Trần Nữ Yên Khê được người yêu nghệ thuật quốc tế và Việt Nam biết đến với vai trò diễn viên điện ảnh, chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế phục trang. Chị vừa trở lại Sài Gòn với các tác phẩm nghệ thuật mới nhất của chị cho triển lãm White Blank tại Gallerie Quynh – triển lãm cá nhân đầu tiên của chị với 10 tác phẩm mới và gần đây nhất, được hoàn thiện tại Paris và TP.HCM.
‘White Blank’ diễn ra từ ngày 24.10 đến 9.12.2023, mang đến một nguồn năng lượng nhẹ nhàng qua tông màu chủ đạo là màu trắng. thay đổi cấu trúc theo chuyển động của ánh sáng với nhiều hình khối trên toan trong loạt tranh “Giữa chắc chắn và hoài nghi” uốn lượn mềm mại trong từng tác phẩm điêu khắc. Các tác phẩm mang đến thông điệp cho người thưởng lãm về sự suy tư, sống động và có vẻ thân quen.
Loạt tranh có bố cục trên toan được làm từ giấy dâu tằm mỏng Trung Quốc, chồng lớp trên vải lanh thô và các vùng màu đa sắc dạng hình học. Yên Khê lý giải tạo hình những điêu khắc từ chất liệu thạch cao khơi gợi sự phức tạp của cây cỏ và đại dương, sự nguyên sơ của hang động; sắc trắng, với tính tương phản và giản lược ẩn chứa trải nghiệm tĩnh lự. Tác phẩm hướng tới những dạng hình trừu tượng, sống động, khơi dậy cung bậc cảm xúc bằng ngôn ngữ thơ ca, nhấn mạnh sự phức tạp và mâu thuẫn trong hành vi con người.
Forbes Việt Nam trao đổi với Yên Khê về hành trình thực hành nghệ thuật vào thời điểm chị đi lại giữa nhiều quốc gia để quảng bá cho bộ phim The Taste of Things (2023) mà nghệ sĩ đảm nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế phục trang. Bộ phim do chồng chị, Trần Anh Hùng, đạo diễn và đã được trao giải thưởng Đạo diễn Xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Cannes lần thứ 76.
Trước đó, nghệ sĩ đã có tác phẩm Borderline được đưa vào bộ sưu tập của bảo tàng quốc gia Pháp và ở TP.HCM hiện chị có tác phẩm Vortex, Living Water, 2020, trưng bày cố định tại Toong Phạm Ngọc Thạch.
Forbes Việt Nam: Công chúng biết nhiều đến chị trong vai trò diễn viên điện ảnh, chỉ đạo nghệ thuật hay thiết kế phục trang hơn là một nghệ sĩ thị giác. Chị mang đến triển lãm lần này thông điệp gì và đã chuẩn bị như thế nào?
Yên Khê: Thật ra trong cuộc sống, tôi vẫn thực hành nghệ thuật đều đặn đến nay là gần 30 năm. Mặc dù được ít người biết đến, vì tôi có nhiều công việc khác, nhưng lúc này có lẽ là thời điểm chín muồi để tôi chia sẻ tác phẩm của mình. Hơn ba thập niên qua, tôi đã tinh chỉnh thụ cảm thị giác và phát triển khả năng nhận thức một cách riêng biệt. Những tác phẩm gần nhất của tôi được triển lãm lần này, ‘White Blank’ và ‘Giữa chắc chắn và nghi ngờ’ phản ánh thực hành này, cũng như chặng đường tìm kiếm một ngôn ngữ thị giác thể hiện được cảm xúc. Đây là một quá trình tuần tự, cần nhiều nỗ lực và thời gian.
Forbes Việt Nam: Nghệ thuật có vai trò thế nào trong cuộc sống của chị?
Yên Khê: Nó luôn là một phần thiết yếu của bản thân tôi kể từ năm 18 tuổi, phát triển cùng tôi. Sự phát triển đan cài giữa nghệ thuật và cuộc sống của tôi là quá trình thầm lặng và đa sắc thái. Quá trình đó có sự điều hòa, tự vấn và tác động lên sự phát triển nghệ thuật, cùng đồng hành, cùng tồn tại và thay đổi song song với hành trình cá nhân. Để nuôi dưỡng mối liên kết này, tôi phải luôn tự vấn, tự nhận thức và gìn giữ khả năng tiếp nhận của mình.
Forbes Việt Nam: Chị hướng tới điều gì khi sáng tác? Mối quan tâm đó đã thay đổi như thế nào theo thời gian?
