Việt Tiên, doanh nghiệp 18 năm tuổi có đội ngũ
hơn 1.000 kỹ thuật viên, chế tác khoảng một triệu chiếc răng sứ
cung cấp cho hàng ngàn phòng nha trên toàn cầu.
Lần gần nhất bạn đi khám sức khỏe răng miệng là khi nào? Theo hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, khoảng 90% dân số Việt Nam bị các bệnh răng miệng và thường chỉ đi khám khi xuất hiện các triệu chứng đau, nhức, sưng tấy. Nhưng Việt Nam lại nằm trong số các quốc gia ghi tên trên bản đồ ngành nha toàn cầu do tham gia vào chuỗi sản xuất, gia công cung ứng các sản phẩm mão răng, cầu răng, răng giả… cho phòng mạch tại nhiều quốc gia phát triển.
“Sản xuất răng sứ xứng đáng được công nhận là một ngành mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước chứ không chỉ là một nghề,” ông Nguyễn Xuân Việt, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Việt Tiên Lab Group nói với Forbes Việt Nam.
Việt Tiên là công ty quy mô hàng đầu ở thị trường nội địa trong lĩnh vực sản xuất răng sứ (labo), ngành kinh doanh Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh ở tầm quốc tế nhờ đôi tay khéo léo của kỹ thuật viên chế tác cùng công nghệ tân tiến.
Công ty nghiên cứu thị trường Market and Markets ước tính quy mô thị trường labo thế giới đạt hơn 46 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027, tăng 31% so với năm 2022. Các thông tin chuyên ngành cho biết tại Mỹ, khoảng 70% sản phẩm cung cấp cho thị trường phục hình ngành nha được gia công tại Trung Quốc, 25% ở Mexico và phần còn lại từ Việt Nam cùng một số nước khác.
Những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này có thể kể đến như Glidewell Dental, National Dentex và Modern Dental. Họ đều tự mở labo, đồng thời đặt hàng gia công với hàng loạt đơn vị trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sản phẩm phục hình ngành nha mang tính cá nhân hóa cao. Một người trưởng thành có 32 chiếc răng. Mỗi chiếc đều là duy nhất khi có đặc điểm cấu tạo riêng. Người ngoài ngành thường nhìn vào thương hiệu đối tác đặt hàng gia công để đánh giá vị thế một labo nội địa. Nhưng ông Việt nói rằng quan điểm đó “không hẳn đúng”.
Bởi vì chế tác răng sứ như ngành may đo theo nhu cầu, nghĩa là không cần phải quá sáng tạo mà chỉ cần chế tác đúng khuôn mẫu (dấu răng, hình dáng răng), đúng chỉ định của nha sĩ về loại sản phẩm. Có ba yếu tố hàng đầu để đánh giá vị thế của một labo trong ngành sản xuất răng sứ, là đơn vị sứ đưa ra thị trường mỗi năm, số lượng kỹ thuật viên và máy móc, công nghệ.
“Nằm trong tốp 20 thế giới thì số lượng sứ labo đưa ra thị trường mỗi năm phải trên 700 ngàn đơn vị. Dĩ nhiên, Việt Tiên đã vượt qua con số này. Còn ở nội địa, chúng tôi đang bỏ xa labo đứng vị trí thứ hai,” ông Việt cho biết.
Theo số liệu tự bạch của Việt Tiên, tính đến cuối năm 2021, đơn vị này có khoảng 1.000 kỹ thuật viên trong và ngoài nước, cung cấp một triệu đơn vị răng (bao gồm răng toàn sứ và răng hợp kim) cho cả phòng nha, labo tại nội địa và nước ngoài. Trong đó, một nửa đơn vị răng sứ gia công phục vụ cho mục đích xuất khẩu với các thị trường chính là Mỹ, Úc và Singapore.
Từ hơn hai thập niên trước, nghề sản xuất gia công răng sứ tại Việt Nam dần thành hình với sự tham gia của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nổi bật trong đó có Việt Tiên, Triển Hân (Đài Loan), Việt Quốc (Nhật Bản), Detec Dental Lab, Xdent Dental Lab.
