multi-media / Megastory

Vĩnh Hoàn: Linh hoạt trong biến động

Chuỗi sản xuất ngành thủy sản đứng trước nguy cơ đứt gãy khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư bùng phát, bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch Vĩnh Hoàn có cách riêng giúp công ty duy trì hoạt động.

Một buổi chiều chủ nhật giữa tháng 10, bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, ngồi tại đại bản doanh đặt ở Đồng Tháp. Ánh nắng chiều nhạt hắt sau lưng, qua ống kính khuôn mặt ngược sáng của nữ doanh nhân 60 tuổi hằn những vết chân chim nhưng không tỏ chút áp lực hay sự mệt mỏi.

25 năm xây dựng Vĩnh Hoàn thành công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, bà Khanh vốn kiệm lời trước truyền thông, đặc biệt các thời điểm kinh doanh nhạy cảm của ngành thủy sản. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn nhất trong 30 năm qua do tác động của đại dịch COVID-19, nhà sáng lập Vĩnh Hoàn mang tâm lý khá thoải mái khi chia sẻ với Forbes Việt Nam về cách thức kiểm soát dịch bệnh và duy trì sản xuất liền mạch.

“Vĩnh Hoàn tự hào nằm trong chuỗi mắt xích cung ứng toàn cầu của ngành thực phẩm. Vì vậy, ngay cả vì lý do dịch bệnh mình không thể gián đoạn cung cấp hàng hóa cho nhà phân phối bởi ảnh hưởng đến uy tín,” nữ doanh nhân nằm trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 của Forbes Việt Nam nói. Xuất phát điểm là công ty tư nhân thành lập năm 1997, Vĩnh Hoàn đại chúng hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Công ty lần đầu tiên vươn lên vị trí số một xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào năm 2010 và liên tục duy trì vị thế quán quân cho đến nay.

Nhà xuất khẩu cá tra tên tuổi đang sở hữu bảy nhà máy chế biến tại vùng ĐBSCL với công suất một ngàn tấn cá mỗi ngày. Công ty sở hữu nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 130 ngàn tấn/năm. Chín tháng đầu năm, nhà xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch xuất khẩu gần 275 triệu đô la Mỹ, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Giữa tháng 10, giá cổ phiếu VHC vươn lên đỉnh cao nhất từ trước tới nay, quy mô vốn hóa công ty đạt 450 triệu đô la Mỹ. Hơn 40% doanh thu xuất khẩu của công ty đến từ Hoa Kỳ, thị trường tiêu dùng đang hồi phục mạnh mẽ với mức giá bán tăng 25% – 30% so với năm ngoái. Sản phẩm chủ lực của công ty là cá fillet đông lạnh, ngoài ra còn có các sản phẩm gia tăng có biên lợi nhuận cao tạo ra từ chuỗi giá trị ngành cá.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch công ty cổ phần Vĩnh Hoàn.

Trong một nền kinh tế vận hành bình thường, con số tăng trưởng của Vĩnh Hoàn chưa hẳn nổi bật. Nhưng kết quả trên đáng khích lệ nếu đặt trong bức tranh chung của nền kinh tế khi chín tháng đầu năm GDP Việt Nam tăng 1,42%, ngành thủy sản xuất khẩu 6,1 tỉ đô la Mỹ, giảm 0,71% về lượng, tăng nhẹ 2,4% về giá trị do giá bán tăng. Điều khiến bà Khanh tạm hài lòng hơn cả là việc công ty kiểm soát dịch bệnh và duy trì sản xuất liền mạch trong bối cảnh ngành cá tra điêu đứng vì đại dịch COVID-19.

Vào trung tuần tháng 10.2021, sáu ngàn công nhân đang làm việc “ba tại chỗ” tại các nhà máy của công ty. Công suất hoạt động của Vĩnh Hoàn khôi phục về mức 80%, gấp đôi mức 40% khi bắt đầu phương thức sản xuất “ba tại chỗ” vào đầu tháng bảy.

