Với việc thành lập AirAsia Cambodia, AirAsia và đối tác Sivilai Asia đặt mục tiêu vận chuyển ít nhất 1 triệu khách du lịch quốc tế đến Cambodia trong năm đầu hoạt động
Ngày 9.12, AirAsia Aviation Group trực thuộc Capital A của hai tỉ phú Malaysia Tony Fernandes và Kamarudin Meranun đã đạt thỏa thuận liên doanh với công ty Sivilai Asia có trụ sở tại Phnom Penh, Cambodia để thành lập hãng bay mới AirAsia Cambodia, khi hãng hàng không giá rẻ này đang tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới trong bối cảnh hoạt động đi lại tại khu vực Đông Nam Á dần phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Ông Fernandes cho biết, AirAsia Cambodia sẽ bắt đầu vận hành thương mại vào nửa cuối năm 2023 sau khi hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động, ban đầu khai thác bốn máy bay thân hẹp Airbus A321. Doanh nhân người bản địa Vissoth Nam sẽ điều hành hãng hàng không này trong vai trò giám đốc điều hành (CEO).
“Tăng cường tính liên kết bên cạnh đưa ra mức giá tốt nhất chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng đường hàng không,” Vissoth Nam, CEO của Sivilai Asia, nhà sáng lập Bar Menaka đặt tại Phnom Penh và nhà hàng lẩu Angkor Meas ở Siem Reap, cho biết trong thông cáo báo chí.
Việc AirAsia thành lập hãng hàng không thứ năm của công ty này tại Cambodia diễn ra trong bối cảnh nhu cầu đi lại phục hồi trên toàn khu vực Đông Nam Á. Trong quý 3.2022, hệ số sử dụng ghế (load factor) bình quân đạt 86%, với AirAsia X (AAX), công ty con chuyên về tuyến bay đường dài ghi nhận hoạt động kinh doanh tăng trưởng trở lại.
Tại lễ ký kết thỏa thuận với sự tham dự từ bộ trưởng Ban Thư ký Tiểu bang về Hàng không Dân dụng Mao Havannal và Serey Chea – Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cambodia, ông Fernandes cho biết “Chúng tôi vô cùng hào hứng về việc công ty trở lại lộ trình tăng trưởng từ Cambodia, quốc gia có tiềm năng phát triển rất lớn.”
AirAsia Cambodia đặt mục tiêu vận chuyển khách du lịch từ Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đến Cambodia, nổi tiếng với di tích đền Angkor Wat cổ kính tại Siem Reap. “Chúng tôi tự tin sẽ tạo ra lợi nhuận trong năm đầu đi vào hoạt động,” Tony Fernandes cho biết trong thông cáo. Ông chia sẻ thêm công ty muốn vận chuyển ít nhất 1 triệu hành khách đến Cambodia trong năm đầu tiên khai thác thương mại.
Vào năm 2001, Tony Fernandes và Kamarudin Meranun mua lại AirAsia, vận hành với 2 chuyên cơ đầu tiên. Đến nay, AirAsia đã phát triển đội bay lên hơn 200 chuyên cơ, vận chuyển hơn 80 triệu hành khách ở khắp Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan và Philippines vào năm 2019 trước khi đại dịch COVID-19 để lại ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu và khiến các hãng bay phải tạm ngừng hoạt động.
Năm 2020, AirAsia Japan đệ đơn phá sản, còn Capital A thoái vốn trong liên doanh AirAsia India với tập đoàn Tata Sons.
Khi phần lớn hoạt động đi lại tại các nước châu Á phục hồi, AirAsia kỳ vọng sẽ khôi phục hoàn toàn hoạt động cho đội bay trong quý 1.2023 từ khoảng 130 chuyên cơ hiện nay. “Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tạo động lực tăng trưởng rất lớn,” Tony Fernandes cho biết.
Xem thêm: Hãng hàng không giá rẻ AirAsia X ghi nhận lợi nhuận tăng trở lại
1 năm trước
Bay lên nền tảng số