Xu hướng tăng giá tiền đồng sẽ tiếp tục cho tới cuối năm 2021, đưa tỷ giá VND/USD từ 22.750 về 22.525 vào cuối năm 2021, theo nhận định của HSBC Việt Nam.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ giá mua vào đô-la Mỹ xuống mức 22.750 đồng/1 USD từ ngày 11.8 rồi, tỷ giá VND/USD đã vận động theo xu hướng giảm.
Trong khoảng đầu tháng 9, tỷ giá giao dịch quanh mốc 22.760-22.770 đồng cho 1 USD – mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây, thông cáo HSBC hôm nay 17.9 cho biết. Nếu tính từ đầu năm 2021, tiền đồng đã tăng khoảng 1,47% so với đô-la Mỹ.
Tiền đồng là một trong số ít các loại tiền tệ trong khu vực đã tăng giá so với đô-la Mỹ kể từ đầu năm nay. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong chính sách điều hành tỷ giá của NHNN. Ngày 20.7, NHNN đã đưa ra thông tin sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với các yếu tố kinh tế và thị trường ngoại tệ để giải tỏa các quan ngại từ bộ Tài chính Mỹ.
Sau sáu lần điều chỉnh kể từ tháng 11.2019, NHNN đã giảm giá mua vào đô-la Mỹ 450 đồng, đưa tỷ giá VND/USD xuống 22.750. “Xu hướng này đi ngược những năm trước khi tiền đồng thường xuyên trượt giá so với đô-la Mỹ”, nhóm phân tích từ HSBC chỉ ra. Mức độ cắt giảm cũng được đánh giá “tương đối lớn và sớm hơn dự kiến”.
Động thái hạ giá mua đô-la Mỹ và thay đổi phương thức giao dịch sang mua ngay cũng được đề cập trong báo cáo thị trường vĩ mô tháng 8 của VCBS và SSI Research.
VCBS dự báo tiền đồng sẽ mạnh lên so với đô-la Mỹ ở mức không quá 2% trong năm nay. Bộ phận nghiên cứu SSI Research cũng nhận định diễn biến của tiền đồng trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào khả năng mở cửa kinh tế để nhận thêm dòng vốn ngoại mới vào thị trường.
Nhóm nghiên cứu toàn cầu từ HSBC kỳ vọng NHNN tiếp tục duy trì chính sách như thời gian qua, với mục tiêu giảm tỷ giá mua vào đô-la Mỹ. Nhóm này dự báo mức tỷ giá sẽ tiếp tục giảm thêm 225 đồng, từ 22.750 xuống còn 22.525 đồng/1 USD vào cuối năm 2021.
Dự báo năm 2022, tỷ giá sẽ đảo chiều về lại quanh mốc 23.000 đồng, trong bối cảnh tài khoản vãng lai thâm hụt và dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại. “Tiền đồng sẽ đứng trước áp lực đối mặt với đô-la Mỹ mạnh lên và Nhân dân tệ suy yếu hơn”.
HSBC cũng đưa ra một số quan ngại về thặng dư tài khoản vãng lai và dòng vốn FDI trong năm 2022. Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam giảm chỉ còn 0,4 tỉ USD trong quý 1 năm nay, từ mức trung bình hơn 3 tỉ USD mỗi quý trong hai năm 2019-2020, dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm.
Thặng dư thương mại cũng giảm còn 5,9 tỉ USD trong quý 1 từ mức trung bình 6,5 tỉ USD mỗi quý trong giai đoạn 2019-2020, làm bộc lộ sự thiếu hụt các khoản thu từ khách du lịch. Sự suy giảm trong tài khoản vãng lai có thể sẽ tăng trong tương lai khi cán cân thương mại thâm hụt 1,3 tỉ USD mỗi tháng kể từ tháng 4, nhóm nghiên cứu dự báo.
Nguồn chính của dòng vốn ngoại hối (chiếm 5,9% GDP) là dòng vốn FDI nhưng đang chậm lại. Dữ liệu hàng tháng cho thấy các khoản đầu tư đã thực hiện giảm từ mức trung bình 1,8 tỉ USD trong khoảng tháng 4 đến tháng 12.2020 còn 1,6 tỉ USD trong cùng thời gian năm nay.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu lưu ý 3 vấn đề dành cho doanh nghiệp trong việc xây dựng kịch bản kinh doanh. Bao gồm, tác động của giãn cách xã hội ảnh hưởng tới doanh thu và dòng tiền, khó khăn trong duy trì nguồn nhân lực kéo theo việc giảm năng suất; áp lực lạm phát leo thang; chuỗi cung ứng đứt gãy sẽ tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt với doanh nghiệp trong những lĩnh vực cạnh tranh cao và khó tăng giá đầu ra.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/du-bao-tien-dong-se-tiep-tuc-tang-gia-toi-cuoi-nam)
3 năm trước
HSBC Việt Nam: Từ toàn cầu đến địa phương2 năm trước
Đông Hải Bến Tre vay 200 tỉ đồng vốn “xanh”3 tuần trước
Thổ Nhĩ Kỳ giảm 2,5% lãi suất3 tuần trước
Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản về GDP đầu người