Nợ đơn hàng, thiếu hụt lao động trong khi điều kiện mở lại sản xuất còn phức tạp và tốn nhiều chi phí khiến các doanh nghiệp dệt may, da giày khó trong nỗ lực tái sản xuất.
Tại hội thảo “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may – da giày Việt Nam” ngày 8.10, đại diện các hiệp hội dệt may và da giày cho biết nhiều doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với khó khăn tài chính cho cạn dòng tiền, chi phí sau nhiều tháng phải duy trì lao động trong khi doanh thu giảm sâu, đơn hàng bị hủy.
Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động (ERC) thực hiện trong nửa đầu tháng 9 với 256 doanh nghiệp dệt may, da giày ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam cho thấy, các nhà sản xuất gặp khó khăn do bị hủy đơn hàng, bị phạt giao chậm, chi phí phát sinh do vận chuyển bằng hàng không, cùng nhiều chi phí thực hiện “3 tại chỗ”…
Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, giám đốc ERC dẫn chứng, ở giai đoạn giãn cách theo chỉ thị 16 và 16+, 62,7% doanh nghiệp FDI duy trì được hoạt động bằng 3 tại chỗ với công suất 30% trong khi 34,7% doanh nghiệp Việt Nam làm được điều này. Nguồn lực của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung mỏng hơn nên không thể thực hiện 3 tại chỗ. 34% doanh nghiệp cho biết họ buộc phải cho lao động nghỉ việc không lương và 15% chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Ước tính doanh nghiệp chi thêm 2,2 triệu đồng/tuần cho mỗi công nhân để thực hiện “3 tại chỗ”. 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chi phí này đã chiếm tới 20% chi phí vận hành. Đây là lý do khiến doanh nghiệp không thể duy trì 3 tại chỗ lâu dài.
Hệ quả là doanh nghiệp không thể hoàn thành đúng tiến độ đơn hàng. Gần 50% doanh nghiệp chậm giao hàng, gần 24% chưa rõ kết quả và gần 20% đã bị hủy đơn hàng. Có đến 68% doanh nghiệp cho biết đã bị nhãn hàng phạt giao hàng chậm, hơn 12% bị nhãn hàng bắt đền, nhiều doanh nghiệp phải vận chuyển bằng đường hàng không và đẩy chi phí lên hàng trăm tỉ đồng. Theo đó các đơn hàng mùa mới 2022 bị tạm dừng hoặc giảm số lượng cũng tăng lên.
“Khách hàng phải hủy đơn, chuyển sang Trung Quốc hoặc Indonesia. Có khách hàng đồng ý giao chậm nhưng phải giảm giá 15%,” bà Chi cho biết. Dù vậy ngành dệt may cũng chưa khó bằng ngành da giày khi có đến 38% doanh nghiệp ngành này đang tạm dừng hoạt động.
Doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng thiếu container rỗng để xuất hàng. Vận chuyển đường biển bị tắc nghẽn đã đẩy thời gian giao hàng từ Việt Nam đi Mỹ từ 40 ngày lên 80 ngày. Những khó khăn này khiến doanh nghiệp không tận dụng được sự phục hồi trong mùa mua sắm cuối năm ở Mỹ và châu Âu. Chi tiêu cho quần áo mùa giáng sinh tại Mỹ dự báo tăng 46% so với năm ngoái trong khi ở châu Âu dự báo mức tăng 6,7% trong cả năm 2021.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát tháng 9 của cả hai hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), thì gần 70% doanh nghiệp ở hai ngành cho biết bị nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm trong năm 2021.
Từ 1.10, TP.HCM và các tỉnh nới lỏng biện pháp giãn cách, các doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gặp nhiều trở ngại. Ông Nguyễn Văn Bình, vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận xét, điều kiện để mở lại sản xuất phức tạp và tốn nhiều chi phí. Doanh nghiệp vẫn phải xét nghiệm hàng tuần cả với người tiêm vaccine lẫn người chưa tiêm.
Việc khôi phục sản xuất cũng không giống nhau giữa các địa phương. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó chủ tịch VITAS, dẫn chứng, chẳng hạn Tiền Giang và Đồng Nai hiện vẫn chưa thể cho doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại. Trong khi bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch Lefaso cho biết nhiều doanh nghiệp da giày bức xúc mở cửa sản xuất và chấp nhận chịu phạt.
Vấn đề lớn doanh nghiệp đang đối mặt là thiếu nguồn lao động khi nhiều người đã trở về quê thời gian qua, họ cũng không thể trở lại khi vaccine chưa phủ đều ở các địa phương. “Các điều kiện để mở cửa trở lại quá phức tạp, lưu thông giữa các địa phương lại không thông suốt trong khi người lao động ở rải rác khắp nơi,” bà Xuân nói.
Theo mẫu khảo sát của ERC với 300 người lao động, tỷ lệ về quê là 60%, đa phần cho biết để hồi phục sức khỏe, tinh thần, kinh tế cho bản thân và con cái; 89% vẫn muốn trở lại làm việc ở doanh nghiệp cũ và 11% cho biết không quay trở lại. “Vấn đề người lao động về quê là nhức nhối, nếu bỏ mặc và không có sự hỗ trợ nào thì sẽ mất rất lâu để khôi phục sản xuất. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ các lao động tiêm vaccine, xét nghiệm và phương tiện khi họ muốn quay lại. Còn với doanh nghiệp, cần hỗ trợ họ ngay từ bây giờ,” bà Chi nói.
Bà Claudia Anselmi, thành viên ban chấp hành, hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu ý kiến, một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp nản lòng nhất trong những tháng qua tốc độ mở lại nhà máy chậm và lao động bỏ về quê dẫn đến thiếu hụt lao động và các hệ lụy xã hội khác. “Doanh nghiệp kiến nghị khẩn cấp cho phép công nhân di chuyển giữa các địa phương, đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho công nhân và cho phép những người đã tiêm đủ trở lại làm việc”, đại diện EuroCham kiến nghị.
Bà Mary Tarnowka, giám đốc điều hành hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhấn mạnh, Việt Nam cần chuyển sang hình thái quản lý rủi ro, cho phép công nhân đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine quay lại làm việc. “Chính quyền các địa phương cần hiểu rằng việc chia vùng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của công nhân đã tiêm vaccine. Nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi và hy vọng mở cửa trở lại theo hình thức hậu kiểm chứ không phải chờ đợi phê duyệt,” giám đốc điều hành AmCham nói.