Tiêu điểm

Càng ở nước nghèo càng bị tác động của biến đổi khí hậu

1 năm trước
Tác giả Robert Hart

Share
this:

Theo nghiên cứu từ Nature Communications, gần 1/4 dân số thế giới hằng năm phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt.

Theo nghiên cứu được Nature Communications công bố hôm 28.6, gần 1/4 dân số toàn cầu sống trong các khu vực có nguy cơ lũ lụt cao và gần như toàn bộ đều ở những nước thu nhập trung bình thấp. Nghiên cứu này nhấn mạnh về sự mất cân bằng từ tác động của biến đổi khí hậu lên phần nghèo nhất của thế giới.

Nghiên cứu đưa ra, 1/4 dân số thế giới hứng chịu những đợt ngập lụt. Ảnh: Afp Via Getty Images

Theo đó, ước tính 1,81 tỉ người trên toàn thế giới có nguy cơ ngập úng từ lũ lụt 100 năm mới có một lần, thuật ngữ về sự kiện lũ lụt với xác xuất 1% xảy ra mỗi năm, theo nghiên cứu đã qua bình duyệt từ các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Các nhà nghiên cứu cho biết, phần lớn dân số 1,24 tỉ người sinh sống tại hai khu vực Đông Á và Nam Á, với Ấn Độ và Trung Quốc sẽ chịu hơn 30% thiệt hại do lũ lụt trên toàn thế giới.

Một phân tích về dữ liệu kinh tế cho thấy nguy cơ lũ lụt tỷ lệ thuận với nghèo khó và dễ bị tổn thương, với gần 9 trên mỗi 10 người có nguy cơ ngập lụt sống tại các quốc gia thu nhập trung bình thấp và 780 triệu người có mức sống dưới 5,50 USD/ngày, các nhà nghiên cứu cho biết.

Mặc dù phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt, song những nước thu nhập trung bình thấp ít có khả năng được hưởng lợi ích từ giải pháp chống ngập, các biện pháp quản lý rủi ro và hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau lũ lụt, các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Kể cả những nơi có các biện pháp phòng chống lũ diện rộng, với những nhà nghiên cứu lấy hệ thống đê chắn lũ của Việt Nam làm ví dụ, cũng gần như không thể ứng phó thêm hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn và sẽ phải hứng chịu trận lũ lụt 100 năm mới có một lần.

Theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu và rủi ro từ tốc độ đô thị hóa có khả năng làm gia tăng thêm nguy cơ lũ lụt, nhấn mạnh về việc đầu tư quy mô lớn vào các biện pháp chống ngập và đưa ra thêm chính sách ổn định đời sống tại những vùng có nguy cơ ngập lụt cao.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, hoạt động kinh tế tại khu vực có nguy cơ ngập lụt cao có giá trị 9.800 tỉ USD, chiếm 12% GDP toàn cầu.

Đây là một trong nhiều nghiên cứu nhấn mạnh về sự mất cân bằng từ tác động của biến đổi khí hậu lên phần nghèo nhất của thế giới, sau những đợt lũ quét tại Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Các chuyên gia đưa ra cảnh báo về việc gia tăng những hiện tượng thời tiết cực đoạn hiếm gặp hơn nữa ở cả tần suất lẫn mức độ nghiêm trọng đến hết thế kỷ 21, hệ quả từ biến đổi khí hậu do tác động của con người, bao gồm bão, cháy rừng, hạn hán, ngập lụt và sóng nhiệt.

Sau Trung Quốc và Ấn Độ, các quốc gia với phần đông dân số sinh sống tại những khu vực có nguy cơ lũ lụt cao là Bangladesh (94 triệu dân), Indonesia (76 triệu dân), Pakistan (72 triệu dân), Việt Nam (46 triệu dân), Mỹ (43 triệu dân), Nigeria (39 triệu dân), Ai Cập (39 triệu dân) và Nhật Bản (36 triệu dân).

Nhưng khi xét theo tỷ lệ dân số, Hà Lan và Bangladesh là hai quốc gia thiệt hại nặng nề nhất, lần lượt 59% và 58%. Xếp sau là Việt Nam (46%), Ai Cập (41%), Myanmar (40%), Lào (40%), Campuchia (38%), Guyana (38%), Suriname (38%) và Iraq (37%).

Biên dịch: Minh Tuấn