multi-media / Megastory

“Cất cánh”cùng nông nghiệp Việt

Đón trước xu hướng tương lai và song hành cùng chương trình thúc đẩy chuyển đổi số của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã nhanh chân bước vào ngành nông nghiệp, hợp tác cùng nhà nông và đạt được mức tăng trưởng hai con số đáng mơ ước.

Máy bay không người lái (drone) là điển hình hợp tác giữa doanh nghiệp công nghệ với nhà nông. Drone đã bay trên những cánh đồng từ Nam đến Bắc để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, rải hạt giống. Nhiều nông dân hiện nay không còn mang thúng sạ lúa, bình phun thuốc có trọng lượng đến 20 kg trên lưng và đi trên ruộng bùn lầy lội nữa.

Thay vào đó, những “chú chim sắt” sẽ đảm nhận  nhiệm vụ này. “Chim sắt” là khái niệm đã được Công ty cổ phần Thiết bị bay AgriDrone Việt Nam, một trong những công ty tiên phong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối drone dùng cho nông nghiệp “phổ cập” đến bà con nông dân. Hiện sản phẩm AgriDrone Việt Nam phân phối đã có mặt ở 53 tỉnh thành sau sáu năm phát triển ở ba miền, được ứng dụng trên gần 1,5 triệu héc ta đất, chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn quốc, theo thông tin Forbes Việt Nam thu thập được.

Tính về số lượng, sản phẩm AgriDrone Việt Nam phân phối chiếm khoảng 40% trong tổng số 3.000 drone được sử dụng trong ngành nông nghiệp. Nếu so với năm 2022, thị phần này giảm từ 70%, nhưng vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường Việt Nam. Đó là “quả ngọt” xứng đáng cho nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm và chứng minh hiệu quả ứng dụng drone trong nông nghiệp của đơn vị này.

Hành trình này không trải hoàn toàn hoa hồng mà đầy chông gai. Theo tự bạch, năm 2012, nhóm thành lập phòng nghiên cứu và phát triển drone mang thương hiệu Việt. Một năm sau, công ty thử nghiệm thành công những mẫu drone “Made in Việt Nam”. Niềm vui thành công kéo dài chưa lâu thì sau đó AgriDrone nhận thấy sản phẩm không thể cạnh tranh được về giá nếu so với sản phẩm của Da-Jiang Innovations (DJI) đến từ Trung Quốc. Dữ liệu Statista được cập nhật vào tháng 3.2024 cho thấy DJI chiếm 69% thị phần tại Việt Nam.

Ngoài ra, AgriDrone cũng gặp nhiều rào cản trong quá trình sản xuất do công nghiệp phụ trợ nội địa phát triển chưa đồng đều. Vì vậy, nhóm quyết định chuyển đổi hoạt động của công ty sang hình thức vừa phân phối lại drone của DJI vừa tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhưng chỉ tập trung vào những mẫu thử nghiệm chưa bán trên thị trường cho một số dự án.

Khó khăn lớn nhất là làm sao thuyết phục người nông dân tin dùng vì họ chưa chứng kiến hiệu quả thực tế, theo chia sẻ của cựu giám đốc điều hành AgriDrone Việt Nam. Trong thời gian đầu, nhóm mang drone đi thuyết phục người nông dân đều bị họ từ chối và thậm chí bị cho là “khùng”, theo lời kể của vị cựu giám đốc điều hành. Dựa trên cách làm truyền thống, người nông dân toàn “tắm cho cây”, phun 250 – 400 lít nước trên một héc ta. Trong khi đó, nhóm khẳng định drone giúp nhà nông chỉ cần phun 10 – 25 lít nước, tương ứng giảm tới gần 95% tiền thuốc. Nhưng kết quả ấn tượng đến thế của “chim sắt” lại khiến nhiều nông dân nghi ngờ.

Tuy nhiên, AgriDrone không nản chí. Họ cần mẫn chứng minh hiệu quả thực tế để thay đổi suy nghĩ của người nông dân. Họ hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật dùng drone cho những tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Bayer Việt Nam và đạt hiệu quả thấy rõ trên những cánh đồng đối tác, từ đó, lan tỏa niềm tin sang các nhà nông. Điều này giúp cho công ty thêm tin tưởng drone là xu hướng của tương lai và chắc chắn sẽ được ứng dụng nhiều trong những năm tới.

Theo Công ty tư vấn chiến lược và nghiên cứu thị trường BlueWeave Consulting, ước tính quy mô thị trường drone và robot nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 4,76%, đạt 363,7 triệu đô la Mỹ vào năm 2030.

