Sức hấp dẫn của môi trường khởi nghiệp tại một quốc gia phần nào được đánh giá qua số lượng kỳ lân hiện hữu. Các lĩnh vực kinh doanh nào tại Việt Nam hứa hẹn xuất hiện công ty kỳ lân tiếp theo?
Kỳ lân công nghệ (unicorn) là thuật ngữ chỉ các công ty khởi nghiệp công nghệ định giá trên một tỉ đô la Mỹ. Hiện tại, Việt Nam có bốn kỳ lân công nghệ là VNG, VNLIFE, Sky Mavis và MoMo. Trước khi tìm kiếm các kỳ lân tiếp theo của Việt Nam, hãy nhìn toàn cảnh dòng vốn đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm qua.
Bất chấp những biến động do COVID-19, vốn đầu tư vào các startup Việt Nam vẫn đạt con số kỷ lục 1,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021, gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu đô la Mỹ kỷ lục vào năm 2019. Các thương vụ trị giá trong khoảng từ 500 ngàn đến ba triệu đô la Mỹ xuất hiện nhiều nhất, trong khi 82% giá trị đầu tư tập trung vào các thương vụ giao dịch có giá trị trên 10 triệu đô la Mỹ. Đặc biệt, một số công ty huy động vòng gọi vốn trên 50 triệu đô la Mỹ là những tên tuổi đã có chỗ đứng trên thị trường như MoMo, Tiki…
Startup Việt Nam tiếp tục giành được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư quốc tế, với tổng số quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam tăng 60%, phân bổ đồng đều giữa các quốc gia và khu vực. Singapore là nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021, tiếp theo là Việt Nam và Mỹ.
Xét theo lĩnh vực, thanh toán và thương mại điện tử (TMĐT) vẫn thu hút sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư quốc tế, chiếm lần lượt 35% và 33% tổng giá trị vốn huy động trong năm 2021. Trong lĩnh vực TMĐT, ngoài thành công của mô hình sàn truyền thống như Tiki với vòng gọi vốn Series E trị giá 258 triệu đô la Mỹ, có sự nổi lên của các mô hình thương mại điện tử theo ngành dọc (vertical commerce) và mô hình phân phối doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B Distribution.)
Đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong một số lĩnh vực khiến vốn đổ vào những lĩnh vực này nhiều hơn, trong đó nổi bật là y tế, giáo dục, phần mềm dịch vụ (SaaS).
Trên bình diện khu vực, Việt Nam đứng thứ ba cả về giá trị đầu tư và số lượng thương vụ đầu tư, chỉ sau Indonesia và Singapore. Đây là tín hiệu đáng khích lệ cho thấy môi trường khởi nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế nhờ chiều rộng và chiều sâu thị trường: Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng với thị trường tiêu dùng 100 triệu dân, kinh tế phát triển nhanh, quá trình đô thị hóa và sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, hạ tầng Internet phát triển và sự phổ biến của thiết bị cầm tay thông minh.
Một startup thành công cần hội tụ nhiều yếu tố như con người, mô hình kinh doanh, thị trường, chiến lược, lợi thế cạnh tranh. Các lĩnh vực hứa hẹn xuất hiện các kỳ lân tiếp theo tại Việt Nam trong 2–3 năm tới đầu tiên phải có thị trường đủ rộng, dư địa phát triển đủ lớn để tạo ra sức bật nhanh. Vậy đâu là các lĩnh vực tiềm năng cho sự ra đời của các công ty kỳ lân tiếp theo?
Đầu tiên cần nhắc tới ngành TMĐT. Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company dự báo thị trường TMĐT Việt Nam đạt quy mô 39 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 so với 13 tỉ đô la Mỹ năm 2021. Theo thống kê từ bộ Công Thương, quy mô TMĐT trong tổng doanh thu bán lẻ Việt Nam ước đạt khiêm tốn 6,5%. Trong khi đó, con số tương ứng tại Trung Quốc là 24,5%, Hàn Quốc trên 27%, và mức trung bình tại các quốc gia phát triển là gần 20% . Vì vậy, TMĐT và các mô hình hỗ trợ kinh doanh TMĐT có nhiều dư địa tăng trưởng với một số công ty đã có những vòng gọi vốn lớn và có tiềm năng trở thành kỳ lân.
