Câu chuyện về các nhà máy trung hòa carbon của LEGO và Pandora
phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc trở thành điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn sản xuất bền vững.
Tháng 9.2021, khi dịch COVID-19 đang hoành hành tại Việt Nam, phó chủ tịch Tập đoàn LEGO Preben Elnef đáp máy bay xuống Hà Nội. Vị lãnh đạo cấp cao của thương hiệu đồ chơi lớn nhất thế giới lãnh nhận một nhiệm vụ quan trọng: dẫn dắt dự án nhà máy trung hòa carbon, trị giá hơn 1 tỷ đô la Mỹ tại Việt Nam, biến nó trở thành biểu tượng mới cho cam kết phát triển bền vững của tập đoàn 102 năm tuổi. Hai tháng sau, khi thủ tướng Việt Nam tuyên bố mục tiêu cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 tại hội nghị COP26, ông Preben nắm bắt ngay cơ hội.
“Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng để thống nhất về tương lai chung. Theo tôi, đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi,” ông Preben Elnef kể lại trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Forbes Việt Nam. Kết quả, nhà máy trung hòa carbon tại Việt Nam được ra đời với thời gian nhanh kỷ lục, là hình mẫu đầu tiên để LEGO xây mới một chuỗi các nhà máy trung hòa carbon khác trên thế giới.
Kế bước LEGO, đơn vị đồng hương Pandora – thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới về doanh thu cũng gia nhập làn sóng đầu tư xanh vào Việt Nam bằng cách công bố xây dựng nhà máy trung hòa carbon, nằm cùng khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương.
Với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đang đối mặt với nhu cầu cấp thiết phải chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững và xanh hơn. Trong quá trình này, các công ty nước ngoài đóng vai trò dẫn đầu nhờ vào kinh nghiệm và nguồn lực. Đặc biệt, hai tập đoàn Đan Mạch – LEGO và Pandora – đã đi đầu trong việc thiết lập các nhà máy đạt tiêu chuẩn xanh cao, khẳng định cam kết của họ với sản xuất bền vững. Những bước đi này không chỉ đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn mà còn phản ánh mục tiêu Chính phủ Việt Nam đang hướng đến: xây dựng đất nước trở thành điểm đến lý tưởng cho nguồn vốn xanh.
Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO đặt tại Bình Dương có diện tích 15 héc ta, tuyển dụng 4.000 lao động địa phương, là trung tâm sản xuất cung ứng cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, theo ông Preben. Với tuyên bố đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không (net zero) trước năm 2050, nhà máy này đóng một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất bền vững định vị giá trị xuyên suốt của thương hiệu. Ông Preben Elnef nói: “LEGO truyền cảm hứng cho những nhà sáng tạo thế giới trong tương lai, vì thế chúng tôi không thể là doanh nghiệp gây ra tổn thương cho thế giới được.”
Kể từ năm 2019, thương hiệu đồ chơi này đã đẩy mạnh việc xanh hóa sản xuất và chuỗi cung ứng. Điểm sáng là xây mới một chuỗi các nhà máy trung hòa carbon với hình mẫu đầu tiên đặt tại khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương, khởi công tháng 11.2022. Dự án làm kinh ngạc giới đầu tư nước ngoài khi được khởi công chỉ sau 12 tháng kể từ khi bắt tay vào xin cấp phép và hoàn tất phần lớn công việc chỉ trên dưới ba năm. Vị tổng công trình sư nhã nhặn xua tay khi được hỏi về kỳ tích này: “Các bạn có lý do khi nói LEGO đã phá vỡ mọi kỷ lục tại Việt Nam, nhưng tôi cho rằng chúng tôi không phải là ngoại lệ gì. LEGO chỉ đơn giản là sẵn sàng hỏi và Chính phủ Việt Nam sẵn sàng lắng nghe,” ông Preben nói.
Cả ông và các đối tác trong nước đều hiểu rằng việc tạo điều kiện cho mô hình sản xuất bền vững không chỉ là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng thị trường quốc tế mà còn là cơ hội để nâng cao vị thế và giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì thế trong suốt dự án, LEGO đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ban ngành từ trung ương đến địa phương. Đáng chú ý nhất đó là chuyện giải quyết một trong các yêu cầu then chốt từ phía LEGO: nguồn cung năng lượng sạch và ổn định.
Theo LEGO, hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhà máy chỉ có công suất đỉnh 7MW. Tuy nhiên, nhờ sự hậu thuẫn của tỉnh Bình Dương, khu công nghiệp VSIP và LEGO thương thảo, ký cam kết để bổ sung thêm 50MW bằng cách xây trang trại điện mặt trời nằm ngay cạnh khuôn viên nhà máy. Qua cam kết chưa từng có tiền lệ này, tổng công suất điện mặt trời cung cấp cho riêng LEGO sẽ lên đến 57MW khi trang trại đi vào hoạt động tháng 4.2025.