Nhờ vậy, AgriDrone mạnh dạn tiếp tục đi gặp bà con chia sẻ cách dùng drone cho nông nghiệp. Nhóm tập trung vào “khách hàng tầm trung trở lên”, thuyết phục các nhà nông cho thử nghiệm và cam kết rằng nếu năng suất thấp thì công ty sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Trước cam kết đó, một nông dân tại tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn đồng ý cho nhóm thử nghiệm trên diện tích 1-2 héc ta để so sánh với diện tích còn lại không dùng drone. Khi chứng kiến vài vụ thành công, bà con nông dân dần dần tin tưởng và tăng diện tích ứng dụng drone.

Nông dân Lê Bảo Xuyên ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, là một trong những người tiên phong mua drone từ AgriDrone Việt Nam (trước kia là Agars Việt Nam) để thử nghiệm cho cánh đồng 16 héc ta của mình cách đây sáu năm. “Drone phun nhanh hơn, hiệu quả cao so với phương pháp phun truyền thống,” anh Xuyên cho biết. Đặc biệt, theo anh, dùng drone phun lúc nào cũng được dù là ngày hay đêm nên anh chủ động được thời gian và ngăn ngừa dịch bệnh kịp thời. Ngoài ra, anh chia sẻ, áp dụng drone trong canh tác cho năng suất lúa trung bình tăng từ 6–8 tấn trên một héc ta.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu, drone được trang bị nhiều tính năng thông minh, hỗ trợ đắc lực cho người nông dân. “Chim sắt” này có công suất gấp 30 – 50 lần so với sức người phun. Drone sử dụng công nghệ sương mù đậm đặc nên giảm được lượng nước 20 lần so với phun truyền thống. Ngoài ra, drone còn giúp phun đúng, đủ, tiết kiệm phân, thuốc, nước cũng như giải quyết bài toán về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng cũng như ô nhiễm nguồn nước và đất. Ước tính, drone giúp tiết kiệm chi phí canh tác, trung bình 2,2–2,5 triệu đồng/héc ta, tương ứng 15% tổng chi phí.

Thấy được lợi ích, càng ngày số lượng nông dân sử dụng drone tăng dần. Tuy vậy, thị trường cung cấp drone cho nông dân cũng xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp và cạnh tranh hơn. Để duy trì thị phần, AgriDrone Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các trung tâm khuyến nông ở các tỉnh để tập huấn kỹ thuật vận hành, sử dụng drone cho người nông dân. Công ty còn liên kết với nông dân sử dụng drone theo hình thức chia lợi nhuận sau mỗi vụ thay vì nông dân phải đầu tư 250-500 triệu để mua một drone. AgriDrone Việt Nam xác định “chim sắt” là công cụ hỗ trợ người nông dân nâng cao giá trị nông sản với đích đến là xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp phục vụ cho người nông dân trong cả chuỗi cung ứng tối ưu cho tất cả bên.

 Drone chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh ứng dụng công nghệ trong canh tác ở Việt Nam. Theo ước tính của BlueWeave Consulting, quy mô thị trường canh tác thông minh Việt Nam đạt hơn 174 triệu đô la Mỹ vào năm 2022. Trong giai đoạn dự báo từ năm 2023 đến 2029, thị trường này dự kiến tăng trưởng kép hằng năm (CARG) với tốc độ xấp xỉ 12,4%, đạt giá trị gần 390 triệu đô la Mỹ vào năm 2029.

Một doanh nghiệp khác cũng đang tích cực cung cấp giải pháp công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là Công ty cổ phần Tương lai NextX. Xuất phát từ mong muốn hỗ trợ người bạn trồng dưa lưới, ông Trần Quang Cường, giám đốc Công ty Tương lai NextX đã mở hướng sang nông nghiệp sau một năm thành lập công ty phát triển phần mềm quản lý vào năm 2016. Với sản phẩm NextFarm, công ty đã cung cấp giải pháp IoT (Internet vạn vật) phân tích và điều tiết dinh dưỡng cho cây trồng là mảng chủ chốt của công ty. NextFarm đóng góp 50% tổng doanh thu cho NextX, giúp công ty đạt mức tăng trưởng 20–25% mỗi năm.

Công ty đã triển khai hệ thống tại 1.000 hợp tác xã trên khắp nước, gồm 60% ở miền Bắc. Theo tự bạch, Nextfarm có cả khách hàng nhỏ và lớn như Ajinomoto. Cụ thể, công ty phát triển hệ thống AI hỗ trợ nông dân, đối tác phân tích về giống, sản lượng, phân tích, cảnh báo, đưa giải pháp xử lý sâu bệnh, hỗ trợ bà con nông dân trồng khoai mì…

“Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp rất đa dạng. Doanh nghiệp có thể cung cấp nhiều giải pháp tổng thể hoặc riêng biệt, chuyên sâu trong chuỗi cung ứng. Nhìn chung, nông nghiệp còn nhiều bài toán cần công nghệ hỗ trợ giải quyết,” ông Cường chia sẻ thêm.

