Đến hiện tại, giá thuê mặt bằng tại khu trung tâm ở TPHCM đã trở lại mức tương đương trước dịch Covid-19.
Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, giá thuê ở khu vực trung tâm TP.HCM trong quý 1.2022 đạt xấp xỉ 3 triệu đồng/m2, tăng nhẹ so với năm 2021 và tương đương với mức giá năm 2020 khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Việt Nam. Trong khi đó, giá thuê của khu ngoài trung tâm tiếp tục duy trì ở mức xấp xỉ 1 triệu đồng/m2.
Bình quân, giá chào thuê tầng trệt của các trung tâm thương mại tại TP.HCM trong quý 1.2022 ở 1,2 triệu đồng/m2/tháng. Con số này tăng 3% theo quý và theo năm. Các chủ đầu tư dùng nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá nhưng nâng thời gian thuê tối thiểu và mức tăng giá hàng năm cũng lên tới 10%. “Các chủ cho thuê giữ thái độ lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế vì trong quý 1.2022, GDP của TP.HCM tăng trưởng dương 1,9%,” báo cáo Savills viết.
Trong khi đó, dữ liệu từ JLL Việt Nam cho thấy, giá thuê thực tế tại các trung tâm thương mại trọng điểm trong quý 1 tăng 1,3% so với quý trước, ở mức 41,5 USD/m2/tháng (tương đương khoảng 960.000 đồng), hồi phục về mức giá cho thuê của thị trường trước đại dịch. Các chủ nhà hiện cũng đã bỏ các chính sách hỗ trợ khách thuê nhưng sẵn sàng thương lượng trong từng trường hợp cụ thể.
Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu về mặt bằng bán lẻ được đánh giá đang dồi dào và phát triển khi nhiều thương hiệu quốc tế vẫn tiếp tục mở rộng và gia nhập thị trường, bao gồm cả những nhãn hàng đã có kế hoạch tham gia từ năm 2021 nhưng vì dịch bệnh phải trì hoãn.
“Năm 2021, việc đi lại bị hạn chế nên nhiều thương hiệu phải dừng kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam. Hiện tại họ đang thúc đẩy lại việc này bằng cách tự thực hiện hoặc kết hợp với nhà phân phối lâu năm,” bà Võ Thị Khánh Trang, phó giám đốc nghiên cứu Savills Việt Nam nói với Forbes Việt Nam.
Điểm đến được các thương hiệu quốc tế nhắm đến vẫn là TP.HCM và Hà Nội. Tại TP.HCM, ngoài các trung tâm thương mại ở quận 1 thì các thương hiệu cũng cân nhắc cả những căn nhà phố ở vị trí đắc địa hay mở rộng sang các khu vực lân cận. Sự lựa chọn này, một phần có lý do đến từ việc thu xếp những mặt bằng lớn ở các trung tâm thương mại hạng sang, ví dụ như cửa hàng Uniqlo Saigon Centre rộng 3.000 m2 mới được khai trương tuần trước, không dễ dàng.
JLL cũng đồng quan điểm, các khách thuê lớn là các chuỗi bán lẻ, F&B đang dẫn dắt thị trường khi có hơn 14.000 m2 sàn được lấp đầy trong quý 1.2022. Ngoài các thương hiệu quốc tế, thị trường còn ghi nhận sự tăng tốc mở rộng của hàng loạt thương hiệu trong nước như Chuk – Chuk, Con Cưng, Nova Market… “Các nhà bán lẻ nội địa thực hiện việc mở rộng không chỉ ở các trung tâm thương mại mà còn ở các cửa hàng truyền thống,” JLL cho biết.
Với xu hướng mở rộng của các chuỗi bán lẻ mới nổi, JLL đánh giá giá thuê trong thời gian tới sẽ tăng nhẹ ở cả trung tâm thương mại mới lẫn khu hiện hữu. Ngành hàng ăn uống, của hàng tiện lợi và nhà thuốc sẽ dẫn dắt nhu cầu trong 9 tháng còn lại của năm 2022. Nguồn cung thị trường dự kiến có khoảng 1o0.000 m2 sàn đi vào khai thác.
Trong báo cáo phát hàng cuối tháng 3, CBRE Việt Nam cho rằng, trong năm 2022, sẽ có nhiều cửa hàng mới được mở ra khi nhu cầu mở rộng bị dồn nén trong năm 2021. Khi biên giới mở cửa, Việt Nam sẽ chào đón nhiều doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng có thể sẽ bị sụt giảm do những tác động của áp lực lạm phát, lãi suất tăng. Do đó, việc mở rộng giữa các nhà bán lẻ dự kiến sẽ không đồng đều.
————-
Xem thêm:
Mặt bằng bán lẻ: Điền từng ô trống
Uniqlo dự kiến đẩy tốc độ mở chuỗi lên gấp đôi hiện tại
Các tỉ phú Singapore đầu tư vào dự án bất động sản lâu năm
Hilton và Shangri-La đều mở thêm khách sạn ở châu Á
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/gia-thue-mat-bang-o-trung-tam-tp-hcm-phuc-hoi-ve-muc-truoc-dich)
2 tháng trước
2 năm trước
Mặt bằng bán lẻ: Điền từng ô trống