“Vĩnh Hoàn khác với người ta, mình làm ba tại chỗ ngay từ đầu, may mắn kiểm soát dịch bệnh nên liên tục mở rộng theo từng giai đoạn,” bà Khanh nói. Ở thời điểm nhiều doanh nghiệp thủy sản lác đác khôi phục sản xuất thì Vĩnh Hoàn đã cho một số tốp công nhân về nghỉ ngơi sau 3 – 4 tháng bám trụ nhà máy.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính sản lượng cá tra nuôi của Việt Nam chiếm 45-50% thế giới và hầu hết hướng ra thị trường xuất khẩu nên “Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu cá tra” với thị phần ở mức 80-90%. Được thiên nhiên ưu đãi và thủy văn thích hợp, ngành thủy sản phát triển đột phá sau khi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hoa Kỳ có hiệu lực năm 2002.

Kể từ khi cánh cửa vào thị trường gần 330 triệu dân mở ra, ngành thủy sản luôn nằm trong tốp 10 các ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong nhóm những ngành hàng chủ lực, xếp trên thủy sản có điện thoại – điện tử và linh kiện; máy móc chế tạo; ô tô và phụ tùng, lĩnh vực là sân chơi của các doanh nghiệp FDI, hiếm hoi có doanh nghiệp nội địa đủ năng lực chen chân vào trong chuỗi cung ứng và sản xuất. Hai lĩnh vực quan trọng khác, dệt may và da giày thu hút gần 3,5 triệu việc làm trực tiếp nhưng nền sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nói cách khác Việt Nam chỉ đóng vai trò công xưởng gia công của thế giới cạnh tranh dựa trên chi phí lao động.

Trong khi đó, thủy sản là mũi nhọn xuất khẩu hiếm hoi, gần như toàn bộ chuỗi giá trị và sản xuất nằm ở thị trường nội địa với những tên tuổi nổi bật trong ngành cá tra như Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Nam Việt, Agifish… Nhưng các doanh nghiệp lớn nhất tập trung ở vùng ĐBSCL, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19 lần thứ tư khiến ngành xuất khẩu thủy sản lao đao. Theo thống kê của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ảnh hưởng từ đợt dịch bệnh thứ tư khiến khoảng 15 nhà máy thức ăn thủy sản, 120 nhà máy chế biến thủy sản phát hiện ca F0 phải dừng hoạt động. Khoảng 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản phía Nam hoạt động, công suất trung bình giảm xuống còn 30 – 35%.

Giãn cách xã hội và hạn chế đi lại khiến việc thu hoạch gặp khó khăn, cá tra quá lứa thu mua khiến nông dân thua lỗ không muốn tái đầu tư. Tổng cục Thủy sản ước tính diện tích thả nuôi cá tra tính đến giữa tháng 9.2021 đạt hơn 3.500 héc ta, chỉ bằng 3/4 so với cùng kỳ năm 2020. Trong buổi hội thảo trực tuyến đầu tháng 10 về phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nói: “Trước khi chúng ta nói tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì chuỗi sản xuất nội địa đã đứt gãy do COVID-19. Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm những vấn đề chúng ta đã phải đối mặt trước đây.”

Khi COVID-19 diễn biến phức tạp, Vĩnh Hoàn được địa phương yêu cầu sản xuất theo phương châm “ba tại chỗ” đáp ứng quy định chống dịch. Công ty chuyển 20% diện tích khuôn viên nhà máy từ văn phòng làm việc, hội trường lớn tới nhà kho, nhà xe… thành nơi tá túc cho công nhân. Thay vì dùng lều vải, Vĩnh Hoàn sử dụng ván ép mỏng tạo thành các ô nhỏ, mỗi ô vài mét vuông tạo môi trường sinh hoạt vừa thông thoáng, vừa đảm bảo riêng tư. “Lúc ấy mình không có thời gian cân đong đo đếm về tài chính,” bà Khanh thú nhận.

Sau ba ngày thi công thần tốc, chỗ ở cho bốn ngàn công nhân được chuẩn bị xong. Số lượng công nhân đăng ký vào nhà máy làm việc vượt mong đợi. Sau đó, bà Khanh ngẫm ra câu trả lời: “Công ty mình đã xây dựng 25 năm, có văn hóa doanh nghiệp, có sự gắn kết nên anh em có niềm tin, có tình yêu thương.” Việc bố trí chỗ ở, sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi của công nhân được phân theo dây chuyền sản xuất, di chuyển theo lối riêng, tránh phát sinh ổ dịch lớn trong nhà máy nếu lẫn ca F0: “Do mình làm thực phẩm nên được đào tạo về vệ sinh an toàn thực phẩm, hiểu các quy trình an toàn, các phương án nguy cơ nhiễm chéo đã chuẩn bị từ trước.”

