Đại dịch Covid-19 đã biến các đối thủ trong ngành dược trở thành đối tác
Sanofi là tập đoàn dược sản xuất hơn 1 tỉ liều vaccine mỗi năm nhằm bảo vệ hơn 500 triệu người khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp này đã hiện diện hơn 60 năm, trong đó có 30 năm hoạt động trong lĩnh vực vaccine.
Ông Fabrice Baschiera, giám đốc cấp cao về các Hoạt động thương mại liên lục địa của Sanofi chia sẻ về cách doanh nghiệp này chung tay ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19, với tư cách là một trong những nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới.
Ông nhận thấy đại dịch Covid-19 đã thay đổi ngành dược thế giới như thế nào, với Sanofi có gì khác biệt?
– Khi một đại dịch diễn ra ở quy mô toàn cầu, không một công ty hay một cá nhân đơn lẻ nào có thể một mình tìm ra giải pháp cho tình huống này mà cần sự chung tay của tất cả mọi thành phần. Đó là lý do chúng ta thấy sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai khối công – tư thời gian qua.
Trong lĩnh vực R&D, Sanofi đã hợp tác với GSK để phát triển vaccine Covid-19 mới được phê duyệt ở châu Âu. Hình thức hợp tác này chưa từng có trong lịch sử, đã diễn ra trong mọi quá trình từ phê duyệt, sản xuất đến thương mại hóa. Tôi nghĩ đây là một khía cạnh tích cực, các doanh nghiệp hiểu rằng chúng ta có thể cạnh tranh, nhưng trước một đại dịch như thế này, cần sự hợp tác, là đối tác trước khi trở thành đối thủ.
Chúng tôi đang sản xuất vaccine tiêm nhắc đối với Covid-19 bằng công nghệ tái tổ hợp đang được sử dụng để sản xuất vaccine cúm của mình.
Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về loại vaccine này ?
– Nếu muốn đi đầu trong lĩnh vực vaccine, chỉ một – hai công nghệ là chưa đủ. Chúng tôi cần có nhiều loại công nghệ cho phép phát triển và sản xuất các loại vaccine khác nhau. Ngày nay, mọi người đã hiểu biết hơn về mRNA, công nghệ này giúp chúng tôi đưa vaccine Covid-19 tới người dân cách nhanh chóng. Tuy nhiên, cần tới một công nghệ khác, cũng là công nghệ vaccine tái tổ hợp, sống, giảm độc lực hoặc bất hoạt như công nghệ chúng tôi đang sử dụng tại Sanofi.
Bắt đầu từ năm 2021, mỗi năm chúng tôi dành khoảng 400 triệu USD đầu tư vào công nghệ mRNA để có thể trở thành người tiên phong trong không gian mRNA. Sanofi thành lập các trung tâm nghiên cứu tiên tiến (Center of Excellence), một ở Boston (Mỹ) và một ở Pháp, để phát triển công nghệ riêng. Như vậy, bên cạnh các công nghệ khác đang sở hữu, chúng tôi có thêm công nghệ mRNA.
Sanofi làm thế nào để dự báo nhu cầu vaccine trên toàn cầu và sẵn sàng năng lực cung ứng cho thị trường để ứng phó với đại dịch?
– Nếu muốn ứng phó với đại dịch, cần phải nhanh chóng không chỉ về nghiên cứu phát triển mà còn về sản xuất. Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định thành lập một cơ sở sản xuất vaccine đa dạng với một phương pháp hoàn toàn mới.
Cách truyền thống để có một loại vaccine là có một nhà máy dành riêng cho việc sản xuất loại vaccine đó. Điều này khiến chúng ta khó phát triển và sản xuất đa dạng, vì mỗi địa điểm sản xuất cần xin phê duyệt, rồi trải qua rất nhiều quy trình, có khi mất hàng năm trời.
Giờ đây, mọi việc đã khác. Chúng ta cần điều chỉnh quy mô sản xuất theo sự phát triển của các bệnh truyền nhiễm trong một tương lai không thể đoán trước. Do đó, chúng tôi thành lập các trung tâm ở Singapore và Pháp để tăng cường sản xuất một số loại vaccine. Cùng một địa điểm sản xuất nhưng có khả năng chuyển đổi từ vaccine này sang vaccine khác nhanh chóng, cho phép thích ứng và điều chỉnh theo tình hình đại dịch hoặc theo nhu cầu, tùy thuộc vào sự phát triển của các bệnh truyền nhiễm trên khắp thế giới.
Điều thứ hai, không thể sản xuất được vaccine trong một sớm một chiều vì hệ thống kiểm soát chất lượng cần có thời gian để đảm bảo vaccine đang sản xuất không chỉ hiệu quả mà còn an toàn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần làm việc và hợp tác lâu dài với các quốc gia hoặc với chính phủ sẵn sàng mua trước vaccine. Ngành công nghiệp này có vòng đời rất dài, cần thời gian cũng như khả năng dự đoán để đảm bảo nguồn cung vaccine khi cần thiết.