Với những giải pháp công nghệ đang được các doanh nghiệp Việt cung cấp, nhiều nông trại không phải nhập hệ thống như trước kia. Ông Nguyễn Khắc Minh Trí, đồng sáng lập kiêm CEO của MimosaTEK, cho biết so với hệ thống tưới nhập từ Israel và Hà Lan, sản phẩm của những doanh nghiệp Việt có thêm phần mềm hỗ trợ được địa phương hóa và nhiều tính năng thông minh hơn.

Chẳng hạn, hệ thống tưới của MimosaTEK có công cụ chatbot hỗ trợ người nông dân phân tích thời tiết, bức xạ mặt trời dựa trên dữ liệu thu thập được theo thời gian thực thông qua cảm biến để tự ra chương trình tưới phù hợp. Những giải pháp tự động hóa, IoT (Internet vạn vật) giúp giảm thiểu gần như 80% công lao động so với những phương pháp làm nông thủ công.

Giải pháp công nghệ còn giúp giải quyết bài toán thiếu lao động trong ngành nông nghiệp. Dữ liệu Tổng cục Thống kê cho thấy lao động ngành nông nghiệp trong năm 2024 là 13,7 triệu người, chiếm 26,5% và giảm 79,7 ngàn người so với năm 2023. Số lượng lao động trong ngành nông nghiệp ngày càng giảm là một trong những nguyên nhân thúc đẩy xu hướng công nghệ được ứng dụng trong nông nghiệp nhiều hơn.

Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp là xu thế tất yếu với nhiều lợi ích kinh tế rõ ràng. Ước tính, với những giải pháp công nghệ, tùy loại cây, năng suất tăng từ 7–25% và giúp giảm sử dụng tài nguyên trung bình 15–25%. Tuy nhiên, “giải pháp công nghệ thường rất đắt tiền” nên theo ông Trí, đây là rào cản lớn với nông dân trồng quy mô nhỏ lẻ.

Để giúp người nông dân vượt qua rào cản chi phí này, MimosaTEK còn cung cấp nhiều chương trình dùng trước trả sau. Ví dụ, người nông dân có thể đặt cọc cho công ty trước một phần và tiếp tục trả sau ba tháng thu hoạch. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm công ty có thêm khoảng 200 nông trại mới sử dụng giải pháp công nghệ. Tính đến thời điểm hiện tại, khách hàng của công ty tăng đến 800 nông trại với 80% tệp khách hàng ở tỉnh Lâm Đồng.

Hiện tại các công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho ngành nông nghiệp ngày càng nhiều và đa dạng quy mô giúp cho khả năng tiếp cận công nghệ của người nông dân ngày càng tăng. Điều này cũng góp phần đưa “Việt Nam vươn lên dẫn đầu Đông Nam Á trong việc phát triển nông nghiệp thông minh” theo nhận xét của ông Trí.

Tuy nhiên, thị trường cung ứng giải pháp công nghệ cho nông nghiệp khá phân mảnh dù được đánh giá có tiềm năng lớn. Tùy thế mạnh công nghệ mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ ưu tiên thực hiện các giải pháp trọn gói, hệ thống hay chỉ là một mắt xích trong toàn hệ thống. Nhiều “ông lớn” của Việt Nam như FPT, MobiFone, VNPT… đã tham gia thị trường nhiều năm với các gói dịch vụ đa dạng. Chẳng hạn như hệ thống quản lý thông tin ngành nông nghiệp (AIMS) của VNPT đã được sáu tỉnh sử dụng chính thức và 30 tỉnh có thử nghiệm, mang về cho tập đoàn hơn 36 tỉ đồng tính từ tháng 6.2023. Ngoài ra, nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số quốc gia VNPT GREEN của tập đoàn đã bước đầu được triển khai thí điểm tại 10 tỉnh/thành phố. Tổng quy mô vùng sản xuất được quản lý và kết nối thông qua các nền tảng công nghệ đạt trên 10.000 héc ta, bao gồm các vùng trồng và nuôi trồng lớn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện chỉ có khoảng 290 doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tức là chiếm chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp; khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 70% đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có gần 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội cho startup khai thác. Ông Trần Quang Cường nhìn nhận đây là thời điểm có lợi cho những doanh nghiệp vì thị trường còn nhiều thứ để làm. Một khi quyết tâm chọn ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, cả doanh nghiệp lẫn nông dân có thể tìm được tiếng nói chung, cùng làm, cùng gặt hái nhiều quả ngọt.

Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số 139, chuyên đề Bước ngoặt chuyển đổi, phát hành tháng 3.2025

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cat-canhcung-nong-nghiep-viet)