Dù tự nguyện, được tăng thu nhập thêm 50 ngàn đồng/ngày, nhưng cuộc sống của hàng ngàn con người trong khuôn viên nhà máy có thể tạo tâm lý chán nản. “Phải làm sao để cuộc sống của các bạn ở ngoài đời như thế nào thì ở trong nhà máy gần gũi như vậy,” bà Khanh tự nhủ. Vì vậy, Vĩnh Hoàn cố gắng đáp ứng các thói quen của người lao động. Bữa trưa công nhân ăn theo kiểu buffet công nghiệp nên bữa chiều được chế biến cầu kỳ hơn, nhiều màu sắc, hương vị đậm đà gần giống với bữa cơm ở nhà. Thấy công nhân sau giờ làm có thói quen cà phê, ăn vặt nên các quầy tạp hóa không lợi nhuận mọc lên trong khuôn viên nhà máy đáp ứng nhu cầu này.

“Vĩnh Hoàn không chỉ đáp ứng vật chất mà đáp ứng cả nhu cầu tinh thần cho công nhân,” bà Khanh kể. Công ty tăng cường phủ sóng wifi để sau giờ làm công nhân có thể lướt web đọc tin tức, gọi điện thoại cho người thân ở nhà. Đáp ứng nhu cầu thể thao và giải trí, công ty lập khu vực để công nhân chơi thể thao, hát karaoke mà vẫn tuân thủ giãn cách. Nhằm tạo thêm gia vị, phấn chấn, cuối tuần, Vĩnh Hoàn tổ chức trò chơi đuổi hình bắt chữ với giải thưởng là các sản phẩm cây nhà lá vườn như gói phồng tôm, bún, hủ tiếu khô.

Trong dịp lễ Vu lan, mỗi công nhân nhận được một túi quà để sau dịch mang về gia đình. Tết Trung thu, Vĩnh Hoàn tự sản xuất bánh trung thu phát cho người lao động để họ có cảm giác phá cỗ, đón trăng như ở nhà. “Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp việc đặt hàng sản phẩm bên ngoài không dễ và cũng không đảm bảo an toàn nên mình phải tự sản xuất,” nữ doanh nhân nổi tiếng với phong cách kinh doanh thận trọng nói.

Ghi nhận mô hình làm việc “ba tại chỗ”, tổ chức Lao động Thế giới (ILO) tại Việt Nam khuyến nghị việc sản xuất khép kín tại chỗ có thể gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người lao động, gây ra sự mất tập trung trong quá trình làm việc. Thực tế ở nhiều nơi sau thời gian dài làm việc, năng suất lao động giảm dần do vấn đề tâm lý. Tại Vĩnh Hoàn, bà Khanh cho biết năng suất thời gian qua tăng 10%. Duy trì trạng thái sản xuất an toàn, từng bước, Vĩnh Hoàn được phép phục hồi sản xuất lên 50%, 60% và 80% công suất khi đón các tốp công nhân mới vào nhà máy.

Báo cáo phân tích của MB Securities nhận xét Vĩnh Hoàn đang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình duy nhất trong số các công ty thủy sản Việt Nam. Công ty đang mở rộng nhà máy thức ăn chăn nuôi, khu liên hợp nông nghiệp – thủy sản công nghệ cao cũng như đẩy mạnh phát triển mảng công nghệ thực phẩm và thực phẩm chức năng. “Con đường phát triển này giúp Vĩnh Hoàn gia tăng sản lượng cá tự nuôi, giảm các chi phí đầu vào, hạn chế ảnh hưởng từ biến động giá nguyên liệu, thuận tiện cho hoạt động truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu,” báo cáo nhận xét. Xây dựng mô hình phát triển bền vững, công ty hiện sở hữu vùng nguyên liệu rộng 610 héc ta trải rộng trên nhiều tỉnh từ Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang tự chủ 60–70% nguyên liệu đầu vào.