Có một vấn đề khác đáng lưu tâm, đó là tỉ lệ bao phủ các loại vaccine khác bị giảm trong đại dịch Covid-19. Ông đánh giá thế nào về mối nguy hại này và Sanofi đã làm gì trong tình hình đó?
– Trong thời gian đại dịch, chúng ta đã tập trung quá nhiều vào việc tiêm chủng Covid-19 và có xu hướng quên đi những căn bệnh khác. Chúng tôi đã quan sát thấy việc giảm tỉ lệ bao phủ đối với các loại vaccine cơ bản. Hoạt động tiêm phòng cúm giảm, việc tiêm phòng cho trẻ em cũng giảm mạnh, đó là điều đáng lo ngại. Dịch bệnh bại liệt ở trẻ em, một mối nguy hại có thể gây chết người, đã bùng phát trở lại ở một số khu vực trên thế giới. Đây là mối quan tâm lớn của Sanofi, chúng tôi đã làm việc với các chính phủ không chỉ để củng cố tầm quan trọng của việc bảo vệ người dân chống lại Covid-19 mà còn với các bệnh khác.
Vấn đề thứ hai là nhu cầu về vaccine mới. Chúng ta vẫn còn nhiều loại bệnh và virus đang lây lan khắp thế giới. Chẳng hạn virus hợp bào hô hấp RSV gây bệnh đường hô hấp ở trẻ sơ sinh. Gần đây, dịch bệnh này đang có các đợt bùng phát lớn tại các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ và có thể lan sang các nơi khác trên thế giới.
Sanofi đã hợp tác với AstraZeneca để phát triển công nghệ sản xuất thuốc kháng thể đơn dòng, giúp trẻ em chống lại căn bệnh này. Loại vaccine này chỉ mới được phê duyệt gần đây ở châu Âu và sắp tới là ở Mỹ, sẽ được công nhận ở những nước khác trong tương lai gần. Tôi cho rằng điều mà một công ty như Sanofi cần phải làm là không ngừng đầu tư vào vaccine mới để bảo vệ nhiều người hơn.
Ông đánh giá thế nào về khả năng tiếp cận vaccine của Việt Nam trong suốt thời gian đại dịch diễn ra?
– Ở nhiều quốc gia, việc tiếp cận vaccine rất phức tạp, mất thời gian và không dễ dàng với bệnh nhân. Họ phải thông qua các bác sĩ, nhà thuốc, trung tâm tiêm chủng khiến quá trình tiếp cận khó khăn, mất thời gian và thậm chí tốn kém.
Trong khi đó, một số quốc gia mở các trung tâm tiêm chủng trên cả nước, trong đó có Việt Nam. Một xu hướng khác là cho phép các hiệu thuốc tiêm vaccine cho người dân (PBI). Châu Âu và Pháp là những nơi đầu tiên cho phép mô hình này và Đức cũng đang thử nghiệm. Mô hình này giúp tăng cường tiếp cận, rút ngắn khoảng cách và giảm bớt chi phí. Tôi nghĩ nhiều quốc gia khác cũng sẽ đi theo xu hướng này. Đây là điều chúng ta muốn có được trong một thế giới mà vaccine sẽ ngày càng phổ biến hơn để bảo vệ cuộc sống của nhiều người hơn.
Khả năng tiếp cận vaccine của nhiều nước trên thế giới diễn ra nhanh nhất trong ba năm qua. Về pháp lý, chúng tôi nhận thấy những tiến bộ lớn. Tại Việt Nam, chúng tôi cũng nhận thấy chính phủ rất sẵn lòng đầu tư vào việc tiếp cận các công nghệ đổi mới và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đăng ký.
Việt Nam đóng vai trò thế nào trong chiến lược phát triển của Sanofi, thưa ông?
– Sanofi có lịch sử hoạt động lâu đời tại Việt Nam với hơn 60 năm. Đối với chúng tôi, Việt Nam là thị trường trung tâm của châu Á. Ở Việt Nam, chúng tôi không chỉ là một tổ chức thương mại mà còn cả hoạt động nghiên cứu y tế và sản xuất. Chúng tôi đặt nhà máy hiện đại tại đây để sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều nước. Đó là lý do chúng tôi có thể chứng minh rằng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có chất lượng quốc tế và thích ứng với nhu cầu của nhiều quốc gia. Sanofi đang thương mại hóa các sản phẩm như Lactacyd, Telfast, Corbiere và các thương hiệu nổi tiếng khác tại 11 quốc gia ở châu Á. Do đó, Việt Nam là vị trí chiến lược quan trọng mà chúng tôi rất chú trọng.
Chân thành cảm ơn ông.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/dai-dich-covid-19-da-bien-cac-doi-thu-trong-nganh-duoc-tro-thanh-doi-tac)