Tập đoàn SK Telecom của tỉ phú Chey Tae-won đã bắt tay với Joby Aviation để phát triển và thương mại hóa taxi bay điện tại Hàn Quốc.
Doanh nghiệp viễn thông khổng lồ của Hàn Quốc SK Telecom, trực thuộc SK Group của tỉ phú Chey Tae-won, công bố hợp tác với startup Joby Aviation để phát triển mẫu taxi bay điện
Hai công ty đã ký thỏa thuận hợp tác để phát triển phương tiện bay cất và hạ cánh thẳng đứng, hay eVTOLs tại nhà máy sản xuất của Joby Aviation ở Marina, California.
Tuy kế hoạch đưa ra mẫu taxi bay vẫn chưa thực hiện, việc hợp tác này là một bước tiến lớn để SK Group, tập đoàn nổi tiếng về vật liệu bán dẫn và viễn thông tiến vào lĩnh vực vận tải đường không ở khu vực đô thị (UAM).
“Từ việc hợp tác với tên tuổi đi đầu trong lĩnh vực máy bay điện là Joby, chúng tôi kỳ vọng đẩy nhanh quá trình hướng đến kỷ nguyên UAM và mở đường cho việc giới thiệu công nghệ mới và thú vị này,” Ryu Youn-sang, CEO SK Telecom cho biết khi công bố quan hệ hợp tác.
“Việc hợp tác với các công ty hàng đầu thế giới là yếu tố quan trọng nhằm củng cố khả năng dẫn dắt những ngành công nghiệp tương lai, khi sự tự tin của chúng tôi sẽ được tiếp sức từ quá trình phát triển của UAM, xe tự hành và robot,” Ryu Young-sang cho biết thêm.
Mẫu taxi bay 5 chỗ ngồi do Joby Aviation chế tạo sẽ có quãng đường di chuyển dài nhất 241km và tốc độ tối đa 321km/giờ. Với việc không tạo ra tiếng ồn, taxi bay điện này sẽ không gây ảnh hưởng đến khu vực dân cư, công ty cho biết trong thông cáo.
Để sử dụng taxi bay, người dùng sẽ cần phải đặt chỗ thông qua ứng dụng trước khi đến điểm đón. Tuy vậy, công ty chưa đưa ra thêm thông tin chi tiết. Vào năm 2021, SK Telecom cho biết công ty hi vọng sẽ phát triển hệ thống đặt chỗ cho phương tiện UAM, cũng như kết nối với những loại hình vận tải khác.
Dịch vụ taxi bay của Joby Aviation và SK Telecom thực hiện theo mục tiêu do chính phủ Hàn Quốc đề ra trong một thập niên tới. Vào năm 2021, bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Vận tải Hàn Quốc (MOLIT) công bố lộ trình phát triển UAM, với mục tiêu thương mại hóa di chuyển hàng không đô thị từ năm 2025.
Loại hình di chuyển hàng không này sẽ đem lại sự thuận tiện, khi tình trạng ách tắc giao thông đang là vấn đề tại những khu đô thị đông dân của Hàn Quốc như Seoul. Ví dụ, với quãng đường từ 30-49km, 1 tiếng đồng hồ đi bằng xe hơi có thể giảm xuống còn 20 phút di chuyển trên bầu trời, theo MOLIT.
SK Telecom cho biết thêm taxi bay sẽ tận dụng T Map, nền tảng di chuyển và định vị lớn nhất Hàn Quốc cũng như dịch vụ gọi xe UT ride, liên doanh do SK Telecom và Uber thành lập năm 2021.
Trong nhiều năm qua, SK Telecom đã đạt bước tiến lớn trong thị trường UAM, gồm hợp tác với Hanwha Systems của tập đoàn Hanwha Group năm 2019, bên cạnh tập đoàn Hàng không Hàn Quốc và viện Giao thông vận tải Hàn Quốc (KOTI) để phát triển cơ sở hạ tầng và quy định cho dịch vụ UAM.
Trong nhiều năm trở lại đây, tập đoàn gia đình khổng lồ dưới quyền lãnh đạo của Chey Tae-won đã mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực từ công nghệ sinh học cho đến tiền mã hóa và xe điện. Vào năm 2019, Chey dẫn dắt SK Square, công ty đầu tư tách ra từ SK Telecom tập trung vào đẩy mạnh công nghệ mới.
Tuy vậy, SK Telecom chỉ là một phần trong “UAM Team Korea” của chính phủ Hàn Quốc, nhóm các công ty phát triển dịch vụ vận chuyển hàng không. Vào tháng 11.2021, một vài công ty đã có bước nhảy vọt. Lotte ký thỏa thuận với đơn vị sản xuất gyroplane (máy bay tự lên thẳng), Skyworks Aeronautics đặt tại Chicago để triển khai taxi bay. Còn Kakao Mobility thông báo bắt tay với công ty UAM của Đức, Volocopter để phát triển dịch vụ taxi bay vào năm 2025.
Cùng thời điểm đó, ngành công nghiệp này chào đón thêm những công ty khác, khi Supernal, công ty được thành lập từ Hyundai Motor, Hyundai Mobis và Kia công bố kế hoạch phát triển xe taxi bay vào năm 2028.
Không chỉ Hàn Quốc, thị trường UAM đang dần phát triển trên toàn thế giới. Báo cáo Morgan Stanley công bố hồi tháng 5.2021 dự đoán, thị trường UAM sẽ có giá trị 1.000 tỉ USD vào năm 2040 và 9.000 tỉ USD đến năm 2050.
Người phụ trách báo cáo trên của Morgan Stanley nhận định eVTOLs có tiềm năng “đổi mới và định hình lại quy mô” thị trường vận tải, tương tự như xe hơi vào đầu thế kỷ 20 hay thương mại hóa ngành hàng không sau Thế chiến Thứ hai.
Tại Mỹ, Joby Aviation đã dành ra một thập niên để phát triển công nghệ cho máy bay điện, hoàn thành hơn 1.000 đợt bay thử nghiệm và nhận chứng chỉ từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).
Với hỗ trợ từ SK Telecom, Joby sẽ trực tiếp vận hành và cung cấp tới hành khách dịch vụ gọi xe bay thông qua ứng dụng của công ty hoặc từ Uber tại thị trường Mỹ.
Nhận định về việc hợp tác và cơ hội từ thị trường Hàn Quốc, nhà sáng lập và CEO của Joby Aviation, JoeBen Bevirt hi vọng biến thị trường di chuyển hàng không “thành một phần của cuộc sống thường ngày.”
Trả lời Forbes vào tháng 11.2020, Bevirt cho biết đây là giấc mơ trong tương lai gần. “Nếu có thể bay lên bầu trời, chúng ta có thể biến những con đường thành công viên và về cơ bản biến các thành phố trở thành nơi tốt đẹp hơn,” ông cho biết.
Xem thêm: Startup máy bay điện Beta Technologies mở ra tương lai cho ngành vận chuyển
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/sk-telecom-va-joby-aviation-hop-phat-trien-taxi-bay-tai-han-quoc)
1 năm trước