Zhejiang Huayou Cobalt của tỉ phú Trung Quốc Chen Xuehua sẽ đầu tư 300 triệu USD vào các dự án khai thác lithium tại Zimbabwe.
Zhejiang Huayou Cobalt, công ty khai thác khoáng sản niêm yết tại Thượng Hải của tỉ phú Chen Xuehua, sẽ đầu tư 300 triệu USD vào dự án mỏ lithium Arcadia nằm gần Harare, Zimbabwe, theo bản tin của Reuters trích dẫn từ tài liệu của công ty.
Prospect Lithium Zimbabwe, công ty sở hữu dự án Arcadia, sẽ sử dụng khoản đầu tư để nhanh chóng phát triển mỏ lithium và xây dựng nhà máy với khả năng xử lý 4,5 triệu tấn quặng sắt và công suất 400 tấn lithium mỗi năm.
Trong quá trình xây dựng, Prospect Lithium Zimbabwe sẽ tuyển thêm 600 lao động địa phương và nâng lên 900 người khi khởi động việc sản xuất. Theo kế hoạch, dự án Arcadia bắt đầu bàn giao lô đầu tiên vào năm 2023.
Prosper Chitambara, nhà nghiên cứu kinh tế học cấp cao của viện Nghiên Cứu về Lao động và Phát triển Kinh tế Zimbabwe (LEDRIZ) nhận định, việc đầu tư này là bước phát triển quan trọng cho Zimbabwe với các hiệu ứng số nhân đáng chú ý, bao gồm tạo công ăn việc làm, đóng góp vào doanh thu tài chính và thu về ngoại tệ thông qua xuất khẩu.
“Khoản đầu tư cũng có yếu tố công nghiệp hóa vững chắc, với kế hoạch được chuẩn bị cho nhà máy xử lý sẽ đảm bảo Zimbabwe tối đa hóa việc duy trì giá trị,” Chitambara cho biết.
Vào tháng 4.2022, Huayou Cobalt hoàn tất việc mua lại dự án Arcadia từ Prospect Resources niêm yết tại Úc và các cổ động thiểu số người Zambabwe với giá trị 422 triệu USD.
Kể từ tháng 10.2021, dự án Arcadia có 15,8 triệu tấn lithium được đo lường và trữ lượng 11,8 triệu tấn lithium đã được chứng minh.
Gần đây, các công ty khai thác mỏ của Trung Quốc đang tập trung vào mỏ lithium tại Zimbabwe, mang rất nhiều tiềm năng khi phần lớn trữ lượng lithium của quốc gia này vẫn chưa khai thác và được cho sở hữu trữ lượng lithium lớn nhất châu Phi.
Trong vòng bảy tháng qua, Shenzhen Chengxin Lithium Group và Sinomine Resource Group cũng đầu tư vào các mỏ lithium của Zimbabwe.
Nhu cầu dành cho hình thức vận chuyển thân thiện với môi trường tăng cao đang thúc đẩy doanh số của xe điện (EV) và pin lithium cung cấp năng lượng. Theo báo cáo gần đây từ Research and Markets, các nhà phân tích của công ty cho biết pin lithium-ion sẽ đạt 165,8 tỉ doanh thu vào năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 15,3%.
Bên cạnh xe điện, nguyên nhân quan trọng khác cho việc gia tăng sử dụng pin lithium-ion nằm ở tốc độ tăng trưởng của sản lượng năng lượng tái tạo, công ty cho biết trong báo cáo. Hiện nay, pin lithium-ion được sử dụng trong toàn bộ mọi thứ từ các thiết bị cầm tay đến hệ thống lưu trữ.
Huayou Cobalt cũng tìm cách mở rộng khi đầu tư vào Indonesia nhằm đảm bảo nguồn tài nguyên cho các vật liệu thô khác trong sản xuất pin xe điện.
Vào tháng 4.2021, công ty ký kết thỏa thuận khung hợp tác với Vale Indonesia, công ty về nickel niêm yết tại Indonesia để phát triển hệ thống ngâm chiết axit áp suất cao (high-pressure acid leaching – HPAL) tại Pomalaa, Nam Sulawesi với giá trị chưa được tiết lộ.
Thỏa thuận này yêu cầu Huayou Cobalt xây dựng dự án HPAL Pomalaa và Vale Indonesia sẽ có quyền mua lại 30% cổ phần trong đó.
Dự án HPAL Pomalaa sẽ xử lý quặng Limonit và Saprolite giá trị thấp từ mỏ của Vale Indonesia tại Pomalaa và sản xuất hỗn hợp kết tủa sulfide, với công suất lên đến 120.000 tấn nickel mỗi năm sử dụng trong pin xe điện.
Trao đổi với Forbes Asia, Bernardus Irmanto – giám đốc tài chính (CFO) của Vale Indonesia cho biết Huayou Cobalt đang chuẩn bị các nghiên cứu (bên cạnh những điều khác) về nguồn điện, cấp nước và quá trình quặng cuối, mà sẽ được thực hiện trong 6 tháng.
Việc khởi công dự án HPAL sẽ bắt đầu vào cuối năm 2022 và dự kiến hoàn thành trong 3 năm.
“Chúng tôi kỳ vọng được hưởng lợi từ quá trình phát triển nhanh chóng của dự án Pomalaa, khi Huayou sẽ tiến hành khoản đầu tư ban đầu,” Bernardus cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ti-phu-trung-quoc-dau-tu-300-trieu-usd-vao-du-an-lithium-o-zimbabwe)
1 năm trước
Taikang Insurance mở rộng đầu tư tại Hoa Kỳ