Intel đang thực hiện nhiều chương trình và phát triển giải pháp công nghệ để đạt được cam kết về mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 đến năm 2040.
Intel vừa công bố kế hoạch giảm thiểu nhiều hơn lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp, đồng thời phát triển thêm giải pháp công nghệ bền vững.
Công ty cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 trong các hoạt động toàn cầu đến năm 2040, nhằm tăng hiệu suất tiêu thụ năng lượng và giảm lượng khí thải carbon do các sản phẩm cũng như nền tảng tạo ra với các mục tiêu cụ thể.
Đồng thời, công ty hợp tác với khách hàng lẫn đối tác trong ngành để tạo ra giải pháp làm giảm lượng phát thải khí nhà kính của toàn bộ hệ sinh thái công nghệ.
Cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 được Intel đưa ra sau khi những doanh nghiệp khổng lồ công nghệ khác cam kết giảm lượng khí thải carbon.
Microsoft cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính dưới 0 bằng cách loại bỏ khỏi môi trường lượng carbon thải ra trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc sử dụng điện năng vào năm 2050.
Apple cũng cam kết đạt mức độ trung hòa carbon vào năm 2030.
Còn Google tuyên bố loại bỏ tất cả lượng khí thải từ hoạt động vào năm 2020.
Thách thức của Intel là phần lớn lượng khí thải xuất phát từ vật liệu được sử dụng để sản xuất bộ chip. Đây là hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.
Nhìn chung, ngành công nghiệp sản xuất có trách nhiệm rất lớn trong phát thải khí nhà kính. Theo cục Bảo vệ môi trường, ở Mỹ, lượng khí thải carbon trực tiếp từ sản xuất chiếm gần một phần tư (23%).
Sản xuất dư thừa, chất thải và sử dụng quá mức nhiên liệu hóa thạch từ trước đến này làm tăng lượng phát thải trong ngành.
Trong vài năm qua, các nhà sản xuất thực hiện nền kinh tế tuần hoàn để đảo ngược mức độ tác động phát thải.
Nền kinh tế tuần hoàn là cách để tối ưu hóa chuỗi giá trị, tìm ra hiệu quả trong quy trình sản xuất và áp dụng phương pháp “tái sử dụng, giảm thiểu, tái chế”.
Tất nhiên, để phát triển hiệu quả nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất phải nghĩ đến ý tưởng đó vào thiết kế và phát triển sản phẩm ngay từ đầu.
Intel cho biết toàn bộ công ty thải ra tương đương gần 3 triệu tấn CO2 vào năm 2020.
Khoảng một phần ba trong số đó là do sử dụng điện; phần còn lại được thải ra từ quy trình sản xuất của công ty, kỹ thuật làm lạnh và di chuyển bằng đường hàng không.
Intel tại Mỹ sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động khoảng 10 năm qua, một tiêu chuẩn mà công ty dự định nhân rộng ở các quốc gia khác đến năm 2030.
Ngoài ra, Intel cho biết sẽ nỗ lực để các nhà cung cấp tuân theo những tiêu chuẩn môi trường cao hơn và thiết kế máy tính hiệu suất hơn.
CEO Pat Gelsinger và Keyvan Esfarjani, phó chủ tịch kiêm giám đốc vận hành toàn cầu, không né tránh thách thức và dự định dựa vào khoa học hiện thực và các mục tiêu thực tế.
Họ cũng nói rõ họ hiểu cách chống biến đổi khí hậu là vấn đề kinh doanh cần giải quyết như thế nào, không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Để làm được điều đó, Intel phát triển kế hoạch đa chiều nhằm đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 trong các hoạt động vào năm 2040.
Mức phát thải đó nằm trong phạm vi 1 và 2.
Mức phát thải trong phạm vi 1 là tất cả lượng phát thải nhà kính phát sinh trực tiếp từ các nguồn do công ty sở hữu và kiểm soát. Nguồn khí thải này phát trực tiếp vào khí quyển từ các hoạt động của công ty.
Mức phát thải trong phạm vi 2 là phát thải gián tiếp do năng lượng mua từ một nhà cung cấp dịch vụ tiện ích. Loại phát thải này do tiêu thụ điện, hơi nước, nhiệt và làm mát.
Intel đặt ra các mốc tạm thời sau đến năm 2030:
. Đạt được mục tiêu 100% sử dụng điện tái tạo trong các hoạt động toàn cầu.
. Đầu tư khoảng 300 triệu USD vào hoạt động giảm năng lượng tại các cơ sở của công ty để đạt được 4 tỉ kilowatt giờ năng lượng tích lũy.
