Trong khi doanh nghiệp gọi xe hàng đầu thế giới đang vung hàng tỉ đô la Mỹ để cố gắng đạt thị phần thống trị toàn cầu, Markus Villig đang bận rộn làm điều ngược lại cùng Bolt. Với ngân sách eo hẹp, anh xây dựng doanh nghiệp trị giá 8,4 tỉ đô la Mỹ – và khối tài sản trị giá 700 triệu đô la Mỹ – bằng cách tập trung vào các thị trường bị bỏ qua ở châu Phi và châu Âu.
Năm 2015, Markus Villig, 21 tuổi, nhận ra mình kinh doanh sai hướng nhờ một khẩu súng. Khi đó người sáng lập của Bolt đang ở Belgrade, Serbia, giới thiệu với hãng taxi địa phương về việc sử dụng ứng dụng của mình làm bộ điều phối kỹ thuật số cho tài xế.
Khẩu súng lục bị bỏ quên trên bàn làm việc của ông chủ khiến anh nhận ra một điều rõ ràng: Đây là những khách hàng khó tính trong một ngành kinh doanh tàn bạo. Villig, đồng sáng lập Bolt với anh trai Martin hai năm trước đó, đột nhiên cảm thấy chắc chắn rằng mình không muốn dính dáng gì đến họ. Anh nhớ lại: “Đó không phải là những người tử tế để cùng hợp tác kinh doanh.”
Thay vì làm việc với các công ty taxi truyền thống, Villig quyết định tiếp cận trực tiếp đến tài xế và hành khách. Con đường đó đã đưa công ty Bolt có trụ sở tại Estonia, chỉ có hai triệu đô la Mỹ vốn đầu tư, vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với Uber, doanh nghiệp khổng lồ đã huy động được 1,2 tỉ đô la Mỹ với mức định giá 17 tỉ đô la Mỹ một năm trước đó. Thật đáng sợ. Nhưng việc đó chắc chắn ít đáng sợ hơn chuyện phải làm việc dưới họng súng và không biết chết lúc nào.
Vì nguồn tài trợ cho Villig chỉ bằng 0,01% vốn đầu tư của Uber, nên hiển nhiên anh sẽ cần chiến lược kinh doanh rất khác. Những công ty mới thành lập sẽ phải tiết kiệm chi phí. Vậy nên, thay vì đối đầu với Uber ở các thị trường phát triển, Bolt bắt đầu nhắm đến các quốc gia như Ba Lan, nơi ban đầu có rất ít hoặc không có sự cạnh tranh.
Đó là quá trình làm việc không ngừng nghỉ. Từ năm 2015 đến 2019, Villig đã biến Bolt từ một công ty 730 ngàn đô la Mỹ doanh thu thành doanh nghiệp đạt 142 triệu đô la Mỹ doanh thu. Vì không dám gánh những khoản lỗ lớn, anh cố gắng giữ công ty ở gần mức hòa vốn. Ngược lại, Uber đã đốt hết 19,8 tỉ đô la Mỹ, tức là gần 6,3 triệu đô la Mỹ mỗi ngày, trước khi lên sàn vào năm 2019.
Cách tiếp cận tiết kiệm của Villig đã được đền đáp. Doanh nghiệp hiện có hơn ba triệu tài xế, hoạt động tại 45 quốc gia và tạo ra doanh thu 570 triệu đô la Mỹ vào năm 2021. Tính đến vòng gây quỹ gần đây nhất, hồi tháng 1.2022, công ty được định giá 8,4 tỉ đô la Mỹ. Giá trị của công ty khởi nghiệp này đã giảm kể từ thời điểm đó và Forbes ước tính 17% cổ phần của Villig, 29 tuổi, hiện trị giá 700 triệu đô la Mỹ.
Thỉnh thoảng, Martin, hơn Markus 15 tuổi và là cựu binh trong lĩnh vực khởi nghiệp ở Estonia, phải dùng tiền tiết kiệm của mình để trả lương. Tuy nhiên, Bolt chủ yếu sử dụng các phương pháp không quá tốn kém như tuyển dụng tài xế qua Facebook thay vì các chiến dịch quảng cáo hào nhoáng, thuê các lập trình viên người Estonia với mức giá thấp hơn khu vực Bay Area và làm việc trong một căn hộ giá rẻ ở thủ đô Tallinn của Estonia.
Bolt thu 15% chi phí của chuyến đi và công ty học cách xoay xở từ nguồn thu đó. Markus Villig cho biết: “Các nhà đầu tư vẫn cứ bám vào nhận thức rập khuôn rằng đây là thị trường kẻ thắng sẽ được cả.”
Khi những nhà đầu tư địa phương thúc giục anh làm giống mọi công ty khởi nghiệp châu Âu khác trong việc cố gắng thâm nhập thị trường Hoa Kỳ, Villig lại ra mắt ở Nam Phi, thuê tất cả nhân viên địa phương thông qua Skype (kỳ lân công nghệ tiên phong của Estonia). Nhiều tài xế Nam Phi của Bolt và khách hàng của họ không có thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng. Vì vậy, Villig đẩy nhanh việc thanh toán bằng tiền mặt. Doanh thu từ các quốc gia châu Phi bao gồm Nam Phi, Nigeria và Ghana hiện chiếm 1/3 hoạt động kinh doanh của Bolt.
