Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, với lợi thế về giá thuê đất cạnh tranh và nguồn cung dồi dào, các khu công nghiệp phía Bắc ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư, trở thành điểm đến sáng giá trên thị trường.
Ông John Campbell, giám đốc bộ phận dịch vụ công nghiệp của Savills Việt Nam cho biết, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2024 ước đạt khoảng 39 tỷ USD. Tuy sụt giảm 3% so với năm trước nhưng chuyên gia coi lượng vốn FDI chảy vào Việt Nam vẫn ở mức khả quan.
Đáng chú ý, lĩnh vực sản xuất và chế biến ghi nhận mức tăng 1% so với năm 2023, phản ánh sự ổn định trong thu hút đầu tư công nghiệp. Lĩnh vực sản xuất và chế biến cũng chiếm đến 63% tổng số vốn, đạt 15,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, miền Bắc chiếm tỷ lệ lớn nhất với 59% vốn FDI mới đăng ký vào sản xuất, tương đương 5,3 tỷ USD. Miền Nam chỉ đạt 38%, tương đương 3,4 tỷ USD.
Lý giải cho hiện tượng này, chuyên gia Savills viện dẫn hai yếu tố: giá thuê và nguồn cung. Khảo sát từ Viện kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng cho thấy có sự khác biệt lớn về giá thuê đất giữa hai miền Nam – Bắc. Đến cuối quý IV năm 2024, giá thuê trung bình của các khu công nghiệp ở phía Bắc đạt khoảng 137 USD/m2/kỳ hạn còn lại, trong khi ở phía Nam đạt 175 USD/m2/kỳ hạn còn lại, cao hơn gần 28% so với phía Bắc.
Theo chuyên gia Savills Việt Nam, chênh lệch về giá thuê là một trong những yếu tố khiến nhiều nhà đâu tư cân nhắc để tối ưu chi phí. Không chỉ lợi thế về giá thuê, khu vực phía Bắc còn thu hút sự quan tâm của nguồn vốn FDI có trình độ công nghệ từ tầm trung bình đến cao, có giá trị gia tăng cao như ô tô, máy móc thiết bị, điện tử bán dẫn và năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng sẵn lòng chi nhiều hơn để lựa chọn những khu công nghiệp sinh thái, hướng đến kinh tế tuần hoàn, nhằm đạt được các tiêu chuẩn về vận hành và môi trường cần thiết cho sản phẩm. Trong khi đó, các tỉnh phía Nam chủ yếu thu hút doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, như cao su, nhựa, thực phẩm và nước giải khát vốn có biên lợi nhuận mỏng, gặp áp lực lớn hơn về chi phí mặt bằng.
Một vấn đề đáng quan tâm là chi phí thuê đất trong các khu công nghiệp đã tăng liên tục trong những năm qua, nhưng có sự chênh lệch đáng kể giữa các khu công nghiệp phía Bắc và phía Nam. Theo số liệu từ bộ phận nghiên cứu của CBRE Việt Nam, tại các khu công nghiệp miền Nam, giá thuê đất tăng với tốc độ trung bình khoảng 9,53% mỗi năm, trong khi tại miền Bắc, mức tăng trung bình đạt khoảng 5,07% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2024.
Nguyên nhân giá cho thuê đất khu công nghiệp ở phía Nam tăng nhanh hơn được các chuyên gia xác định là do số lượng các dự án khu công nghiệp đưa vào vận hành trong giai đoạn này thấp hơn kỳ vọng.
Về nguồn cung, trong tương lai, các khu công nghiệp sẽ tiếp tục tập trung phát triển mạnh tại miền Bắc. Sự phân bổ nguồn cung này dự báo sẽ thúc đẩy mạnh hơn xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra phía Bắc trong thời gian tới.
Tính đến ngày 31/12/2024, tất cả 63 địa phương trên cả nước đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, cả nước sẽ có 221 khu công nghiệp quy hoạch phát triển mới đến năm 2030. Miền Bắc dẫn đầu với 130 khu công nghiệp trong quy hoạch, có tổng diện tích khoảng 40.707 hecta. Miền Trung có 52 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 20.262 ha, trong khi miền Nam chỉ có 39 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 11.997 hecta.
Bên cạnh yếu tố nguồn cung và chi phí thuê, hệ thống hạ tầng phát triển cũng góp phần giúp miền Bắc trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Khu kinh tế trọng điểm phía Bắc, gồm Bắc Ninh và Hải Phòng, có lợi thế chiến lược nhờ vị trí gần Trung Quốc và các thị trường Bắc Á. Khu vực này sở hữu khoảng 61% tổng chiều dài đường cao tốc của Việt Nam, trong đó có tuyến cao tốc Lào Cai – Quảng Ninh dài 600 km, giúp kết nối nhanh chóng giữa các khu công nghiệp, Hà Nội và biên giới Trung Quốc.
Cùng với đó, hệ thống cảng biển tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định, cùng với hai sân bay quốc tế Nội Bài và Cát Bi, tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế.
Theo báo cáo bất động sản công nghiệp của Savills, tổng diện tích đất khu công nghiệp đang hoạt động trên cả nước đã đạt hơn 38.200 hecta, tăng 5% so với năm trước. Với những ưu thế rõ ràng và tầm nhìn dài hạn, miền Bắc đang dần trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, hứa hẹn tiếp tục thu hút dòng vốn FDI giá trị cao trong thời gian tới.
4 tháng trước
Mảnh gốm đắt giá Kyocera ở Việt Nam3 năm trước
Intel Products Việt Nam: Bảo chứng đầu tư4 tháng trước
Để không phụ thuộc vào vốn FDI