Khoản tín dụng xanh được HSBC cung cấp cho PCC1 để thực hiện 3 dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay.
Ngân hàng HSBC Việt Nam hôm 7.10 xác nhận cung cấp khoản tín dụng ngắn hạn cho công ty cổ phần Xây lắp Điện 1 (PCC1), một công ty tổng thầu xây dựng điện để thực hiện ba dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị.
Khoản tài trợ không được công bố, tuy nhiên HSBC cho biết trong thông cáo, đây là khoản tài chính đầu tiên ngân hàng này cấp cho một doanh nghiệp điện gió trong nước và là khoản thứ ba cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Năm ngoái, HSBC có hai giao dịch với REE để đơn vị này triển khai dự án điện mặt trời mái nhà.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, đại diện PCC1 cho biết, khoản vay với hạn mức thương mại ngắn hạn này sẽ hỗ trợ nhu cầu vốn lưu động thực hiện các hoạt động trong hợp đồng tổng thầu EPC cho ba dự án điện gió Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên tại tỉnh Quảng Trị. Ba dự án này có tổng công suất 144MW, dự kiến đi vào vận hành trong năm nay và có thể đóng góp thêm 30% công suất điện gió của Việt Nam.
Theo thỏa thuận hợp tác, PCC1 phối hợp với HSBC Việt Nam trong quá trình quản lý và phê duyệt tín dụng theo quy trình được kiểm soát bởi Ủy ban cho vay bền vững của HSBC tại châu Á – Thái Bình Dương.
Khoản tín dụng này trước đó cũng đã phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sử dụng khoản vay, tuyển chọn – đánh giá dự án, quản lý khoản vay và báo cáo theo bộ nguyên tắc tín dụng xanh quốc tế do Hiệp hội Thị trường cho vay (Loan Market Association) và Hiệp hội Thị trường cho vay châu Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association) ban hành.
Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN. Khối Nghiên cứu toàn cầu HSBC cho rằng Việt Nam có tiềm năng hàng đầu để đóng góp năng lượng tái tạo trong khu vực, với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này.
Liên quan đến thị trường điện gió, các nhà đầu tư các dự án đang chạy đua nhằm kịp vận hành thương mại trước ngày 31.10.2021 để được hưởng giá FiT theo quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian qua, do giãn cách xã hội ở hàng loạt tỉnh thành để chống dịch Covid-19, tiến độ của nhiều dự án bị chậm lại. Nhiều tổ chức, địa phương và doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ gia hạn giá FiT thêm ít nhất 6 tháng.
Đến thời điểm này, Chính phủ chưa có quyết định cuối cùng. Trong khi đó, bộ Công Thương, cơ quan tham mưu chính về quản lý năng lượng cho biết không đề xuất gia hạn giá FiT sau 1.11. Khi quyết định này hết hiệu lực, các nhà đầu tư sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, vốn đang được nghiên cứu.