Sau nhiều năm hoạt động trong tình trạng eo hẹp, Villig cuối cùng đã nhận được nguồn hậu thuẫn từ gã khổng lồ gọi xe Didi của Trung Quốc và từ Mercedes-Benz, trước khi Sequoia Capital và Fidelity đầu tư 1,4 tỉ đô la Mỹ trong hai vòng từ tháng 8.2021 đến tháng 1.2022.
Hiện giờ Villig có tiền – và quyền hạn – để thúc đẩy sự phát triển của Bolt, nhưng anh cần phải cẩn thận để tránh rơi vào những cái bẫy tương tự mà Uber đã vướng phải. Trong khi huy động vốn đầu tư mạo hiểm giống như Uber vào năm 2021, Bolt cũng công bố khoản lỗ tương tự Uber là 622 triệu đô la Mỹ.
Một nửa trong số đó do phải trả khoản vay trong thời kỳ đại dịch, nhưng cũng có những khoản giảm giá lớn dành cho khách gọi xe và tài xế. Ngoài ra, Villig còn dành thời gian và tiền bạc cho nỗ lực xây dựng một “siêu ứng dụng” Bolt cung cấp xe tay ga và ô tô cho thuê, cùng dịch vụ giao đồ ăn và tạp hóa.
Các số liệu tài chính vẫn đang được tổng hợp, nhưng Bolt cho biết họ đã giảm đáng kể khoản lỗ vào năm 2022 và Villig tuyên bố anh sẽ hòa vốn trở lại vào cuối năm nay. Anh cho biết: “Chúng tôi sắp kết thúc giai đoạn đầu tư năm năm căng thẳng để xây dựng hoạt động ở các thành phố và giờ đây chúng tôi không cần đầu tư vào những thành phố đó nữa.”
Ít nhất anh đã tránh được một sai lầm: Xu hướng chi tiêu vô tội vạ của những người sáng lập Mỹ. Trong khi một số nhà đầu tư mạo hiểm đang cố gắng kiềm chế việc sử dụng máy bay tư nhân của các công ty khởi nghiệp, thì các nhà đầu tư của Bolt lại khoe khoang về tính tiết kiệm của Villig.
Bolt không phát hành thẻ tín dụng, điện thoại hoặc các quà tặng khác của công ty cho nhân viên của mình và cho đến năm 2019, Villig vẫn ở chung phòng khi đi du lịch để tiết kiệm chi phí khách sạn.
Gần đây, một nhà đầu tư ban đầu đã chụp hình Villig ngồi chật vật trên chiếc ghế giữa trong chuyến bay của Ryanair, hãng hàng không giá rẻ châu Âu. Điều đó cho thấy rõ anh chàng Villig cao 1,93m này chẳng muốn bỏ ra 14 đô la Mỹ để đổi sang ngồi ghế cạnh lối đi.
Anh chia sẻ: “Chúng tôi cực kỳ tiết kiệm ngay từ ngày đầu tiên vì chúng tôi không có tiền. Hiện giờ, Bolt có bốn ngàn nhân viên. Họ cân nhắc chi tiêu hằng ngày, đó là lợi thế lớn nhất và duy nhất của chúng tôi.”
Trong khi nhiều công ty công nghệ khổng lồ cắt giảm nhân sự hàng loạt trong những tháng gần đây, Villig khẳng định anh không có kế hoạch sa thải. Sự kết hợp giữa cắt giảm lương tự nguyện và các khoản trợ cấp của chính phủ đã giúp nhân viên của Bolt tránh được điều tồi tệ nhất trong thời kỳ đại dịch mặc dù doanh thu giảm 80%. Anh nói: “Khi quá trình phục hồi bắt đầu, đội ngũ của chúng tôi đã sẵn sàng.”
Các chiến thuật hung hăng và sự thiếu tôn trọng trắng trợn đối với chính quyền địa phương của Uber khiến cho hoạt động của Bolt được tiếp nhận dễ dàng hơn. Nhưng bây giờ doanh nghiệp đã lớn hơn, Bolt đang gặp phải những rào cản tương tự mà Uber phải đối mặt: các cuộc biểu tình về tiền lương, các chiến dịch kêu gọi công nhận các tài xế là nhân viên chính thức và nỗi sợ hãi về an toàn.
Ở Estonia, Villig được đón tiếp nồng nhiệt vì là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất của quốc gia vùng Baltic, nhưng Bolt phải đối mặt với những thách thức trong một số môi trường lớn hơn, được quản lý chặt chẽ hơn.
Villig không nhận thấy mình cần phải thay đổi hướng đi của Bolt hay của chính anh. “Chúng tôi có khá nhiều người tỏ ra quan tâm, nhưng nếu tôi bán doanh nghiệp, tôi sẽ nghỉ phép hai tuần, sau đó quay trở lại bằng chuyến bay của Ryanair và bắt đầu công việc kinh doanh tiếp theo của mình,” anh nói. “Tôi còn vài thập niên phát triển trong tương lai.”