Theo website của Detec Dental Lab, họ có khoảng 100 kỹ thuật viên, cung cấp 200.000 đơn vị răng/năm. Ngoài chế tác răng sứ, Detec còn mở các lớp đào tạo kỹ thuật viên do thị trường thiếu nhân sự. Trong khi đó, Xdent Dental Lab thuộc Việt Nha Group có hơn 100 kỹ thuật viên.
Ngoài các labo gia công (theo mô hình B2B), còn có các phòng nha lập labo nội bộ nhằm tự chủ về sản phẩm như chuỗi nha khoa Kim với trung tâm chế tác tại Bình Dương hay Starlight Dental lập labo do kỹ thuật viên người Pháp phụ trách.
Ông Nguyễn Đức Minh, giám đốc bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM đánh giá, ngoài yếu tố con người, ngành nha Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực nhờ các công ty chịu đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Ví dụ, với máy scan lấy dấu 3D, phòng nha có thể có được một mão răng trong sáu tiếng thay vì mất từ ba đến bốn ngày theo cách truyền thống. Công nghệ này cũng được Việt Tiên hợp tác với bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM trong việc cung ứng sản phẩm phục hình nha khoa.
Vị này nhận xét Việt Tiên là một labo tiềm năng, sẵn sàng đầu tư công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới như lấy dấu kỹ thuật số, CAD/CAM, công nghệ in 3D kim loại. “Ở góc độ đơn vị tiếp nhận sản phẩm đặt gia công, Việt Tiên đáp ứng đầy đủ về mặt kỹ thuật, là đạt độ chính xác, thẩm mỹ và đúng thời gian,” ông Minh đánh giá sau gần 20 năm hợp tác.
Nhà sáng lập Việt Tiên sinh ra trong một gia đình nghèo có bảy anh chị em ở Ninh Thuận. Theo học ngành quản trị kinh doanh, nhìn thấy cơ hội từ thị trường, năm 1995 ông Việt lập công ty nhập linh kiện máy tính về lắp ráp rồi cung cấp cho khách nội địa trước khi bị phá sản vài năm sau đó. “Không đồng xu dính túi, bị chủ nhà đuổi, tôi sống vạ vật trong công viên Tao Đàn,” ông Việt nhớ lại thử thách “gặp sự cố trong làm ăn vì quá non trẻ trên trường đời” ở tuổi 24.
Vốn tiếng Anh sẵn có tạo ra sự may mắn khi ông Việt tình cờ gặp một doanh nhân người Nhật, người sau này trở thành ba nuôi, dẫn dắt ông kinh doanh. Cơ duyên bước chân vào lĩnh vực sản xuất răng sứ của ông xuất hiện sau lời đề nghị góp vốn vào một labo bị từ chối. Mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực mới, nhà sáng lập Việt Tiên đánh cược vào niềm tin: “Nếu muốn có những thứ mà mình chưa từng có thì phải làm những việc mình chưa từng làm.”
Ba tháng đầu tiên Việt Tiên không có đơn hàng khi lép vế hoàn toàn so với labo nước ngoài đang dẫn đầu thị trường khi ấy. Số vốn khởi nghiệp gần 400 triệu đồng dần cạn kiệt. Tiền lương cho năm kỹ thuật viên được xoay xở từ tiền vay nóng, bán xe máy, điện thoại của nhà sáng lập, người vừa làm giám đốc kiêm bán hàng, tiếp tân.
“Tôi phải mua điện thoại bàn không dây, cột chính giữa xe. Nếu điện thoại reng, tôi cua vào hẻm cho yên tĩnh và nhấc điện thoại lên tư vấn sao cho khách hàng nghe mà tưởng như mình đang tư vấn tại labo,” ông Việt nhớ về giai đoạn khó khăn đầu tiên khi sản phẩm làm ra không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Từ sự giúp đỡ của bạn bè, công ty non trẻ ngấp nghé phá sản dần qua sóng gió nhờ đơn hàng trong nước. Trong bảy năm đầu tiên, Việt Tiên chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa. Khi tìm đường xuất khẩu, các lô hàng gia công cho đối tác ở Mỹ và Singapore của Việt Tiên đều bị trả về do không có kỹ thuật viên am hiểu các đặc tính sản phẩm cho người nước ngoài.
