Góc nhìn

Châu Á trên bản đồ năng lượng mới

2 năm trước

Share
this:

Dù lo lắng về nguy cơ một sự cố tương tự ở biển Đông có thể kéo Hoa Kỳ và Trung Quốc vào cuộc chiến, Yergin vẫn lạc quan, nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và khả năng học hỏi của con người.

Năm 2005, các nước ASEAN giao dịch với Mỹ nhiều hơn 50% so với lượng giao dịch của họ với Trung Quốc. Bây giờ ngược lại. Daniel Yergin, tác giả của cuốn sách xuất bản vào cuối năm 2020, The New Map: Energy, Climate and the Clash of Nations (Bản đồ mới: Năng lượng, Khí hậu và Cuộc đối đầu của các quốc gia), cho biết thực tế này chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố định hình bản đồ địa chính trị mới. Cuốn sách ghi nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á trong địa chính trị năng lượng toàn cầu.

Yergin nổi tiếng với những cuốn sách về dầu khí bán chạy nhất và đoạt giải thưởng, trong đó có The PrizeThe Commanding Heights. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau Thế chiến II đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng trong những năm 1970. Đặc điểm đó khiến bản đồ quyền lực toàn cầu chuyển dời sang Trung Đông, được xem như nguồn gốc của sự giàu có và xung đột mới. Eo biển Hormuz trở thành tuyến đường vận chuyển nhiều tranh chấp nhất thế giới.

Nhưng bản đồ toàn cầu lại thay đổi một lần nữa, Yergin viết. “Biển Đông là vùng nước quan trọng nhất đối với nền kinh tế thế giới – ít nhất 1/3 thương mại toàn cầu lưu thông qua đó.” Theo tác giả, đây cũng là vùng nước có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Căn nguyên quan trọng là tranh chấp pháp lý không thể hòa giải. Trung Quốc coi biển Đông là lãnh thổ có chủ quyền của riêng mình. Hoa Kỳ và các đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản và Úc, tin rằng biển Đông là một “đường thủy mở” theo luật pháp quốc tế.

“Sự bế tắc này có nhiều mức độ phức tạp,” Yergin cho biết. “Nhà ngoại giao người Singapore Tommy Koh, chủ nhiệm công tác soạn thảo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển, nói với tôi: ‘Vấn đề của biển Đông là về luật pháp, quyền lực, tài nguyên và lịch sử.”

Yergin là cây viết hiếm hoi có thể tổng hợp về kinh tế, năng lượng, lịch sử, địa chính trị và công nghệ.

Góc nhìn trong cuốn The Commanding Heights (Những đỉnh cao chỉ huy do NXB Thế giới xuất bản) là rất cần thiết trong giai đoạn này. Ví dụ: hãy ghé đến thung lũng Silicon nơi tôi sống và bạn sẽ biết được bối cảnh thực sự. Bạn sẽ học được tất cả kiến thức cần biết về điện toán đám mây, tăng tốc kỹ thuật số và lý do những năm 2020 sẽ là thập niên của trí tuệ nhân tạo và máy học.

Nỗi lo lớn nhất của Yergin là nguy cơ tính toán sai lầm ở biển Đông sẽ gây ra chiến tranh. Ông trích dẫn nguồn gốc của chiến tranh thế giới thứ nhất dẫn đến 50 triệu người thương vong trong bốn năm và ba tháng, mà nguyên nhân do vụ ám sát Archduke Franz Ferdinand và người vợ lai Áo-Hung ở Sarajevo, Yugoslavia vào tháng 6.1914. Thảm kịch bất ngờ đã dẫn đến việc Anh và Đức – và thế giới – bị lôi vào cuộc chiến năm tuần sau đó.

Dù lo lắng về nguy cơ một sự cố tương tự ở biển Đông có thể kéo Hoa Kỳ và Trung Quốc vào cuộc chiến, Yergin vẫn lạc quan, nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và khả năng học hỏi của con người. Ông nói, không cần tìm đâu xa xôi, sự ra đời nhanh chóng của vaccine COVID-19 là ví dụ rõ ràng nhất. “RNA tổng hợp được phát hiện vào cuối những năm 1970, nhưng phải cần đến mô hình siêu máy tính của những năm 2020 mới cho thấy làm thế nào mà mRNA có thể thành lời giải cho đại dịch toàn cầu,” ông lưu ý.

Theo ông, câu chuyện khám phá và học hỏi tương tự được lặp lại trong suốt lịch sử. Công nghệ và thành công ngoài mong đợi của việc khai thác dầu bằng phương pháp thủy lực cắt phá đầu những năm 2000 đã giúp ngành năng lượng Hoa Kỳ trở nên độc lập. Có bất ngờ tương tự nào có thể xảy ra không? Chẳng hạn như, hydro được xem như một nguồn năng lượng dồi dào và rẻ tiền?

“Con người ở mọi thời đại đều chịu tác động từ những vấn đề hiện tại của họ. Ngay cả khi những người khác đang giải quyết những vấn đề đó,” ông nói.

Biên dịch: Quỳnh Anh

Rich Karlgaard là biên tập viên tại Forbes, là tác giả & nhà tương lai học.
Bài viết đăng trên tạp chí Forbes Việt Nam số 94, tháng 6.2021