Startup giao đồ ăn Trung Quốc Missfresh đang rơi vào thế khó trong việc duy trì hoạt động kinh doanh sau khi cắt giảm nhân sự và ghi nhận cuộc biểu tình từ các nhà cung cấp sản phẩm cho công ty.
Missfresh, startup giao đồ ăn Trung Quốc từng có mức định giá gần 3 tỉ USD, đang gặp khó khăn trong việc giữ vững công ty khi có nhiều thông tin về cắt giảm nhân sự và nhiều cuộc biểu tình xuất hiện.
Việc Missfresh rơi vào tình thế khó khăn chỉ hơn một năm sau khi thực hiện đợt phát hành cổ phiếu công khai lần đầu (IPO) trên sàn Nasdaq, khi công ty có trụ sở tại Bắc Kinh thu về 273 triệu USD và được định giá 2,8 tỉ USD. Tuy vậy, cổ phiếu của Missfresh đã mất 98% giá trị kể từ khi niêm yết, giảm thêm 43% xuống còn 0,14 USD/cổ phiếu hôm 31.7, sau khi công ty thông báo tạm thời dừng hoạt động mảng kinh doanh chính.
Đơn vị trực thuộc Missfresh về dịch vụ kho bãi phân phối sản phẩm theo nhu cầu (DMW), đặt các kho hàng có quy mô nhỏ hơn gần với những khu dân cư, giúp cho đơn hàng giao đồ ăn và vật phẩm thiết yếu có thể được vận chuyển trong khoảng thời gian ngắn hơn. Trong giai đoạn chín tháng kết thúc vào tháng 9.2021, mảng kinh doanh DMW chiếm 85% tổng doanh thu thuần, công ty cho biết.
Missfresh, có những nhà đầu tư bao gồm Tencent và Tiger Global Management, cho biết công ty sẽ nỗ lực hết sức để duy trì hoạt động của các bộ phận kinh doanh khác, gồm dịch vụ bán lẻ trên nền tảng đám mây và giao hàng qua ngày.
Tuy vậy, đó là điều rất khó thực hiện khi các nhà cung cấp sản phẩm đã mở cuộc biểu tình trước trụ sở của Missfresh với yêu cầu chi trả khoản tiền chậm thanh toán, theo nguồn tin tổng hợp. Trên Maimai, nền tảng mạng xã hội chuyên nghiệp của Trung Quốc tương tự như LinkedIn, hàng chục bài đăng của nhóm người dùng cho biết công ty đã sa thải phần lớn nhân sự và ngừng trả lương.
Missfresh chưa phản hồi có những yêu cầu tương tự về đưa ra bình luận.
Zhang Yi, trưởng phân tích của công ty tư vấn iiMedia Group có trụ sở tại Quảng Châu, cho biết Missfresh có thể phải đối diện với nguy cơ lớn về giải thể. “Một startup giao đồ ăn phải liên tục nhập sản phẩm từ các nhà cung cấp. Nhưng khi cuộc khủng hoảng niềm tin trở nên trầm trọng hơn, những nhà cung cấp thượng nguồn sẽ ngày càng lo lắng và không muốn bán sản phẩm cho công ty,” Zhang cho biết.
Với Missfresh, điều này dẫn đến việc không còn sản phẩm để bán vào thời điểm công ty cần nhất để thu về nhiều lợi nhuận hơn. Theo kết quả kinh doanh quý 3.2021, Missfresh cần phải thanh toán khoản vay hiện nay 500 triệu USD đáo hạn trong 12 tháng tới với vốn bằng tiền 337 triệu USD.
Được cựu giám đốc điều hành (CEO) của Lenovo Xu Zheng thành lập vào năm 2014, Missfresh đã hưởng lợi từ đại dịch COVID-19 khi nhiều người tiêu dùng phải ở nhà và đặt hàng trực tuyến.
Tuy vậy, khi chi phí và khoản lỗ bất ngờ tăng cao, công ty đã không thể công bố đúng hạn báo cáo thu nhập cho năm 2021 sau khi phát hiện “những giao dịch đáng ngờ.” Trong tháng 4.2022, Missfresh ước tính khoản lỗ thuần trong năm 2021 tăng gấp đôi lên đến 558 triệu USD.
Đánh giá nội bộ cho những thương vụ giao dịch đã hoàn tất trong tháng 7 của Missfresh phát hiện, công ty có liên quan đến các mối quan hệ chưa được hé lộ trước đó giữa nhà cung cấp và khách hàng, các khách hàng khác nhau có cùng thông tin liên hệ, cũng như thiếu thông tin hỗ trợ về logistics.
Công ty cho biết những nhân sự có liên quan đến hành vi sai trái này đã thôi việc, nhưng không thể ngăn tin tức trên kéo giá cổ phiếu xuống.
Vào tháng 7.2022, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã cảnh báo rằng Missfresh không còn đạt tiêu chuẩn để niêm yết trên sàn Nasdaq do cổ phiếu giao dịch dưới ngưỡng 1 USD trong 30 ngày kinh doanh liên tiếp và có hạn chót đến hết tháng 11.2022 để đáp ứng quy định. Công ty cũng đang đối mặt với một số vụ kiện tập thể cho việc báo cáo tài chính sai trong cáo bạch.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ky-lan-giao-do-an-trung-quoc-missfresh-roi-vao-khung-hoang)
1 năm trước
Taikang Insurance mở rộng đầu tư tại Hoa Kỳ12 tháng trước
Tỉ phú Lôi Quân tham vọng đưa Xiaomi vượt Tesla