Khi dịch bệnh bùng phát, lưu thông giữa các địa phương gặp trở ngại. Hoạt động thu hoạch, vận chuyển nguyên liệu đầu vào trở thành nút thắt cổ chai. Không có nguyên liệu làm sao sản xuất? Vĩnh Hoàn họp trực tuyến với các sở nông nghiệp địa phương đề xuất công nhận thẻ xanh liên tỉnh, kế thừa kết quả xét nghiệm lẫn nhau để công nhân có thể di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh kia thu hoạch vận chuyển nguyên liệu tại các vùng xanh tới nhà máy chế biến.

Mỗi địa phương có cách giãn cách xã hội khác nhau, có lúc công ty phải cử đội ngũ đi đến từng địa phương tháo gỡ nút thắt ở từng huyện, từng xã lập luồng xanh cho công đoàn bốc xếp di chuyển đưa nguyên liệu về nhà máy. Tương tự, công nhân trong nhà máy, đội vận chuyển, thu hoạch nguyên liệu cũng được đặt ra các nguyên tắc an toàn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh lên hàng đầu.

Sau 20 tháng bùng phát, đại dịch COVID-19 càn quét qua nhiều quốc gia tạo ra nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội. Những biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng của các quốc gia đẩy hoạt động giao thương thế giới vào trạng thái rối loạn kéo theo giá cước vận tải biển tăng phi mã. Vào quý 4.2020, cuộc khủng hoảng container rỗng bắt đầu tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và sau đó trở nên trầm trọng hơn trong năm 2021. Theo báo cáo của hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), các hãng tàu biển nước ngoài tăng cước vận chuyển lên 2 – 3 lần, thậm chí 6 – 7 lần ở một số tuyến vận tải.

Tháng 7.2021, cảng Cát Lái, đầu mối trung tâm xuất khẩu phía Nam kêu cứu do lượng hàng tại cảng chạm mốc 100% công suất thiết kế khi các địa phương kiểm soát lưu thông hàng hóa liên tỉnh chặt chẽ khiến lượng container chậm giải phóng, gây ùn ứ theo cả hai chiều nhập và xuất. Trong điều kiện bình thường, Vĩnh Hoàn xuất khẩu 500 container mỗi tháng theo tuyến đường 150km từ nhà máy chế biến từ Đồng Tháp qua bốn tỉnh đến cảng ở TP.HCM. Công ty có luồng xanh ưu tiên của hải quan nhưng gặp vô số khó khăn khi chuỗi logistics rơi vào rối loạn.

Để không đứt mạch xuất hàng, các đơn vị thực hiện dịch vụ vận tải cho Vĩnh Hoàn được công ty hướng dẫn liên hệ với các hiệp hội nhằm được ưu tiên chích vaccine. Song song, công ty vận động các tài xế xét nghiệm COVID thường xuyên để đủ điều kiện vận chuyển lưu thông hàng hóa. Để kịp thời thực hiện các đơn hàng, Vĩnh Hoàn theo sát quản lý thành phẩm, xuất hàng ngay khi tìm được nguồn container rỗng. “Khó khăn lớn nhất không phải với lực lượng xe tải mà ở việc gãy đổ chuỗi cung ứng, các hãng tàu biển không đủ container, mình bị rớt công hoài, cước phí tăng lên rất cao,” bà Khanh kể.

Kể từ khi chi phí vận chuyển toàn cầu bắt đầu tăng phi mã từ tháng 10.2020, các nhà phân phối nước ngoài ưa thích phương thức đặt hàng theo hình thức CIF (bên xuất khẩu chịu gần như toàn bộ chi phí vận chuyển). Có mối quan hệ lâu dài với các nhà nhập khẩu, khi giá cước vận tải tăng quá cao, Vĩnh Hoàn làm việc lại với đối tác để chia sẻ tối đa trong sự hợp tác với hai bên. Nhà xuất khẩu nỗ lực đàm phán nhiều đơn đặt hàng FOB (bên mua chịu phí vận chuyển) hơn cho hợp đồng sau này nhưng nếu giá cước vẫn cao thì hai bên sẽ cùng chia sẻ chi phí vận chuyển.

