị trường khác.

Để đón đầu cơ hội khi nhu cầu dùng sợi tái chế của các nhãn hàng đang gia tăng, bên cạnh hai nhà máy hiện có, Sợi Thế Kỷ sẽ đầu tư khoảng 120 triệu đô la Mỹ xây nhà máy Unitex. 70% công suất Unitex dùng để sản xuất sợi tái chế, 20% cho sợi đặc biệt. Như vậy, vào năm 2026, sản lượng sợi tái chế có thể tăng gấp bốn lần hiện nay, đạt 66.000 tấn. Họ cũng đang nghiên cứu phát triển sợi màu, thay thế cho công đoạn nhuộm truyền thống, giúp giảm lượng nước cần sử dụng khoảng 89%.

“Tương lai không chỉ là thời của Sợi Thế Kỷ mà còn là thời của các doanh nghiệp chú trọng vào phát triển bền vững. Sợi tái chế chỉ là một mảnh ghép nhỏ mà mọi người đã thấy về chúng tôi,” ông Đặng Triệu Hòa úp mở về kế hoạch kinh doanh mới, hướng đến mục tiêu “vừa giải quyết rác thải, vừa không cần hóa chất cho dệt nhuộm.” Vị này tin rằng đầu tư vào phát triển bền vững không chỉ bao gồm chi phí mà còn mang đến lợi ích nếu xem đây là động lực để chuyển hóa chi phí thành cơ hội kinh doanh.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022, chuyên đề Kinh tế tuần hoàn.