Yên Khê: Tôi hứng thú với hầu như tất cả mọi thứ, từ giọt nước rơi tạo gợn sóng trên mặt hồ đến cận cảnh bông tuyết dưới kính hiển vi. Tôi cố gắng tiếp cận cuộc sống qua những thứ đơn thuần nhất bằng góc nhìn mới mẻ ngay trong những thói quen thường nhật. Điểm mấu chốt với tôi chính là tránh khỏi góc nhìn thông lệ, tẻ nhạt, tầm thường hoá cuộc sống. Cảm hứng đến từ chính cách mình nhìn tự nhiên, muông thú cũng góp phần, thậm chí một chiếc túi xốp bị gió thổi bay cũng có điều gì đó cho tôi nắm bắt. Quan niệm này đã dẫn lối cho quá trình thực hành của tôi từ những ngày đầu tiên và đến nay không hề thay đổi.
Tôi không có mục tiêu cụ thể nào trong hành trình nghệ thuật. Là nghệ sĩ, với tôi hành trình chính là mục tiêu của mình, là lặn sâu vào cảm xúc bên trong, một quá trình nội tại có phần ích kỷ. Nó bắt đầu với sự tự vấn, khám phá những suy nghĩ, cảm xúc bên trong rồi chuyển hoá thành biểu cảm nghệ thuật. Nếu đặt ra mục tiêu, nó sẽ là dấu chỉ của sự kết thúc. Tôi thà không có mục tiêu nào cả, chỉ tập trung vào hành trình.
Forbes Việt Nam: Chị thích thú nhất với chất liệu nào?
Tùy vào cảm xúc tôi muốn thể hiện lúc đó. Khi cảm xúc đến, tôi phải tự hỏi: “Cảm xúc này là gì? Nó đem lại điều gì?”. Xác định và tìm thấy những từ ngữ diễn tả chính xác là bước đầu tiên. Sau đó, mới chuyển chúng thành nghệ thuật. Trong triển lãm lần này, tôi chọn những chất liệu khiêm nhường như thạch cao và giấy để nâng tầm biểu hiện của chúng qua một ngôn ngữ mới. Trước đây tôi từng sử dụng chai nhựa cho những dự án khác. Tất cả đều phụ thuộc vào bản chất của cảm xúc mà tôi muốn truyền tải.
Forbes Việt Nam: Chị tìm cảm hứng cho sự sáng tạo từ đâu?
Yên Khê: Hằng ngày tôi đều cố gắng tái tạo góc nhìn, gìn giữ sự mới mẻ của trí tò mò trẻ thơ. Đối với một nghệ sĩ, có được tinh thần sẵn sàng để quay lại tuổi thơ của mình là rất quan trọng. Cảm giác kỳ thú đó giúp mình nhìn thế giới với vẻ bất ngờ như mọi thứ đều mới mẻ, choáng ngợp và đầy mê hoặc. Về mặt cảm xúc, tiếp cận ai hoặc điều gì mới đều mang lại một góc nhìn khác. Khám phá và học hỏi liên tục thực sự là một khả năng mạnh mẽ của người nghệ sĩ.
Forbes Việt Nam: Lời khuyên tốt nhất mà chị đã nhận được?
Yên Khê: Lời khuyên này đến từ cha mẹ tôi. Thành thật với bản thân là vô cùng quan trọng, hỏi đúng câu là mở khoá cho sự phát triển. Đây là điều rất thử thách, vì ta phải đối diện với suy nghĩ của chính mình. Nghệ sĩ luôn phải đối diện với chính mình, vì vậy lòng dũng cảm cũng quan trọng không kém, đặc biệt khi ta đối diện với áp lực từ người khác khi theo đuổi giấc mơ. Để đi con đường của mình, ta cần can đảm để đi theo linh cảm, chấp nhận hy sinh và giữ nguyên ý chí ban đầu. Nó không dễ, đặc biệt là đối với các nghệ sĩ trẻ, cũng như vận động viên, nghệ sĩ cần tinh thần và ý chí mạnh mẽ.
Forbes Việt Nam: Khi sáng tạo, điều gì làm chị hạnh phúc?
Yên Khê: Sáng tạo là một trong những điều tuyệt vời nhất trong đời, vì mình có thể tạo ra một điều gì đó hoàn toàn mới. Một khi có thứ gì đó được tạo ra, sự hiện hữu đó có thể thay đổi mình và những người tương tác với chúng. Điều đó với tôi là điều hạnh phúc nhất.
Forbes Việt Nam: Công nghệ có tác động gì tới cách chị sáng tác không?