Ông Việt thể hiện tầm nhìn của một người được đào tạo về quản trị kinh doanh khi mời William Schrader, chuyên gia kỹ thuật ngành nha, từng là quản lý chất lượng, giám đốc điều hành một số labo về đầu quân. William mất hai năm xây dựng quy trình, lập bộ phận quản lý chất lượng, đào tạo kỹ thuật cho đội ngũ người Việt với vị trí phó chủ tịch kiêm giám đốc kỹ thuật cho Lavina (thương hiệu thuộc hệ thống Việt Tiên).
Sau khi tách bộ phận sản xuất cho nội địa và quốc tế, đạt chứng nhận FDA từ năm 2012, labo này bắt đầu đẩy mạnh gia công cho các đối tác nước ngoài. Ngoài việc chiêu mộ đội ngũ kỹ thuật có tay nghề với phương châm “trả lương cao hơn và có cách đối xử trân trọng họ hơn”, Việt Tiên tìm đến những công ty có vị thế hàng đầu trên thế giới như Glidewell Dental để học hỏi công nghệ.
Cùng đội ngũ kỹ thuật nòng cốt người Việt gắn bó từ ngày đầu, công ty tuyển dụng những kỹ thuật viên đến từ Đức, Philippines, Mỹ về đào tạo cho nhân sự người Việt. Chính sách này được duy trì xuyên suốt trong 10 năm qua. “Ngành labo cả thế giới làm với nhau dựa trên sự tin tưởng, kể cả giao hàng cũng không ký tá. Nguyên vật liệu, quy trình sản xuất giữa các labo gần như đều giống nhau nên Việt Tiên tạo nên sự khác biệt từ việc tăng quy mô nhờ mở nhiều labo để phục vụ đa dạng khách hàng,” chủ tịch Việt Tiên nói với Forbes Việt Nam qua Zoom khi đang ở Úc.
Chuyến công tác lần này của ông nhằm chuẩn bị cho chiến lược mở labo tại Úc và Mỹ vì mục tiêu làm việc trực tiếp với các đối tác thay vì phải thông qua các bên trung gian.
Ở nội địa, các labo như Việt Tiên nhìn thấy khả năng đối mặt sự cạnh tranh gay gắt hơn từ đối thủ nước ngoài đang gia nhập thị trường. Một trong số đó là Modern Dental Group, công ty đã niêm yết tại Hong Kong với doanh thu năm ngoái đạt gần 3 tỉ đô la Hong Kong (khoảng 8.900 tỉ đồng).
Công ty có gần 90% doanh thu đến từ mão răng, cầu răng và răng giả này đã thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam từ hai năm trước. “Tất cả labo đều phải đối mặt vấn đề thiếu kỹ thuật viên và cơ sở hạ tầng,” ông Việt nói về thách thức chung. Vị này lấy ví dụ thời gian vận chuyển đơn hàng của FedEx từ Mỹ về Việt Nam gấp bốn lần đến Trung Quốc, khoảng bốn ngày.
Còn trong xưởng có thể chủ động hơn dù mỗi sản phẩm phục hình theo chỉ định của bác sĩ đều cần khoảng thời gian khác nhau để labo gia công hoàn thành. Với đơn xuất khẩu từ 50 sản phẩm trở xuống, hiện Việt Tiên cam kết thời gian sản xuất trong labo trung bình từ một đến một ngày rưỡi.
Đến năm 2025, khi cơ sở hạ tầng nội địa được cải thiện cùng hệ thống labo đang thiết lập ở Mỹ và Úc, ông Nguyễn Xuân Việt dự tính 80% lượng hàng Việt Tiên sản xuất sẽ dành cho kênh xuất khẩu.
Trở về sau chuyến công tác lần này, ông Việt cho biết cùng các bên liên quan lập một hiệp hội răng sứ, liên kết với các labo trong nước cùng khai thác cơ hội lớn từ một lĩnh vực mà theo ông là thú vị và sẽ phát triển bền vững. “Không biết 50 năm nữa, con người còn đi xe xăng hay không, nhưng chắc chắn khi ấy họ vẫn cần đến răng sứ,” ông nói.
Theo Forbes Việt Nam số 109, tháng 9.2022, chuyên đề “Ngành y tế sau đại dịch“”
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/viet-tien-lab-ghi-ten-nganh-cong-nghiep-rang-su-viet-nam-len-ban-do-the-gioi)
2 năm trước
CVS đánh bại Amazon để mua lại Signify Health2 tháng trước
1 năm trước