Các hãng dược phẩm lớn ngày càng chi nhiều tiền cho quảng cáo thuốc có hiệu quả điều trị thấp hơn đến bệnh nhân, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA ngày 7.2.
Nghiên cứu này giúp giải thích cách tiếp thị gần như độc nhất ở Hoa Kỳ trong bối cảnh tranh luận gay gắt về việc có nên cấm quảng cáo thuốc kê đơn trực tiếp cho người tiêu dùng hay không.
Tỉ lệ chi cho quảng cáo trực tiếp thuốc có hiệu quả điều trị bệnh thấp hơn đến người tiêu dùng cao hơn 14,3 điểm phần trăm so với tỉ lệ mức chi cho loại thuốc có hiệu quả điều trị cao, theo kết quả phân tích chéo 150 thuốc kê đơn của những thương hiệu bán chạy nhất vào năm 2020.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng gần 2/3 thuốc kê đơn bán chạy nhất ở Hoa Kỳ—92 trong 135 loại thuốc có sẵn dữ liệu—được cơ quan y tế ở Pháp và Canada đánh giá có hiệu quả điều trị thấp. Sở dĩ dựa vào đánh giá của cơ quan nước ngoài vì không có cơ quan nào ở Hoa Kỳ so sánh hiệu quả của các loại thuốc kê đơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm mức chi quảng cáo cho thuốc kê đơn rất khác nhau, cụ thể mức chi trung bình 20,9 triệu USD cho mỗi loại thuốc và 13,5% cho quảng cáo trực tiếp đến người tiêu dùng.
Nhà sản xuất của sáu loại thuốc bán chạy nhất đã chi phần lớn ngân sách quảng cáo—hơn 90%— để quảng cáo trực tiếp đến người tiêu dùng thay vì bác sĩ lâm sàng để lựa chọn thuốc điều trị cho những bệnh bao gồm HIV, đa xơ cứng và nhiều bệnh ung thư.
Trong khi đó, mức chi quảng cáo cho các loại thuốc điều trị những vấn đề về trao đổi chất cũng như tiêu hóa trực tiếp đến người tiêu dùng thấp hơn so với ngân sách quảng cáo tổng thể, nhà nghiên cứu cho biết.
Tác giả chính của nghiên cứu Michael DiStefano, nhà nghiên cứu của Johns Hopkins, cho biết những phát hiện này có thể cho thấy rằng công ty dược phẩm đang nhắm đến chi quảng cáo trực tiếp đến người tiêu dùng, thay vì bác sĩ lâm sàng, trong “chiến lược thúc đẩy nhu cầu sử dụng thuốc của bệnh nhân làm cho bác sĩ lâm sàng ít kê đơn hơn.”
Chỉ có hai quốc gia trên thế giới cho phép nhà sản xuất tiếp thị thuốc kê đơn trực tiếp cho người tiêu dùng: Hoa Kỳ và New Zealand. Hầu hết quốc gia cấm hoạt động này.
Hầu hết quốc gia cấm quảng cáo trực tiếp thuốc kê đơn đến người dân mà theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hoạt động quảng cáo như thế ảnh hưởng đến cả người dân và gián tiếp đến bác sĩ điều trị, khiến cho “việc đưa ra quyết định sử dụng thuốc dựa trên bằng chứng trở nên khó khăn hơn.”
Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ phản đối cách quảng cáo này và, cùng với các tổ chức y tế khác, đang tăng cường cấm hoạt động này. Các hãng dược tuyên bố rằng bệnh nhân được hưởng lợi từ quảng cáo đồng thời có quyền biết những loại thuốc nào có sẵn để điều trị bệnh của họ.
Những nhà phê bình cho rằng khả năng bỏ qua bác sĩ kê đơn và tiếp thị trực tiếp đến người dân khuyến khích công ty thổi phồng hiệu quả của thuốc mà không nêu chi tiết tác dụng phụ có thể xảy ra. Cơ quan quản lý hi vọng hãng dược dành thời gian trong quảng cáo nói về những rủi ro có thể nhanh chóng dẫn đến tác dụng phụ.
Các nhà nghiên cứu ước tính hãng dược chi 6 tỉ USD cho quảng cáo trực tiếp tới người tiêu dùng trong năm 2016. Con số này tăng đáng kể từ năm 1996, khi ngân sách quảng cáo trực tiếp đến người tiêu dùng đạt tổng cộng 1,3 tỉ USD.
“Một vấn đề khác cần cân nhắc là Hoa Kỳ hiện không đánh giá thuốc kê đơn,” tác giả nghiên cứu Gerard Anderson, giáo sư về chính sách y tế tại Johns Hopkins, cho biết. “Hãy tưởng tượng nếu quảng cáo thuốc bạn xem trên TV được yêu cầu cho bạn biết loại thuốc đó hiệu quả tốt thế nào so với loại thuốc khác điều trị cùng một bệnh. Điều đó có thể thay đổi mức độ quan tâm của bạn đối với loại thuốc đó.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Amazon cung cấp dịch vụ mới cho ngành dược phẩm
HỒ SƠ: MARK CUBAN MUỐN THAY ĐỔI NGÀNH DƯỢC THẾ GIỚI
Nhờ đại dịch, tài sản anh em tỉ phú hãng dược Ấn Độ tăng thêm 44%