Kinh doanh

Ngồi ghế nóng tại Bách Hóa Xanh, ông Nguyễn Đức Tài chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục

Share
this:

Giá trị trên mỗi giỏ hàng của Bách Hóa Xanh là thấp nhất trong các chuỗi siêu thị mini trên thị trường. Sau hơn bốn tháng trực tiếp điều hành, ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động chỉ ra loạt vấn đề cần khắc phục trước khi mở rộng chuỗi từ năm 2023.

Từ cuối năm 2021, ông Nguyễn Đức Tài thay ông Trần Kinh Doanh điều hành hoạt động kinh doanh của Bách Hóa Xanh, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng với 2.000 cửa hàng. Sau bốn tháng trực tiếp cải tiến hệ thống vận hành Bách Hóa Xanh, nhà đồng sáng lập kiêm chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động đã chỉ ra các điểm yếu của chuỗi cửa hàng này tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 mới đây.

“2022 là năm đầu tiên tôi xây dựng nền tảng cho Bách Hóa Xanh. Mọi nỗ lực và ngay cả thương hiệu cá nhân cũng đang nằm ở đây thì không có lý do gì mà Bách Hóa Xanh không thể không về đích,” ông Tài nói về mục tiêu củng cố lại hệ thống vận hành nội bộ trước khi tiếp tục mở rộng số lượng cửa hàng từ năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (phải) tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của công ty. Ảnh: Tạ Hồng Phúc.

Ông Tài chỉ ra các vấn đề cần khắc phục sẽ xoay quanh mục tiêu “khách hàng sẽ có trải nghiệm thoải mái hơn”. Vị lãnh đạo này phân tích, tại siêu thị lớn, khách hàng thường dành 60-70 phút để mua sắm, còn ở siêu thị mini như Bách Hóa Xanh chỉ khoảng 15 phút và ở cửa hàng tiện lợi tầm 5 phút. Vì vậy, đội ngũ Bách Hóa Xanh có khá ít thời gian để thuyết phục khách hàng đây là nơi mua sắm phù hợp nhất với nhu cầu khi họ bước vào cửa.

“Từ trước đến giờ, giá trị trên mỗi giỏ hàng của Bách Hóa Xanh là thấp nhất trong các siêu thị mini,” ông Tài tiết lộ, đồng thời lý giải trong hai năm đại dịch, chuỗi tập trung vào việc cung cấp đủ loại hàng hóa mà chưa tập trung củng cố khía cạnh trải nghiệm khách hàng. Theo ông Tài, nếu điều này không được thay đổi, khách hàng sẽ hình thành thói quen chỉ ghé vào Bách Hóa Xanh để mua một món duy nhất thay vì sẵn sàng chọn thêm nhiều sản phẩm khác.

Thành lập năm 2015, trước đây Bách Hóa Xanh được định hướng tập trung tăng số lượng hàng hóa từ 3.000 lên 5.000 tại mỗi địa điểm với quan điểm kinh doanh “hàng hóa hơi lộn xộn thì khách hàng vẫn mua”. Song thực tế, phần doanh thu tăng thêm từ số lượng mặt hàng gia tăng (SKU) là không đáng kể so với “mất mát của việc khách hàng bực bội do hàng hóa bài trí lộn xộn và không muốn dành thời gian tìm kiếm trong siêu thị”.

Chủ tịch Thế Giới Di Động mô tả, khoảng 3.000 SKU mang về 60% doanh thu tại mỗi cửa hàng nhưng việc có thêm 2.000 SKU chỉ giúp gia tăng khoảng 5%. Vì vậy, hiệu quả kinh doanh tại các cửa hàng được mở theo hợp đồng thuê mặt bằng đã ký từ năm 2021 hiện cao hơn các cửa hàng có diện tích mở trước đó với số lượng SKU nhiều hơn.

Cơ cấu doanh thu chuỗi Bách Hóa Xanh năm 2021. Nguồn: MWG.

Song song đó, Bách Hóa Xanh cũng đang cải tiến lại các công cụ dự đoán, kiểm soát tự động hàng hóa, cách bài trí cho hợp lý trong toàn chuỗi cửa hàng, tùy vào vị trí địa lý cũng như nhu cầu khách hàng tại mỗi khu vực.

Theo đó, Bách Hóa Xanh sẽ ngừng mở mới cửa hàng và tập trung cải thiện hệ thống khoảng 2.000 cửa hàng hiện có. Dự kiến kế hoạch này sẽ hoàn thành vào tháng 7.2022 trước khi bước vào giai đoạn mở rộng quy mô từ năm 2023.

Kể từ khi ra đời, nguồn vốn phát triển cho chuỗi Bách Hóa Xanh chỉ đến từ Thế Giới Di Động. Để có nguồn lực mở rộng, doanh nghiệp này sẽ chào bán tối đa 20% vốn công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh, dự kiến thực hiện trong năm 2022-2023. Cụ thể, Thế Giới Di Động lập công ty con để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Bách Hóa Xanh, tương ứng hơn 12.700 tỉ đồng, phục vụ mục tiêu IPO Bách Hóa Xanh trong năm năm tới.

Ông Tài cho biết đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc mua tối đa 20% vốn Bách Hóa Xanh. Tùy vào lượng vốn cần cho giai đoạn tăng tốc, công ty sẽ quyết định tỷ lệ cần bán, theo ông Tài, “khả năng cao là dưới 20%”. Nhà đầu tư đưa ra mức định giá cao nhất và không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Bách Hóa Xanh tại Việt Nam là hai tiêu chuẩn lựa chọn đối tác.

Năm 2022, Thế Giới Di Động đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỉ đồng và lãi ròng 6.350 tỉ đồng, lần lượt tăng 14% và 30% so với kết quả năm ngoái. Đồng thời, doanh nghiệp này kỳ vọng doanh số kênh trực tuyến tăng 50% và đóng góp khoảng 15% trong tổng doanh thu.

————————

Xem thêm:
Nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam tạm đóng 2.000 cửa hàng
Mặt bằng bán lẻ: Điền từng ô trống
Khai trương 5 chuỗi mới, MWG nhắm mục tiêu tập đoàn bán lẻ đa ngành
Chuyển đổi số và bán hàng đa kênh tiếp tục là trụ cột bán lẻ năm 2022 
Quadria Capital đầu tư 90 triệu USD vào chuỗi bán lẻ Con Cưng

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ngoi-ghe-nong-tai-bach-hoa-xanh-ong-nguyen-duc-tai-chi-ra-nhung-diem-yeu-can-khac-phuc)