Lĩnh vực thứ hai hấp dẫn không kém là fintech (công nghệ tài chính), lĩnh vực Việt Nam đã có hai kỳ lân là MoMo và VNLIFE. Các công ty fintech Việt Nam đang đứng trước rất nhiều lợi thế trước đà bùng nổ TMĐT và tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tiếp tục gia tăng. Đại dịch COVID-19 tuy mang lại khó khăn cho một số ngành, nhưng đồng thời là chất xúc tác cho những thay đổi mang tính đột phá và thay đổi về hành vi người dùng trong lĩnh vực fintech mà trước đây có thể mất nhiều năm để đạt tới. Tuy nhiên trong mảng thanh toán, Việt Nam hiện đã có hai kỳ lân nên khả năng xuất hiện thêm một kỳ lân tiếp theo là không nhiều.
Bên cạnh thanh toán, còn nhiều mảng kinh doanh tiềm năng khác như cho vay (lending) sẽ phát triển bùng nổ khi hành lang pháp lý chính thức được thông qua. Mảng quản lý tài sản (wealth management) cũng hứa hẹn khởi sắc khi Việt Nam sẽ đứng thứ bảy thế giới về tỉ lệ gia tăng tầng lớp trung lưu trong 10 năm tới theo dự báo của World Data Lab.
Trong năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong bốn năm trước đó cộng lại. Điều này cho thấy nhu cầu đầu tư và quản lý tài sản của người dùng Việt Nam đang dần đi đến điểm bùng phát. Các công ty đáng chú ý trong lĩnh vực này là Finhay, Tikop, Anfin và Infina, trong đó Finhay đang là công ty dẫn đầu.
Lĩnh vực tiềm năng thứ ba là logistics. Báo cáo của World Bank cho biết chi phí logistics Việt Nam lên tới hơn 20% GDP, cao hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc (14,6%), Singapore (9,5%), Hàn Quốc (9,5%) và gấp đôi mức trung bình của thế giới. Báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2021 của nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố cho thấy, Việt Nam đứng thứ tám trong bảng xếp hạng, tăng ba bậc so với năm 2020, thay thế khu vực Thái Lan trong top 10.
Việt Nam đã và đang cải thiện chuỗi logistics nhằm tạo ra cơ hội cho tất cả các công ty tham gia vào chuỗi cung ứng. Chúng ta đang có hai đại diện sáng giá nhất là Giao Hàng Tiết Kiệm và Giao Hàng Nhanh, đối tác vận chuyển của các trang TMĐT lớn cùng nhiều nhà bán hàng trực tuyến doanh nghiệp và cá nhân khác. Những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này có thể sớm trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.
Lĩnh vực thứ tư không thể không nhắc đến là gaming. Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam có sự bùng nổ của của các game studio quy mô toàn cầu tập trung vào phát triển các game giải trí thông thường (casual games) với hàng trăm triệu người dùng mỗi ngày như Amanotes, Athena, Onesoft…
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của mảng blockchain game với cái tên sáng giá nhất là Sky Mavis. Năm qua, Sky Mavis đã đại diện cho Việt Nam trở thành một hiện tượng blockchain game toàn cầu và chính thức trở thành kỳ lân vào cuối năm 2021 với mức định giá trên ba tỉ đô la Mỹ.
Chúng ta có thể tin rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt để có thể tạo dấu ấn trong khu vực và xuất hiện các kỳ lân mới.
Trước đó Việt Nam đã ghi nhận kỳ lân đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực phân phối game là VNG với vòng gọi vốn gần nhất năm 2019 được định giá 2,2 tỉ đô la Mỹ. Sự thành công của tựa game Axie Infinity đã mở ra trào lưu đầu tư phát triển blockchain game tại Việt Nam và thế giới. Điểm chung giữa các công ty game lớn là họ có lợi nhuận tốt từ tập người dùng rộng toàn cầu nên chưa tiến hành gọi vốn, do đó khó để định giá. Nếu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, các công ty này vẫn có tiềm năng IPO và trở thành kỳ lân.
