Từ nhà máy sản xuất công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ ô tô đến cứ địa công nghệ phần mềm toàn cầu, Bosch là số ít nhà đầu tư nước ngoài đang vận hành mô hình toàn trình (end to end) tại Việt Nam.
Ngày 19.4.2023, nhà máy sản xuất dây đai truyền lực ô tô (CVT) của tập đoàn công nghệ đa quốc gia Robert Bosch tại Long Thành, Đồng Nai kỷ niệm 15 năm vận hành và đạt cột mốc xuất xưởng dây đai thứ 50 triệu. Đây là nhà máy công nghệ cao sản xuất CVT lớn nhất của hãng công nghệ Đức trên thế giới, vận hành 22 dây chuyền với công suất 5 triệu dây đai hằng năm. Bosch đã đầu tư 450 triệu euro vào Việt Nam cho đến nay, là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam.
Cách Long Thành 50km, tại TP.HCM, tổng hành dinh công nghệ phần mềm Bosch Global Software Technologies Việt Nam (BGSV) chiếm trọn hai tòa eTown với khoảng 3.500 kỹ sư đang làm việc. Năm ngoái, trung tâm thứ hai được mở tại Hà Nội, hiện có hơn 500 kỹ sư, cùng tham gia vào guồng máy công nghệ phần mềm của Bosch với hơn 38 ngàn kỹ sư tại 128 cơ sở khắp toàn cầu. Sau 12 năm vận hành, BGSV đã trở thành trung tâm công nghệ phần mềm có quy mô lớn thứ hai của Bosch trên thế giới, sau Ấn Độ.
Trong cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam tại văn phòng điều hành ở tòa nhà Đức, tọa lạc trên con đường sầm uất bậc nhất TP.HCM, cũng là bản doanh trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ ô tô, ông Dominik Meichle, CEO 37 tuổi của Bosch Việt Nam cho biết: “Bosch tiếp cận thị trường Việt Nam từ những năm 1950. Kể từ khi trở lại năm 1994, chúng tôi đã thúc đẩy các mô hình đầu tư và đa dạng hóa hoạt động, mở rộng quy mô. Chúng tôi tự hào là một trong những nhà đầu tư tiên phong, đặt niềm tin vào tiềm năng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.”
Tập đoàn có lịch sử 137 năm này hoạt động trên toàn cầu với bốn lĩnh vực, gồm giải pháp di chuyển, công nghệ trong công nghiệp, hàng tiêu dùng, công nghệ năng lượng và xây dựng. Năm 2022, tập đoàn đạt doanh thu hơn 82 tỉ euro với hơn 400 ngàn nhân sự làm việc tại 60 quốc gia.
Tại Việt Nam, việc đa dạng hóa xoay quanh các mảng linh kiện và thiết bị ô tô, công nghệ xe máy, công nghệ truyền động và điều khiển, dụng cụ điện và công nghệ tòa nhà. Năm tài chính 2022, Bosch ghi nhận doanh thu hợp nhất 232 triệu euro tại thị trường Việt Nam. “Bosch Việt Nam đã trở thành một trung tâm hậu cần bắt đầu với giải pháp dịch vụ logistics từ BGSV, đóng góp lớn cho bộ máy toàn cầu,” CEO Dominik cho biết.
Để hỗ trợ các hoạt động hậu cần cho tất cả các đơn vị kinh doanh và 240 nhà máy trên toàn cầu, tập đoàn Bosch phải dựa vào một hệ thống công nghệ phần mềm phức tạp, và BGSV đóng vai trò quan trọng cho việc vận hành các quy trình này một cách trơn tru và hiệu quả.
Để cung cấp danh mục đầu tư toàn diện như trên tại Việt Nam, Bosch có nhiều chiến lược cho từng lĩnh vực cụ thể. Ở mảng truyền động và điều khiển, Bosch đẩy mạnh các giải pháp tự động hóa nhà máy, cung cấp cả phần cứng và phần mềm cho các doanh nghiệp sản xuất dựa vào dự báo đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Đặc biệt là phát triển các giải pháp toàn diện cho ngành công nghiệp 4.0 dựa trên dữ liệu (data-driven) hỗ trợ kiểm soát chất lượng và tự động hóa các hệ thống sản xuất công nghiệp.
Phần mềm dịch vụ là một trong những hoạt động trọng tâm được đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng theo khái niệm “digital twin” (song sinh kỹ thuật số) để theo dõi trực tiếp và giám sát hệ thống máy móc trong các nhà máy. Bằng cách tận dụng mô hình bản sao kỹ thuật số, họ đưa ra giải pháp giúp các hệ thống sản xuất theo dõi, dự đoán sự cố, có biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu tình trạng ngưng hoạt động và nâng cao hiệu suất.