Trong câu chuyện về nguồn điện, trước đó, nhiều nguồn tin trong nước nói rằng nhà máy LEGO sẽ chỉ dùng năng lượng mặt trời, nhưng ông Preben cho biết thực tế không hoàn toàn như vậy. “Vì nhà máy của chúng tôi hoạt động suốt ngày đêm với yêu cầu chuẩn hóa cao, nên chúng tôi cần nguồn cung điện ổn định,” Preben nói.
Không thể không nhắc đến vai trò của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) khi cho LEGO đấu nối trực tiếp hệ thống điện nhà máy với lưới 110kV trong khoảng thời gian mà ông Preben gọi là “ngắn kỷ lục.” Ông cũng nói về chuyện lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy cử một phái đoàn riêng từ Hà Nội vào trực tiếp kiểm tra, phê duyệt nhanh cho dự án.
Preben đánh giá, trong hai năm qua, Bình Dương đã nỗ lực cải tạo, mở rộng các con đường “vốn rất cũ, nhỏ hẹp” kết nối từ Thủ Dầu Một, thành phố mới Bình Dương đến khu công nghiệp VSIP III, nơi LEGO đặt nhà máy. Tỉnh Bình Dương còn đồng hành với LEGO để giải quyết các vấn đề về sản xuất bền vững khác như xử lý rác, chất thải, giảm khí thải và sử dụng nước hiệu quả… Nhắc đến các đối tác Chính phủ Việt Nam, ông Preben chắp tay cảm thán: “Chúng tôi rất biết ơn và phải nói rằng những thủ tục mà LEGO trải qua là rất nhanh chóng, nếu so với những gì tôi nghe từ các đồng nghiệp nước ngoài khác.”
Ông Preben Elnef không quá lời. Trang trại điện mặt trời 50MW hiện nằm trên phần đất trống còn lại của dự án, rộng chừng 30 héc ta. Trong tương lai, nhà máy sẽ xem xét khả năng mở rộng trên phần đất này và đưa các panel lên trên mái các công trình mới. Đây là một điển hình về sự linh hoạt trong cơ chế chính sách của địa phương dành cho LEGO, điều mà tập đoàn chuyên về vật liệu bán dẫn và thiết bị in ấn Kyocera, phải ao ước. Doanh nghiệp này đã đầu tư gần một tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam trong hơn 10 năm qua và từng bày tỏ mong muốn được lắp đặt tạm các panel năng lượng mặt trời ở phần đất trống của dự án tại Hưng Yên, nhưng không được chấp thuận. Nghe câu chuyện của LEGO, ông Yukio Fujihara, tổng giám đốc nhà máy Kyocera Việt Nam, nói đùa với Forbes Việt Nam: “Có khi tôi phải khăn gói vào Bình Dương hỏi thử kinh nghiệm xem sao.”
Câu chuyện xây dựng nhà máy bền vững của LEGO tại Bình Dương là một trải nghiệm đặc biệt của ông Preben. Ít ai biết rằng vị phó chủ tịch 54 tuổi này không có chuyên môn gì trong ngành đồ chơi, mà xuất thân từ vai trò một nhà quản lý đầu tư. Sau đó, ông tích lũy kinh nghiệm quản lý vận hành hệ thống tàu điện ngầm ở Copenhagen, Đan Mạch.
“Khi đã có kinh nghiệm, tôi hiểu rằng khâu triển khai vốn đầu tư và vận hành tưởng như tách biệt nhưng thực chất liên kết với nhau rất mạnh, rất cần sự đồng bộ. Nếu tính toán quá hẹp, quá tiết kiệm trong đầu tư ban đầu, bạn sẽ gây ra nhiều vấn đề cho người vận hành sau này,” ông Preben chia sẻ.
Nhờ tầm nhìn tổng thể của Preben, LEGO đã đưa vấn đề trang trại điện mặt trời vào ngay từ khâu xin cấp phép dự án, dọn đường cho các bước triển khai về sau. Ngược lại, dự án của Kyocera Hưng Yên ban đầu không tính đến nội dung này, nên về sau phải xin bổ sung giấy phép, dẫn đến quy trình khó khăn và phức tạp hơn.
Không chỉ dừng lại ở nguồn phát, ông Preben quyết định đầu tư lớn, triển khai đồng bộ các giải pháp lưu trữ điện đắt đỏ. “Tôi đã thảo luận với CEO của Intel Việt Nam, học được bài học đắt giá khi công suất điện sụt giảm ảnh hưởng tới sản xuất bán dẫn như thế nào. Những máy ép phun chính xác của chúng tôi cũng không thể chịu được các sự cố tương tự,” ông Preben chia sẻ cách LEGO triển khai các giải pháp mang tính quyết định.
Bình luận thêm về lý do chọn Việt Nam làm điểm khởi đầu, Preben Elnef cho biết ở Đông Nam Á, dân số trẻ đang gia tăng và doanh số của họ cũng đang tăng theo. LEGO tin rằng các nhà máy nên nằm gần với thị trường, giảm thiểu chuỗi cung ứng, nâng cao tính bền vững và giảm dấu chân carbon.