. Xây dựng nhà máy và cơ sở mới để đáp ứng các tiêu chuẩn trong chương trình LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh) của hội đồng Công trình xanh ở Mỹ.
. Khởi động sáng kiến nghiên cứu và phát triển đa ngành để xác định các hóa chất xanh hơn có tiềm năng làm mức nóng lên toàn cầu thấp hơn và phát triển thiết bị khử trùng mới.
Intel cũng cho biết dưới sự hợp tác với các nhà sản xuất bộ chip khác, công ty hy vọng sẽ thay đổi hóa chất hiện đang sử dụng để sản xuất chất bán dẫn bằng các chất thay thế thải lượng khí carbon thấp hơn đồng thời vẫn cung cấp các công nghệ tiên tiến.
Công ty cho biết cũng sẽ phát triển thiết bị mới để giảm thiểu tác động của những hóa chất đó.
Đổi mới sáng tạo cũng là hoạt động thực hiện trọng tâm trong các lĩnh vực khác như làm mát.
Ví dụ Intel đang áp dụng các nguyên tắc mới như thu hồi nhiệt và tái sử dụng thông qua quá trình làm mát ngâm chất lỏng khi hợp tác với công ty như Submer để thí điểm công nghệ này cho các trung tâm dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ truyền thông và đám mây.
Còn có lĩnh vực tác động thứ ba liên quan đến mức phát thải trong phạm vi 3.
Đó là lĩnh vực mà các công ty không bắt buộc phải định lượng.
Trong hầu hết các trường hợp, mức phát thải trong phạm vi 3 chiếm tỉ lệ đáng kể nhất trong lượng khí carbon do tổ chức thải ra.
Đây cũng là lĩnh vực công ty có quyền kiểm soát ít nhất cũng như khó định lượng nhất.
Mức phát thải trong phạm vi 3 bao gồm tất cả các phát thải gián tiếp không thuộc phạm vi 2 xảy ra trong chuỗi giá trị hoạt động của công ty.
Cụ thể, khí thải được phát ra từ các hoạt động như di chuyển, chất thải và vận chuyển cũng như các hoạt động đầu tư.
Xem thêm:
Xem thêm: Intel sẽ đầu tư 20 tỉ USD cho nhà máy sản xuất chip ở Ohio
Intel Products Việt Nam: Bảo chứng đầu tư
Trong trường hợp của Intel, mức phát thải trong phạm vi 3 bao gồm các bước sản xuất và hậu cần được thực hiện chủ yếu bởi bên thứ ba góp phần tạo ra sản phẩm cuối cùng do Intel phân phối. Trong lĩnh vực này, Intel cho biết sẽ tích cực hợp tác với nhà cung cấp để xác định các lĩnh vực cần cải thiện, bao gồm:
· Nhà cung cấp ngày càng tập trung vào hoạt động giảm năng lượng và tìm nguồn cung ứng năng lượng tái tạo.
· Tăng cường sử dụng hiệu quả hóa chất và tài nguyên.
· Liên kết đa ngành để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang chuỗi giá trị sản xuất chất bán dẫn không tạo ra khí thải nhà kính.
Bên cạnh nhà cung cấp, Intel có thể hỗ trợ đối tác và khách hàng để đạt mục tiêu bền vững bằng cách cung cấp các sản phẩm bền vững hơn.
Theo hướng đó, Intel sẽ tăng hiệu suất sử dụng năng lượng cho các sản phẩm và tiếp tục tăng cường cải tiến hiệu suất theo nhu cầu thị trường.
Chẳng hạn Intel đang đặt ra một mục tiêu mới tăng hiệu suất sử dụng năng lượng lên 5 lần cho từng watt, áp dụng cho thế hệ CPU-GPU tiếp theo, có tên mã là Falcon Shores.
Ngoài ra, công ty vẫn cam kết đạt mục tiêu năm 2030 là tăng hiệu suất này lên 10 lần cho bộ vi xử lý máy tính dành cho khách hàng cũng như máy chủ.
Tất cả công ty công nghệ phải tiếp tục chịu trách nhiệm về mức độ phát thải khí nhà kính, nhưng quan trọng hơn, vì tác động tích cực mà họ có thể tạo ra nếu sử dụng đổi mới công nghệ để giảm thiểu mức ảnh hưởng và cuối cùng dẫn đến những thay đổi tích cực.
Dữ liệu về tính bền vững của Intel nói lên cam kết lâu dài để làm tốt hơn: lượng phát thải khí nhà kính tích lũy trong thập niên qua thấp hơn gần 75% so với mức nếu không được đầu tư.
Biên dịch: Gia Nhi
1 tháng trước
Bài toán khó của Quy hoạch Điện VIII