Công nghệ tự động hóa, số hóa và kết nối đang là những xu hướng mới cơ bản trong sản xuất nhằm mang lại năng suất cao hơn, ít lỗi hơn, chi phí thấp hơn và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Trước những thách thức như chi phí nhân công ngày càng tăng, cạnh tranh về giá ngày càng cao, đây là những cơ hội từ xu thế công nghiệp 4.0 mang lại để giải quyết những thách thức này. Ở lĩnh vực công nghệ năng lượng và tòa nhà, hệ thống truyền thông và thông tin của Bosch được ứng dụng trong nhiều dự án lớn của chính phủ.
Bosch Việt Nam cũng nhắm tới những đổi mới kinh doanh trong ngành hàng điện tử gia dụng và dụng cụ điện cầm tay, các nhóm sản phẩm vốn nổi tiếng thế giới. Bosch tìm cách thúc đẩy thị trường nhằm đa dạng phân khúc tiêu dùng khi sức mua đang tăng lên tại Việt Nam. Dominik tin rằng rất nhiều cơ hội trên thị trường toàn cầu lẫn tiềm năng tăng trưởng ở thị trường nội địa sẽ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Lực lượng kỹ sư địa phương là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của BGSV trong 12 năm qua. ông Gaur Dattatreya, giám đốc điều hành BGSV, nói với Forbes Việt Nam: “Chúng tôi mang đến đây các dự án công nghệ phức tạp. Họ là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị và là chìa khóa thành công của Bosch.” Ông Gaur là một trong những người đầu tiên từ tập đoàn đến Việt Nam đặt nền móng cho BGSV năm 2010, trở lại lãnh đạo bộ phận này năm 2021.
Ông kể, lúc đó Bosch nghiên cứu nhiều địa điểm tại tám quốc gia để mở thêm trung tâm phần mềm, nhận thấy Việt Nam là địa điểm tốt nhất và quyết định chọn TP.HCM vì môi trường kinh doanh sôi động và văn hóa giao tiếp thân thiện cũng như trình độ tiếng Anh tốt của các kỹ sư.
Việc tăng trưởng nhanh chóng về quy mô giúp BGSV thực hiện những trách nhiệm lớn hơn là trở thành trung tâm đổi mới công nghệ trong khu vực với đội ngũ kỹ sư phần mềm chuyên môn cao, dịch chuyển từ phát triển phần mềm sang phát triển hệ thống với nhiều công nghệ hiện đại phục vụ cho các đơn vị kinh doanh của Bosch tại Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
BGSV không chỉ giữ vị trí quan trọng trong việc quản lý các dịch vụ nội bộ toàn cầu của Bosch, họ còn là đơn vị triển khai các giải pháp kỹ thuật với lĩnh vực thế mạnh là công nghệ ô tô, các giải pháp thủy lực và tự động hóa nhà máy. Đội ngũ đang phát triển các nền tảng lớn xoay quanh các công nghệ mới như đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo.
Họ hỗ trợ khách hàng trong toàn bộ quá trình phát triển phần mềm. Ví dụ với sản phẩm ô tô, BGSV phác thảo các thông số kỹ thuật, sau đó thiết kế, phát triển, thử nghiệm, đánh giá và hoàn thiện các giai đoạn theo chu trình phát triển hoàn chỉnh.
Ông Gaur nói các làn sóng công nghệ mới đang “đổ bộ” khắp mọi lĩnh vực đời sống. Thế giới thay đổi nhanh chóng với máy móc tiên tiến, kết nối và có thể điều khiển từ xa đã mang đến vô số thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội cho các kỹ sư Việt Nam học hỏi, cải tiến và sáng tạo. Các kỹ sư của họ được trang bị năng lực để làm việc trong các dự án hệ thống truyền động, kết nối đám mây và các dịch vụ mới thông qua điện khí hóa (electrification) và kết nối nâng cao.
Dự báo thị trường điện khí hóa sẽ mở rộng trong những năm tới. Để chuẩn bị tốt cho xu hướng mới này, BGSV tập trung đầu tư vào nền tảng, hệ thống phần mềm và nâng cấp cho các công nghệ điện toán hiệu năng cao (HPC). BGSV cũng đang thiết kế các phần mềm và vi mạch cho các loại xe tải để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 7 trong hai năm tới. Tiêu chí khắt khe này ở các thị trường tiên tiến đòi hỏi giải pháp công nghệ cao bậc nhất hiện tại.
Phần lớn các giải pháp của BGSV đang được dành riêng phục vụ các bộ phận nội bộ của Bosch toàn cầu (90%). Các giải pháp chuyển đổi kỹ thuật số của BSGV đang phục vụ khách hàng doanh nghiệp bên ngoài khoảng 10%.
Khi nhắc đến Bosch, thị trường thường nhận diện là nhà kỹ nghệ ô tô vốn chiếm đến 60% doanh số bán hàng trên toàn cầu cùng các thiết bị công nghiệp nổi tiếng khác. Nhưng các mô hình kinh doanh mới đang được mở ra. Trung tâm đổi mới Grow là một trong số đó, chọn khu vực ASEAN làm thị trường trọng điểm cho việc triển các dự án và đã giới thiệu giải pháp nuôi tôm thông minh AquaEasy năm 2020, đang được ứng dụng ở nhiều trang trại nuôi tại Việt Nam.
