Kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại hạ mục tiêu tăng trưởng GDP

2 năm trước
Tác giả Minh Tâm
GDP

Share
this:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống mức 3-3,5%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi giữa tháng 9. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá đây vẫn là con số khá lạc quan.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 2.10, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai mục tiêu tăng trưởng GDP dựa vào hai kịch bản.

Ở kịch bản thứ nhất, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức 3% thì tăng trưởng GDP của quý 4 cần đạt 7,06%. Ở kịch bản thứ hai, để GDP cả năm tăng 3,5% thì tăng trưởng GDP quý 4 cần đạt 8,84%.

Trước đó bộ này nhận định nếu tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát cuối tháng 9, ngừng giãn cách xã hội và trở lại được trạng thái bình thường thì khả năng GDP cả năm 2021 đạt từ 3,5-4%.

Lãnh đạo bộ này khẳng định, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 4 và cả năm phụ thuộc vào việc phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, bảo đảm nguồn vaccine để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng, nâng cao năng lực hệ thống y tế và nhanh chóng nới lỏng giãn cách, mở cửa nền kinh tế an toàn ngay đầu tháng 10.

Các nhiệm vụ được xác định là các bộ ngành thực hiện nhất quán việc triển khai các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, xem kiểm soát dịch là điều kiện tiên quyết để ổn định đời sống nhân dân và phục hồi nền kinh tế, không lỡ nhịp với kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn của Việt Nam.

Đồng thời triển khai hiệu quả các chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định và phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, tạo mặt bằng sạch, nguồn cung lao động để thu hút các dự án FDI lớn…

Tại hội thảo bàn về kinh tế Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long hôm 1.10, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên đại học Fulbright Việt Nam, nhận định các tổ chức đa phương và ngân hàng quốc tế đều đã và đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng các con số vẫn còn khá lạc quan.

Ông Thành cho rằng, nếu mở cửa kinh tế và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10 và đến giữa tháng các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại thì tăng trưởng kinh tế quý 3 khoảng 3,5% và cả năm là 2,1%. “Nếu mở cửa ngập ngừng thì quý 4 chỉ tăng khoảng 2% và cả năm cũng chỉ 1% và nếu không mở cửa thì GDP cả năm sẽ âm,” ông Thành nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, chính sách có tác dụng duy nhất là mở cửa và ổn định kinh tế vĩ mô, còn lại doanh nghiệp tự xoay xở. Để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trở lại thì không thể tổ chức “3 tại chỗ” vì sẽ đẩy chi phí trên mỗi công nhân thêm 9,3 triệu đồng/tháng. Đồng thời, cần xóa bỏ việc cấp phép để được hoạt động như lâu nay, không đóng cửa cả nhà máy nếu có ca F0.

Các chuyên gia đánh giá động lực tăng trưởng của quý 4 được xác định là đầu tư công và xuất khẩu, hai lĩnh vực đang có những thuận lợi để khôi phục khi mở cửa trở lại.  

Dữ liệu Tổng cục Thống kê công bố GDP quý 3 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Mức giảm này đã kéo GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.

Cuối tháng 9, ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống 4,8%, thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 12.2020. Trong khi đó, ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống 3,8%.