Trong hai năm qua có nhiều lĩnh vực khởi nghiệp mới nổi tại Việt Nam giành được sự quan tâm từ giới đầu tư quốc tế. Chẳng hạn trong lĩnh vực giáo dục, dưới tác động của dịch bệnh, nhu cầu ứng dụng công nghệ vào phương pháp giảng dạy và học tập truyền thống đã giúp nhiều startup công nghệ giáo dục (edtech) thu hút được vốn đầu tư.
Tương tự trong lĩnh vực y tế, đại dịch khiến người dân cởi mở hơn và có xu hướng lựa chọn những sản phẩm và dịch vụ y tế thuận tiện như đặt lịch khám online hay mua thuốc từ xa, từ đó tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho lĩnh vực công nghệ y tế (medtech). Hai lĩnh vực này có yếu tố địa phương rất cao nên khả năng mở rộng ra thị trường nước ngoài là hạn chế, đồng thời việc đối thủ nước ngoài xuất hiện và thành công tại thị trường trong nước cũng tương đối khó. Xét về ngắn hạn, sẽ có khó kỳ lân xuất hiện ở các lĩnh vực này, nhưng về trung và dài hạn, các công ty vẫn có thể phát triển lên mức tỉ đô nếu khai thác được thị trường vô cùng rộng lớn.
Một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ khác là phần mềm dịch vụ (SaaS). Tại Việt Nam, các công ty SaaS quy mô trong nước đã có mặt trên thị trường từ sớm (ví dụ như Sapo hay KiotViet), phục vụ được quy mô trên 100 ngàn khách hàng, tuy nhiên doanh thu trung bình trên mỗi khách hàng hiện không cao. Vì vậy để trở thành unicorn, họ cần mở rộng sang các lĩnh vực liên quan có thể tận dụng dữ liệu từ mảng SaaS như phân phối, tài chính.
Đối với các công ty SaaS quy mô khu vực hoặc toàn cầu, gần đây có sự xuất hiện của một số công ty tăng trưởng nhanh ở mức doanh thu định kỳ hằng năm (ARR) trên 10 triệu đô la Mỹ (ví dụ như Shopbase). Nếu họ phát triển mở rộng đạt được mốc ARR 50–100 triệu đô la Mỹ thì sẽ có nhiều khả năng trở thành công ty tỉ đô. Vì vậy lĩnh vực này hứa hẹn trong trung hạn sẽ có sự xuất hiện của các kỳ lân.
Chúng ta có thể tin rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt để có thể tạo dấu ấn trong khu vực và xuất hiện các kỳ lân mới nhờ vào ba yếu tố chính: các công ty khởi nghiệp Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế thay vì tập trung vào thị trường trong nước; startup Việt Nam đã có khả năng cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao; startup Việt Nam đã có những công ty kỳ lân để trở thành nhà đầu tư đi ươm mầm cho thế hệ nhà sáng lập đi sau. Chúng ta kỳ vọng và chờ đón nhiều công ty kỳ lân mới sẽ xuất hiện.
Bài viết trên Forbes Việt Nam số 105, tháng 5.2022
————————————
Xem thêm
Forbes Việt Nam số 105: Đi tìm kỳ lân kế tiếp
Startup xe máy điện Dat Bike gọi 5,3 triệu USD từ Jungle Ventures
Startup thanh toán Opn trở thành kỳ lân mới của Nhật Bản
VNG lấn sân Metaverse thông qua đầu tư vào kỳ lân game Hàn Quốc
Kỳ lân mua bán xe cũ Malaysia huy động 290 triệu USD mở rộng quy mô
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/du-doan-ky-lan-ke-tiep)
3 năm trước
Startup giáo dục Marathon nhận vốn 1,5 triệu USD2 năm trước
Đường tới kỳ lân của MoMo