Giải pháp dựa trên AI này thu thập và phân tích các âm thanh khi tôm đói, điều chỉnh thời gian cho ăn, lượng thức ăn, để giữ sạch ao, ngăn ngừa bệnh và giúp tôm tăng trưởng tốt. Ông Dominik nói Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu tôm lên 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, do đó những giải pháp hỗ trợ nông dân cải thiện năng suất nuôi tôm là một ưu tiên cấp thiết hiện nay, là cơ hội để Bosch Việt Nam đi cùng một ngành kinh tế lớn và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trung tâm Grow cũng phát triển các giải pháp hỗ trợ các dự án nông nghiệp khác.
Năm 2007, ông Võ Quang Huệ trở về nước nhận trọng trách phát triển Bosch tại Việt Nam. Cựu CEO Bosch Việt Nam kể thời điểm đó Việt Nam mới bắt đầu cho phép công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp 100% vốn, tuy nhiên việc bán hàng bắt buộc chỉ được qua một đại lý. Điều kiện này Bosch khó chấp nhận. Ông Huệ thuyết phục lãnh đạo tập đoàn có cuộc gặp nêu vấn đề với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, lúc đó là thứ trưởng thường trực bộ Thương mại.
“Bà Ngân cho chúng tôi niềm tin những trở ngại sẽ được giải quyết để thuyết phục Bosch đầu tư nhà máy tiêu chuẩn châu Âu tại Việt Nam,” ông Huệ kể với Forbes Việt Nam. Năm tháng sau, Bosch phê duyệt lập công ty con tại Việt Nam và trở thành công ty thương mại – dịch vụ 100% vốn nước ngoài đầu tiên có trụ sở tại TP.HCM, sau đó nhanh chóng đầu tư nhà máy và mở trung tâm công nghệ phần mềm trong vòng bốn năm.
Năm 2014, Bosch Việt Nam chính thức được cấp chứng nhận đầu tư công nghệ cao. Ông Huệ cho rằng thành quả đó nhờ “bạo” về sáng kiến và “lì lợm” về đối sách để đeo đuổi và thuyết phục các bên, bởi ở môi trường kinh doanh Việt Nam, các chính sách luôn cần nhiều thời gian để tháo gỡ từng bước.
Ông thuyết phục tập đoàn chuyển đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện ô tô từ Trung Quốc về Việt Nam dễ dàng hơn, nhờ Bosch không buộc phải liên doanh với công ty địa phương mà toàn quyền điều hành nhà máy, tối ưu được giá thành sản xuất. Khi được hưởng ưu đãi thuế cho đầu tư công nghệ cao thì hiệu quả kinh tế càng cao hơn.
“Tựu trung Bosch đã tạo dựng được bề dày hoạt động và được đón nhận tích cực tại Việt Nam,” CEO Dominik nói. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư công nghiệp, Dominik thực tập ở bộ phận kinh doanh phụ tùng thiết bị ô tô tại Bosch Đức và Tây Ban Nha.
Bước ngoặt lớn khi ông rời Đức năm 2015 đến Nhật tham gia các dự án lái xe tự động và bãi đỗ xe kết nối. Sau đó ông có năm năm quản lý mảng công nghệ xe hai bánh cho Bosch toàn cầu trước khi đến Việt Nam năm 2022 nắm trọng trách nâng cao vị thế Bosch Việt Nam, thúc đẩy các giá trị cốt lõi và nguyên tắc kinh doanh từ tập đoàn mẹ.
Vị CEO trẻ hình dung đội ngũ nhân lực là trọng tâm đưa Bosch Việt Nam thành trung tâm dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật cho toàn cầu. Song song với việc tạo môi trường làm việc hấp dẫn, Bosch mở trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp tại nhà máy, biến các trung tâm phần mềm thành nơi đào tạo và cung cấp nhân lực nội bộ và cho xã hội.
BGSV ký 12 thỏa thuận hợp tác với các trường đại học hàng đầu Việt Nam để tiếp nhận sinh viên cho các chương trình thực tập, tham gia dự án thực tế, trang bị những kiến thức, kỹ năng chuyên môn để tăng cường lợi thế gia nhập thị trường lao động. Nhiều khóa đào tạo giảng viên trong các trường đại học xoay quanh các bài toán thực tế, giúp sinh viên tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp và mở rộng cơ hội thu hút tài năng gia nhập Bosch.
Còn vị lãnh đạo ngành phần mềm Gaur Dattatreya dày dặn kinh nghiệm đến từ Ấn Độ, điềm đạm chia sẻ với Forbes Việt Nam: “Nhìn lại, những tiến bộ đạt được ngày hôm nay là ngoài sức tưởng tượng ban đầu của tôi. Tuy nhiên, tôi tin đây mới chỉ là bước khởi đầu và tương lai sẽ còn nhiều cơ hội và thành tựu đáng kể hơn nữa.”