Thị Trường

Xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm tăng 13% bất chấp đại dịch

2 năm trước
Tác giả Linh Chi

Dù ảnh hưởng bởi việc áp dụng Chỉ thị 16 tại TPHCM và 19 tỉnh thành phía Nam, lũy kế 7 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố

Share
this:

Trong bảy tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 4,977 tỉ USD, tăng 13%. Riêng tháng 7 đạt 853 triệu USD, chỉ tăng nhẹ 0,6% so với tháng trước. Nếu tiếp tục đà tăng trưởng này, mục tiêu xuất khẩu 9 tỉ USD trong năm 2021 của ngành thủy sản Việt Nam được đánh giá là khả thi.

Dù vậy, thống kê theo từng mặt hàng từ Tổng cục Thuỷ sản cho thấy một số mặt hàng chủ lực giảm, ví dụ tôm, cá tra và cá ngừ đều giảm 4-5% trong riêng tháng 7. Cụ thể, tôm là mặt hàng chiếm khoảng 43% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong tháng 7 đã giảm 4%, đạt 374 triệu USD.

Tương tự, mặt hàng cá tra và cá ngừ giảm khoảng 5%, đạt 178 triệu USD. Tuy vậy đà giảm của tháng 7 chưa ảnh hưởng đáng kể đến tổng kim ngạch bảy tháng nhờ mức tăng trưởng cao của ba mặt hàng chủ lực này đều từ 10-17%.

Bốn thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam chiếm gần 60% thị phần toàn ngành là Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Kim ngạch nhập khẩu thủy sản bảy tháng cũng ghi nhận tăng 19% so với cùng kỳ với ba thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Ấn Độ, Na Uy và Trung Quốc.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại khu vực trọng điểm sản xuất, chế biến và xuất khẩu thuỷ thủy sản là TP.HCM và ĐBSCL vào đúng giai đoạn cao điểm xuất khẩu đã gây ảnh hưởng nặng tới tổng xuất khẩu toàn ngành.

Theo VASEP, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản khu vực phía Nam tiếp tục được hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ, dự tính công suất chung của cả khu vực giảm còn 30-40%. Ngành thủy sản còn đối diện nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất để xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều loại chi phí phát sinh khi thực hiện sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, cũng như chi phí logistics tăng mạnh trong giai đoạn giãn cách.