Start-up

Nhà sáng lập startup Zilingo muốn mua lại quyền quản lý

Share
this:

Hai nhà sáng lập Zilingo, Dhruv Kapoor và Ankiti Bose, đề xuất mua lại quyền quản lý nhằm cải tổ và khôi phục hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn.

Hai nhà sáng lập của Zilingo, Dhruv Kapoor và Ankiti Bose, đã đưa ra đề xuất mua lại startup thời trang đang lâm vào khó khăn, với mục tiêu cải tổ và khôi phục hoạt động kinh doanh của công ty trước tình cảnh giải thể.

Hai nhà sáng lập của Zilingo, Dhruv Kapoor và Ankiti Bose. Ảnh: Courtesy of Ankiti Bose
 

“Với tiềm năng từ việc kinh doanh và giá trị mà công ty này có thể mang lại, tôi mong muốn mọi người hãy cân nhắc mua lại quyền quản lý (MBO) như giải pháp thay thế cho giải thể tự nguyện,” Kapoor cho biết trong văn bản đề xuất gửi đến ban lãnh đạo của Zilingo vào tối ngày 19.6. Một bản sao đã được gửi tới Forbes Asia.

Ankiti Bose, người bị ban lãnh đạo cách chức CEO sau khi công ty kiểm toán nội bộ vào tháng 5.2022, ủng hộ việc MBO theo đề xuất của Dhruv Kapoor. “Tôi tán thành kế hoạch MBO với nhóm nhà đầu tư mới và khuyến khích mọi cổ đông của Zilingo gạt bỏ hiềm khích để làm điều đúng . Tôi muốn khuyến khích các bên, cùng với ban giám đốc và nhà sáng lập, thực hiện mua lại với nhóm nhà đầu tư mới nhằm hỗ trợ cho sáng kiến này,” Bose chia sẻ với ban lãnh đạo qua email ngay sau khi Kapoor đưa ra đề xuất.

Theo lời đề nghị sơ bộ và đề nghị không ràng buộc, Dhruv Kapoor cho biết hai nhà sáng lập và nhóm nhà đầu tư mới (chưa tiết lộ danh tính) sẽ thành lập công ty mới để tiếp quản tài sản của Zilingo, bao gồm nhà máy, mảng kinh doanh sourcing (tìm kiếm và đánh giá hiệu quả nhà cung ứng) và các nền tảng số Z Connect, Z Trade và Z Spotlight. Còn lại sẽ được phát mại. Số tiền thu về từ việc mua lại sẽ được dùng để thanh toán khoản nợ 40 triệu USD cho Zorro Assets trong vòng hơn 36 tháng.

Như một phần trong thỏa thuận, Zilingo cũng sẽ nhận khoản đầu tư 8 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư mới, đồng thời cho các cổ đông hiện hữu đăng ký vốn sở hữu trong công ty mới.

Zilingo được Ankiti Bose cùng với Dhruv Kapoor thành lập vào năm 2015. Hai nhà sáng lập này từng lọt vào danh sách Under 30 châu Á của Forbes. Các nhà đầu tư lớn nhất của Zilingo bao gồm quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek và Sequoia Capital.

Zilingo, nền tảng số hỗ trợ các tiểu thương bán mặt hàng thời trang cho người tiêu dùng trên toàn Đông Nam Á, từng có mức định giá cao nhất 970 triệu USD vào năm 2019. Trước khi xuất hiện những khiếu nại về vi phạm nguyên tắc kế toán trong nhiều tháng sau đó, dẫn đến việc mở cuộc điều tra và đình chỉ Ankiti Bose, Zilingo đã huy động thành công đến 200 triệu USD vào tháng 2.2022.

“Là nhà sáng lập, chúng tôi có trách nhiệm làm những gì có thể để giữ lại hi vọng cho Zilingo và ‘ngôi nhà chung’ của hàng trăm người tham gia. Mặc dù có những sự khác biệt, chúng tôi thành lập công ty với mục tiêu chung và cùng nhau nỗ lực vì điều đó,” Bose cho biết trong thông cáo gửi tới Forbes Asia.

Xem thêm: Startup thương mại thời trang Zilingo muốn huy động 200 triệu USD

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nha-sang-lap-startup-zilingo-thuc-hien-mua-lai-quyen-quan-ly)