Dù fintech không còn là lĩnh vực quá mới mẻ đối với các startup Việt Nam, nhưng sức hút của nó vẫn rất đáng kể.
Theo CB Insights, tổng vốn đầu tư fintech toàn cầu là 105,9 tỷ USD trong năm 2024. Đơn vị nghiên cứu nhấn mạnh châu Á là thị trường đầy tiềm năng cho fintech trỗi dậy.
Còn theo Mordor Intelligence, thị trường giao dịch fintech Việt Nam ước tính khoảng 39 tỷ USD (2024) và sẽ tăng lên 72.04 tỷ USD (2029), với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13,11%. Hiện tại, Việt Nam là nơi có hơn 130 công ty khởi nghiệp fintech phục vụ nhiều khách hàng và cung cấp nhiều loại dịch vụ, bao gồm thanh toán kỹ thuật số, tài chính thay thế, quản lý tài sản và blockchain, cùng nhiều dịch vụ khác.
Không gian fintech của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, được hỗ trợ bởi các quy định, chính sách của chính phủ và sức hấp dẫn đầu tư ở khu vực châu Á. Bên cạnh đó, fintech ở Việt Nam cũng có thể phát triển mạnh nếu các doanh nghiệp biết khai thác thế mạnh công nghệ và những hiểu biết về tài chính, vốn đang được Chính phủ hỗ trợ trong thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Momo chia sẻ nếu muốn làm fintech, hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ bé, bồi đắp qua thời gian trở thành sản phẩm tốt, được công chúng đón nhận. Ví dụ như Momo năm 2007, khi ra đời, tỷ lệ tiếp cận dịch vụ fintech tại Việt Nam rất thấp chỉ với 1% có tài khoản ngân hàng. Theo thời gian, Momo đã nghiên cứu những nhu cầu của khách hàng và tạo ra nhiều tiện ích mới.
Năm 2016, Momo được coi là đơn vị triển khai mã QR trong các giao dịch thanh toán đầu tiên tại Việt Nam. Điều này kích thích tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt lên tới 100% mỗi năm và tăng trưởng giao dịch dùng QR code tăng 200% mỗi năm.
Ông Diệp nhấn mạnh những doanh nhân muốn làm ngành này phải nhìn ra nhu cầu của khách hàng, từ tài chính đến công nghệ và đáp ứng được cho họ từ những khoản vay nhỏ cho đến những nhu cầu khác nữa.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Jack Nguyễn, Giám đốc Quỹ đầu tư Block Base, người có nhiều kinh nghiệm tham gia vào các thương vụ mua bán sát nhập (M&A) nói rằng các startup trong ngành fintech nên chú trọng đến 5 yếu tố quan trọng giúp sản phẩm của doanh nghiệp “sống thọ”.
Cụ thể đó là: (1) Giải quyết đúng một “góc chết” trong hệ thống tài chính- tức sản phẩm của mình phải làm được những việc mà hệ thống tài chính chưa đáp ứng được; (2) Tạo ra những “moat công nghệ” dữ liệu độc quyền mà những người khác không có được; (3) Sẵn sàng đối thoại với cơ quan quản lý để tạo ra những luật lệ phù hợp; (4) Không “đốt tiền” mù quáng, phải tính toán được đến lúc nào có thể sinh lợi thì nhà đầu tư mới quan tâm đầu tư lâu dài; (5) Người sáng lập của các công ty fintech phải có kinh nghiệm trong ngành tài chính hoặc công nghệ lõi, không chỉ là người làm startup.
Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều ứng dụng fintech trong các giao dịch khác nhau mà doanh nghiệp đang muốn thâm nhập, triển khai sâu. Đây chính là cơ hội để các startup, các nhà đầu tư cùng nhau khai thác thị trường.
Nhân dịp này, Sihub trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã giới thiệu Chương trình tuyển chọn Dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính năm 2025 cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo đó, từ tháng 4.2025 đến tháng 9.2025 các đối tượng tham gia nếu đáp ứng các tiêu chí của ban tổ chức, sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng/dự án (tiền ươm tạo); 80 triệu đồng/dự án (ươm tạo) và 400 triệu đồng/ dự án (tăng tốc) và tham gia nhiều hoạt động của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/fintech-con-nhieu-cua-cho-startup)
2 năm trước
Điều tra của Forbes: “Ngày phán xét” của Fintech