Hai thị trường chính của Vĩnh Hoàn là Hoa Kỳ và EU, nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh sau khi phủ vaccine đẩy công ty vào tình huống sản xuất không kịp trả đơn hàng. “Khó khăn do dịch bệnh khách hàng cũng hiểu vì nước họ cũng trải qua dịch bệnh. Quan trọng nhất mình phải lên kế hoạch thông báo tiến độ giao hàng báo trước với đối tác để họ lên kế hoạch kinh doanh phù hợp,” bà Khanh nói.

Vĩnh Hoàn đã phục hồi tương đối nhưng VASEP ước tính thời gian trung bình để doanh nghiệp thủy sản khôi phục 50% công suất cần từ 3 – 6 tháng, khôi phục 70% công suất cần từ 9 – 12 tháng, thậm chí khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 18 – 24 tháng do sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào. Vĩnh Hoàn vẫn giữ định hướng tập trung vào mặt hàng chủ lực của công ty là cá fillet đông lạnh với thị trường chính như Hoa Kỳ và EU, nơi giá bán cao gấp đôi so với thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Vĩnh Hoàn là công ty duy nhất trong ngành thủy sản sản xuất thành công thương mại collagen và gelatin, nguyên liệu dùng trong ngành thực phẩm chức năng và mỹ phẩm có biên lợi nhuận gộp tới 40-50%, nâng hiệu quả hoạt động.

Bà Khanh nói muốn tạo diện mạo mới cho Vĩnh Hoàn thành công ty thực phẩm. Định hướng công ty muốn nâng sản phẩm chế biến lên tỉ trọng 30%. Công ty đã đi những bước đi đầu tiên. Cuối năm 2020, công ty Vĩnh Hoàn công bố thương hiệu BASAmaster chuyên về các sản phẩm cá chế biến phục vụ thị trường trong nước, hiện sản phẩm có mặt trong chuỗi siêu thị MM Mega Market và Lotte Mart. Đầu năm nay, Vĩnh Hoàn tăng tỉ lệ sở hữu lên 77% tại Sa Giang, công ty xuất khẩu phồng tôm, bún, hủ tiếu khô.

Bước đi mới nhất, công ty vừa đầu tư cổ phần vào một công ty nghiên cứu sản xuất protein nhân tạo, tạo ra sản phẩm chay đón đầu xu hướng tiêu dùng tương lai. Vĩnh Hoàn cũng góp vốn vào công ty TNG Foods, công ty sản xuất nước trái cây chế biến. Vĩnh Hoàn cũng có định hướng mở rộng sang ngành trồng trọt, và bà Khanh muốn nghiên cứu khả năng tận dụng nguồn nước thải trong quá trình chế biến cá để tận dụng phát triển ngành này. “Vĩnh Hoàn muốn phát triển mô hình nền kinh tế tuần hoàn,” bà Khanh cho biết.

Tới thời điểm tháng 10.2021, 50% công nhân tại Vĩnh Hoàn đã tiêm hai mũi vaccine và 50% còn lại đã được tiêm mũi một, dự kiến phủ vaccine hoàn toàn trong tháng 11.2021. Vĩnh Hoàn đang tính toán tăng công suất hoạt động theo tình hình dịch bệnh các tỉnh miền Tây sau làn sóng di chuyển tự phát của người lao động từ TP.HCM về các địa phương.

Bà Khanh tin tưởng sẽ vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh thời điểm đầu năm nay, thời điểm vạch kế hoạch kinh doanh ban lãnh đạo không bao giờ tưởng tượng đại dịch COVID-19 gây tổn thương đến ngành thủy sản và kinh tế Việt Nam lớn như hiện nay. “Tương lai năm tới sẽ tốt hơn. Vĩnh Hoàn muốn trở thành công ty thực phẩm phát triển ngành nông nghiệp địa phương, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn,” bà Khanh nói.

—————————————————

Đọc thêm:
CIO có vai trò quyết định ra sao trước các mô hình làm việc hậu đại dịch?
Ưu tiên hàng đầu của các CIO năm 2022: Nền tảng công nghệ
Mục tiêu của TCBS: Trở thành kỳ lân 5 tỉ USD
HSBC Việt Nam: Từ toàn cầu đến địa phương


Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/linh-hoat-trong-bien-dong)