Danh sách

Tỉ phú Đài Loan giàu lên nhờ sức mạnh của chip

AI và bán dẫn trở thành đòn bẩy giúp các thành viên danh sách 50 người giàu nhất Đài Loan (Trung Quốc) tăng mạnh giá trị tài sản.

Sau năm 2023 đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 1,3%, nền kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) đã tăng đáng kể 6,5% trong quý đầu năm 2024, nhanh nhất trong gần ba năm qua với sức bật từ hoạt động xuất khẩu. Nhờ vậy, chỉ số chứng khoán tại lãnh thổ này lên gần 33,33% kể từ lần gần nhất Forbes thống kê giá trị tài sản cách đây 14 tháng.

Do đó, tổng giá trị tài sản của 50 người giàu nhất Đài Loan (Trung Quốc) năm 2024 tăng lên 174 tỉ đô la Mỹ, so với mức 155 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái.

Danh sách năm nay có 29 thành viên chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng lên, dẫn đến sự thay đổi về trật tự của các vị trí dẫn đầu. Barry Lam, chủ tịch Công ty Quanta Computer sản xuất laptop và máy chủ AI cho các doanh nghiệp như Apple và Google, lần đầu tiên giữ vị trí số một với khối tài sản ròng tăng gấp đôi lên 11,7 tỉ đô la Mỹ.

Ông là thành viên có mức tăng tài sản lớn nhất tính theo cả tỉ lệ phần trăm lẫn đồng đô la, nhờ lợi nhuận thuần của Quanta Computer tăng hơn 33,33% lên 1,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023.

Kết quả tài chính ấn tượng cũng giúp phó chủ tịch kiêm giám đốc C.C. Leung gia nhập danh sách 50 người giàu nhất Đài Loan (Trung Quốc), đứng thứ 42 với giá trị tài sản 1,45 tỉ đô la Mỹ.

Từng dẫn đầu trong năm 2023, anh em Daniel và Richard Tsai đã rơi xuống hạng hai mặc dù khối tài sản tăng 22% lên 10,7 tỉ đô la Mỹ. Tài sản tăng có một phần đến từ khoản đầu tư vào Diamond Biofund, quỹ đầu tư mạo hiểm về công nghệ sinh học (biotech) đã phát hành cổ phiếu từ tháng 9.2023.

Trong khi đó, thành công từ hoạt động kinh doanh máy chủ AI đã thúc đẩy giá cổ phiếu Hon Hai Precision Industry, nhà cung cấp của Apple, tăng lên và giúp nhà sáng lập Terry Gou (Quách Đài Minh) có thêm ba tỉ đô la Mỹ, nâng giá trị tài sản lên 10,4 tỉ đô la Mỹ, ở vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng.

Một số doanh nhân lĩnh vực sản xuất vi xử lý cũng hưởng lợi từ sự bùng nổ của công nghệ AI. Anh em Jason và Richard Chang, những người điều hành Công ty ASE Technology Holding chuyên về gia công và thử nghiệm vi xử lý bán dẫn, ghi nhận tài sản tăng thêm 1,5 tỉ đô la Mỹ lên 7,8 tỉ đô la Mỹ.

Morris Chang, nhà sáng lập của Taiwan Semiconductor Manufacturing, tăng tám bậc lên vị trí thứ 16 với khối tài sản ròng 3,3 tỉ đô la Mỹ.

Một vài lĩnh vực khác lại có kết quả kinh doanh không tốt và đối mặt với khó khăn, khiến giá trị tài sản của hơn 10 thành viên trong danh sách giảm xuống. Trong đó, anh chị em Wei Ing-Chou, Ying-Chiao, Yin-Chun và Yin-Heng rơi từ vị trí thứ hai xuống hạng bảy khi công ty của họ Tingyi, một trong những hãng sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc đại lục, chứng khiến cổ phiếu mất 25% giá trị do nhu cầu giảm.

Nguồn cung sản phẩm hóa dầu cao hơn so với nhu cầu thị trường đã ảnh hưởng đến Lin Shu-hong, đồng sáng lập Chang Chun Group, khi khối tài sản ròng giảm 2,5 tỉ đô la Mỹ xuống còn 5,4 tỉ đô la Mỹ. Đây là mức giảm tài sản lớn nhất tính theo đồng đô la.

Còn thành viên giảm nhiều tài sản nhất theo tỉ lệ phần trăm là anh em Tseng Cheng và Sing-ai, những người sở hữu khối tài sản 2,7 tỉ đô la Mỹ từ Chang Chun Group, tập đoàn do người cha quá cố Tseng Shin-yi đồng sáng lập.