Yên Khê: Công nghệ, đối với tôi, như một người lạ, tôi có thể nhìn thấy, nhưng không hiểu. Một cảm giác xa rời, tách biệt, không tương tác, không tiếng nói chung.
Forbes Việt Nam: Ai/điều gì có tác động sâu sắc tới chị nhất?
Yên Khê: Tiếp cận đầu tiên của tôi với nghệ thuật là qua Henri Matisse, đặc biệt là bức hoạ ‘Goldfish, 1912,’ của ông, tôi được xem từ tuổi lên 10. Năm 16 tuổi, tôi quyết định vẽ lại bức tranh này, học hỏi các đường cọ, phối màu, cử chỉ và hơn thế nữa. Trải nghiệm này đánh dấu tình yêu của tôi với hội hoạ, tình cảm mà cho đến giờ này vẫn còn mang dấu ấn Matisse trong cách ghép dán giấy của các tác phẩm ‘Giữa chắc chắn và nghi ngờ’ lần này. Bên cạnh đó, các hoạ sĩ Pháp thuộc trường phái Biểu hiện như Pierre Bonnard và Édouard Vuillard cũng như các bậc thầy Cézanne và Gauguin, đều có vai trò quan trọng. Một chiều ảnh hưởng then chốt khác đến từ trường phái Biểu hiện Trừu tượng thời New York những năm thập niên 50. Rothko, Klein, de Kooning và Barnett Newman đều để lại ấn tượng mạnh với tôi những năm 20 tuổi. Cả hai trường phái đều góp phần tạo nên tôi ngày hôm nay.
Forbes Việt Nam: Tôi tò mò muốn biết biết studio sáng tác ở Pháp của chị ?
Yên Khê: Trước COVID, tôi có một xưởng vẽ riêng, nhưng trong giai đoạn cách ly, tôi không thể đến đó được nữa. Vậy là tôi biến phòng bếp và phòng khách ở nhà thành studio. Phần lớn các điêu khắc trong chuỗi ‘White Blank’ đều được thực hiện ngay trong phòng bếp và chuỗi ‘Giữa chắc chắn và nghi ngờ’ được vẽ ngay trong phòng khách. Tôi dần yêu thích cách sắp đặt này và quyết định giữ nguyên nó đến nay. Tôi thích việc mình thức dậy và được vây quanh bởi các tác phẩm mà không phải di chuyển. COVID cho tôi cơ hội thử và trân trọng trải nghiệm này, giờ đây studio chính là ngôi nhà, sự hòa quyện giữa sinh hoạt và làm việc cho tôi cảm thấy đời sống đúng thực là mình.
Forbes Việt Nam: Chị làm gì nếu bị kẹt ý tưởng?
Yên Khê: Khi đầu óc không rõ ràng, tôi sẽ đi một vòng Paris, đi bộ hoặc bằng xe đạp. Khi đối diện với bế tắc, giống như tâm trí tôi đang nói: “Nghỉ ngơi đi, bước ra ngoài đi”. Nếu không, tôi sẽ tiếp tục làm việc đến bất tận. Đôi khi cơ thể chúng ta cần một quãng nghỉ, vì thế cũng nên vận động và làm thứ gì đó khác ngoài công việc.
————————————–
Trần Nữ Yên Khê theo học École Camondo, một trường tư danh giá về thiết kế và kiến trúc nội thất tại Paris. ‘Borderline’ (2018) của nghệ sĩ, một điêu khắc nổi bật với chất liệu sơn mài truyền thống Việt Nam, đã trở thành tác phẩm nghệ thuật đương đại đầu tiên thuộc khu vực Đông Nam Á được đưa vào bộ sưu tập Quốc gia Pháp, tại bảo tàng Guimet vào năm 2019.
Bên cạnh việc thực hành nghệ thuật thị giác, Yên Khê còn có sự nghiệp diễn xuất đáng chú ý xuyên suốt 30 năm qua với những vai diễn chính trong các bộ phim như ‘Mùi đu đủ xanh’ (1993), ‘Xích lô’ (1995), và ‘Mùa hè chiều thẳng đứng’ (2000). Gần đây, nghệ sĩ đảm nhận vai trò Chỉ đạo nghệ thuật và Thiết kế phục trang cho phim ‘The Taste of Things’ (2023) do chồng cô, Trần Anh Hùng đạo diễn – người đoạt giải thưởng Đạo diễn Xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Cannes lần thứ 76.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nang-luong-tu-hanh-trinh-nghe-thuat-cua-tran-nu-yen-khe)