Thị Trường

60% hàng bán của Uniqlo Việt Nam được sản xuất tại các nhà máy trong nước

1 tuần trước
Tác giả Minh Tâm

60% hàng bán ở 26 cửa hàng vật lý, 1 cửa hàng trực tuyến của Uniqlo Việt Nam được sản xuất bởi các nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của thương hiệu này tại Việt Nam.

Share
this:

Tỉ lệ này đã tăng 10 điểm phần trăm so với năm ngoái, thông tin được ông Nishida Hideki, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, chia sẻ ngày 26.11.

Ông Nishida Hideki đánh giá, việc có chuỗi cung ứng tại Việt Nam đã giúp thương hiệu này giảm thiểu thời gian mang sản phẩm đến cho khách hàng, có thể cập nhật nhanh chóng những ý kiến của khách hàng khi cải tiến sản phẩm. Bên cạnh đó giúp giảm tác động đến môi trường khi sản xuất và tiêu thụ gần nhau cũng như đảm bảo nguồn cung ổn định.

Ông
Ông Nishida Hideki, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam.

Tổng giám đốc Uniqlo cũng từng chia sẻ, với 80 nhà máy đối tác, Việt Nam là một trong những nhà sản xuất chủ chốt ở châu Á, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của thương hiệu Nhật Bản này. Nhiều sản phẩm cốt lõi, đòi hỏi quy trình tiên tiến đều được làm ra tại các nhà máy Việt Nam, như trang phục giữ nhiệt bằng công nghệ độc quyền hay các sản phẩm áo thun làm bằng chất liệu tái chế từ chai nhựa PET.

Trước khi chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2019, thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản đã được gia công ở các nhà máy Việt Nam nhiều năm. Ở thời điểm khai trương cửa hàng đầu tiên mở trên đường Đồng Khởi (quận 1, TPHCM), ông Tadashi Yanai, Chủ tịch Tập đoàn Fast Retailing, công ty sở hữu thương hiệu Uniqlo cho biết, tập đoàn này đã sản xuất và xuất khẩu số lượng hàng trị giá 3 tỉ đô la Mỹ từ Việt Nam đi toàn thế giới, trong đó các sản phẩm Uniqlo ngày càng tăng.

Theo thông tin công bố của Fast Retailing, tính đến đầu tháng 9, trong số 397 nhà máy may đối tác của Fast Retailing thì 211 nhà máy được đặt ở Trung Quốc, 61 nhà máy ở Việt Nam và 26 nhà máy ở Bangladesh. Công ty cũng hợp tác với 155 nhà máy vải trên toàn thế giới, trong đó 75 nhà máy ở Trung Quốc.

Theo ước tính của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỉ đô la Mỹ như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023. Các thị trường chủ chốt của dệt may Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ (hơn 16 tỉ đô la Mỹ, tỉ trọng hơn 37% tổng kim ngạch xuất khẩu); Nhật Bản (ước đạt gần 4,6 tỉ đô la Mỹ, tỉ trọng gần 10%); châu Âu (ước đạt 4,3 tỉ đô la Mỹ, tỉ trọng hơn 9%).

Sau 5 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Uniqlo đã có 26 cửa hàng ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương. Gần nhất, Uniqlo khai trương cửa hàng tại quận 8, TPHCM và công bố kế hoạch mở điểm bán mới tại Biên Hòa (Đồng Nai) vào cuối năm và cửa hàng ở Huế trong năm 2025. Số lượng cửa hàng hiện có của Uniqlo hiện vượt khá xa so với nhiều thương hiệu thời trang quốc tế khác tại Việt Nam, như H&M (14 cửa hàng); Zara (3 cửa hàng)…

Thương hiệu này hiện có 1.000 nhân sự, trong đó, 74% cửa hàng trưởng là người Việt, 45% lãnh đạo là nữ. Chuỗi này cũng sử dụng nhân sự là người khuyết tật làm việc tại các cửa hàng và đặt mục tiêu mỗi điểm bán sẽ có một nhân sự là người khuyết tật để tạo ra nơi làm việc hòa nhập, cơ hội phát triển cho mọi người.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/60-hang-ban-cua-uniqlo-viet-nam-duoc-san-xuat-tai-cac-nha-may-trong-nuoc)