Một trong ba thành viên trở lại danh sách năm nay là Jeffrey Koo Jr. và Angelo Koo, hai anh em lần lượt nắm cổ phần trong CTBC Financial Holding và China Development Financial Holding. Thông tin mới về cổ phần trong CTBC Financial Holding và China Development Financial Holding đã giúp hai anh em này trở lại nhóm những người giàu nhất Đài Loan (Trung Quốc) sau bảy năm vắng bóng, đứng ở các thứ hạng khác nhau.

Có hai thành viên trước đó trong danh sách đã qua đời. Đầu tiên là Shi Wen-long, nhà sáng lập Chimei, một trong những doanh nghiệp sản xuất nhựa lớn nhất châu Á, qua đời vào tháng 11.2023 và báo chí đưa tin ông không để lại tài sản hay bất động sản cho những người thừa kế.

Wu Li-gann, nhà sáng lập công ty sản xuất bo mạch điện tử WUS Printed Circuit (niêm yết cổ phiếu tại Thâm Quyến), qua đời hồi tháng 4.2023 sau khi rời vai trò chủ tịch. Vợ của Wu Li-gann, Chen Mei-fang, người đảm nhận vị trí chủ tịch, đã thay thế chồng góp mặt trong danh sách lần này.

Dẫu giá trị tài sản tối thiểu để lọt vào nhóm những người giàu nhất Đài Loan (Trung Quốc) chỉ nhích nhẹ lên 1,1 tỉ đô la Mỹ, nhưng vẫn có ba thành viên rời khỏi danh sách năm nay. Trong đó có Li Shui-po, chủ tịch Công ty Kinglai Hygienic Materials sản xuất vật liệu đóng gói và sản phẩm thép không gỉ, do ảnh hưởng từ tình trạng sụt giảm nhu cầu dành cho sản phẩm của Kinglai Hygienic Materials.


Bước nhảy vọt của Quanta

Trong một năm qua, động lực tăng trưởng từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã đưa cổ phiếu Quanta Computer chạm mốc cao nhất, giúp nhà đồng sáng lập kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Barry Lam lần đầu tiên giữ danh hiệu người giàu nhất Đài Loan (Trung Quốc).

Thành công của Quanta Computer cũng giúp nhà sáng lập khác, phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm chủ tịch công ty C.C. Leung trở thành “tân binh” trong nhóm 50 người giàu nhất Đài Loan (Trung Quốc). Khối tài sản ròng của Barry Lam và C.C. Leung có giá trị lần lượt 11,7 tỉ đô la Mỹ và 1,45 tỉ đô la Mỹ.

Quanta Computer đang giữ vững vị thế nhà sản xuất máy tính xách tay (laptop) theo hợp đồng hàng đầu thế giới, khi bàn giao hơn 47 triệu thiết bị trong năm 2023. Con số này tương đương với hơn 25% số lượng laptop được sản xuất và bán trên toàn thế giới.

Tuy vậy, nguồn doanh thu lớn nhất của Quanta Computer đến từ mảng kinh doanh điện toán đám mây, bắt đầu hoạt động từ hai thập niên trước, khi đóng góp hơn 45% doanh thu trong năm 2023.

Quanta Computer là công ty dẫn đầu thế giới về máy chủ cho các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây (xét trên doanh thu), với Meta và Google nằm trong danh sách khách hàng. Công ty đang đẩy mạnh sản xuất máy chủ AI dành cho các tác vụ sử dụng nhiều khả năng tính toán.

Trong năm 2023, doanh thu từ việc kinh doanh máy chủ đã giúp lợi nhuận thuần của Quanta Computer đạt 40 tỉ Tân Đài tệ (1,2 tỉ đô la Mỹ), tăng trưởng 37%. Tuy vậy, doanh thu lại giảm 15% xuống 1.100 tỉ Tân Đài tệ (33 tỉ đô la Mỹ) trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ laptop toàn thế giới suy giảm.

Barry Lam và C.C. Leung từng học chung trường cấp ba ở Hong Kong cũng như Đại học Quốc lập Đài Loan – NTU. Tại NTU, Barry Lam tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện và C.C. Leung là cử nhân ngành vật lý. Sau khi tốt nghiệp, cả hai thành lập một công ty điện trước khi đồng sáng lập Quanta Computer vào năm 1988 ở Đào Viên, phía Tây Bắc Đài Loan (Trung Quốc).