Từ cách nghĩ đó, ông Preben đã nhắm tới Việt Nam như một yếu tố “địa lợi” khá lâu, trước khi yếu tố “thiên thời” – tức cam kết trung hòa carbon của Thủ tướng Phạm Minh Chính, xuất hiện. Bên cạnh nhà máy Bình Dương, dự án LEGO còn có một trung tâm phân phối tại tỉnh Đồng Nai, hiện đang trong quá trình xây dựng. 100% hàng hóa sản xuất tại Bình Dương sẽ đến trung tâm phân phối này và tỏa đi các quốc gia ở Đông Nam Á, Úc và New Zealand.
Rời Việt Nam sau ba năm làm việc, Preben Elnef dành nhiều thời gian nói lời cảm ơn những doanh nghiệp mà ông từng tham vấn. Trong số đó có Pandora, hãng trang sức lớn nhất thế giới về doanh số. Tháng 5.2024, Pandora nương theo đồng hương LEGO vào Việt Nam và khởi công nhà máy trung hòa carbon thứ tư của tập đoàn tại khu công nghiệp VSIP III, sau khi khảo sát 27 địa điểm khác nhau trên thế giới. Khác với LEGO, cả bốn nhà máy của Pandora cho đến nay đều là nhà máy trung hòa carbon. Các nhà máy còn lại hiện đều nằm ở Thái Lan, với sản lượng khoảng 100-120 triệu chi tiết trang sức/năm.
Thương hiệu sử dụng 100% bạc tái chế từ năm 2023, dự kiến hoàn thành mục tiêu dùng 100% vàng tái chế cuối năm 2024. Giám đốc chuỗi cung ứng toàn cầu của Pandora, ông Jeerasage Puranasamriddhi cho biết nhà máy sẽ không nhập khẩu vàng nguyên liệu mà chỉ sử dụng nước xi vàng để mạ lên trang sức. Bạc nguyên liệu sẽ được nhập khẩu qua cơ chế “doanh nghiệp chế xuất,” cho phép tự do thương mại trong khu vực chuỗi cung ứng. Nghĩa là 100% sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sẽ xuất khẩu.
Theo Pandora, các sản phẩm từ nhà máy Bình Dương sẽ được xuất chủ yếu sang thị trường Mỹ (chiếm 30% tổng doanh thu), Anh (14%), Ý (10%), Đức (5%), phân phối chủ yếu thông qua chuỗi cửa hàng do Pandora sở hữu trực tiếp. Với tổng mức đầu tư 150 triệu đô la Mỹ, nhà máy Pandora ở Bình Dương là bước tăng trưởng quy mô quan trọng đối với thương hiệu trang sức. Dự kiến đi vào hoạt động năm 2026, nhà máy này sẽ tuyển dụng tối đa 7.000 nhân công, mục tiêu cung cấp thêm 60 triệu chi tiết trang sức, chiếm trên 30% tổng sản lượng.
Đây cũng sẽ là địa điểm nghiên cứu và triển khai các dự án kim cương nhân tạo của Pandora. “Pandora muốn “bình dân hóa kim cương” vì kim cương nhân tạo giá chỉ bằng một phần ba nhưng chất lượng tương đương kim cương tự nhiên. Hơn nữa, kim cương nhân tạo còn phù hợp với định hướng bền vững, giúp giảm 95% lượng khí thải carbon so với kim cương khai thác mỏ,” Jeerasage cho biết. So với LEGO, Pandora thậm chí nhỉnh hơn về kinh nghiệm triển khai sản xuất xanh và còn cam kết về đích trung hòa carbon sớm hơn LEGO 10 năm.
Hiện tại, Pandora vẫn đang tìm hướng giải quyết vấn đề nguồn điện ổn định. Hoạt động sản xuất tại nhà máy sẽ đi theo hướng tự động hóa cao, liên tục cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, nguồn điện mặt trời áp mái tại nhà máy dự kiến sẽ chỉ đáp ứng 10% nhu cầu. Trong khi đó, quy mô và nguồn lực của Pandora không cho phép nhà máy đầu tư lớn vào lưu trữ điện, hay có trang trại điện mặt trời của riêng mình.
“Chúng tôi đang làm việc cùng Chính phủ Việt Nam để tạo điều kiện cho Pandora tiếp cận các giải pháp điện tái tạo khác,” ông Jeerasage cho biết. Một trong những ý tưởng được phía tập đoàn đưa ra là mô phỏng mô hình thành công ở Thái Lan. Tại đây, Pandora đã đàm phán thành công hợp tác với Chính phủ Thái để mua điện sinh khối (biomass energy) từ đối tác ở gần đó, trở thành công ty đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng giải pháp này.
Tập đoàn LEGO và ông Preben Elnef cũng đã hỗ trợ Pandora trong suốt quá trình làm việc cùng chính quyền sở tại về cải cách và hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, ông Preben cũng hiểu sẽ khó có khả năng Pandora có thể lặp lại các kỷ lục mà chính ông đã tạo ra. Thủ lĩnh của chuỗi nhà máy xanh ở LEGO tỏ vẻ đồng cảm: “Tôi hi vọng họ sớm có thể hoàn tất dự án và đi vào sản xuất tại Việt Nam, cho dù có chậm hơn chúng tôi chút ít.”
1 năm trước