Built Robotics vừa giới thiệu robot đóng cọc tự động giúp xây dựng trang trại điện mặt trời quy mô lớn một cách nhanh, an toàn, cũng như tiết kiệm chi phí hơn, đồng thời thực hiện được những dự án điện mặt trời ở những vùng xa xôi nhất.
Robot đóng cọc tự động RPD 35, hoặc Robotic Pile Driver 35, có thể khảo sát địa điểm, xác định sự phân bố của cọc, đóng cọc và kiểm tra chúng với tốc độ lên tới 300 cọc mỗi ngày với một nhóm hai người. Thông thường nếu thực hiện theo phương thức truyền thống thì công nhân có thể đóng xong khoảng 100 cọc mỗi ngày.
Ngày 20.3, RPD 35 được ra mắt tại CONEXPO-CON/AGG ở Las Vegas, triển lãm thương mại xây dựng lớn nhất ở Bắc Mỹ và ba năm tổ chức một lần.
Nằm trong đạo luật Giảm lạm phát năm 2022, khoản về “Xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch” đưa ra mục tiêu lắp đặt 950 triệu tấm pin mặt trời vào năm 2030. Do trang trại điện mặt trời cần hàng chục ngàn cọc dài từ 3,6m đến 4,9m được chôn sâu 2,4m với độ dung sai dưới 2,54cm nên cọc giữ vai trò quan trọng để đáp ứng mục tiêu đó.
Tyler Parker là giám đốc công nghệ và công cụ xây dựng cho Black & Veatch, nhà thầu xây dựng trị giá 4,3 tỉ USD có trụ sở tại thành phố Kansas đã lắp đặt nhiều hệ thống điện mặt trời có công suất tổng cộng hơn 3,5 triệu kilowatt vào năm 2021.
Công ty đã hợp tác với Built Robotics lắp đặt một vài trong số hệ thống đó. “Tự động hóa trở thành một phần rất quan trọng giúp chúng ta đạt được những mục tiêu phát triển nguồn năng lượng sạch,” ông nói.
“Tự động hóa trong xây dựng trang trại điện mặt trời — ví dụ như đóng cọc — giúp giải phóng sức lao động, thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cũng như tăng độ chính xác trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. Đóng cọc là một nhiệm vụ không những khó mà còn nguy hiểm. Một trang trại điện mặt trời cần lắp hàng chục hoặc hàng trăm ngàn cọc. Tự động hóa giúp chúng tôi xây nhanh, an toàn cũng như chính xác hơn.”
Noah Ready-Campbell, nhà sáng lập kiêm CEO của Built Robotics, cho biết: “RPD 35 là sản phẩm thương mại hoàn chỉnh thứ hai, sau robot đào rãnh. Giống như nhiều công ty tự động hóa và robot, chúng tôi mất vài năm đầu tiên để tạo mẫu. RPD 35 xây dựng trên nền tảng tự động Exosystem, đây thực sự là ‘bộ não của hệ thống.’ Chúng tôi sử dụng Exosystem cùng với một số thành phần khác để biến máy đào thành robot đóng cọc.”
Built Robotics đưa ra quyết định chiến lược tập trung vào ngành năng lượng mặt trời thay vì tập trung vào nhiều ngành dọc. Ready-Campbell giải thích. “Nhu cầu về năng lượng mặt trời hiện đang rất cao. Chúng tôi đang ưu tiên phát triển sản phẩm cho ngành này sau khi tạo ra robot đào rãnh. Trong năm hoặc mười năm tới, chúng tôi nghĩ mức độ tăng trưởng của những sản phẩm này sẽ cao. RPD 35 không chỉ là câu chuyện về sự thành công đạt được trong lĩnh vực tự động hóa mà còn là câu chuyện về điện khí hóa và năng lượng tái tạo.”
Ngành xây dựng đang thiếu hụt trầm trọng lao động, với mức ước tính ngành cần 300.000 đến 400.000 lao động mỗi tháng, theo báo cáo thị trường lao động ngành xây dựng năm 2022 của Homebuilders Institute. Công nhân ngày càng lớn tuổi nên không thể tiếp tục làm việc trong khi đó ngành khó tuyển người mới vì vậy không có đủ nhân công.
Chính vì vậy, dự án bị trì trệ và chi phí leo thang, mà còn gây thêm căng thẳng cho công nhân hiện tại có thể dẫn đến làm việc quá sức, mệt mỏi, chấn thương tại nơi làm việc, buộc những công nhân đó phải rời khỏi công trường. Tình trạng thiếu hụt này, cùng với mức tác động đi kèm, càng trở nên trầm trọng hơn ở những vùng xa xôi như trang trại điện mặt trời, gây cản trở khả năng đạt mục tiêu trong đạo luật Giảm lạm phát.
Bên cạnh giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân sự, tự động hóa trong ngành xây dựng được nhiều người xem như một cách để giữ an toàn cho người lao động đồng thời tăng năng suất. Tự động hóa và công nghệ cũng có thể được sử dụng như một công cụ tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ ở địa phương tham gia vào ngành vốn được xem rất thâm dụng lao động cũng như là một lựa chọn nghề nghiệp đầy thách thức. Trên thực tế, trong cuộc khảo sát của hiệp hội Nhà thầu xây dựng quốc gia, 63% những người trẻ từ 18 đến 25 tuổi chưa chọn ngành nghề cho biết họ không muốn làm việc trong ngành xây dựng.
Mặc dù robot xây dựng lần đầu tiên xuất hiện trên công trường vào những năm 1960 và 1970, nhưng việc sử dụng và ứng dụng robot chỉ được mở rộng trong thời gian gần đây. Advanced Construction Robotics tạo ra TyBOT buộc thanh cốt thép và IronBOT mang, đặt cốt thép. Exosystem của Built Robotics giúp máy đào cho phép chúng tự hoạt động.
Gần đây công ty đã mua lại Roin Technologies, nổi tiếng về robot bê tông. Thậm chí cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia phát triển nhiều công nghệ tự động để xây dựng các cấu trúc trên mặt trăng.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
6 tháng trước
Xu hướng và định hướng phát triển công nghệ robot2 năm trước
1 năm trước