Quanta Computer đặt nhà máy ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Trung Quốc đại lục, Bắc Mỹ và châu Âu. Công ty cũng sẽ mở nhà máy mới ở Việt Nam.


Khát khao tăng trưởng

Uni-President Enterprises đang có những chiến lược tăng trưởng đầy tham vọng. Hồi tháng 1.2024, tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực F&B đã đề nghị mua thêm cổ phần của nhà sản xuất đồ uống Hàn Quốc Woongjin Foods để mở rộng danh mục đầu tư.

Thương vụ trên diễn ra theo sau thỏa thuận trị giá 827 triệu đô la Mỹ mua lại đối tác liên doanh để Uni-President Enterprises trở thành chủ sở hữu duy nhất của chuỗi đại siêu thị và cửa hàng bách hóa Carrefour ở Đài Loan (Trung Quốc).

Uni-President Enterprises sẽ mở thêm 15 điểm bán hàng Carrefour ở lãnh thổ này, nâng tổng số cửa hàng từ 314 lên 500.

Uni-President Enterprises cũng là đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất tại Đài Loan (Trung Quốc), sở hữu gần 7.000 cửa hàng 7-Eleven.

Vừa qua, công ty đã khai trương cửa hàng 7-Eleven lớn nhất lãnh thổ này, tại Đài Nam, với diện tích 660m2.

Ghi nhận doanh thu tăng 11% lên 581 tỉ Tân Đài tệ (18 tỉ đô la Mỹ) trong năm 2023, Uni-President Enterprises cũng hướng tới tăng trưởng từ kinh doanh trực tuyến. Vào tháng 3.2024, chủ tịch Alex Lo đã thông báo tới các nhà đầu tư về kế hoạch xây dựng “chiến lược phát triển thương mại điện tử mới, với thỏa thuận mua số trái phiếu chuyển đổi trị giá 25 triệu đô la Mỹ trong Yahoo Đài Loan.”

Alex Lo và vợ Shirley Kao, thành viên hội đồng quản trị Uni-President Enterprises và có người cha quá cố Kao Chin-yen đã đồng sáng lập công ty, ghi nhận khối tài sản chung tăng nhẹ lên 1,3 tỉ đô la Mỹ.


Kế hoạch chuyển giao

Advantech của doanh nhân người Đài Loan (Trung Quốc) K.C. Liu đang trong giai đoạn chuyển giao vai trò lãnh đạo.

Trong năm 2023, K.C. Liu (70 tuổi) thông báo ông sẽ nghỉ hưu sau ba năm nữa và đang tìm kiếm đội ngũ lãnh đạo có chuyên môn để thúc đẩy tăng trưởng của Advantech, công ty phát triển sản phẩm máy tính công nghiệp và phần mềm.

Trong đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào năm 2023, K.C. Liu đã ra mắt ủy ban điều hành đóng vai trò chính đưa ra quyết định quan trọng cho Advantech, bên cạnh ba nhân sự giữ vị trí chủ tịch đã giám sát các mảng kinh doanh chủ chốt của công ty kể từ năm 2017.

Cũng trong đại hội cổ đông, K.C. Liu cho biết con trai út của ông Tony sẽ gia nhập hội đồng quản trị Advantech cùng con cả Wesley nhằm đảm bảo công ty phát triển ổn định về lâu dài. Việc chuyển giao vai trò lãnh đạo tại Advantech diễn ra vào thời điểm công ty báo cáo doanh thu năm 2023 giảm 6% xuống còn 64,6 tỉ Tân Đài tệ (2 tỉ đô la Mỹ) và hạ thêm 20% trong quý 1.2024.

Advantech chỉ ra nguyên nhân đến từ nhu cầu tại phần lớn thị trường sụt giảm. Dẫu vậy, công ty có kế hoạch đưa doanh thu tăng trở lại bằng cách mở rộng hệ thống AI tân tiến hỗ trợ khả năng xử lý của công nghệ IoT (Internet vạn vật), cũng như củng cố quan hệ hợp tác chiến lược với các công ty Qualcomm (đặt tại California) và Nvidia hồi đầu năm nay.

K.C. Liu, người đồng sáng lập Advantech vào năm 1983, ghi nhận khối tài sản ròng tăng lên 1,55 tỉ đô la Mỹ.

——————————————————

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in Forbes Việt Nam số 131/132, tháng 7/8.2024

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ti-phu-dai-loan-giau-len-nho-suc-manh-cua-chip)